ĐH Y Hà Nội và nhiều trường top đầu không tuyển đủ sinh viên
Kết thúc ngày 19/8, hạn cuối cùng các trường nhận hồ sơ nhập học, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội cùng nhiều trường khác không tuyển đủ chỉ tiêu.
Cuối ngày 19/8, một số trường đã công bố chỉ tiêu, điểm xét bổ sung, một số trường khác đang đợi hồ sơ của thí sinh nộp qua đường bưu điện để xem xét việc tuyển đợt 2 vì chưa đủ sinh viên.
Ít thí sinh nộp hồ sơ trong ngày mưa bão
PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường nhận được hơn 5.000 hồ sơ nhập học trên tổng số 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Một số ngành đã xét tuyển đủ nhưng nhiều ngành vẫn còn thiếu nhiều. Trường sẽ mở đợt xét tuyển bổ sung trong trường hợp thiếu chỉ tiêu.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Tiến Tuấn.
Cuối giờ chiều 19/8, ĐH Bách khoa Hà Nội ra thông báo xét tuyển bổ sung với gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo. Theo đó, các nhóm ngành như KT12 (Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật Hàng không, Kỹ thuật Tàu thủy) có chỉ tiêu tuyển bổ sung cao nhất với 120 chỉ tiêu. Điều kiện điểm xét tuyển bổ sung của nhóm ngành này từ 8 điểm trở lên.
Nhóm ngành KT21 (Kỹ thuật điện tử – Truyền thông) và KT31 (Công nghệ Sinh học, Kỹ thuật Sinh học, Kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật Môi trường) đều xét tuyển 80 chỉ tiêu bổ sung.
Điều kiện điểm xét tuyển bổ sung của 2 nhóm ngành này lần lượt là 8,3 và 7,93 (tính theo thang điểm 10).
Các ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến từ TT1-TT5 đều lấy từ 40-60 chỉ tiêu. Điểm điều kiện xét tuyển là 8 điểm.
ĐH Y Hà Nội là trường rất “hot” trong các mùa tuyển sinh, tuy nhiên năm 2016 lại thiếu chỉ tiêu đợt 1. PGS.TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin: ĐH Hà Nội cũng có chung tình trạng với các trường khác khi chưa nhận đủ số hồ sơ nhập học. Hiện nay, số hồ sơ đăng ký nhập học trường nhận được đạt 3/4 so với chỉ tiêu đề ra. Nhà trường sẽ xem xét việc có tuyển sinh đợt 2 hay không.
Tại Học viện Tài chính, TS Nguyễn Đào Tùng – Trưởng ban Quản lý Đào tạo cho biết, số lượng hồ sơ nhập học là 1.800 so với chỉ tiêu 2.600. Trong đó, số lượng nộp hồ sơ chưa qua đường bưu điện chưa đầy đủ. Học viện Tài chính sẽ mở đợt xét tuyển bổ sung.
Tương tự, tại ĐH Xây dựng, PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Trưởng phòng Đào tạo, thông tin, trường nhận được 2.900 hồ sơ trên tổng số 3.300 chỉ tiêu.
Video đang HOT
Ông Thi chia sẻ: “Do thời tiết không thuận lợi, mưa bão lớn xảy ra trên diện rộng nên lượng thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký nhập học trong ngày 19/8, đặc biệt vào buổi chiều rất ít”.
ĐH Thủy lợi hiện thiếu 300 hồ sơ so với chỉ tiêu đề ra. Nhà trường sẽ xét tuyển bổ sung đợt 1. Đại diện nhà trường cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong hôm nay, lượng thí sinh tới nộp trực tiếp khá ít. Dự kiến trường sẽ tuyển bổ sung cho khoảng 4 – 5 ngành, trong đó có 2 chương trình tiên tiến và một số ngành như Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Kỹ thuật công trình biển, Thủy văn…
Không tuyển đủ chỉ tiêu, Học viện Ngoại giao vừa ra thông báo nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đối với 5 ngành: Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế và Ngôn ngữ Anh.
Ngành Ngôn ngữ Anh xét tuyển khối D1, mức điểm nhận hồ sơ là từ 30 điểm trở lên (tiếng Anh nhân hệ số 2). Các ngành còn lại có điểm nhận hồ sơ là 21.
Tỷ lệ “ảo” là tất yếu
Theo nhận định của nhiều trường, nguyên nhân việc thiếu chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu là do tỷ lệ thí sinh “ảo” cao. Năm nay, trong đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh được nộp hai trường, rất có thể sẽ trúng tuyển cả hai. Vì vậy, nếu trường gọi đủ chỉ tiêu sẽ dễ bị thiếu, nhưng gọi thí sinh nhập học quá nhiều lại vượt chỉ tiêu, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.
Dù nhiều trường không muốn tuyển bổ sung ngay từ đầu do lo sợ chất lượng sẽ thấp hơn nguyện vọng 1, tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các trường đều thiếu chỉ tiêu.
Học viện Ngân hàng là một trong số ít trường tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1. Lý giải điều này, TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo cho biết, do xác định tỷ lệ “ảo”, trường đã gọi tỷ lệ trúng tuyển dôi dư khoảng 15%. Vì vậy, tính đến chiều 19/8, sau khi đã cập nhật số lượng thí sinh gửi phiếu báo điểm qua đường bưu điện, nhà trường đã hoàn thành chỉ tiêu ngay trong đợt 1, đạt kế hoạch đề ra.
Mặc dù đã thành lập nhóm xét tuyển chung là GX, tuy nhiên từ trường chủ trì là ĐH Bách khoa Hà Nội đến các trường thành viên đều có tỷ lệ trúng tuyển “ảo”, dẫn đến việc tuyển thiếu chỉ tiêu. Các trường trong nhóm như ĐH Mỏ địa chất, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thăng Long, Học viện Chính sách và Phát triển… đều phải xét tuyển chỉ tiêu với một số ngành học chưa được nhiều thí sinh ưa chuộng.
Chia sẻ về tỷ lệ số thí sinh trúng tuyển ảo, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nhận định: Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, các trường phải chấp nhận “ảo”. Không phải ở nước ta mà ở nhiều nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.
Thống kê cho thấy có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh “ảo” là tất yếu.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã cung cấp thông tin về tất cả nguyện vọng thí sinh đăng ký cùng đợt để các trường tham khảo, phán đoán và lọc ảo.
Thí sinh có thêm 2 ngày để xác nhận nhập học
Chiều 19/8, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT có thông báo đề nghị các trường tiếp tục nhận thí sinh tới xác nhận nhập học trong hai 20/8 và 21/8.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 19/8, thí sinh trúng tuyển đợt 1 phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia về trường để xác nhận nhập học. Tuy nhiên, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục đã đề nghị các trường liên hệ với thí sinh (qua tin nhắn, điện thoại, email hoặc các kênh thông tin khác) để lưu ý thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi theo đúng với quy định của quy chế.
Cục Đề nghị các trường cử cán bộ để đón tiếp thí sinh đến nộp Giấy chứng nhận kết quả thi tại trường và qua bưu điện trong hai ngày 20/8 và 21/8.
Theo Zing
Gọi đến 150% chỉ tiêu, vẫn thiếu sinh viên
Đề phòng thí sinh ảo, có trường ĐH gọi đến 150% chỉ tiêu nhưng thí sinh nộp hồ sơ nhập học không đủ nên đang lên phương án tuyển nguyện vọng bổ sung.
Hôm nay, 19/8, ngày cuối nhận hồ sơ nhập học đợt 1 theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016. Thông tin từ nhiều trường ĐH cho biết nhiều khả năng phải xét tuyển bổ sung vì thí sinh ảo rất nhiều.
Hồi hộp chờ thí sinh nhập học
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường có 4.500 chỉ tiêu tuyển sinh trong năm nay. Đến chiều 18/8, trường đã nhận được trên 3.000 hồ sơ đăng ký nhập học. Dự kiến đến hết ngày 19/8,, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu hệ đại trà.
"Chúng tôi chỉ tuyển bổ sung cho 2 ngành chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh là xây dựng và chế tạo máy bởi mới có khoảng 12 thí sinh đăng ký nhập học cho cả 2 ngành. Trường cũng tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành Logistics vì mới được Bộ GD&ĐT đồng ý cho tuyển sinh cách đây 3 ngày" - ông Dũng nói.
Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, tính đến 16 giờ ngày 18/8, trường đã có 2.100 trong tổng số 2.500 chỉ tiêu. PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, khả năng trường chỉ tuyển bổ sung cho 2 ngành đào tạo bậc CĐ là điều khiển tàu biển và vận hành khai thác máy tàu biển vì 2 ngành này có 80 chỉ tiêu nhưng mới 8 thí sinh làm thủ tục nhập học.
ĐH Nông Lâm TP HCM cũng có 4.500 chỉ tiêu tuyển sinh tại cơ sở chính ở TP HCM nhưng tính đến 15h30 phút ngày 18/8, mới có trên 3.000 thí sinh đến làm thủ tục nhập học.
Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, thí sinh đến làm thủ tục nhập học giảm dần qua từng ngày và nhiều khả năng trường phải tuyển bổ sung nếu hết ngày 19/8 mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Ông Lý cho biết thêm trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, trường sẽ tuyển 80 chỉ tiêu cho ngành quản lý tài nguyên rừng, mới được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển cách đây 3 ngày.
Theo TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TP HCM, năm nay, mỗi thí sinh được nộp vào cùng lúc 2 trường nên trường đã gọi đến 150% chỉ tiêu, tùy ngành nhưng tình hình thí sinh đến làm thủ tục nhập học cứ chậm dần. Trong 3 ngày nhận hồ sơ nhập học (từ ngày 16 đến 18), trường mới nhận được 2.200 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 3.000.
ĐH Công nghiệp TP HCM đến chiều 18/8 đã tuyển được 3.400 thí sinh, đạt khoảng 50% chỉ tiêu (chỉ tiêu năm 2016 của trường là 6.900).
ĐH tư tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu
Trong khi trường công hồi hộp chờ thí sinh để tính phương án tuyển nguyện vọng bổ sung thì nhiều trường tư đã thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung trước ngày 19/8.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu, Phó giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh ĐH Hoa Sen, cho biết, tính đến cuối chiều 18/8, 1.394 thí sinh làm thủ tục nhập học nhưng chỉ 768 thí sinh đóng tiền. Trong đợt xét tuyển bổ sung, trường xét tuyển 970 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo ĐH với điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển đợt 1.
Theo thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng, trường đã nhận được 450 hồ sơ nhập học và sẽ tuyển bổ sung 1.900 chỉ tiêu ĐH, 100 chỉ tiêu CĐ với điều kiện xét ĐH bằng kết quả học bạ là 22 điểm đối với ngành dược, các ngành còn lại là 18; xét bằng kết quả kỳ thi THPT là 18 điểm đối với ngành dược, các ngành còn lại 15 điểm. Bậc CĐ xét thí sinh tốt nghiệp THPT.
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), thông tin: Tính đến thời điểm này, mới có hơn 500 thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học, trong khi chỉ tiêu của trường là 2.300. Trường tiếp tục xét bổ sung.
Còn tại ĐH Công nghệ TP HCM, trên 1.700 thí sinh làm thủ tục nhập học và đóng học phí, trong khi chỉ tiêu của trường là 5.200. Trường tiếp tục xét bổ sung ngành dược với điểm tối thiểu từ 18, các ngành còn lại thấp nhất là từ 15,5 (tùy ngành).
Một số trường công tuyển đạt 80%-90%
ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM nhận được 2.500 hồ sơ thí sinh. Như vậy, trường đã tuyển gần đủ so với tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia (hơn 2.500 chỉ tiêu ĐH chính quy, 250 chỉ tiêu cho các chương trình đặc biệt và 420 chỉ tiêu cho CĐ chính quy).
ĐH Ngân hàng TP HCM sau 3 ngày nhận hồ sơ đã có gần 2.200 thí sinh đến làm thủ tục nhập học so với tổng chỉ tiêu là 2.350.
ĐH Luật TP HCM tính đến ngày 18/8 đã tuyển đủ chỉ tiêu 1.500. Trường ĐH Kinh tế TP HCM tuyển được 4.500/5.000 chỉ tiêu, đạt 90%, nhiều khả năng không xét tuyển bổ sung đợt 1.
ĐH Sài Gòn đã tuyển được 80% chỉ tiêu tính đến ngày 18/8 (tổng chỉ tiêu 4.000).
ĐH Công nghiệp Thực phẩm cho biết đã có 2.400 thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia, đạt 80%.
Theo Huy Lân - Lê Thoa/ Người Lao Động
ĐH Vinh lấy điểm chuẩn cao nhất là 25,5 ĐH Vinh vừa công bố điểm chuẩn với mức điểm thấp nhất là 15 thuộc về các nhóm ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghệ. Năm nay, ĐH Vinh lấy 15 điểm chuẩn đối với khối ngành: Kinh tế; Kỹ thuật, Công nghệ; Nông lâm ngư, Môi trường; Khoa học xã hội và nhân văn. Điểm trúng tuyển của các ngành thuộc nhóm...