Đích đến là tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn
015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 2011-2015 của Hà Nội theo Nghị quyết số 06/2011/NQ-HĐND về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 50-55% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Với đích đến là tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội là nhiệm vụ cấp bách để tạo nên các điều kiện bền vững, giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh (HS), đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ.
Giáo viên hướng dẫn học sinh Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thực hành môn vật lý.
Ảnh: Quý Trung
Tập trung nguồn lực
Vài năm gần đây, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được coi là chỉ tiêu pháp lệnh trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, tạo nền tảng cho sự nghiệp “trồng người”. Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, có trường học đạt chuẩn thì mới có đội ngũ cán bộ, giáo viên chuẩn, cơ sở vật chất chuẩn, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn. Đó là các yếu tố cần có để tạo nên các thế hệ HS đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp CNH – HĐH của Thủ đô và đất nước. Với ý nghĩa ấy, Hà Nội đã tích cực tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng trường chuẩn. Lộ trình từng năm, ở từng địa bàn, từng cấp học được vạch rõ, mục tiêu là đến năm 2015 có 50-55% số trường trên toàn thành phố đạt chuẩn.
Video đang HOT
Theo kế hoạch, trung bình mỗi năm Hà Nội xây dựng 100 trường đạt chuẩn, song trong ba năm gần đây, năm nào ngành giáo dục cũng vượt gần 20% so với chỉ tiêu thành phố giao. Tính riêng năm 2014, Hà Nội có thêm 119 trường chuẩn, vượt chỉ tiêu 19 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn của thành phố lên 1.023 trường – đạt tỷ lệ 41,2%.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, kết quả ấy có được nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tập trung mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn ở mọi địa bàn. Mối lo trong việc tìm quỹ đất để mở rộng quy mô trường học tại các quận nội thành đã giảm sau khi thành phố ban hành một số chính sách như nâng tầng trường học, điều chỉnh cách tính diện tích sử dụng của trường chuẩn thay cho diện tích sàn, di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành… Một cuộc tổng rà soát nhu cầu đất xây dựng trường đã được triển khai, ước tính có hơn một trăm héc ta đất tại 12 quận sẽ được dành để xây dựng trường học trong thời gian tới. Bài toán về kinh phí cho các huyện khó khăn cũng đang dần được tháo gỡ khi có sự ưu tiên, hỗ trợ của thành phố, đặc biệt là tại 6 huyện có tỷ lệ trường chuẩn thấp là Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai và Quốc Oai.
Coi trọng cả số lượng và chất lượng
Không chỉ tập trung nguồn lực xây dựng những ngôi trường mới đạt chuẩn, Hà Nội còn quan tâm rà soát, thẩm định lại các trường có nguy cơ “tụt chuẩn”. Đây là những trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2008 trở về trước, nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp, nhiều tiêu chuẩn không còn đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thống kê sơ bộ cho thấy trong năm 2014, toàn thành phố có hơn 400 trường thuộc diện phải thẩm định và gần 2/3 trong số này đã được công nhận lại, số còn lại sẽ được kiểm tra, thẩm định trong năm 2015.
Dù có chút sức ép thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND thành phố giao, song, tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường chuẩn năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, lãnh đạo các đơn vị đều xác định không vì cố đạt mục tiêu mà lơ là khâu chất lượng. Chủ trương chung được thống nhất trong toàn ngành là rà soát kỹ, thẩm định chặt, dứt khoát không công nhận lại đối với những trường không bảo đảm đúng 5 tiêu chuẩn trường chuẩn hiện hành. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết: Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã bổ sung các tiêu chí còn thiếu theo tinh thần đầu tư tập trung, hiệu quả thực chất. Với những đơn vị khó khăn, Sở GD-ĐT sẽ trực tiếp làm việc để tìm cách tháo gỡ, đồng thời tiếp tục tham mưu để thành phố có cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên, quan điểm là các đơn vị phải chủ động, nỗ lực tối đa, Sở GD-ĐT tuyệt đối không chấp nhận việc “nợ” bất kỳ một tiêu chí nào, dù là nhỏ nhất.
Lộ trình để các trường hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu đã được chốt lại là trước ngày 30-6-2015. Giải pháp đã được thống nhất triển khai, trong đó có việc phân lại tuyến tuyển sinh, xây thêm phòng học, trường học đối với tiêu chí chưa đạt chuẩn do vượt sĩ số; đề xuất kinh phí để xóa phòng học cấp 4, ưu tiên bố trí vốn mua sắm thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị tối thiểu đối với tiêu chí chưa đạt do thiếu cơ sở vật chất…
Cùng với việc tăng cường mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng trường chuẩn mới và củng cố chất lượng của trường đã được công nhận đạt chuẩn, năm 2015, Hà Nội còn tập trung triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu là tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực giai đoạn mới.
Theo Baomoi.com
Học sinh trường chuẩn quốc gia lấy bục giảng làm bàn
Trường tiểu học số 1 An Ninh (Quảng Bình) mặc dù được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng thiếu bàn ghế, buộc học sinh trong một số giờ học phải lấy bục giảng làm bàn để ghi bài.
Hiện nay, học sinh phải dùng bục giảng làm bàn để ghi bài tại trường chuẩn quốc gia tiểu học số 1 An Ninh. Sở GD&ĐT Quảng Bình đã yêu cầu Phòng giáo dục huyện Quảng Ninh kiểm tra tình hình thực tế tại trường này.
Các em học sinh ở trường tiểu học số 1 An Ninh phải dùng bục giảng làm bàn trong một số giờ học.
Ông Nguyễn Đức Lý, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh, người trực tiếp đi kiểm tra thừa nhận những gì báo nêu là đúng. Hiện hơn 50% bàn ghế ở trường này không đạt chuẩn, trong đó phòng nhạc chỉ có ghế nhựa mà không có bàn; trường vẫn còn phòng học cấp 4 bị xuống cấp, nhà vệ sinh cũ nát không đúng quy định...
Khi được hỏi, tại sao trường còn thiếu quá nhiều cơ sở vật chất như vậy nhưng vẫn được công nhận trường chuẩn quốc gia, ông Lý phân bua: "Xét theo các tiêu chí của Bộ GD&ĐT thì còn thiếu nhưng công nhận trường chuẩn quốc gia là để động viên phong trào". Ông Lý tiết lộ thêm, nếu chiếu theo tiêu chí cứng của Bộ GD&ĐT, cả tỉnh Quảng Bình không có trường nào có thể đạt chuẩn.
Nói về việc trong một thời gian dài trường tiểu học số 1 An Ninh không được đầu tư nâng cấp, ông Lý cho rằng đây là trách nhiệm của chính quyền xã An Ninh. Theo đó, cách đây 2 năm, huyện có phân bổ cho trường này 45 triệu để xây nhà vệ sinh, tuy nhiên ông Hồ Văn Miến, Chủ tịch xã này đã làm hồ sơ khống nghiệm thu và bị thanh tra phát hiện thu hồi số tiền nói trên vào tài khoản tạm giữ cho đến nay.
"Tôi nghĩ cái xã này cũng lạ! Cứ trường nào thừa bàn ghế là họ cho xe công nông đến chở về trụ sở ủy ban xã không biết để làm gì mà không phân bổ cho những trường khác. Thậm chí, cơn bão số 10 năm 2013, một cây xà cừ cổ thụ trong sân Trường Tiểu học số 1 An Ninh bị đổ, đáng ra nên cưa xẻ để làm bàn ghế, thì xã lại đến cưa về, nói là làm bình hoa cho văn phòng xã" - ông Lý nói.
Theo Zing