Đi tìm chìa khóa cho giáo dục
Nhiều nhà giáo dục cho rằng giống như cách “đổi mới tư duy” tạo nên những bước ngoặt cho nền kinh tế vào cuối thế kỷ 20, nền giáo dục đang cần một sự thay đổi bắt đầu từ việc xác định triết lý giáo dục.
Với cái nhìn phản biện của nhiều nhà giáo dục và trí thức nói chung thì việc thực nghiệm, đổi mới giáo dục làm nhiều nhưng không đạt kết quả như mong muốn đều do nền giáo dục VN thiếu hẳn một triết lý. Những bất cập trong giáo dục gây bức xúc dư luận những năm qua như việc chạy đua thành tích ảo, tiêu cực thi cử, tiêu cực trong giáo giới, trào lưu chạy theo bằng cấp… đều là hệ lụy của một nền giáo dục thiếu triết lý.
Cần một định chế mới
Theo TS Trần Hữu Quang, Viện Xã hội học TP.HCM, đến lúc cần đặt ra câu hỏi ai là chủ thể của hoạt động giảng dạy? Rõ ràng ở đây chủ thể dạy học là người thầy giáo chứ không phải bộ, sở giáo dục. Sự không rõ ràng này dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước làm thay công việc của người thầy, khiến nền giáo dục hình thành mối quan hệ nặng nề giữa cấp trên với cấp dưới.
Về điều này cũng có không ít nhà giáo dục cho rằng hoạt động dạy học đang bị bó buộc trong một định chế đầy tính lệ thuộc, tàn dư của thời bao cấp. Định chế đó chi phối đến tất cả các khâu, trong đó có mục tiêu hay còn gọi là triết lý giáo dục. Mọi quy định từ nội dung, chương trình, thi cử đều mang tính áp đặt từ trên xuống chứ không phải vấn đề được các chủ thể là thầy – trò quyết định. Quan hệ thầy – trò trở thành quan hệ của quyền lực chứ không phải quan hệ đồng hành, hướng dẫn, gợi mở…
Học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục, quyền chủ động của giáo viên và quyền của người học đóng góp vào quá trình thực hiện hoạt động giáo dục hiện nay chưa được đảm bảo bằng những chính sách rõ ràng, khả thi, dẫn đến những hạn chế, bất cập”. Dân chủ trong hoạt động dạy học, theo GS Thuyết, là thể hiện “sự khai phóng, cởi mở về tư tưởng, tạo điều kiện cho người học sáng tạo, phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình”. Và “có khai phóng thì giáo dục và xã hội mới tạo ra những lớp người dám nghĩ, dám làm” – GS Thuyết nhấn mạnh.
Video đang HOT
Và triết lý “dạy làm người”
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, cho rằng cốt lõi cần được nhấn mạnh hiện nay là “dạy và học làm người – làm người lương thiện và công dân có trách nhiệm”. “Xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người VN là nhiệm vụ số một, là sứ mạng không thể thoái thác của nhà trường, trước hết là nhà trường phổ thông – nền móng của cả hệ thống giáo dục” – bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Triết lý “dạy làm người” là quan điểm được nhiều nhà giáo dục đồng tình. Nhưng theo GS Hoàng Tụy: “Nhà trường nào cũng đề cập việc dạy kiến thức đi đôi với dạy người”. Vấn đề cần bàn ở đây là “dạy thanh thiếu niên thành người thế nào?”. Đây sẽ là sự khác biệt giữa mục tiêu giáo dục lạc hậu và mục tiêu mới cần thiết lập cho giai đoạn sắp tới.
Trong một cuộc tọa đàm bàn về triết lý giáo dục, GS Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Muốn xây dựng triết lý giáo dục, có năm vấn đề cần được hiểu rõ: hiểu con người VN, hiểu lịch sử giáo dục VN, hiểu xu thế thế giới, hiểu những yêu cầu của đất nước đối với giáo dục, hiểu những yếu tố tác động đến giáo dục VN như thế nào.
Cũng với quan điểm “dạy làm người”, GS Phạm Minh Hạc đã dành sáu tháng để viết một cuốn sách về Triết lý giáo dục VN và thế giới, trong đó ông nhấn mạnh triết lý “đề cao giá trị bản thân” mà giáo dục VN nên hướng tới. GS Phạm Minh Hạc đề xuất: “Triết lý giáo dục mà tôi suy nghĩ đến được biểu đạt là “xây dựng nền giáo dục nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân ở người học”. Trong đó, tư tưởng cốt lõi của triết lý giáo dục nhân văn là hình thành ở người học tình yêu con người, coi trọng năng lực thực của mình. Nền giáo dục thực học là đào tạo những con người lao động có tay nghề, có năng lực sống thực…
PGS Trần Kiều, Viện Khoa học giáo dục VN, nhấn mạnh giáo dục phổ thông phải là nền tảng để “định hướng cho việc hình thành nhân cách của một lớp người trong giai đoạn lịch sử nhất định”, bao gồm hệ thống các phẩm chất và năng lực cần thiết. Cụ thể là mục tiêu giáo dục phải hướng đến giáo dục tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân, tính tự chủ, biết khoan dung, chia sẻ và biết hợp tác trong công việc. Giáo dục phải hình thành được năng lực sáng tạo, năng lực tự học, năng lực thu thập xử lý thông tin, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp…
Theo tuổi trẻ
Giới trẻ đang thay đổi thói quen đọc
Giới trẻ tại nhiều nước trên thế giới đang mất dần thói quen đọc sách. Việc cập nhật tình hình của bạn bè trên Facebook có vẻ hấp dẫn hơn việc lật từng trang sách để khám phá sự bí ẩn của tri thức.
Theo một nghiên cứu xã hội học mới đây của Anh do tổ chức National Literacy Trust (NLT) tiến hành, cứ sáu thiếu niên Anh thì có một em không đọc bất cứ cuốn sách nào trong vòng một tháng. Nguyên nhân của điều này được các nhà giáo dục cho là do sự xuất hiện của các trang mạng xã hội đang rất thịnh hành trên thế giới như Facebook hay Twitter, bên cạnh đó là các chương trình gameshow trên truyền hình và các trò chơi điện tử mới mẻ liên tục ra đời.
Những em không thích đọc sách đã thú nhận rằng các em cảm thấy xấu hổ khi bạn bè nhìn thấy mình đọc sách, bởi các em sợ bị mọi người nghĩ là mọt sách và học gạo để đạt điểm tốt.
Nghiên cứu này tiến hành đối với 21.000 trẻ ở độ tuổi từ 8-17 và kết quả cho thấy đa số các em (54%) chỉ đọc một loại sách duy nhất là sách giáo khoa ở trường học.
Giám đốc của tổ chức NLT, ông Jonathan Douglas, chia sẻ: "Khơi gợi niềm yêu thích đọc sách đối với các em là cách để cuộc sống các em phong phú hơn, tương lai các em có nhiều cơ hội hơn và nuôi dưỡng khát vọng trong mỗi mầm non. Nhưng hiện nay các em chỉ quan tâm tới việc cập nhật tình hình của bạn bè qua Facebook mà quên đi niềm vui khi lật từng trang sách và sự bí ẩn thú vị mà mỗi cuốn sách mang lại."
Xu hướng ít đọc sách tăng dần theo độ tuổi. "Thật đáng lo ngại vì những em này sẽ lớn lên mà không có chút cảm hứng nào với văn chương nghệ thuật. Thói quen đọc sách của nhiều em dường như chững lại ở độ tuổi 11 khi các em kết thúc bậc tiểu học."
Các chuyên gia Anh nhận thấy tình trạng lười đọc sách ở giới trẻ là một thực trạng mà nền giáo dục của nhiều nước đang gặp phải bởi thế giới ngày nay đang thay đổi quá nhanh. Xã hội vận động và người lớn cũng không nên quá cứng nhắc bắt các em đọc những tác phẩm lớn đã quá xa với thời đại của các em, văn học cần dịch chuyển theo thời gian và những biến đổi trong cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh, ông Michael Gove, từng có ý kiến đề xuất rằng mỗi trẻ em Anh bắt đầu từ độ tuổi 11 cần đọc tối thiểu 50 cuốn sách một năm, nhưng theo con số thống kê mới đây, có lẽ con số này rất khó trở thành hiện thực.
Các em đang quay lưng lại với việc đọc, kể cả đọc tạp chí và "lướt" các trang web phục vụ học tập.
Claire Tomalin, một nhà sử học nhận định tình trạng học sinh bây giờ có khả năng tập trung kém chính là bởi các em không đọc nổi những tác phẩm lớn.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Stifung Lesen (tổ chức làm nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc tại Đức) vừa qua đã phối hợp với Bộ Giáo dục của nước này để tổ chức hội thảo bàn về sự phát triển của thói quen đọc sách trong tương lai.
Các chuyên gia tại hội thảo đã khẳng định việc đọc sách trong thời đại hiện nay cần được hiểu một cách linh hoạt. Chắc chắn con người trong tương lai vẫn sẽ giữ thói quen đọc sách nhưng theo những cách mới mẻ và việc đọc các ấn bản in sẽ ít dần.
Những phương tiện hỗ trợ việc đọc trên máy tính và điện thoại sẽ giúp mở rộng khái niệm đọc sách. Thực chất, trong thời đại hiện nay, con người đọc nhiều hơn bao giờ hết, thu lượm một khối lượng thông tin khổng lồ một cách có ý thức và cả vô thức. Tuy vậy, không phải hoạt động đọc nào cũng được đánh giá là có cùng bản chất với đọc sách, ví dụ như đọc thông tin từ các trang mạng xã hội.
Nhưng cách đánh giá này trong tương lai sẽ cần phải thay đổi, việc đọc sách bằng các phương tiện công nghệ sẽ sánh cùng đẳng cấp với đọc sách in và dần dần phương pháp đọc này sẽ trở nên áp đảo các ấn bản thông thường.
Hồ Bích Ngọc
Theo dân trí
Điều gì đang xảy ra với hệ thống giáo dục Ấn Độ? Mặc dù số lượng các trường cao đẳng, đại học ở Ấn Độ đang tăng mạnh nhưng chất lượng lại đi xuống. Tại sao lại như vậy? Có thể nói, Ấn Độ là nước có nền giáo dục lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Trường đại học Nalanda ở Ấn Độ đã thu hút sinh viên từ khắp nơi trên...