‘Đi học quá sớm, con tôi sáng nào đến trường cũng ngáp ngắn ngáp dài’
‘Tôi không hiểu tại sao các trường công lập lại ấn định giờ vào học quá sớm, 7h vào học và 10h30 đã về. Con tôi sáng nào cũng đến trường trong bộ dạng ngáp ngắn ngáp dài’.
Nhiều trường ở TP.HCM từ 6h30 học sinh đã có mặt tại trường – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là tâm sự của anh H.V., phụ huynh có con học lớp 1 ở P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Không chỉ anh V., những ngày qua báo Tuổi Trẻ nhận được khá nhiều email, điện thoại của phụ huynh học sinh ở TP.HCM phản ảnh việc 7h học sinh đã vào học tiết 1 là quá sớm, thậm chí có trường còn bắt học sinh có mặt lúc 6h45. Nhiều em nhà ở xa trường phải dậy từ 5h30 mới kịp ăn sáng rồi đi học.
Trong khi đó, các trường tư thục, trường quốc tế thì khác hẳn: 8h mới vào học.
Dậy từ 5h mới kịp
Anh V. cho biết: “Trẻ 6 tuổi rất ham ngủ và không quen dậy sớm nhưng vợ chồng tôi phải gọi con dậy từ 6h sáng để con đi học đúng giờ. Công đoạn gọi con thì “trần ai khoai củ”, nhiều hôm làm đủ cách mà cháu vẫn không thể tỉnh táo, tôi đành bế con ra xe rồi nhờ mẹ cháu ngồi phía sau ôm con để khỏi bị ngã.
Mà tình trạng như gia đình tôi không phải ít. Thế nên tôi cứ ước ao phải chi nhà trường tiểu học ấn định giờ vào học trễ hơn thì các học sinh sẽ được ngủ đủ giấc.
Hiện tại, trẻ lớp 1 phải có mặt tại trường lúc 7h và ra về lúc 10h30. Thế thì tại sao không cho các bé vào học lúc 7h30 hoặc 8h rồi ra về lúc 11h hoặc 11h30 – khung giờ này cũng phù hợp với thời gian đi làm của phụ huynh?”.
Chị Th., phụ huynh lớp 6 Trường THCS Gò Vấp, phản ảnh: “Tại sao trường công lập lại cho học sinh vào học quá sớm như vậy, rất khổ cho phụ huynh và học sinh. Đã vậy, trường của con tôi còn yêu cầu 6h45 học sinh phải có mặt tại trường để 7h vào học”.
Có lẽ vì lý do giờ vào học sớm nên các “điểm đen” về giao thông cũng kẹt xe từ rất sớm. Tiêu biểu trong số đó là cầu Chánh Hưng (Q.8, TP.HCM).
Bà Mỹ Anh (50 tuổi) – bán bánh mì bên đường Phạm Hùng (Q.8, TP.HCM), cách chân cầu Chánh Hưng khoảng 50m – cho rằng chuyện kẹt xe trên cầu là bình thường, nhưng xe máy nối đuôi nhau xếp hàng dài từ sáng sớm 6h thì phần lớn đều là học sinh được phụ huynh chở đến trường.
Trong bán kính 2 cây số quanh cầu có nhiều trường học, hầu hết đều quy định giờ đóng cổng là 6h45-7h. Ngay dưới chân cầu là Trường THPT Lương Văn Can, xa hơn lần lượt là các trường: THCS Chánh Hưng, TH Hưng Phú, TH Lý Nhân Tông, TH Huỳnh Kiến Hoa, THPT Trần Khai Nguyên…
Bà Mỹ Anh nói: “Tôi thấy nhiều nhà sợ kẹt xe nên 5h30 đã dắt nhau đi học cho khỏe”.
Chị Hoàng Thị Minh Trân (Q.8) – có con đang học Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) – chia sẻ mỗi ngày phải kêu con dậy từ 5h mới kịp chuẩn bị mọi thứ từ vệ sinh cá nhân, thay đồ đến ăn sáng.
Chị nói theo kinh nghiệm, để đến 6h15 mới ra khỏi nhà là y như rằng phải “lết” từng bước trên cầu rất mệt mỏi.
“Có hôm con tôi ngủ quên không ăn ở nhà kịp, tôi mua cho nó cái bánh và hộp sữa vừa đi vừa ăn, đi năm cây số tới trường là xong xuôi để kịp vô học” – chị Trân nói.
Từ sáng sớm, phụ huynh đã phải tất tả đưa con tới trường – Ảnh: NH.HÙNG
Sợ kẹt xe!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Thủy – trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp – cho biết: “Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng không sớm hơn 7h15; học sinh tiểu học học 1 buổi/ngày, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng trong khoảng 7h15 – 7h30.
Tuy nhiên, do đặc thù của Q.Gò Vấp là đông dân, buổi sáng và chiều thường xảy ra tình trạng kẹt xe tại nhiều tuyến đường nên một số trường tiểu học đành phải ấn định thời gian vào học sớm hơn quy định của Sở GD-ĐT để tránh kẹt xe”.
Thầy Lưu Thành Trung – hiệu trưởng Trường TH Lê Thị Hồng Gấm, P.13, Q.Gò Vấp – thông tin: “Trường chúng tôi nằm trong khu vực có rất nhiều trường học, các tuyến đường lân cận trường thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe.
Trong vòng bán kính khoảng 3km mà tôi đếm sơ sơ có đến 8 trường học: TH Lê Văn Thọ, Phan Chu Trinh, Lê Thị Hồng Gấm; THCS Nguyễn Trãi, Phan Tây Hồ; mầm non Mỹ Sơn, Mai Khôi, Sen Hồng”.
Thầy Trung cho hay: “Năm trước, khi trường chúng tôi được sử dụng 2 cơ sở vẫn cố gắng giữ giờ vào học là 7h15. Năm nay cơ sở 2 của nhà trường đang được sửa chữa. Tất cả học sinh dồn về học tại cơ sở 1 nên việc ấn định giờ vào học cũng rất đau đầu.
Để tránh trùng giờ đưa con đi học của phụ huynh Trường mầm non Sen Hồng kế bên trường, chúng tôi đề nghị học sinh lớp 4, 5 có mặt tại trường lúc 6h45, vào học lúc 7h; học sinh lớp 1 có mặt lúc 7h, vào học lúc 7h10 để tránh ùn tắc trước cổng trường nói riêng và đường Phạm Văn Chiêu nói chung”.
Dậy sớm vì học trái tuyến
Đặc thù của trường công lập là không phải 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Thế nên giờ vào học cũng không dễ tính toán như trường quốc tế.
Cá nhân tôi thấy rằng các trường thường hay xảy ra tình trạng kẹt xe xung quanh trường bởi 2 lý do. Thứ nhất là trường nằm ở khu vực đông dân cư, nhiều trường học nằm gần nhau.
Thứ hai là trường chịu áp lực quá tải về số lượng học sinh. Như trường tôi mặc dù trú đóng ở quận 1 nhưng rất nhiều phụ huynh nhà ở quận 4, 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận… cũng xin cho con vào học. Thế nên 7h vào học tiết 1 là rất áp lực đối với những học sinh ở xa.
Nếu học sinh ở quận 1 có thể dậy từ 6h15 rồi đến trường thì học sinh ở Thủ Đức có khi phải dậy từ 5h hoặc 5h15 mới kịp đi học.
Giải pháp cho vấn đề này là giãn khoảng cách trú đóng của các trường (không nằm gần nhau) và giảm bớt tình trạng học trái tuyến để các trường không phải nhận quá nhiều học sinh.
Một giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM
Nhiều trường tư vào học từ 8h
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện TP.HCM có khá nhiều trường tư thục, trường quốc tế ấn định giờ vào học là 8h sáng như Trường quốc tế Úc, Trường phổ thông song ngữ quốc tế Wellspring Saigon, Vinschool, Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS)…
TS Nguyễn Thị Thu Huyền – phó hiệu trưởng VFIS – cho biết mỗi ngày trường bắt đầu đón học sinh từ 7h30-8h, trong đó hơn 50% học sinh đến trường bằng xe buýt. Thời gian được tính toán để các xe có thể đón hết học sinh trong khi các em vẫn kịp ăn bữa sáng tại nhà.
Từ 8h-8h10, học sinh được giáo viên điểm lại các vấn đề chính trong ngày cần thực hiện, thông báo những lưu ý quan trọng. Điều này cũng giúp các bạn gặp trục trặc đến trễ có thể vào bài giảng kịp giờ.
Xu hướng các nước: học sau 8h
Tại Úc, học sinh nhiều bang thường học lúc 8h30-9h sáng và kết thúc vào 15h-15h30. Giữa buổi sáng và chiều, học sinh ăn trưa tại trường và có thời gian ngắn nghỉ ngơi. Nhiều trường tổ chức các hoạt động, câu lạc bộ sau giờ học để thuận tiện cho phụ huynh đón con sau giờ làm.
Học sinh Phần Lan bắt đầu ngày học lúc 8-9h tùy từng vùng và kết thúc sớm từ 1-2h chiều. Cứ sau 45 phút học, các em được nghỉ 15 phút. Tại Singapore, nhiều trường chủ động điều chỉnh giờ vào học muộn hơn.
Điển hình, Trường trung học Nữ sinh Nanyang điều chỉnh giờ học sang 8h15 thay vì 7h30. Ông Muhammad Imran – giáo viên nhà trường – cho rằng thay đổi trên làm học sinh cảm thấy nhiều năng lượng hơn, không khí học tập sôi động hơn và gần như không còn hiện tượng ngủ gật vào sáng sớm.
Buổi trưa, giờ ăn ở các trường học tại Nhật thường bắt đầu vào 12h30, kéo dài 40-45 phút. Sau bữa trưa, học sinh không ngủ trưa mà quay lại lớp chuẩn bị buổi học chiều bắt đầu từ 13h15. Lớp học kết thúc từ 15h-17h tùy từng cấp học.
Ở Anh, giờ ăn trưa kéo dài khoảng một tiếng từ 12h. Khi ăn xong, học sinh có thể chơi đùa hoặc tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt trong khuôn viên trường.
TRỌNG NHÂN
Thí sinh dự đoán gì về đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ?
Sáng nay, khoảng 74.000 thí sinh tại TP.HCM chính thức bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn ngữ văn.
Thí sinh tự tin bước vào thi môn ngữ văn- môn thi đầu tiên- kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - BÍCH THANH
Tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), thí sinh đến khá sớm. 6 giờ 15, thí sinh của các trường THPT khu vực Q.5 đã tập trung làm các thao tác phòng chống dịch như đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và kiểm tra lại vị trí phòng thi của mình tại khu vực hướng dẫn trước khi vào thi môn ngữ văn.
Thí sinh Nguyễn Thảo Nhi cho biết, dù đã ôn tập và chuẩn bị bài khá kỹ theo hướng dẫn của thầy cô nhưng khá hồi hộp trước giờ thi môn ngữ văn vì là môn thi đầu tiên. "Tuy nhiên, theo suy nghĩ của bản thân em thì có thể đề thi năm nay sẽ không khó như những năm trước do việc học bị gián đoạn vì dịch Covid-19", Bảo Nhi nhận định.
Cũng với tâm trạng hồi hộp nhưng nhóm học sinh Trương Bội Ngọc, Trường THPT Hùng Vương (Q5) tập trung vào cùng nhau đoán đề và tranh luận về quan điểm của mình.
Thí sinh chuẩn bị thi môn ngữ văn sáng ngày 9.8 - BÍCH THANH
Trương Bội Ngọc cho biết: "Năm nay đất nước trải qua nhiều biến động do những tác động của dịch bệnh, ai ai cũng kêu gọi cùng nhau đoàn kết, nắm tay qua mùa dịch. Vì vậy em nghĩ rằng những câu hỏi sẽ xoay quanh đề tài về đất nước. Chẳng hạn câu nghị luận văn học sẽ vào bài Đất nước còn câu nghị luận xã hội sẽ yêu cầu bàn về tình đoàn kết, ý chí của người trẻ trong hoàn cảnh khó khăn".
Trong khi đó phụ huynh Trần Quyết Thắng, ở điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, chia sẻ năm nay đưa con gái đi thi tốt nghiệp THPT vừa nhắc nhở con chú ý đến phòng chống dịch vừa động viên con cố gắng tập trung làm hết sức của mình. Năm nay việc học gián đoạn nên cũng có nhiều thời gian ôn tập môn ngữ văn, cháu đã biết tận dụng nên cũng yên tâm phần nào.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh, trên các số báo ra ngày 10 và 11.8, Báo Thanh Niên sẽ đăng gợi ý bài giải các môn/bài thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, trên website Thanh Niên tại địa chỉ thanhnien.vn sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về đề thi, nhận xét đề thi, các vấn đề xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Chúc các thí sinh khỏe mạnh để tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất.
* Lịch thi tốt nghiệp THPT 2020:
Hỗ trợ học sinh lớp 12 "vượt vũ môn" 2 tuần nữa, hơn 75.000 học sinh khối 12 trên địa bàn TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hiện, các trường THPT đang bước vào giai đoạn ôn tập nước rút. Cùng với việc củng cố kiến thức, giáo viên cũng lưu ý học sinh phân bổ thời gian hợp lý trước kỳ thi quan trọng. Tổ chức...