ĐH Hồng Đức: Hàng trăm SV hoang mang vì ngành học bị đổi tên
Hàng trăm sinh viên của nhiều ngành học tại Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lo lắng về cách ghi trong bằng tốt nghiệp không đúng với những chuyên ngành được đào tạo. Điều này sẽ gây khó khăn cho SV khi xin việc.
Theo phản ánh của sinh viên (SV) Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐH Hồng Đức, hiện việc học tập của hàng trăm SV đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo lắng sau khi tốt nghiệp sẽ khó xin được việc làm do những cách ghi trên bằng ĐH so với chuyên ngành mà SV được đào tạo.
Tên ngành học được ghi trong quyển Những điều cần biết.
Nhiều SV cho biết khi đọc cuốn “Những điều cần biết” đoạn ghi về trường ĐH Hồng Đức có ghi ngành Tâm lý học (Quản trị nhân sự), của Bộ GD-ĐT xuất bản năm 2007 – 2008 và năm 2009 đã đăng ký thi vào ngành này.
Tuy nhiên khi vào trường học, nhà trường cho biết chỉ cấp bằng cho SV là bằng Cử nhân Tâm lý học chứ không phải là bằng Tâm lý học – Quản trị nhân sự. Trước vấn đề trên, nhiều SV đã gửi thắc mắc lên trường. Sau nhiều lần đối thoại với Ban giám hiệu nhà trường về vấn đề này thì SV được nhà trường trả lời rằng: Bộ GD-ĐT không cho ghi vào bằng tốt nghiệp là cử nhân Tâm lý học – Quản trị nhân sự.
Sau những thắc mắc này của SV, trong quyển “Những điều cần biết” các năm sau được sửa thành ngành Tâm lý học (Định hướng Quản trị nhân sự). Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp thì vẫn giữ nguyên dòng chữ Cử nhân Tâm lý học và chỉ được ghi trong bảng điểm là Tâm lý học (Định hướng Quản trị nhân sự).
Trong khi đó, tất cả các học phần của SV đều vận dụng vào công tác quản trị nhân sự, ví dụ như một số học phần: Tiền công tiền lương, nguồn nhân lực, quản trị nhân lực, tâm lý học quản lý, tâm lý học lao động, luật lao động, kế hoạch hóa nguồn nhân lực, hành vi tổ chức, khoa học quản lý ….
Và tất cả các học phần Tâm lý nhằm giải quyết những mối quan hệ của con người trong vấn đề tổ chức nguồn nhân lực. Với những học phần như trên, sinh viên nghĩ rằng khi ra trường sẽ được cấp bằng cử nhân Tâm lý học – Quản trị nhân sự.
Video đang HOT
Hiện tại, 100 SV K10, Khóa học 2007 – 2011 của Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, sắp ra trường chỉ được cấp bằng cử nhân Tâm lý học. Với tấm bằng như vậy sẽ gây khó cho SV khi tuyển dụng.
Hiện nay các nhà tuyển dụng vẫn chưa hiểu rõ về chuyên ngành Tâm lý học (Quản trị nhân sự) của những SV đang theo học tại Trường ĐH Hồng Đức. Thường khi tiếp nhận hồ sơ của SV, nhà tuyển dụng căn cứ vào bằng tốt nghiệp chứ ít khi quan tâm đến bảng điểm và nhiều SV không biết giải thích với nhà tuyển dụng thế nào.
Theo Mục 2, Điều 2, tại Quyết định số: 52/2002/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT năm 2002, quy định, nếu học theo phương thức giáo dục nào thì trên văn bằng có ghi hình thức học tập tương ứng.
Không chỉ SV Bộ môn Tâm lý – Giáo dục mà tại Trường ĐH Hồng Đức, hàng trăm SV các ngành Địa lý quản lý tài nguyên môi trường, Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch) cũng có chung những tâm lý hoang mang lo lắng như trên.
Bạn Lê Thị Lan, SV ngành Địa lý (Chuyên ngành Địa lý du lịch), tốt nghiệp năm 2010 bức xúc: “Lúc đầu đăng ký thi vào em thấy ghi ngành Địa lý (Chuyên ngành địa lý du lịch), nên em đã đăng ký thi vì em thích làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng nào ngờ khi ra trường trên bằng chỉ ghi là Cử nhân Địa lý, bọn em gặp nhiều khó khăn lắm, khi đi xin việc họ chả biết ngành đó là ngành gì. Bọn em ra trường thất nghiệp rất nhiều, đúng là chán đời. Trong khi đó nhiều trường khác có chuyên ngành về du lịch hẳn hoi nên chúng em khó cạnh tranh với họ. Em ra trường đã được một năm rồi mà vẫn chưa xin được việc làm vì mỗi lần cầm bằng đi đến các công ty du lịch thì họ bảo không nhận ngành Địa lý, em có giải thích nhưng cũng không ăn thua”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: “Khoa chúng tôi có đào tạo ngành Địa lý (Quản lý tài nguyên môi trường), cấp bằng cử nhân Địa lý, còn trong bảng điểm được phép ghi cụ thể. Quản lý tài nguyên môi trường chưa được coi là chuyên ngành mà chỉ được coi là kiến thức định hướng nghề nghiệp nên nhiều SV lầm tưởng là chuyên ngành. Mới chỉ có 16/132 tín chỉ về lý thuyết chưa được coi là chuyên ngành nên không được ghi vào bằng. Khoa và trường chưa đủ năng lực để cấp bằng Địa lý quản lý tài nguyên môi trường. Hiện khoa đã đào tạo 4 khóa khoảng 320 sinh viên, đã có một khóa tốt nghiệp ra trường”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Trưởng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, giải thích: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bằng chỉ được ghi ngành chứ không ghi chuyên ngành. Còn việc ghi như trong những điều cần biết chỉ là giải thích thêm, định hướng. Đối với ngành Tâm lý học của trường mục tiêu là làm công tác tổ chức cán bộ, quản trị nhân sự. Rất nhiều trường lớn làm như thế. Chúng tôi chưa bao giờ đăng Quản trị nhân sự lên trước, cái nào lên trước thì cái đó quan trọng. Kể cả ngành Việt Nam học chúng tôi cũng ghi định hướng.
Ông Lê Văn Trưởng (áo xanh), Phó hiệu trưởng trường ĐH Hồng Đức trao đổi với PV.
Cái tâm lý lo lắng này của SV lặp đi lặp lại nhiều năm nay rồi. Chúng tôi giao khoa Tâm lý giải quyết. Chúng tôi cũng lấy ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, có những ý kiến thiện cảm và tất nhiên cũng có những ý kiến thiếu thiện cảm, nhưng trường làm đúng quy định của Bộ. Chúng tôi cũng đã có công văn xin ghi cụ thể vào bằng nhưng Bộ không đồng ý. Nhà trường thương SV lắm nên mới nghĩ ra cái đuôi như thế. Bộ quy định đào tạo ngành gì thì ghi như thế. Vấn đề này không chỉ riêng Trường ĐH Hồng Đức”.
Trước vấn đề nêu trên, nhà trường cũng như SV chưa tìm được tiếng nói chung, và trên hết là vấn đề việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Dư luận trong giới SV đang theo học các ngành nêu trên đang đặt ra câu hỏi liệu trường ĐH Hồng Đức có phải tuyển sinh theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó?”.
Theo DT
Kết thúc tuyển sinh 2011: Cần cải tiến thi "3 chung"
Mùa tuyển sinh 2011 vừa qua, không ít trường đại học cả công lập và dân lập lao đao vì thiếu thí sinh và phải tạm thời đóng cửa nhiều ngành học. Trước thực trạng trên, lãnh đạo nhiều trường đều kiến nghị cải tiến "3 chung".
Mùa tuyển sinh thất bại
Tuyển sinh 2011, nhiều trường đại học công lập lớn thiếu hàng trăm thậm chí hàng nghìn chỉ tiêu như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Tháp, ĐH Sao Đỏ, ĐH Hồng Đức, ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Kinh tế tài chính TPHCM, ĐH An Giang...
Kỷ lục nhất là trường ĐH Đồng Tháp, do thiếu chỉ tiêu trầm trọng nên trường đã thông báo không mở các lớp thuộc 17 ngành đào tạo, trong đó 11 ngành ĐHc và 6 ngành CĐ. Các ngành ĐH gồm: Sư phạm (SP) Vật lý, SP Kỹ thuật công nghiệp, Khoa học máy tính, SP Tin học, SP Kỹ thuật nông nghiệp, SP Hóa học, Quản lý văn hóa, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, SP Lịch sử, Khoa học thư viện. Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã đóng cửa ngành SP Giáo dục chính trị và Văn hóa học. Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng thông báo đóng cửa ngành tiếng Anh.
Đặc biệt, Trường ĐH Phú Yên, mặc dù được Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh, song vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường đã đóng của 2 ngành Việt Nam học (hệ ĐH) và Kỹ thuật điện - điện tử (hệ CĐ) vì không tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp.
Tuyển sinh 2011, nhiều trường đại học "tung chiêu" để hút thí sinh.
Với các trường ĐH ngoài công lập thì khỏi phải nói bởi hầu hết trường nào cũng thiếu chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu. "Khát" thí sinh, Trường ĐH Thành Tây đã có thông báo khẩn về NV3 với 520 chỉ tiêu. Thí sinh nào bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT đều được gọi nhập học. Trường còn tuyên bố miễn học phí 1 tháng đầu tiên với thí sinh trúng tuyển vào trường.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập than rằng: "Tuyển sinh 2011 là mùa tuyển sinh buồn và thất bại nhất, bởi nguồn tuyển không có. Nguyên nhân cơ bản, là hệ lụy của việc tuyển sinh "3 chung. Các trường luôn bị rơi vào tình thế bị động. Thí sinh nộp hồ sơ vào trường rồi lại rút ra nộp trường khác làm nhiều trường như ngồi trên đống lửa vì số lượng thí sinh ảo".
Cần cải tiến "3 chung"
GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh cho rằng: "Tuyển sinh "3 chung" sau nhiều năm cũng có mặt tích cực nhưng hiện nay cần phải làm thế nào để cải tiến lại vì không còn phù hợp với thực tế. Chúng ta hiện nay quá bảo thủ, câu nệ về đầu vào ĐHc. Tuy ai cũng biết đầu vào quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu ra đề thi hiện nay chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với thực tế".
"Hãy cho các trường được tự chủ thực sự. Theo đó, cho các trường được tuyển chọn sinh viên và nhà nước giám sát đầu ra. Khi các trường được tự chủ, tự quyết thì các trường sẽ chịu trách nhiệm trước toàn xã hội" - GS Nghị đề nghị.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lê Trọng Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất góp ý: "Trước mắt "3 chung" vẫn tốt vẫn có nhiều mặt tích cực. Nhìn vào điểm thi ĐH năm nay thấy chất lượng kém thì không phải, điểm thi phụ thuộc vào đề thi. Đề thi không phù hợp đã ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích đã có của "3 chung". Do vậy, nên cấu trúc lại đề thi ĐH cho hợp lý, phù hợp với thực tế học sinh hiện nay. Ra đề thi như thế nào để học sinh có lực học trung bình khá đều đạt 15 điểm. Đặc biệt, cải tổ "3 chung" theo hướng tự chủ đề phù hợp với đào tạo tín chỉ hiện nay".
Trong tuyển sinh "3 chung", những trường ĐH ngoài công lập có lẽ là khổ nhất bởi mùa tuyển sinh nào cũng hồi hộp lo lắng chờ điểm sàn của Bộ, lo lắng chờ đợi thí sinh, rồi đưa ra đủ "chiêu" quảng bá để cạnh tranh hút thí sinh nhưng chẳng thấm vào đâu khi vẫn thiếu thí sinh.
Ông Nguyễn Viết Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Chu Văn An, kiến nghị: "Cần "mềm hóa" điểm sàn, "mềm hóa" khối thi để các trường tuyển được thí sinh. Đặc biệt, cần nghiên cứu lại điểm chênh lệch giữa các khu vực giảm khoảng 1 điểm đề học sinh miền núi, vùng khó khăn có cơ hội vào ĐH nhiều hơn".
Đồng quan điểm, GS Vũ Minh Giang, phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Bộ GD-ĐT phải chấp nhận xu hướng thế giới là sự phân tầng. Việc hạn chế nhu cầu của xã hội, ở đây là hạn chế bằng điểm sàn, là không đúng quy luật, vì nguồn nhân lực cũng tùy thuộc vào các thang bậc khác nhau của xã hội. Nên để các trường tự đối mặt với nhu cầu xã hội và khẳng định với xã hội bằng chất lượng đầu ra. Như vậy sẽ có cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Nếu Bộ chưa chấp nhận phân tầng thì sẽ còn lúng túng trong việc chỉ đạo cũng như điều hành tuyển sinh.
Theo DT
Trúng tuyển cũng không được học Vượt qua kỳ thi tuyển sinh đầy cam go, biết bao tân sinh viên hớn hở làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay với "hội chứng" đóng cửa ngành học ở hàng loạt trường, nhiều em thậm chí trúng tuyển NV1 cũng không được học. Đóng 21 triệu đồng vẫn không được học Ngày 13-10, thí sinh Vũ...