Dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm thì nền kinh tế “nguy kịch”?
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm thì vấn đề không còn là trầm trọng nữa mà nó trở thành sự nguy kịch của nền kinh tế
Những ngày này, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm riêng để chung tay cùng Chính phủ chống dịch Covid-19. Một báo cáo công phu, đánh giá một cách toàn diện tác động của Covid-19 đến nền kinh tế đã được công bố ngay trong những ngày cách ly toàn xã hội – cũng là cách mà các nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân góp sức cho cuộc chiến chống Covid-19.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối năm, số doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động bình thường chỉ chiếm dưới 10%.
Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta đến nay, thì đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, được nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành phân tích từ khối lượng dữ liệu khổng lồ từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp. Về các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn dịch và hậu Covid-19 được đưa ra trong Báo cáo.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề này:
PV: Thưa ông, Báo cáo tác động của dịch của Covit-19 đến nền kinh tế nước ta đã đưa ra những kịch bản ảnh hưởng như thế nào?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Nhóm nghiên cứu dự báo: Nếu như tình trạng dịch bệnh khống chế được trong tháng 4 này, thì số lượng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động được sẽ chiếm khoảng chừng 50%, và khoảng 30% doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải cắt giảm quy mô và thậm chí đến 1 tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ là phải phá sản.
Nhưng ngược lại, nếu như dịch bệnh mà còn kéo dài đến hết quý 2 thì tác động khó khăn của doanh nghiệp sẽ thay đổi rất lớn, và chúng ta thực hiện giãn cách xã hội, là đình trệ lại tất cả những nguồn cung đầu vào cũng như là tiêu thụ đầu ra, thì số lượng doanh nghiệp mà tiếp tục hoạt động bình thường duy trì được sẽ giảm xuống rất nhanh, chỉ còn khoảng 15%.
Trong khi đó, những doanh nghiệp cắt giảm quy mô tăng lên đến 50% thậm chí là khoảng chừng 7-8% số doanh nghiệp sẽ phá sản. Trầm trọng hơn là nếu như dịch kéo dài đến hết quý 3 và đến cuối năm thì số doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động bình thường chỉ chiếm dưới 10%, trong khi đó, số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tăng lên đến 40%.
PV: Dựa trên những kịch bản như vậy thì Báo cáo có những khuyến nghị giải pháp phản ứng chính sách ra sao cho nền kinh tế, thưa ông?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Báo cáo hướng vào 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất: nếu như chúng ta khống chế được sớm dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng không quá trầm trọng, thì nhóm giải pháp này sẽ hướng vào những giải pháp mang tính chất gọi là hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho người lao động.
Video đang HOT
Ngược lại, nếu như tình trạng dịch bệnh kéo dài cho đến cuối năm vấn đề không còn là chỉ trầm trọng nữa mà nó trở thành sự nguy kịch của nền kinh tế, bởi vì số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ tăng lên. Trong trường hợp đấy thì nhóm giải pháp lúc đó không chỉ còn lại hỗ trợ mà phải chuyển sang là những giải pháp để giải cứu cho doanh nghiệp, giải cứu nền kinh tế.
PV: Theo đánh giá của ông, cần phải chú ý vào những điểm gì để mà triển khai có hiệu quả các giải pháp, cũng như các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, thưa ông?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Muốn làm được việc hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng thì tôi cho rằng, việc đầu tiên là chúng ta phải đưa ra được các bộ tiêu chí đánh giá lựa chọn xem đối tượng doanh nghiệp nào, đối tượng cá nhân nào là đối tượng được hỗ trợ.
Bộ tiêu chí này phải được công khai rất minh bạch và phải có được khả năng lượng hóa các tiêu chí đó, để cho mỗi một người dân, mỗi một doanh nghiệp căn cứ vào những tiêu chí đó, xem xem mình có đủ tiêu chuẩn, có đúng tiêu chuẩn được hỗ trợ hay không?!
Và khi người ta thấy rằng mình có đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng hỗ trợ thì bản thân những người dân và doanh nghiệp sẽ tự kê khai, tự cung cấp các minh chứng cho những cơ quan phụ trách về các hoạt động cứu trợ này. Ví dụ như doanh nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng, muốn được giãn nợ, giảm lãi suất thì nộp hồ sơ đó cho các ngân hàng có quan hệ với doanh nghiệp.
Những ngân hàng này ngay lập tức dựa trên bộ hồ sơ đó sẽ thực hiện ngay các chính sách về ưu đãi nguồn vốn, ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp. Hoặc người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ đó cho cơ quan thuế thì cơ quan thuế dựa vào các thông tin đó, sẽ thực hiện các chính sách như giảm thuế, hoãn thuế, lùi các khoản nghĩa vụ đóng góp, cũng như các cơ quan bảo hiểm xã hội… Khi đấy thì về mặt thủ tục hành chính sẽ không phức tạp, không có gì gọi là xét duyệt – “xin cho”.
Tôi cho rằng chúng ta phải kết hợp một cách đồng bộ các chính sách. Đặc biệt ở đây tôi cho rằng những yếu tố đưa ra là công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ thì chúng ta sẽ đảm bảo rằng các biện pháp về hỗ trợ sẽ thực hiện đúng đối tượng và nó không bị trùng lặp.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Trung Hiếu
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến tháng 6, chỉ còn 15% doanh nghiệp duy trì được hoạt động
Theo khảo sát ý kiến 510 doanh nghiệp của nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân, có đên 93,9% các doanh nghiệp điêu tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đên hoạt động sản xuât kinh doanh.
Số lượng, quy mô doanh nghiệp suy giảm kéo theo lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng
Theo Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế do Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, có 16.151 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ, trong khi đã có 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính đến 20/03, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 02/2020 là 10%).
Nếu ước tính số lao động bình quân một doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.
Thống kê trong tháng 2/2020 đã cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).
Kết quả từ cuộc khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Các giải pháp doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều hành động nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch bệnh càng kéo dài, khả năng phá sản của các doanh nghiệp càng cao.
Cụ thể, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; có 18,1% phải tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản.
Phản ứng với các doanh nghiệp với các kịch bản Covid-19.
Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động; 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm quy mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sảnsẽ tăng cao, lên mức 19,3% nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9/2020 và 39,3% nếu dịch kéo dài đến hết năm nay.
Phản hồi của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ
Trong nỗ lực giải cứu các doanh nghiệp và người lao động khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh, ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT- TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Trên cơ sở tổng hợp các giải pháp, chính sách mà chính phủ đã và sẽ ban hành, nhóm chuyên gia đã đề nghị các doanh nghiệp xếp hạng mức độ cần thiết của từng chính sách nhằm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, với 1 là điểm cần thiết nhất.
Các chính sách được các doanh nghiệp đánh giá mức độ cần thiết cao lần lượt lần lượt là miễn, giảm lãi phí ngân hàng (2,51 điểm); hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (2,6) điểm); và cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ (2,66 điểm).
Phản hồi của doanh nghiệp về các giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất.
Các chính sách còn lại, bao gồm: tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn (2,78 điểm), không tăng chi phí điện, nước (2,9 điểm) và rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (3,08 điểm).
Theo các chuyên gia, đây là những chính sách cần thiết giúp giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khắc phục những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.
Nhìn chung, các chính sách ở trên đều được các doanh nghiệp đánh giá cao vì điểm trung bình về mức độ cần thiết của từng chính sách đều thấp hơn mức trung bình chung là 3,5. Tuy nhiên, dường như chưa có chính sách nào vượt trội hơn cả nhằm đáp ứng nhu cầu của số đông doanh nghiệp do không có chính sách nào đạt số điểm trung bình dưới 2.
Quỳnh Lê
Dịch Covid-19 tác động thế nào đối với nền kinh tế? Ngày 3-4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố báo cáo "Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách". Báo cáo này do nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành thực hiện, phân tích khối lượng dữ liệu lớn từ các bộ, ngành của Việt Nam,...