Dịch COVID-19 tại ASEAN hết ngày 28/3: Trên 7.000 người mắc bệnh, 206 người chết
Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục tăng trong ngày 28/3, đặc biệt là ở Malaysia và Indonesia.
Tính tới hết ngày 28/3, toàn khu vực ASEAN đã có 7.005 người mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 206 người thiệt mạng. Tại ASEAN, Malaysia có số ca nhiễm virus nhiều nhất, còn Indonesia có số ca tử vong cao nhất vì COVID-19.
Biểu đồ so sánh số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở các nước ASEAN (số liệu ngày 28/3):
Biểu đồ so sánh số ca tử vong ở các nước ASEAN (số liệu ngày 28/3):
Số người chết ở Indonesia cao nhất ASEAN
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở tỉnh Riau, Indonesia, ngày 4/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Chính phủ Indonesia, tính đến hết ngày 28/3, số trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 100 người.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của Chính phủ Indonesia – ông Achmad Yurianto – cho biết đã có thêm 15 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 102 người, cao nhất ASEAN. Ông Achmad Yurianto cũng xác nhận thêm 109 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại Indonesia lên con số 1.155.
Thủ đô Jakarta với có khoảng 10 triệu dân là nơi có số tử vong cao nhất trên toàn quốc (62 người).
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Thống đốc Jakarta – ông Anies Baswedan – đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại thủ đô từ ngày 5/4 tới ngày 19/4. Thống đốc Anies cho biết với việc kéo dài tình trạng khẩn cấp, các trường học và các điểm du lịch trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục đóng cửa. Ông cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết và tuân thủ quy định về giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, Thống đốc Anies ngày 20/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Jakarta từ ngày 23/3 đến ngày 5/4. Ông đồng thời hối thúc các doanh nghiệp chuyển sang hình thức cho nhân viên làm việc tại nhà để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, tránh lây nhiễm virus.
Chính phủ Indonesia cũng đã quyết định chuyển đổi tòa cao ốc Wisma Atlet Kemayoran ở trung tâm Jakarta – vốn là nơi lưu trú của các vận động viên tham gia Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) 2018 – thành bệnh viện dã chiến điều trị cho 24.000 bệnh nhân COVID-19.
Nhân viên hội Chữ thập đỏ phun thuốc khử trùng tại trường học ở Jakarta, Indonesia ngày 20/3. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Hãng hàng không AirAsia Indonesia ngày 28/3 thông báo tạm ngừng tất cả các dịch vụ bay từ ngày 1/4 tới. Cụ thể, hãng này sẽ tạm ngừng khai thác tất cả các chuyến bay nội địa trong thời gian từ ngày 1/4 đến 21/4 tới, trong khi các tuyến quốc tế sẽ tạm ngừng từ ngày 1/4 đến 17/5.
Ngày 28/3, một số hiệp hội nhân viên y tế ở Indonesia đã cùng ra tuyên bố chung rằng họ sẽ ngừng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nếu chính phủ không đảm bảo có sẵn thiết bị để bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ y bác sĩ.
Từ ngày 30/3 tới, Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia sẽ rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn 4 giờ mỗi ngày. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm biến động thị trường do tác động của đại dịch COVID-19.
Malaysia đứng đầu khối về ca nhiễm virus
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 14/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia trong vòng 24 giờ qua (tính đến hết ngày 28/3) cũng ghi nhận thêm 159 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.320 người, cao nhất ASEAN
Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca tử vong do COVID-19 tại Malaysia hiện là 27 người, trong khi 320 người đã được điều trị khỏi bệnh và 61 người đã được xuất viện sau khi hoàn toàn hồi phục sức khỏe.
Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur, tiếp đó là bang Selangor kế bên và bang Johor ở miền Nam Malaysia giáp Singapore.
Ngày 18/3 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh như cấm đi lại giữa các khu vực hành chính trên cả nước, yêu cầu đóng cửa các trường học và các cửa hàng. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực đến ngày 14/4 tới.
Thái Lan ghi nhận thêm cả trăm ca nhiễm mới
Kiểm tra thân nhiệt tại hành khách ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 19/3. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 28/3, giới chức Y tế Thái Lan thông báo thêm 109 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và một ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 1.245 ca và 6 ca.
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 Thái Lan (CCSA), ca tử vong mới ghi nhận là một bệnh nhân có tiền sử bệnh phức tạp.
Ngày 27/3, chính phủ nước này đã yêu cầu đóng cửa các địa điểm công cộng và các doanh nghiệp để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời gia hạn những biện pháp đóng cửa hiện có tới cuối tháng 4.
Các tỉnh Narathiwat và Pattani, miền Nam Thái Lan đang bị phong tỏa trong khi nhiều tỉnh khác đã yêu cầu hạn chế giờ mở hoạt động của các cửa hàng tiện ích 24h.
Campuchia phát hiện 4 ca mắc bệnh cùng gia đình
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Sáng 28/3, Bộ Y tế Campuchia công bố đã phát hiện thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 trong cùng một gia đình sống ở thủ đô Phnom Penh, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên con số 102.
Bốn trường hợp nhiễm mới là người trong cùng gia đình gồm bố 64 tuổi, mẹ 61 tuổi, con trai 39 tuổi và con gái 37 tuổi, đều trở về từ Pháp. Một người trong số này về nước ngày 15/3 và ba người còn lại trở về ngày 24/3. Cả 4 người đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Chak Angre Krom ở Phnom Penh.
Cũng trong ngày 28/3, một bệnh nhân nam 64 tuổi ở Phnom Penh và một bệnh nhân 41 tuổi ở tỉnh Banteay Meanchey đã hồi phục, nâng tổng số trường hợp được chữa khỏi COVID-19 ở Campuchia lên 13 người.
Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 23/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào chiều 28/3 thông báo nước này đã có thêm 2 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên thành 8 người.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Lào, ngày 27/3, nước này đã tiến hành xét nghiệm cho 58 trường hợp nghi nhiễm và phát hiện 2 ca dương tính với virus. Trong đó, bệnh nhân mắc COVID-19 số 7 là một nữ công dân Lào, 50 tuổi, sống tại thành phố Luang Prabang và là vợ của một tài xế nhiễm bệnh do chở 1 đoàn khách du lịch châu Âu tại tỉnh này trước đó.
Bệnh nhân nhiễm virus số 8 cũng là một nam công dân Lào, 18 tuổi, sống ở thủ đô Viêng Chăn, người này đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 3 tại Lào. Tính tới ngày 27/3, Lào đã tiến hành xét nghiệm cho 276 trường hợp nghi nhiễm, trong đó có 8 trường hợp cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Singapore ghi nhận thêm 70 ca mới nhiễm SARS-CoV-2
Cảnh báo duy trì khoảng cách ở bến xe buýt tại Singapore. Ảnh: Lê Dương (P/v TTXVN tại Singapore)
Bộ Y tế Singapore ngày 28/3 cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 70 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 802 trường hợp.
Ngày nhiều ca nhiễm và tử vong nhất ở Philippines
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Pasay, Philippines ngày 19/3. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Philippines ngày 28/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 14 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và thêm 272 ca mắc bệnh. Đây là ngày có số ca lây nhiễm và tử vong cao nhất vì COVID-19 tại quốc gia này.
Theo bộ trên, số liệu cập nhật mới nhất nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Philippines lên 1.075 người và số ca tử vong lên 68 người. Trong khi đó, có thêm 4 bệnh nhân đã khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được chữa khỏi lên 35 người.
Tại Việt Nam, tính tới hết ngày 28/3, có thêm 5 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca lên 174. Trong đó, 21 bệnh nhân đã bình phục.
Thùy Dương
Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm chống Covid-19 tại Hội nghị G20
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng để chống dịch Covid-19.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch Covid-19 đã bắt đầu từ 19h đến 21h tối 26/3 (giờ Việt Nam) theo sáng kiến của nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung G20 về ứng phó dịch Covid-19, trong đó thể hiện quyết tâm chính trị, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bao trùm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20. Ảnh: VGP.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch Covid-19 như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia, vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20...
Sự tham dự và chia sẻ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy hợp tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy, Canada. Diễn đàn thành lập vào tháng 9/1999, hiện chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghiên cứu gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội Ngày 24-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (nghị quyết). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, có 24/26 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu...