ĐH Hùng Vương cho tất cả giảng viên thôi việc phải đúng luật
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn luật sư TP Hà Nội, chủ tịch HĐQT không có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 82 giảng viên của ĐH Hùng Vương TP HCM.
Luật sư Trương Quốc Hòe nói về căn cứ pháp lý để chấm dứt hợp đồng với 82 giảng viên: Theo quy định tại Điều 2 Luật giáo dục đại học năm 2012, Đại học Hùng Vương TP HCM là tổ chức có liên quan giáo dục đại học. Do đó, hoạt động của trường bao gồm cả việc tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với giảng viên trước hết phải tuân thủ theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Hiệu trưởng ký quyết định thôi việc
Theo định nghĩa tại Luật doanh nghiệp 2014, ĐH Hùng Vương TP HCM là trường đại học tư thục, vận hành theo cơ chế của doanh nghiệp (có Hội đồng quản trị – HĐQT, thực hiện cơ chế góp vốn, quy chế tài chính giống mô hình của một doanh nghiệp). Vì vậy, trong hoạt động quản lý, trường cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Điều này đã được ghi nhận tại Điều 3 Luật giáo dục đại học: “Tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quản lý giáo dục đại học tuân theo quy định của Luật này, Luật giáo dục và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Luật sư Hòe cho rằng để thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với 82 giảng viên, ĐH Hùng Vương TP HCM sẽ phải căn cứ các quy định của Luật giáo dục đại học, Luật Doanh nghiệp, Luật lao động và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Việc ký quyết định cho thôi việc đối với 82 giảng viên của ông Đặng Thành Tâm, nguyên chủ tịch HĐQT là trái quy định của pháp luật. Ở đây, các giảng viên ký kết hợp đồng lao động với ĐH Hùng Vương TP HCM.
Trụ sở ĐH Hùng Vương trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Theo quy định của pháp luật, người đại diện theo pháp luật của trường (đại diện của người sử dụng lao động) là hiệu trưởng. Chính người đại diện theo pháp luật mới có thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Video đang HOT
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐQT, luật sư Hòe cho rằng:
Theo Khoản 3 Điều 22 của Quy chế Điều lệ đại học kèm theo Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
“a) Là chủ tài khoản của nhà trường;
b) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cho cuộc họp của hội đồng quản trị; triệu tập và chủ trì các cuộc họp hội đồng quản trị; tổ chức việc thông qua và là người chịu trách nhiệm chính về các quyết nghị của hội đồng quản trị; giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết nghị của hội đồng quản trị; chủ trì cuộc họp đại hội đồng cổ đông;
c) Điều hành hội đồng quản trị thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều này;
d) Ký trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận hiệu trưởng; ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các phó hiệu trưởng;
đ) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.”
“Như vậy, chủ tịch HĐQT không có thẩm quyền ra quyết định liên quan việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 82 người lao động. Do đó, ông Tâm ký kết các quyết định này là trái quy định pháp luật”, luật sư Hòe khẳng định.
Nhiều năm không tuyển sinh
Đây không phải lần đầu Đại học Hùng Vương TP HCM sa thải hàng loạt nhân viên. Giữa năm 2015, UBND TP HCM có quyết định không công nhận hiệu trưởng nhà trường lúc đó là thầy Lê Văn Lý. Đến năm 2014, khoảng 20 cán bộ, giảng viên bị trường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Thầy Hoàng (một giảng viên của ĐH Hùng Vương TP HCM) cho biết, từ khi thầy Lý không còn làm hiệu trưởng, HĐQT nhà trường không bầu được ai làm hiệu trưởng thay thế, có chăng cũng chỉ là hiệu trưởng tạm quyền trong một vài tháng.
Theo quy trình, HĐQT ĐH Hùng Vương TP HCM bầu được hiệu trưởng, sau đó phải thông qua UBND TP HCM ra quyết định công nhận hiệu trưởng.
Thầy Hoàng dẫn Khoản 1, Điều 10 Luật giáo dục đại học quy định: Hiệu trưởng trường cao đẳng, đại học là người đại diện cho cơ sở giáo dục đại học trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận.
“Từ tháng 6/2013, thầy Lý không còn làm hiệu trưởng thì không có hiệu trưởng mới, nghĩa là trường Hùng Vương như rắn mất đầu, không có người đại diện theo pháp luật thì không được tuyển sinh. Mọi hoạt động của trường trì trệ, xuống cấp”, thầy Hoàng nói.
Thầy Huy, nguyên phó khoa, cho hay đã gắn bó với trường từ năm 1999. Hiện tại, trường hầu như không còn hoạt động đào tạo, khóa mới nhất tuyển sinh năm 2011 đã ra trường năm 2015, chỉ còn lại khoảng 50 sinh viên của ngành xây dựng học theo chương trình, dự kiến năm nay tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT xem xét đình chỉ đào tạo
Liên quan vấn đề này, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, người ký hợp đồng sử dụng lao động, cũng như chấm dứt sử dụng lao động với cán bộ giảng viên, nhân viên của trường đại học là hiệu trưởng, chứ không thể là chủ tịch HĐQT.
Trao đổi với Zing.vn sáng 9/3, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết tháng 8/2015, Bộ GD&ĐT từng có văn bản trả lời về việc đề nghị tiếp tục tuyển sinh của ĐH Hùng Vương TP HCM.
Theo công văn này, đến ngày 31/8/2016, nếu ĐH Hùng Vương TP HCM chưa hoàn thành một số công việc, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đình chỉ hoạt động đào tạo của trường.
Cụ thể, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, trường cần khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc bị ngừng tuyển sinh năm 2012; Chuẩn bị đủ các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý, nguồn lực tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Trước đó, ngày 7/3/2012, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định về việc ngừng tuyển sinh từ năm 2012 đối với ĐH Hùng Vương TP HCM với lý do: “Mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường; mâu thuẫn nội bộ kéo dài dẫn đến ảnh hưởng uy tín của trường và môi trường giáo dục”.
Ngày 28/3/2015, Đại học Hùng Vương TP HCM gửi công văn đề nghị được phép tuyển sinh năm 2015. Tuy nhiên, ĐH Hùng Vương TP HCM chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn tới ngừng tuyển sinh, do đó chưa có cơ sở để Bộ GD&ĐT cho phép nhà trường được tuyển sinh trở lại. Những quyết định trên dựa theo cơ sở thẩm tra báo cáo của trường và ý kiến của UBND TP HCM .
Theo Tuổi Trẻ, ngày 10/12/2015, ông Đặng Thành Tâm ký văn bản gửi Đảng ủy, ban chấp hành công đoàn ĐH Hùng Vương TP HCM về việc thực hiện phương án sử dụng lao động.
Theo văn bản này, ĐH Hùng Vương TP HCM đã bốn năm không được tuyển sinh, không có sinh viên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Hiện trường không còn nguồn thu, thu không đủ bù chi kéo dài dẫn đến lỗ nặng, thâm hụt trầm trọng vốn pháp định do cổ đông đầu tư.
Do vậy, chủ tịch HĐQT đã có văn bản đề nghị UBND TP HCM cho phép tiến hành đại hội đồng cổ đông nâng vốn điều lệ, để chuẩn bị cơ sở vật chất theo quy định và công nhận HĐQT thì trường mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Nếu không được tổ chức đại hội đồng cổ đông thì không thể góp vốn thêm theo luật.
Chỉ trong ngày 25/2, ông Đặng Thành Tâm, với tư cách chủ tịch HĐQT nhà trường, đã ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có bà Tạ Thị Kiều An – Phó hiệu trưởng thường trực điều hành hoạt động nhà trường; bà Nguyễn Thị Mai Bình – Bí thư Đảng ủy nhà trường; ông Mạch Trần Huy – Phó phòng tổ chức pháp chế…
Trước đó, ngày 22/2, ông Tâm cũng ký ba quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Nguyễn Mộng Giao – Phó hiệu trưởng, ông Vũ Văn Nhỡ – Trưởng phòng hành chính tổng hợp (thôi việc kể từ ngày 27/2) và ông Trịnh Vũ Dũng – Chủ tịch công đoàn cơ sở, Trưởng ban trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (thôi việc từ ngày 2/3).
Một số cán bộ trong trường cho rằng, ông Đặng Thành Tâm không còn đủ tư cách pháp lý để ký phương án sử dụng lao động, vì từ ngày 15/6/2015 ông không còn quyền làm chủ tịch HĐQT của ĐH Hùng Vương TP HCM.
Tuy nhiên, phía nhà trường khẳng định, ở trường tư, cổ đông mới là người có toàn quyền trong mọi việc. Người đứng đầu HĐQT vẫn là ông Tâm. Trong thời gian trường chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, ông Tâm có ủy quyền của đa số cổ đông ủy quyền điều hành trường.
Theo Zing