ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị nhận bằng khen của Bộ Giáo dục
Trường đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học giai đoạn 2007 – 2017.
TS. Hoàng Xuân Lâm – Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Sơn nhận bằng khen và lẵng hoa chúc mừng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM) vừa kỷ niệm 10 năm thành lập, xây dựng, phát triển (2007 – 2017) và công bố chiến lược phát triển trong giai đoạn 2017 – 2027.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Sơn – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 10 năm qua là thời gian nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ với nhiều thăng trầm, vất vả. Tuy nhiên, với quyết tâm mang đến một nền giáo dục hội nhập quốc tế, đến nay, trường đã gặt hái nhiều thành công. Những thành tích trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường không chỉ là con số, mà còn thể hiện sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, các em sinh viên. Tất cả đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đưa nhà trường từng bước tiến lên vững chắc.
Tại buổi lễ kỷ niệm, trường đã đón nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Khối các trường Đại học & Cao đẳng Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng phát triển giai đoạn 2007 – 2017.
Đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thiếu tướng.TS. NGND Nguyễn Thiện Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương những thành tích đáng ghi nhận của ban lãnh đạo, tập thể cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị trong 10 năm qua. Ông kỳ vọng trường sẽ là đơn vị triển khai các chương trình dạy và học theo mô hình giáo dục trong cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là mô hình liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.
Chủ tịch HĐQT nhà trường – TS. Hoàng Xuân Lâm đã công bố chiến lược phát triển trường giai đoạn 2017 – 2027. Ông cho biết sẽ không ngừng phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, với chương trình đào tạo thích hợp, thường xuyên được cập nhật. Ngoài ra, trường còn phát triển đội ngũ quản lý, chuyên môn có trình độ cao để đào tạo ra đội ngũ kỹ sư và cử nhân có chất lượng, phục vụ công cuộc hiện đại hóa – công nghiệp hóa đất nước.
Video đang HOT
Nhà trường đã công bố quyết định khen thưởng cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc đào tạo, giảng dạy trong suốt thời gian qua.
Giáo sư Dương Quang Khánh – Phó Hiệu trưởng nhà trường trao giấy khen cho tập thể và cá nhân.
Đại diện nhà trường cho biết sẽ cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những trường đại học có uy tín về chất lượng đào tạo, khác biệt dịch vụ và sáng tạo trong quản lý. Điều này góp phần tạo ra đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có trình độ và kỹ năng chuyên môn cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, công nghệ, xã hội ở Việt Nam và khu vực.
Theo VNE
Tự bồi dưỡng: Chìa khóa nâng chất của người thầy
Xã hội ngày càng phát triển đã và đang đòi hỏi chất lượng giáo dục không ngừng tăng lên. Mặt khác, quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cũng buộc những người thầy tự trang bị cho mình những hành trang tri thức cần thiết để đáp ứng tốt công tác giảng dạy.
ảnh minh họa
Đứng trước yêu cầu chung đó, vấn đề tự học, tự bồi dưỡng kiến thức của đội ngũ nhà giáo cần được quan tâm và đẩy mạnh để góp phần vào chất lượng hiệu quả ngành Giáo dục.
Để người thầy vững vàng tri thức
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, với đặc thù lao động sư phạm đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo không ngừng của giáo viên thì năng lực tự học của giáo viên là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng dạy và học. Không những thế, một môi trường nhà trường giàu tinh thần tự học của giáo viên sẽ mang lại ý nghĩa lớn.
Môi trường ấy có khả năng tạo nên những xung động, có sức lan tỏa và cộng hưởng mạnh mẽ đến việc học tập của học sinh, đến sự phát triển của cộng đồng sư phạm và sự phát triển của nhà trường, xã hội. Thúc đẩy tinh thần, kỹ năng học tập trong nhà trường không chỉ cần với học sinh; giáo viên mà phải trở thành mục tiêu chiến lược trong đổi mới giáo dục.
Thầy giáo Mạc Đăng Nghị - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương từng : Tôi không đặt ra một ngày mình phải tự học, tìm hiểu kiến thức để bồi dưỡng thêm cho mình bao nhiêu giờ đồng hồ. Tôi chỉ biết mình học bất cứ khi nào có thời gian rảnh.
Việc tự học, đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp của đồng nghiệp để bổ sung kiến thức cho mình khi đứng trên bục giảng là tất yếu đối với những giáo viên. Nghề giáo nói chung, thầy giáo trường chuyên nói riêng nếu không có sự say mê, hứng thú với nghiên cứu khoa học, không có sự trải nghiệm với tri thức thì không thể làm tốt vai trò.
Rất nhiều giáo viên đã từng dìu dắt thành công học sinh trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế cũng cho rằng: Học sinh ngày càng giỏi giang và đòi hỏi cao ở người thầy. Các em không chỉ học trong sách vở mà còn tự học qua các nguồn tài liệu nâng cao được tìm từ trên mạng, hay sách nước ngoài...
Quá trình học tập trên lớp nhiều học sinh không ngừng đưa ra những câu hỏi về kiến thức nâng cao. Chính vì vây nếu không tự bồi dưỡng, tự học hỏi kiến thức hàng ngày thêm qua sách, qua đồng nghiệp... thì không thể đi trước và đáp ứng tốt công tác giảng dạy, ôn luyện. Đặc biệt trong quá trình luyện thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế thì kiến thức, kinh nghiệm bản lĩnh, kĩ năng... của người thầy càng đóng vai trò lớn và thậm chí mang yếu tố quyết định đến sự thành công của học trò.
GS.TS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, - người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tham gia vào quá trình quản lý nhà trường khẳng định: Một giáo viên để không bị tụt hậu và phát triển thì tất yếu phải tự học, tự bồi dưỡng kiến thức và nâng cấp bản thân mình thường xuyên, liên tục.
Chỉ có sự chăm chỉ đào luyện kiến thức từ những người thầy mới có thể đào tạo nên những học trò giỏi và tạo cho các em niềm đam mê học tập. Song vấn đề tự học, tự nâng cao kiến thức trong đội ngũ giáo viên đã và đang cần sự quan tâm, thúc đẩy, tạo điều kiện từ các nhà trường.Và hơn thế ý thức, nhận thức đúng đắn của mỗi giáo viên xung quanh vấn đề tự học tự nâng cấp tri thức cho bản thân đúng đắn vai trò tiên quyết.
Người giáo viên phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và tất yếu phải phải thực hiện việc tự bồi dưỡng cho bản thân. Họ cũng cần hiểu rằng, với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường thì không thể thỏa mãn và đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới thường xuyên trong giáo dục. Hơn thế, những yêu cầu của xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng lớn thì người giáo viên không thể chỉ đào tạo một lần là thỏa mãn mà phải thường xuyên nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Tự bồi dưỡng - Yêu cầu tất yếu
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã tổ chức cách học tập và phát triển năng lực cho giáo viên tại trường học theo mô hình tự nghiên cứu và thấy được tính hiệu quả, bền vững của vấn đề tự học.
Tại Việt Nam, có nhiều sự thay đổi về nội dung chương trình cũng như các thế hệ học sinh đang có sự thay đổi nhanh chóng về nhận thức, tư duy không ngừng về tiếp nhận kiến thức. Điều đó đòi hỏi hơn bao giờ hết những người thầy nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng thêm kiến thức và phương pháp giảng dạy. Nếu người thầy bằng lòng với kiến thức, tự tin với khả năng, thâm niên của bản thân mà bỏ qua tự học, trau dồi tích lũy kiến thức chắc chắn sẽ trở nên tụt hậu từng giờ, từng ngày. Và kết quả cuối cùng là không đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại.
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy bên cạnh một số giáo viên giác ngộ được vấn đề tự học để nâng cấp bản thân phục vụ cho đòi hỏi giảng dạy thì một bộ phận không nhỏ giáo viên lại tự hài lòng với khả năng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của mình nên lơi lỏng và bỏ ngỏ việc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức bản thân. Vì vậy họ đang rơi vào tình trạng tụt hậu nghiêm trọng cả kiến thức lẫn kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp. Họ đã và đang đáp ứng một cách bị động, thiếu chất lượng trước mỗi giờ trên lớp.
Mặt khác, nhiều giáo viên vịn cớ đời sống giáo viên vất vả, chưa sống được bằng tiền lương nên thời gian rảnh phải bươn chải làm thêm nghề khác nhau để tăng thêm thu nhập. Còn với một số giáo viên có điều kiện về kinh tế nhưng bản thân thiếu tâm huyết, ngại đổi mới nâng cấp tri thức nên cũng không mặn mà, quan tâm tới việc bồi dưỡng kiến thức cho bản thân. Và lâu dần hình thành sức ỳ, sự bằng lòng khó thay đổi.
Trong công cuộc tự học, tự nghiên cứu của giáo viên hiện và đặc biệt với giáo viên vùng khó, vùng sâu xa thì sự khó khăn về sách vở, tài liệu, công nghệ thông tin cũng là yếu tố gây cản trở không nhỏ. Nhiều giáo viên vùng sâu để tìm được cuốn sách nghiên cứu theo mong muốn thì không tìm được qua thư viện nhà trường.
Lên hệ thống thư viện điện tử - nơi có thể giúp giáo viên tải tài liệu, sách trên mạng về để đọc và tìm hiểu cũng không được cập nhật. Tìm kiến thức qua những sách nước ngoài thông qua mạng Internet thì giáo viên lại chưa đáp ứng được trình độ ngoại ngữ để có thể đọc và hiểu. Sự học hỏi chuyên môn giữa đồng nghiệp trong các nhà trường và ở phạm vi lớn hơn là ngoài trường, ngoài tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập, hạn chế.
Xu thế của chung của giáo dục hiện nay là phát huy tối đa khả năng của học sinh, giúp học sinh tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Vì vậy, người thầy với vai trò tổ chức, hướng dẫn quá trình sư phạm phải là tấm gương tự học, thành thạo trong các kỹ năng tự học. Người thầy có tự học, tự bồi dưỡng mới làm chủ được tri thức, chuyên môn và đáp ứng tốt nhất việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên cần coi vấn đề tự bồi dưỡng như một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và tất yếu phải thực hiện cho bản thân trong quá trình giảng dạy. Bởi chỉ với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường chưa thể thỏa mãn và đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới thường xuyên trong giáo dục.
Theo Giaoducthoidai.vn
Làm gì để hội đồng trường có thực quyền? Một lần nữa chủ đề "hội đồng trường" lại thu hút nhiều ý kiến tại hội nghị tham vấn sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 15/12. Ngày 15/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên...