Đi ăn bánh đa cua ’siêu sạch’ phố Triệu Việt Vương
“Cua bẩn”, “cua thuốc sâu” đang khiến nhiều người e dè với món khoái khẩu quen thuộc – bánh đa cua. Nếu lo lắng về điều này thì xin mách một địa chỉ mà bạn hoàn toàn có thể yên tâm.
Đó là tiệm An Biên nằm trên phố Triệu Việt Vương. Quán mở được khoảng 2 năm, được biết đến là tiệm chính hiệu Hải Phòng. Ở đây, món bánh đa rất đúng phong cách đất Cảng, ngoài riêu cua, rau theo mùa còn có thêm chả lá lốt, tôm tươi, chả mọc, chả cá thu, mộc nhĩ khiến món ăn phong phú, bắt mắt hơn. Ngoài ra, nếu thật tinh ý, bạn sẽ thấy sợi bánh đa của quán mỏng, mềm, dai hơn. Theo lời đầu bếp “quảng cáo” thì đó là loại bánh đa tươi được đưa từ Hải Phòng về.
Không chỉ vậy, nhiều người còn đánh giá nơi đây là một trong những tiệm bánh đa cua lịch sự, sạch sẽ nhất Hà Nội. Bởi món ăn quen thuộc này đâu đâu cũng bán, nhưng chủ yếu là tiệm vỉa hè xô bồ, nhếch nhác. Vì thế, việc thiết kế cửa hàng ấm cúng, lịch sự, có thẩm mỹ đã khiến An Biên rất được lòng các thực khó tính, sành ăn, đặc biệt là dân công sở hoặc các gia đình trẻ. Phục vụ tốt hơn song giá cả quán cũng vừa tầm, từ 30.000 – 35.000 đồng cho một bát bình thường, 45.000 đồng cho một bát đặc biệt đầy đủ, nên nếu so với những tiệm vỉa hè siêu đắt thì hợp lí, đáng đồng tiền bát gạo.
Dạo gần đây vì nhiều bài phóng sự “cua bẩn”, “cua thuốc sâu” xuất hiện trên các trang báo thì tiệm An Biên lại có dịp “phô trương thanh thế” vì hoàn toàn tự tin với nguồn cua sạch của mình. Đến đây, khách sẽ thấy tấm giấy chứng nhận cua sạch của Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, được đóng khung kính “trang trọng” treo ngay vị trí đẹp nhất của quán. Tuy nhiên, nếu là người sành ăn thì không cần tới tấm giấy chứng nhận này, bạn cũng có thể phân biệt được cua chất lượng cao chỉ bằng cách quan sát một số đặc điểm.
Video đang HOT
Chẳng hạn như ở đa số các cửa hàng, bạn dễ dàng nhận thấy gạch cua thường có màu đen hoặc nâu đen, nước cua có vị chát. Đó là dấu hiệu của loại cua đồng đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm phèn. Hoặc có nơi cua mang màu hơi bờn bợt, trắng trắng và kết lại thành từng mảng khá chắc, khi ăn thấy bột bột chứng tỏ không phải gạch cua thật mà chỉ là… đậu phụ giả màu cua. Riêng ở tiệm An Biên, riêu cua có màu sáng hơn, đôi khi còn ngả sang màu hơi đỏ, khi ăn được xào với màu hạt điều. Bạn cũng cảm nhận rõ vị gạch cua dậy mùi thơm, đậm đà nhưng không ngán, rất đặc trưng của cua đồng sạch tươi ngon.
Đây có lẽ là cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội có “bằng chứng” về cua sạch. Vì thế, nếu là người cẩn thận và ưu ái với bánh đa cua thì An Biên đúng là địa chỉ bạn đang tìm kiếm.
Địa chỉ nhà hàng An Biên: 168A Triệu Việt Vương, Hà Nội.
HOÀNG NHI
Theo Infonet
Bún cá đúng chất Hải Phòng ở Hà Nội
Bún cá của quán có viên chả cá thu "xịn" mềm ngon, ăn với rau dọc mùng giòn và sử dụng gia giảm là nước me chua chua, thơm thơm.
Ở một ngõ nhỏ trên phố Tôn Thất Tùng, đoạn đối diện trường Đại học Y có một tiệm treo biển các món Hải Phòng khá được lòng các sinh viên và người dân quanh đây. Quán mở từ sáng đến chiều tối, khách không đông nghìn nghịt nhưng cứ đến vào những "múi giờ đói bụng" thì cũng kẻ ra người vào rôm rả. Quán bình dân thoáng mát, rộng rãi nên đến đây ăn khách không lo chuyện phải bon chen như nhiều nơi. Trông "vệ sinh an toàn" cũng là ưu điểm. Khách nhìn khay đồ ăn, rổ rau, hay nồi nước dùng của tiệm đều thấy "ưng cái mắt" vì tất cả đều đầy đặn, tươi mới, sạch sẽ ngay trước mặt.
Thực đơn nơi này gồm có bánh đa cua, bún tôm, miến trộn... đều chế biến theo phong cách đất Cảng, nhưng cũng không còn quá xa lạ với người Hà Nội. Chỉ riêng bún cá là món được chủ quán khoe rằng "mới cho vào menu, đúng chất Hải Phòng 100%" và "hương vị có cái ngon riêng, phải ăn thử mới biết!".
Bát bún cá bưng ra đầy đặn, cũng có rau xanh, có cá rán vàng rộm, vài viên chả cá, điểm thêm 1-2 miếng cà chua đỏ tươi cho thơm mà bắt mắt. Nhưng có lẽ chỉ bấy nhiêu thôi chưa khiến khách ấn tượng, bởi "trông chẳng lạ hơn bún cá mọi nơi là bao". Và nếu là người "lắm chiêu", thử hỏi vặn chủ quán: "Bún cá này khác gì Hà Nội?" bạn sẽ được nghe cô phân trần: "Khác ở hương vị nước dùng, ở thứ chả cá thu 'xịn', và bún cá Hải Phòng thì phải nhất định ăn với nước me mới ngon".
Quả thật, cứ nghe theo lời chủ quán, trước khi thưởng thức, không cho giấm mà múc 1-2 thìa ở lọ nước me sanh sánh, có màu là lạ, xì xụp nhâm nhi thật kĩ mới thấy vị nước canh chua chua, thơm thơm hơn. Không "dễ dãi" như bún cá Hà Nội, lúc thì ăn cùng rau cải, khi lại kết hợp với rau cần, riêng bún cá Hải Phòng nhất định phải có rau dọc mùng giòn giòn. Rau dọc mùng làm hơi mất công, ăn thế mới ngon mà đúng kiểu.
Chả cá thu cũng là món không thể thiếu. Viên chả dai, mềm ngọt, đậm đà vị cá, "ăn đứt" loại chả bở bở, nhạt nhẽo kiểu "miếng bột chạy qua cá" như nhiều nơi. Chả cá chất lượng nên mỗi bát chủ quán chỉ dám bỏ đôi viên, khách ăn hết cứ thấy thòm thèm, thiếu thiếu. Nhưng đừng vì vậy mà bỏ quên những miếng cá rô giòn rụm bên ngoài, mềm ngọt bên trong, đó cũng là thứ thể hiện tài nấu ăn khéo léo của chủ tiệm.
Bán ở khu sinh viên đông đúc nên tô bún cá hương vị đất Cảng có giá bình dân phổ biến - 25.000 đồng/bát.
Đến đây, không chỉ được thưởng thức bún cá Hải Phòng đúng điệu, nhiều khách còn "khoái" món sữa đậu nành tự chế biến của quán. Chỉ 8.000 đồng một cốc nhưng sữa đậu nành tươi mát và đậm đặc. Ăn một bát bún cá, "bồi" thêm cốc sữa nữa là đủ ấm bụng cho bạn cả buổi.
Địa chỉ: ngõ 36A, 109 B1 Tập thể Đại học Y, Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
HOÀNG NHI
Theo Infonet
Đậm đà bánh đa cua Hải Phòng Bánh đa cua được làm từ những nguyên liệu bình dị vùng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút... cùng hương vị đặc trưng của nước dùng, làm nên thương hiệu cho món ngon của đất Cảng. Cùng với phở, bún bò, hủ tiếu, bánh đa cua là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Sài...