Đi học ở Thảo Cầm Viên
Bắt sâu, ngắm bướm hoặc tận tay sờ vào mẫu vật chưa từng thấy là những hoạt động ‘chơi mà học, học mà chơi’ của học sinh gắn liền với thiên nhiên ở Thảo Cầm Viên (TP.HCM).
Nguyễn Đình Lê Khoa (cầm vợt), học sinh lớp 6, hóa thân thành nhà khoa học đi bắt bướm tại Thảo Cầm Viên – ẢNH: PHẠM HỮU
Một buổi sáng đầu tháng 7, tôi theo chân một nhóm khoảng 30 học sinh (HS) THCS đến Thảo Cầm Viên tham gia buổi học ngoại khóa. Mục đích buổi học là giúp HS hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu, vui chơi, tiếp xúc với động thực vật.
Biết được nhiều loài mới
Đầu tiên, các HS vào phòng lưu giữ mẫu vật để nghe và ghi chú thông tin mà nhân viên hướng dẫn của vườn thú trình bày về những loài động thực vật đang sống trong tự nhiên.
Thảo Cầm Viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí mà còn là nơi bảo tồn, nhân giống nhiều loài động thực vật quý hiếm. Với bộ sưu tập động thực vật phong phú, đây là nơi giáo dục hữu ích, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu, củng cố các kiến thức sinh học trong chương trình giáo dục phổ thông, đại học về bảo vệ môi trường…
Thạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH THẾ (Giám đốc Trung tâm giáo dục vườn thú – Thảo Cầm Viên TP.HCM)
Tiếp đó, nhân viên vườn thú cầm những mẫu vật giới thiệu với HS về đặc tính của từng loài. Nghe thế, nhiều HS bắt đầu tò mò, muốn được tận tay sờ và xem mẫu vật ra sao. “Loài trai sống ở biển. Bên trong lớp vỏ là lớp xà cừ óng ánh được con trai tiết ra. Lớp xà cừ này có nhiệm vụ bao bọc những hạt bụi nếu vô tình bị lọt vào trong vỏ sò. Lâu dần hạt bụi này sẽ được lớp xà cừ bao bọc tạo thành khối tròn để bảo vệ thân thể con trai”, đó là một đoạn giới thiệu của nhân viên vườn thú về động vật không xương sống. Phía dưới, nhiều HS chăm chú theo dõi, lắm lúc ghi vào giấy rồi cử đại diện lên thuyết trình lại cho cả lớp cùng nghe.
Sau đó, nhóm HS tiếp tục di chuyển sang vườn bướm. Nơi đây được nhiều HS đánh giá là khu vực thích nhất vì được quan sát trực tiếp và chạm vào thân các loài bướm. Nhân viên phụ trách vườn bướm Lê Thị Kim Sanh bẻ chiếc lá có sâu và trứng bướm để HS xem. Khi một HS chỉ về xác một con bướm đã chết, chị Sanh thông tin thêm về vòng đời cuối cùng của một con bướm.
Học sinh học về các loài bướm bằng quan sát trực quan
Video đang HOT
Chị Sanh cho biết mục đích xây dựng lớp học ở vườn bướm sẽ kết hợp với kiến thức ở trường và cho HS quan sát thực tế ở bên ngoài, đồng thời lồng ghép kiến thức bảo tồn thiên nhiên cho HS. Quy trình học ở vườn bướm bao gồm: đặc điểm vòng đời của bướm, có bao nhiêu loại bướm, cách nhận diện trứng bướm, con nhộng như thế nào. Sau đó đến phần thực hành: HS hóa thân thành một nhà khoa học đi bắt bướm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên về nghiên cứu.
“Qua công việc bắt bướm, HS tự phân loại loài rồi đánh giá vào bảng giấy, điều quan trọng là chúng tôi sẽ cho các em tự tay thả bướm trở lại, giúp các em thấy yêu và tôn trọng thiên nhiên hơn”, chị Sanh nói.
“Chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên và môi trường nhiều hơn”
Đinh Xuân Đức, HS lớp 6 Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tham gia lớp học ở Thảo Cầm Viên, chia sẻ qua lần học này Đức biết thêm được nhiều loài mới. Những loài bướm, ốc mà Đức chỉ thấy trên ti vi giờ được tận mắt nhìn trực tiếp. Nhờ vậy Đức hiểu được những con bướm thuộc loài nào và bổ sung kiến thức ở trường. Đức cho biết: “Em nghĩ đi học như vậy mới phát huy được kiến thức, tư duy và em cũng biết thêm loài nào cần duy trì, bảo tồn nhiều hơn”.
Nguyễn Đình Lê Khoa, HS lớp 6 Trường THCS Lê Văn Tám, nói: “Học ở đây rất có ích, em cảm thấy vui hơn khi cùng hoạt động với các bạn trong lớp. Em thích nhất là được đi bắt bướm, biết được bướm sinh ra ở trên lá như thế nào. Ngày xưa em sợ sâu lắm nhưng vô đây được chạm tay vào sâu, giờ em hết sợ rồi. Em cũng hiểu được chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên và môi trường nhiều hơn nữa”.
Theo chị Nguyễn Công Tuyết Hân, đại diện nhóm phụ huynh có con tham gia học tại Thảo Cầm Viên, nhiều phụ huynh muốn tạo sân chơi mới để con mình có sự kết nối với bạn bè, yêu thiên nhiên, đồng thời giúp con bộc lộ được những kỹ năng, điểm khác biệt… nên đã tự lên kế hoạch, liên hệ Thảo Cầm Viên rồi đưa con đến đây vừa chơi, vừa học tập sau một năm học ở trường.
Học sinh trở nên năng động và yêu thiên nhiên hơn – PHẠM HỮU
Đánh giá về việc học tại đây, chị Hân cho rằng HS trở nên năng động và yêu thiên nhiên hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Thế, Giám đốc Trung tâm giáo dục vườn thú – Thảo Cầm Viên, cho biết: “Thảo Cầm Viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí mà còn là nơi bảo tồn, nhân giống nhiều loài động thực vật quý hiếm. Với bộ sưu tập động thực vật phong phú, đây là nơi giáo dục hữu ích, giúp HS, sinh viên tìm hiểu, củng cố các kiến thức sinh học trong chương trình giáo dục phổ thông, đại học về bảo vệ môi trường; phân loại, phân bố, sinh học sinh thái, tiến hóa của các loài…”.
Ngoài ra, các buổi học ở Thảo Cầm Viên còn giúp mở rộng và nâng cao kiến thức môn sinh học mà HS đã học ở trường, giúp HS nhận thức được tính cấp thiết trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Tại đây, HS tiếp cận được với thiên nhiên bán hoang dã, tự tay trồng cây, tìm lá và có thể được gần hơn với các loài thú, tiếp cận với môi trường thiên nhiên tốt nhất. Từ đó có thể chuyển nhận thức thành hành động tích cực, góp phần vào việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ môi trường sống.
Học sinh cần chuẩn bị gì cho kỳ thi lớp 10?
Ngày 15.6, trong chương trình 'Ôn và làm bài thi lớp 10 hiệu quả' do Báo Thanh Niên tổ chức, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cùng các giáo viên kinh nghiệm tư vấn học sinh lớp 9 những chiến thuật để chinh phục kỳ thi.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cùng các giáo viên có nhiều kinh nghiệm tham gia tư vấn cho học sinh lớp 9
Chương trình diễn ra trực tiếp tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM). Bạn đọc có thể xem lại trên các kênh của Báo Thanh Niên ( thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên).
Học đến đâu thi đến đó
Mở đầu chương trình, ông Hồ Tấn Minh, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD- ĐT, thông tin trong số 95.000 học sinh (HS) lớp 9 năm nay thì có khoảng 82.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập. Số còn lại đã chọn các mô hình học tập khác phù hợp với năng lực và định hướng của bản thân.
Nói về định hướng đề thi lớp 10, đại diện của Sở nhấn mạnh sẽ đánh giá năng lực HS, học đến đâu thi đến đó. Vì vậy các em cần học, đọc và hiểu, vận dụng kiến thức, tìm hiểu thêm kiến thức xã hội.
Một phụ huynh HS lớp 9A1 đã đặt câu hỏi: "Trong thời gian còn lại ngắn, áp lực nhiều, trong khi định hướng của Sở là học đến đâu thi đến đó, vậy đề thi chỉ rơi vào kiến thức lớp 9 hay cả các lớp trước đó?".
Với thắc mắc này, thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên môn toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) nói rằng kiến thức nền tảng nằm trong chương trình từ lớp 7 đến lớp 9. Chẳng hạn như tam giác đồng dạng xuất hiện từ lớp 7, tỷ số diện tích, hình dạng không gian học ở lớp 8... Các kiến thức có quan hệ mắt xích với nhau do đó đòi hỏi các em phải nắm chắc nội dung cơ bản với các công thức, khái niệm, định lý...
Về giới hạn kiến thức môn ngữ văn, thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết trọng tâm là lớp 9 nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản như viết văn, viết đoạn lại được học từ những lớp dưới. Vì vậy, bên cạnh việc ôn tập các phương pháp biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình thức nghị luận thì các em nên chú ý rèn kỹ năng.
Với môn tiếng Anh, giáo viên Phạm Thị Xuân Oanh, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho hay kiến thức môn học tích hợp theo chiều dài của chương trình nên không thể học tủ, học vẹt. Dù có tập trung vào kiến thức lớp 9 thì vẫn phải nắm chắc kiến thức nền tảng ở lớp 6 đến lớp 8. Đặc biệt, khuynh hướng đề thi những năm gần đây "đánh mạnh" vào từ vựng nên các em chăm chỉ trau dồi vốn từ, học theo chủ đề, chủ điểm có gắn với hơi thở cuộc sống như bảo vệ môi trường, dịch bệnh...
Học sinh đặt câu hỏi - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề thi phân loại ở mức độ nào?
Chia sẻ với HS, ông Hồ Tấn Minh, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng sau thời gian nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ yếu các em học trực tuyến đến khi trở lại trường lại chuẩn bị bước vào một kỳ thi có tính chất bước ngoặt. Bên cạnh đó, với việc số chỗ học ở trường THPT công lập đáp ứng khoảng 70% số lượng HS lớp 9 nên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đòi hỏi HS phải nỗ lực rất nhiều.
Mong muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Hồng Diễm, HS lớp 9A2, đặt câu hỏi với ban tư vấn: "Sau ảnh hưởng của dịch, đề thi có câu phân loại như mấy năm trước hay không?".
Trước câu hỏi này, vị đại diện Sở GD-ĐT khẳng định chắc chắn đề thi sẽ xuất hiện câu hỏi phân loại nhưng nằm trong chương trình đã học, những kiến thức Bộ đã giảm tải sẽ không xuất hiện trong đề thi. Điều quan trọng là các em nỗ lực như thế nào để giải quyết vấn đề mà thôi.
Còn thầy Kim Bảo thì cho rằng phân loại là nguyên tắc của đề thi đặc biệt ở kỳ thi tuyển sinh. Nhưng phân loại ở đây không phải là nhồi nhét, bắt thí sinh phải thể hiện những kiến thức hàn lâm mà là thể hiện kỹ năng học, hiểu và vận dụng.
Liên quan đến vấn đề phân loại trong đề thi, Nguyễn Nhật Anh, HS lớp 9A5, thắc mắc: "Tại sao câu hỏi phân loại lại nằm ở kiến thức hình học mà không phải ở các kiến thức toán khác?".
Trước câu hỏi này, ông Hồ Tấn Minh giải thích: "Khi xây dựng ngân hàng đề thi, Sở không có quy định câu hỏi phân loại tập trung vào kiến thức hình học. Khi phân bổ kiến thức trong ma trận đề, tất cả đều có mức độ yêu cầu tương đương. Vì vậy, có thể với HS có những khó khăn về kiến thức hình học thì cho đó là câu hỏi khó và ngược lại có HS giải quyết bài toán này một cách thông thường, có khi lại gặp khó ở phần tính toán khác".
Báo Thanh Niên cảm ơn Sở GD-ĐT TP.HCM, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã tạo mọi điều kiện và hỗ trợ để tổ chức chương trình.
Phân bổ thời gian ôn thi từng môn hợp lý
Thời gian này, cô Xuân Oanh cho rằng HS nên luyện giải đề, so sánh để thấy mình đang ở đâu, rà soát sự thiếu hụt để bổ sung kịp thời kỹ năng, vốn từ. Lượng từ vựng lớp 9 ở mức độ không nhiều nhưng cũng cần ôn luyện nhiều lần. HS có thể lập những nhóm bạn để cùng nhau ôn luyện.
Còn thầy Kim Bảo tư vấn, nên rèn kỹ năng qua việc tập dượt các đề thi năm trước và đừng quên dung nạp kiến thức xã hội có thể xuất hiện ở các câu của đề ngữ văn. Riêng để làm tốt bài nghị luận văn học thì nên chia nội dung ôn tập theo chủ đề thay cho việc học dàn trải lần lượt từng tác phẩm. Bởi việc ôn chủ đề HS sẽ giúp các em có nhiều tư liệu, kiến thức, có cái nhìn toàn diện về một vấn đề.
[TRỰC TIẾP] Ôn và làm bài thi lớp 10 hiệu quả Lúc 8 giờ hôm nay (15.6), Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề Ôn và làm bài thi lớp 10 hiệu quả. Chương trình diễn ra trực tiếp tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) và được truyền hình trực tuyến trên các kênh của Báo Thanh Niên ( thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên)....