Đích đến của giáo dục là gì?
Có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người “ triết lý giáo dục”, “đích đến của giáo dục” vẫn khá mơ hồ.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, chia sẻ quan điểm về triết lý giáo dục.
Một lần, khi đứng lớp giảng chuyên đề “Bàn về sự học”, một học viên bỗng hỏi tôi đầy băn khoăn: “Trong thời buổi bây giờ, em không biết phải dạy con em thành con người ra sao và không biết nhà trường nào có triết lý giáo dục rõ ràng cho con em học đây? Trường công thì có quá nhiều vấn đề, trường tư thì sợ họ chạy theo lợi nhuận, mà trường quốc tế thì lại sợ con mình nó thành… con Tây mất!”.
Những câu hỏi tương tự như thế tiếp tục được đặt ra cho tôi nhiều lần nữa, trong nhiều dịp khác nhau. Đại để giờ không biết dạy con ra sao, dạy trò như thế nào, mỗi trường mỗi kiểu, mỗi thầy mỗi cách, còn mình cũng có kiểu của mình.
Tôi đã trả lời bằng một câu hỏi “Theo anh chị, dạy con để làm gì?”. Họ trả lời “Để làm người”. Tôi hỏi lại “Thế làm người là làm gì?”. Hầu như ai cũng lúng túng và không trả lời được.
Điều đó khiến tôi nhận ra rằng, đã có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người, “triết lý giáo dục”, “đích đến của giáo dục” vẫn còn là cái gì đó khá mơ hồ.
Theo tôi, đi tìm triết lý giáo dục chính là trả lời ba câu hỏi sau: Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo những con người như thế nào? Làm thế nào để tạo ra những con người như vậy?
Câu hỏi dạy con, dạy trò hay chọn trường ở trên thực chất là nỗi trăn trở về câu chuyện: Chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc sẽ là gì, cụ thể như thế nào?
Mỗi người, mỗi nhà, mỗi trường, mỗi quốc gia đều có thể mô tả “chân dung” ấy theo kỳ vọng, nhận thức và cách thức của riêng mình. Cá nhân tôi cho rằng, con người với “nhân tính, quốc tính và cá tính” là đích đến của giáo dục.
“Nhân tính” là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với “con khác”, phân biệt con người với những giống loài khác; khiến con người trở nên khác với muông thú, cỏ cây và máy móc. Đó phải là nhân quyền, nhân bản, nhân văn; là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn, được nhân loại tiến bộ cùng chia sẻ như là “tự do, bình đẳng, bác ái”, hay “chân, thiện, mỹ”, chứ không bị giới hạn hay chi phối bởi những góc nhìn của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay thời đại.
Chúng ta suốt ngày răn dạy con trẻ “học để làm người”, nhưng rốt cuộc “làm người” là… làm gì? Nếu một ngôi trường khiến con trẻ trở thành người dối trá để đạt được thành tích, hay vô cảm với nỗi đau của đồng loại thì liệu ta có thể tin tưởng vào “nhân tính” của ngôi trường ấy chăng!?
Con người với “nhân tính, quốc tính và cá tính” là đích đến của giáo dục.
Video đang HOT
“Cá tính” lại chính là bản thể của mình; là “bề trên” (đức tin), “bề trong” (phẩm giá) và “bề ngoài” (tính cách) của riêng mình; là thứ để phân biệt mình với người khác, khiến mình khác với đồng loại của mình; là cái mà chúng ta muốn đề cập đến khi thốt lên “Tôi muốn được là chính mình!”, “Tôi muốn được sống đúng với lòng mình!”.
Lâu nay chữ “cá tính” thường được hiểu theo nghĩa là một nét dị biệt khác người, cũng như chữ “tự do” hay được hiểu là “muốn làm gì thì làm”. Nhiều cha mẹ ngày nay sẵn sàng cày cuốc sớm hôm để đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con vào những ngôi trường học phí cao chót vót, nơi con “thoải mái thể hiện cá tính không sợ bị ai la rầy”.
Nhưng rồi vẫn có không ít đứa trẻ lớn lên trong sự nổi loạn, hoang mang đi tìm chính mình. Bởi lẽ, cá tính nếu không được xây dựng trên nền tảng của nhân tính thì sẽ trở thành… “quái tính”, cũng như tự do không có văn hóa sẽ trở thành thứ tự do hoang dã. Bởi lẽ, muốn “được là mình” thì trước hết cần “được là người” cái đã.
“Quốc tính” được cấu thành bởi “dân tính” và “tộc tính”. “Dân tính” tức là “năng lực làm dân”, là dân quyền. Còn “tộc tính” có thể được hiểu là “hồn cốt dân tộc”, căn tính quốc gia; là tâm thức về gốc gác; là nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc; là “cái neo văn hóa” của mình trong “chốn năm châu”.
Một đứa trẻ có cha mẹ Việt, sinh ra và lớn lên trên đất Việt, nhưng lại không rành tiếng Việt lắm, thường chỉ thích ăn đồ Tây, không quan tâm cội nguồn dân tộc Việt, ít có nét văn hóa Việt nào trong người thì liệu có thể được coi là một “người Việt”? Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng trên thực tế đang tồn tại không ít trường hợp như thế, như anh học viên của tôi đã mô tả là “con mình thành con Tây” (dù vẫn chỉ là “da vàng mũi tẹt”).
Thế nhưng, trong tính cách của dân tộc nào, bao giờ cũng có cả cái tốt lẫn cái xấu, có cả hủ tục lẫn mỹ tục, vậy thì sẽ lấy cái gì để minh định đâu là “quốc tính” mà ta nên giữ và nên bỏ? Chẳng hạn, từng xảy ra tranh cãi về chuyện chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Nghi lễ ấy đã tồn tại hơn 800 năm, lẽ nào không xứng đáng là “quốc tính”? Nhưng liệu “quốc tính” của người Việt có máu me và bạo lực như thế!?
Từ ví dụ đó, có thể thấy “quốc tính” trong giáo dục cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng “nhân tính”. Nói cách khác, “nhân tính” sẽ là một màng lọc để loại ra những “quốc tính” trái với nó. Một “quốc tính” (dân tính và tộc tính) cho dù ăn sâu bén rễ lâu và sâu đến đâu, nếu đi ngược lại với “nhân tính” sẽ không bao giờ là điều đáng để giữ gìn.
Mọi cải cách giáo dục sẽ lại rơi vào tình trạng sáo mòn và bế tắc, nếu chúng ta (nhà nước, nhà trường, nhà giáo, phụ huynh, học sinh…) không cùng nhau làm rõ được đích đến thực sự của giáo dục là gì. Khi ấy, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ “điểm số cao” nhưng ít tình người, một thế hệ hoang dã mà thiếu cá tính, một thế hệ người Việt mà không phải người Việt, một thế hệ mang danh “công dân toàn cầu” mà không có “tổ quốc”. Bởi lẽ, “công dân toàn cầu” đúng nghĩa sẽ không chỉ có sức vóc, có chuyên môn, mà còn là những con người rất “nhân loại”, rất “dân tộc”, và cũng rất là “chính mình”.
Thế nên, bất kể sự học hay sự dạy nào cũng cần hướng về đích đến “nhân tính, quốc tính và cá tính”. Bởi lẽ, đó chính là đặc tính của một con người tự do, và cũng là đích đến của một nền giáo dục khai phóng.
Ông Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, và Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Ông cũng là Ủy viên Hội đồng Điều hành của Hội Giáo dục So sánh châu Á (CESA), nhà nghiên cứu hợp tác của Đại học Giáo dục Hong Kong (EdUHK) và là thành viên Hội Nghiên cứu Giáo dục quốc gia Mỹ (AERA).Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã vinh danh ông là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” trong vai trò một “Nhà hoạt động giáo dục” năm 2013.
Giản Tư Trung
Theo vnexpress.net
Học phí, chỉ tiêu của một số trường tiểu học VIP ở Hà Nội
Học phí trường Tiểu học Nguyễn Siêu lên tới 7,5 triệu đồng mỗi tháng, trường Ngôi sao Hà Nội là 2,5 triệu.
Tháng 7, các trường tiểu học công lập Hà Nội mới tuyển sinh vào lớp 1. Riêng trường tư, việc tuyển sinh được xúc tiến từ tháng 3-4. Phụ huynh có nhu cầu thì đến trường tìm hiểu, được cấp giấy hẹn tới nghe thông tin tuyển sinh, trong đó nêu rõ triết lý, phương pháp, mục tiêu giáo dục và học phí... Dưới đây là chỉ tiêu, học phí của một số trường tư thục nổi tiếng.
Trường Tiểu học Nguyễn Siêu
Tiểu học Nguyễn Siêu có hai mô hình để học sinh lớp 1 năm học 2018-2019 lựa chọn là Việt Nam hội nhập và Song ngữ quốc tế Cambridge với học phí lần lượt là 6,3 triệu và 7,5 triệu đồng một tháng.
Ngoài ra, học sinh vào lớp 1 sẽ phải đóng các loại phí như phí nhập học 4 triệu đồng, phí tuyển sinh 500 nghìn đồng, phí giữ chỗ 20 triệu đồng. Trong đó, phí tuyển sinh không hoàn lại trong mọi trường hợp, phí giữ chỗ nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh được học chính thức tại trường. Nhà trường sẽ hoàn lại phí giữ chỗ cho cha mẹ bằng cách bù trừ vào học phí từ tháng 10/2018 trở đi và nếu học sinh không đến học tại trường với bất kỳ lý do gì cũng không được hoàn lại phí giữ chỗ đã nộp.
Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội
Năm nay trường tuyển 6 lớp 1. Để vào trường, học sinh phải tham gia buổi gặp mặt và trao đổi với nhà trường, kết quả sẽ được thông báo qua website. Học sinh có thể gửi một video cá nhân thể hiện bản thân (không bắt buộc) để nâng cao khả năng trúng tuyển.
Học phí với học sinh khối 1 năm học 2018-2019 là 2,5 triệu một tháng. Phí hồ sơ là 300.000 đồng và phí ghi danh là 3 triệu đồng. Trong đó phí ghi danh không hoàn trả trong bất kỳ trường hợp nào. Trường hợp học sinh chuyển trường, nếu đã học 5 ngày của tháng đó thì nộp 100% học phí, nếu học ít hơn 5 ngày của tháng đó thì nộp 50% học phí. Tiền ăn được tính trên số ngày học thực tế.
Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trong một kỳ thi toán học. Ảnh: D.T
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm
Đoàn Thị Điểm là trường đầu tiên được xây dựng theo mô hình song ngữ của Hà Nội. Trường gồm hai cơ sở, một ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) và một ở phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm).
Năm học 2018-2019, trường tuyển sinh lớp 1 với gần 500 chỉ tiêu. Trong đó, cơ sở 1 tuyển 13 lớp gồm: một lớp tiếng Pháp với 30 học sinh; 10 lớp tiếng Anh tăng cường với 300 học sinh và hai lớp tiếng Anh quốc tế với 48 học sinh. Cơ sở 2 tuyển 4 lớp tiếng Anh tăng cường với 120 học sinh.
Trường Tiểu học dân lập Lômônôxốp
Trường tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình tuyển học sinh lớp 1 với hệ học hai buổi/ngày (từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần) theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; và chương trình tiếng Anh xây dựng theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ của châu Âu và tăng cường kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài.
Chỉ tiêu tuyển sinh gồm 6 lớp tăng cường tiếng Anh (34-36 học sinh/lớp) và hai lớp tiếng Anh chất lượng cao (28-30 học sinh/lớp). Để đăng ký xét tuyển vào trường, sau khi nộp hồ sơ, con sẽ tham gia chương trình trải nghiệm 2 ngày tại trường với kinh phí là 500 nghìn đồng.
Kết quả sẽ được giáo viên phụ trách lớp trải nghiệm trả lời trực tiếp với phụ huynh vào cuối giờ chiều ngày trải nghiệm thứ hai. Khi nhận kết quả, phụ huynh làm thủ tục đăng ký ghi danh cho con trong vòng một tuần kể từ ngày ghi trên giấy báo. Quá thời hạn nhà trường sẽ hủy kết quả. Nhà trường ưu tiên cho các học sinh làm thủ tục ghi danh sớm cho đến khi hết chỉ tiêu.
Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến
Năm 2018-2019 nhà trường dự định tuyển sinh ba lớp 1, trong đó có một lớp chất lượng cao. Lớp chất lượng cao được bổ sung các tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và học Toán bằng tiếng Anh. Học phí là 1,7 triệu đồng một tháng.
Học sinh muốn vào trường cần có đơn xin nhập học, sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh công chứng, bản khai các đặc điểm, tính cách, điểm mạnh yếu và thói quen cùng kết quả bài kiểm tra IQ đầu vào.
Trường Tiểu học Vinschool
Học sinh muốn đăng ký học tại Vinschool phải vượt qua kỳ dự tuyển do trường tổ chức. Trường có hai hệ là hệ chuẩn Vinschool và hệ Nâng cao. Học phí dành cho học sinh nhập học mới năm học 2018-2019 bậc tiểu học là 6,5 triệu đồng/tháng với hệ chuẩn Vinschool và 12 triệu với hệ Nâng cao.
Ngoài ra, học sinh mới dự tuyển đầu vào Vinschool sẽ phải đóng phí dự tuyển vào hệ chuẩn Vinschool là 1,6 triệu đồng và với hệ nâng cao là 2 triệu đồng.
Trường Tiểu học - THCS Pascal
Để trúng tuyển vào trường, học sinh phải trải qua phần phỏng vấn tiếng Anh và làm bài trắc nghiệm EQ.
Với khối tiểu học, học phí dự kiến dành cho học sinh theo hệ chất lượng cao một ngoại ngữ (tiếng Anh) là 3.990.000 đồng một tháng, hệ chất lượng cao hai ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Đức) là 4,5 triệu đồng, hệ song ngữ là 5,7 triệu đồng.
Dương Tâm
Theo vnexpress.net
Trường công hay trường tư đều phải được đối xử như nhau, cạnh tranh bình đẳng Quan điểm của người đứng đầu ngành giáo dục Đà Nẵng là thông cảm và hiểu cho trường tư, xem sự phát triển của trường tư là sự phát triển giáo dục thành phố. LTS: Trong khi Hà Nội "siết" chặt tuyển sinh ở trường tư thục, gây nhiều khó khăn cho nhà trường và cả phụ huynh, học sinh thì ở Đà...