Đi sửa laptop dễ bị “luộc” đồ
Laptop đem sửa bị “luộc” linh kiện
Đem chiếc laptop bị hỏng ra trung tâm Acer để kiểm tra, chị Lý Thiên Kim (Tp. HCM) được báo là máy chị bị hư main board. Tuy nhiên, để tiết kiệm, chị đem máy tới một cửa hàng tư nhân để thay. Tại đây, nhân viên cửa hàng thông báo cho chị máy chị bị hư VGA và cần để máy lại để sửa chữa. Sau 3 tuần vẫn không sửa được và cửa hàng đã trả máy cho chị. Chị Kim cho biết, chị không kiểm tra máy trước và sau khi kí gửi máy tại trung tâm sửa chữa này.
Ram, HDD, chip… dễ bị tráo đổi khi đem laptop đi sửa tại những cửa hàng mờ ám.Ảnh minh họa: HM
Sau đó, chị đem máy quay trở lại trung tâm của Acer. Để máy lại hai tuần, trung tâm Acer thông báo cho chị: thiếu nhiều ốc vít, các bộ phận của máy đã hư gần hết, tiền thay mới đã gần bằng với tiền mua máy mới. Chị đem máy về nhà xem xét thì thấy CPU dường như đã bị thay thế, card VGA đã cũ, không còn như lúc ban đầu.
Anh Nguyễn Văn Thức (Cổ Nhuế, Hà Nội, 090541xxxx) đem laptop Dell P4 2.66 đi cài lại windows. Khi viết phiếu biên nhận, cửa hàng ghi rõ trong bios, ram 512 Mb. Nhưng mấy ngày sau tới nhận máy, test lại cấu hình, anh thấy ram chỉ còn 256 Mb. Anh báo lại cho cửa hàng để nhân viên kiểm tra. Sau vài ngày, nhân viên cửa hàng giải thích sẽ up Bios để máy nhận thanh ram đó là 512 Mb.
Anh Đức (Đội Cấn, Ba Đình) cũng từng phản ánh đến VietNamNet việc đưa 2 chiếc máy tính xách tay tới một bệnh viện laptop để sửa chữa nhưng không ngờ 2 “con chip” của máy đã lặng lẽ biến mất. Thay vào đó là 2 “con chip” có cấu hình thấp hơn “chip” cũ…
Mách nước chống “luộc đồ” máy tính
Ông Trần Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm cứu hộ máy tính 911 (Hà Nội), tư vấn, khi mang máy đi sửa chữa, khách hàng phải yêu cầu nhân viên kỹ thuật hoặc lễ tân viết phiếu phát sinh sự cố, ghi lại cấu hình máy có cả số serial của từng bộ phận, thời gian giao nhận cùng thông tin khách hàng… Tất cả phải có chữ ký của nơi sửa chữa và giao một bản sao cho khách giữ. Điều này giúp khách yên tâm là thiết bị của mình không bị tráo đổi, đồng thời đề phòng trường hợp khách thắc mắc về vấn đề linh kiện.
Anh Hoàng, một người đã từng là nạn nhân bị luộc linh kiện laptop chia sẻ: Nếu không rành về máy tính cũng như không có người quen am hiểu về kĩ thuật thì tốt nhất, người dùng nên đem đến trung tâm bảo hành chính hãng, giá đắt nhưng an tâm vì chất lượng đảm bảo.
Nếu quen người rành về phần cứng máy thì nhờ kiểm tra máy trước và sau khi sửa (nên đi cùng đến nơi sửa và cùng kiểm tra với nhân viên kỹ thuật).
Khi máy bị hỏng HDD hay ổ CD hay RAM… thì chỉ nên tháo mỗi thành phần này ra và đen đi sửa. Tránh trường hợp bê nguyên cả máy ra tiệm trong khi chỉ bị “chai” pin.
Khi kí vào linh kiện thì nên kí theo kiểu giáp lai giữa linh kiện này với linh kiện khác hoặc giữa linh kiện và tem. Người dùng cũng cần yêu cầu được báo lỗi và giá trước khi sửa.
Giám đốc một trung tâm sửa chữa máy tính cho biết: Đối với những nơi nghiêm túc thì nhân viên nhận máy và tháo rời từng vị trí trước mặt khách hàng và hướng dẫn cho khách hàng biết những con số quan trọng của linh kiện như: 512MB, 160GB, hoặc chữ DVDRW vv… Cuối cùng, biên nhận gửi sửa chữa phải trùng khớp với các con số trên. Với trường hợp khó nhận biết thì ghi thêm các mã số, ký hiệu.