ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội chưa được tuyển sinh ngành Y
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thể tuyển sinh ngành Dược học trong năm 2016. Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét việc mở ngành Y đa khoa nếu trường đáp ứng đủ điều kiện.
Chiều 28/12, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt báo chí, thông tin thêm về vấn đề mở ngành Y Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trước đó, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế gồm 10 thành viên, do bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) làm trưởng đoàn, đã làm việc với nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin chiều 28/12. Ảnh: Quyên Quyên.
Có thể đào tạo ngành Dược học từ 2016
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, với ngành Y, ĐH Kinh doanh công nghệ có 34 người trình độ thạc sĩ trở lên trên tổng số 56 giảng viên cơ hữu. Trong đó, 23 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 10 chuyên khoa I và 12 chuyên khoa II. Trường vẫn còn thiếu 1 tiến sĩ Sản khoa và 6 môn học chưa có giáo viên cơ hữu đúng chuyên ngành (Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh miễn dịch, Mô phôi).
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo ngành Y, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đảm bảo được cơ sở vật chất tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo, nhưng còn thiếu một số thiết bị thực hành, thí nghiệm. Nhà trường phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 11 tỷ và giao hàng tháng 1/2016.
Đối với ngành Dược học, 20 giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, 2 chuyên khoa I, 1 chuyên khoa II; đào tạo 14 chuyên ngành và 8 cơ sở. Có 1 giáo viên trên 19 môn cơ sở và chuyên ngành, trong đó thiếu giáo viên chuyên ngành dạy môn Phân tích và kiểm nghiệm.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo ngành Dược học, về cơ bản, đảm bảo yêu cầu của chương trình đào tạo, còn thiếu một số lượng trang thiết bị. Trường cần bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 23 tỷ và giao hàng vào 22/12/2016.
Cơ sở thực hành có đủ bệnh viện đa khoa đảm bảo theo yêu cầu thực tập của sinh viên, có sự hướng dẫn, đánh giá của giảng viên cơ hữu của trường.
Video đang HOT
Cơ sở vật chất tại khoa Y – Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại cơ sở Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn.
Đoàn kiểm tra đưa ra đánh giá: Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đồng ý trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành Dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán đã ký trị giá 23 tỷ đồng và bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm.
Với ngành Y đa khoa, hai Bộ sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi đã bổ sung đội ngũ (có tham khảo Công văn 7836 của Bộ Y tế), trong đó có 1 tiến sĩ Sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học. Trường thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng.
Bộ GD&ĐT đề nghị trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm được công nhận phân hiệu tại Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đề xuất ngưỡng điểm cho ngành Y, Dược
Trước băn khoăn về vấn đề điểm sàn trong ngành Y, Dược, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội – cho biết, ngày 15/12, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Y, Dược đã họp và đưa ra đề xuất.
Theo đó, kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học Y, Dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm).
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: Đề xuất ngưỡng điểm cho ngành Y, Dược. Ảnh: Quyên Quyên.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cũng cho rằng, mặc dù Luật giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh nhưng Y Dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của Hội đồng.
Trước vấn đề phần lớn giảng viên các trường dân lập đã về hưu, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ, đây là điều đáng suy nghĩ. Bởi độ tuổi sinh học và độ tuổi làm việc nhiều khi không đồng hành. Những giảng viên 75-80 tuổi không thể trực tiếp mổ và hướng dẫn học sinh mổ trong bệnh viện. Bản thân PGS.TS Nguyễn Đức Hinh là hiệu trưởng nhưng vẫn trực tiếp thực hành.
Ngày 25/11/2015, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học.
Câu chuyện gây tranh cãi khi cuối năm 2014, Bộ GD&ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với Y đa khoa, Răng – Hàm – Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Đặc biệt, việc Bộ Y tế và GD&ĐT cùng tham gia thẩm định cho trường ngoài công lập này mở ngành Y, Dược nhưng có quan điểm vênh nhau càng khiến dư luận băn khoăn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế có quan điểm không thống nhất trong việc cấp phép cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y, Dược là do hiểu nhầm.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo hai Bộ phối hợp thẩm định lại, nếu đủ mọi điều kiện theo quy định mới cho phép tuyển sinh và mở ngành.
Theo Zing
Công ty tư nhân xin mở Đại học Y Dược ở TP HCM
UBND TP HCM vừa có công văn gửi Bộ GD&ĐT đề xuất cho một công ty tư nhân được thành lập Đại học Y Dược.
Theo công văn của UBND TP HCM gửi Bộ GD&ĐT, UBND thành phố nhận được văn bản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shanggri-la về việc xin thực hiện dự án đầu tư trường Đại học Y Dược quốc tế Hoa Lâm tại Khu y tế kỹ thuật cao ở quận Bình Tân.
Sau khi xem xét dự án đầu tư thành lập trường của công ty này và được sự đồng thuận của Sở GD&ĐT TP HCM, UBND TP HCM cho rằng, Công ty Hoa Lâm - Shanggri-la có đủ điều kiện về đất đai, nhân sự và nguồn vốn đầu tư xây dựng Đại học Y Dược quốc tế Hoa Lâm.
Ảnh minh họa.
Thành phố cũng cho rằng, việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của trường được xây dựng theo theo mô hình Viện - Trường, phù hợp quy hoạch tại Khu y tế kỹ thuật cao ở quận Bình Tân và chủ trương xã hội hóa ngành y tế và giáo dục.
Việc xây dựng trường sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho ngành y tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và khu vực giai đoạn 2016-2020 cũng như những năm tiếp theo.
Từ đó, UBND TP HCM đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét chấp thuận, trình Thủ tướng cho thành lập Đại học Y Dược quốc tế Hoa Lâm.
Theo Sở Y tế TP HCM, TP HCM có tới 27 cơ sở đào tạo nhóm ngành Y - Dược, trong đó, có tới 22 trường ngoài công lập, nhưng có nhiều trường tuyển sinh với đầu vào thấp mà vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Y - Dược từ các trường ngoài công lập sẽ khó cạnh tranh hơn so với các trường công lập, đào tạo lâu năm. Nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành này đang chững lại. Sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập càng khó khăn hơn khi đi tìm việc làm.
Theo Bạch Dương/Báo Infonet
'Ai muốn học Y khoa để kiếm tiền thì hãy nghĩ lại' "Những ai muốn con học Y khoa để sau này làm thầy thuốc kiếm được nhiều tiền thì hãy suy nghĩ và cẩn trọng vì thường đầu tư nhiều, mà lương rất thấp", Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương viết. Ai cũng hiểu được rằng, đã thi vào trường Y phần lớn đều có mơ ước thánh thiện là làm thầy thuốc trị bệnh...