ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất thi ĐH 5 môn
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa,PGĐ ĐHQG TP.HCM, nhấn mạnh: dự thảo đề án đổi mới tuyển sinh ĐH đưa ra những biện pháp để đánh giá thí sinh toàn diện hơn, đánh giá năng lực toàn diện để học ĐH chứ không phải chỉ kiểm tra kiến thức phổ thông.
Sáng 28/11, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh ĐH tại ĐHQG TP.HCM”.
Việc cải tiến này sẽ giúp chọn được đối tượng sinh viên có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với ngành đào tạo; định hướng đúng đắn cho quá trình học tập của học sinh ở bậc phổ thông và giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt cho quá trình học ĐH.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) chỉnh sửa phiếu báo dự thi tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2012. (Ảnh: Như Hùng)
Nên thi năm môn
Theo đánh giá của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh ba chung áp dụng hiện nay về cơ bản đáp ứng được một phần mục tiêu lựa chọn sinh viên của các trường ĐH. Tuy nhiên, cách tổ chức này vẫn còn một số hạn chế như đề thi chỉ tập trung vào việc kiểm tra kiến thức, chưa coi trọng việc đánh giá năng lực suy luận, tư duy và tính sáng tạo; quy trình xây dựng đề thi chưa áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại; khối thi ĐH tạo ra sự học lệch ở bậc phổ thông; chưa xem xét thái độ của thí sinh với ngành nghề…
Theo ban soạn thảo đề án, việc cải tiến kỳ thi sẽ bắt đầu từ việc tổ chức thi. Theo đó, cần có một đơn vị chuyên trách đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm việc ra đề và tổ chức thi. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ đánh giá phần chung nhất về kiến thức, kỹ năng cần thiết để học ĐH của thí sinh. Các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển hoặc bổ sung các tiêu chí xét tuyển khác phù hợp với đặc thù của mình.
Video đang HOT
Cơ cấu môn thi của kỳ thi này gồm năm môn: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên (gồm kiến thức các môn lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (văn, sử, địa), tiếng Anh và năng khiếu (dành cho các trường nghệ thuật, thể thao). Trong đó hai môn toán và tiếng Việt thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận (phần tự luận chiếm 30% tổng số điểm), các môn còn lại thi trắc nghiệm. Đề thi được xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực của sinh viên cũng như các kỹ năng cần thiết cho việc học ĐH.
Không chỉ việc thi tuyển mà công tác xét tuyển cũng được đề xuất thay đổi. Theo đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có thể được sử dụng là tiêu chí xét tuyển hoặc kèm thêm các điều kiện khác tùy vào điều kiện của từng trường như xét học bạ phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT, viết bài luận, kết quả hoạt động cộng đồng…
TS Robert A.Altman – nguyên phó chủ tịch Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ – cho rằng kỳ thi hiện nay tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh ở bậc phổ thông. Việc thi năm môn sẽ tránh được tình trạng học sinh học lệch ở bậc phổ thông. Dù học ngành nào, học sinh cũng phải đảm bảo kiến thức đều năm môn học này. Tuy nhiên, các môn thi này nhằm kiểm tra năng lực chung của thí sinh, do đó không quá chú trọng vào kiến thức mà phải bao gồm trong đó kỹ năng của từng môn. Đồng tình với dự thảo đề án, GS-TSKH Lâm Quang Thiệp cho biết đây là những giải pháp tích cực và các trường cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, góp cho Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh tốt nhất.
Chuẩn bị tốt ngân hàng đề thi
Một trong những khâu quan trọng nhất của đề án là việc xây dựng ngân hàng đề thi. TS Lê Thị Thanh Mai, ĐHQG TP.HCM, cho rằng đề thi hiện nay chưa làm được việc này. Sau mỗi kỳ thi, hoàn toàn không có sự phân tích, đánh giá nào về từng câu hỏi cũng như toàn bộ đề thi để có những căn cứ khoa học cần thiết cho việc ra đề thi tiếp sau.
TS Robert A.Altman lưu ý: Khi xây dựng câu hỏi cần phải cân nhắc đến nội dung, mức độ khó và những kỹ năng chúng ta sẽ hỏi. Ví dụ đối với môn toán, có những câu hỏi thuần về kiến thức nhưng cũng có câu chỉ hỏi về kỹ năng toán học. Một điểm cần lưu ý nữa là chương trình phổ thông có được dạy đồng đều ở các vùng miền, đề thi có được hỏi ngoài chương trình phổ thông hay không, bộ phận tổ chức thi phải đảm bảo độ tin cậy như thế nào. Có nước mất đến 10 năm để xây dựng ngân hàng đề thi chứ không thể vội vàng.
TS Nguyễn Kim Quang – Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – băn khoăn hiện nay học sinh rất hay học tủ, ngân hàng đề thi làm sao để học sinh học nắm kiến thức chứ không phải học tủ như hiện nay, kể cả môn trắc nghiệm. Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Nam – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cho rằng việc phỏng vấn toàn bộ thí sinh sau khi đạt ngưỡng của kỳ thi đánh giá năng lực là khó khả thi, thậm chí phát sinh tiêu cực. Thay vào đó, các trường có thể tuyển 90% thí sinh đạt ngưỡng kỳ thi đánh giá năng lực và điều kiện của trường, 10% còn lại có thể phỏng vấn những thí sinh có tố chất hoặc các năng lực đặc biệt để tuyển vào trường.
Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ
Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên
Hoàn toàn lãng phí khi hàng ngàn học sinh ở các trường năng khiếu được đào tạo đặc biệt chỉ với mục đích quan trọng nhất là vào ĐH.
Để trúng tuyển ĐH
Một hiện tượng xảy ra phổ biến hiện nay là học sinh (HS) trường chuyên, năng khiếu cũng đi học thêm tất bật.
Rất nhiều HS các trường chuyên tham gia lớp học thêm tại chi nhánh của Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng vào chiều 26/11.
Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ hơn 10 HS trường chuyên, năng khiếu tại TP.HCM. Tất cả các em này đều cho biết học thêm từ 1-4 môn. Đáng nói, lịch học thêm của nhiều em dày suốt cả tuần. Bà Phạm Thị Mộng Thu, phụ huynh HS lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: "Các ngày thứ hai, tư, sáu, con tôi học thêm 2 môn toán, sinh từ 17h30 - 21h20. Tối thứ ba, năm học môn lý từ 17h30 - 19h30. Còn thứ bảy và chủ nhật, học thêm môn hóa từ 12h30 - 17 giờ". Lý giải nguyên nhân cho con mình học thêm, bà Thu nói: "Mục đích là muốn con thi đậu ĐH. Khi con học thêm bên ngoài, mình cũng yên tâm hơn".
Không riêng gì lớp 12, HS các khối lớp 10, 11 trường chuyên, năng khiếu đều khẳng định có học thêm, ít nhất là ở... môn chuyên. Minh Tuấn, lớp 10 chuyên toán Trường Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết: "Một tuần em học 8 tiết toán ở trường nhưng vẫn đi học thêm bên ngoài nhằm ôn chắc lại kiến thức".
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), HS ở trường chuyên, năng khiếu chỉ cần học tại trường là đủ kiến thức để thi đậu ĐH. Tuy nhiên, phía phụ huynh thường không an tâm và tìm mọi cách cho con em họ học thêm.
Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), nhận định: "Do tâm lý phụ huynh không tin tưởng vào việc giảng dạy ở trường chuyên mà đúng hơn là không tin tưởng và khả năng học tập của con em mình nên mới dẫn đến tình trạng HS chuyên phải đi học thêm". Trong khi đó theo ông Thái, thời lượng học ở các lớp chuyên gấp 1,5 lần bình thường. Như ở môn toán, văn, Anh văn mỗi tuần có 6 tiết, cùng với 2 buổi chuyên đề nhằm bồi dưỡng chuyên sâu. Chưa hết, HS các lớp chuyên cũng được luyện các môn lý, hóa, sinh nên hoàn toàn đủ kiến thức để thi đậu ĐH.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một trường chuyên tại TP.HCM cho biết, tuy không có thống kê cụ thể nhưng thực chất, phần đông HS chuyên, năng khiếu sau giờ tan trường thường phải đi học thêm bên ngoài chỉ với mục đích luyện thi để đậu vào ĐH. Trong khi đó tỷ lệ HS chuyên, năng khiếu hằng năm trúng tuyển ĐH rất cao. Chẳng hạn Trường Trung học Thực hành là 89,9%, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa 100%...
Lãng phí tài năng
Mỗi năm tổ chức kỳ thi đầu vào hết sức căng thẳng, tuyển được những HS thật sự tài năng vào bồi dưỡng để cuối cùng mục đích cao nhất là trúng tuyển ĐH thì quả hết sức lãng phí! Giáo viên và những người làm công tác quản lý ở các trường THPT chuyên đều thừa nhận HS chuyên có tố chất đặc biệt, thông minh hơn các HS thường. Vì vậy, nếu có hướng đi đúng, chính sách hợp lý thì đây sẽ là những nhân tố nổi trội góp phần vào sự phát triển của quốc gia.
Ngoài những HS xuất sắc đoạt giải quốc gia, quốc tế được hưởng các chế độ ưu tiên; HS chuyên, nếu thỏa một số điều kiện nhất định, cũng cần có chính sách thỏa đáng để toàn tâm toàn ý vào chương trình học phát triển tài năng. Ông Nguyễn Thanh Hùng dẫn chứng: "Ở các nước tiên tiến, các trường phổ thông đào tạo HS chuyên, năng khiếu thường tuyển thẳng vào ĐH. Các em chỉ cần mất 1-2 năm nữa để có thể lấy bằng ĐH. Vì có một số chuyên đề ở trường THPT chuyên được lấy từ chương trình của ĐH để dạy chuyên sâu. Nếu được tuyển thẳng vào ngành phù hợp, các em có thể bỏ qua những phần đã học, rút ngắn được thời gian học ĐH và dành thời gian đó vào nghiên cứu hoặc học lên cao".
Trong khi đó, mục tiêu đào tạo năng khiếu ở nước ta vẫn còn hết sức chung chung. Theo quy chế trường chuyên hiện hành, một trong những mục tiêu là phát hiện những HS có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của HS về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện. Về quyền lợi, HS chuyên đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập và chế độ khen thưởng theo quy định. Trong 5 chương, 32 điều của quy chế tuyển sinh không một ý nào nói đến chuyện đặc cách cho HS chuyên vào ĐH mà không qua con đường thi cử.
Theo Thanh Niên
Thí điểm dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh Mục đích của đề án dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh là nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh Ngày 8-11, chúng tôi có dịp dự một tiết học toán bằng tiếng Anh ở Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (quận 1 - TPHCM). Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi, tiết học diễn...