ĐH Công nghệ TP HCM tuyển vượt gấp đôi chỉ tiêu?
Một số sinh viên hệ chính quy ĐH Công nghệ TP HCM phản ánh nghi ngờ nhà trường tuyển vượt gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh, nên làm giảm chất lượng đào tạo.
Các sinh viên này đã cung cấp cho chúng tôi danh sách sinh viên từng lớp của các khóa từ khóa 2012 đến khóa 2015.
Theo danh sách này, mỗi khóa có đến hàng trăm lớp với khoảng 50 sinh viên/lớp. Tổng cộng số sinh viên mỗi khóa của trường lên đến 10.000 – 12.000.
“Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm của trường khoảng hơn 5.000 sinh viên. Chính vì tuyển vượt chỉ tiêu quá nhiều nên sinh viên vào lớp học không đủ chỗ ngồi… Sinh viên chính quy mà phải học cả buổi tối” – một sinh viên bức xúc nói.
Video đang HOT
Sáng 5/4, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, cho biết, bên cạnh bậc CĐ, ĐH hệ chính quy với 5.500 – 6.000 sinh viên, nhà trường còn tuyển sinh và đào tạo liên thông, văn bằng 2, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa với hơn 3.000 sinh viên/năm.
Ngoài ra, nhà trường còn tuyển sinh hệ CĐ thực hành, CĐ nghề với 3.000 chỉ tiêu/năm. Nếu tính tổng chỉ tiêu tất cả các bậc học, hệ đào tạo của trường hàng năm dao động từ 10.000 – 12.000 sinh viên.
Sinh viên ĐH Công nghệ TP HCM xếp hàng đi thang máy lên lớp học. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Về danh sách sinh viên theo lớp học của các khóa đào tạo với mã số sinh viên, ông Quốc Anh giải thích: Mã số sinh viên được nhà trường sắp xếp thứ tự từ trên xuống theo giấy chứng minh nhân dân của sinh viên tất cả các bậc học, hệ đào tạo. Nhà trường đào tạo theo học chế tín chỉ, nên việc quản lý sinh viên cũng theo hình thức này.
Theo đó, tất cả sinh viên được đăng ký môn học, sau đó được xếp theo lớp (50-60 sinh viên/lớp). Tất cả sinh viên các hệ đào tạo đều được học chung ở từng môn học cụ thể (cùng một mã môn học).
Vì vậy sẽ nảy sinh trường hợp trong cùng một lớp có sinh viên khóa 15 và sinh viên khóa 12 (do nợ môn), hoặc ngược lại lớp của khóa 12 vẫn có sinh viên khóa 15 (đăng ký học vượt). Đến lúc thi hết môn, sinh viên cũng phải thi chung đề, không phân biệt sinh viên hệ đào tạo nào. Ngay cả sinh viên bậc CĐ cũng phải học cùng môn học (trùng mã môn học) với bậc ĐH.
Do đó, nếu dựa trên danh sách lớp đăng ký môn học, sẽ không thể hiện đúng tổng số sinh viên mỗi khóa vì có sự chồng chéo.
“Thật sự, có năm nhà trường cũng tuyển vượt so với chỉ tiêu vài phần trăm, nhưng cũng có năm tuyển không đủ. Năm 2015, nhà trường tuyển được khoảng 5.800 sinh viên bậc CĐ và ĐH hệ chính quy (trong khi chỉ tiêu của trường là 5.600). Hiện nay tổng quy mô sinh viên của trường khoảng 30.000 – 35.000 sinh viên” – ông Quốc Anh nói.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, cho biết thêm, theo quy chế tín chỉ, thời gian học của sinh viên từ 6h30 – 20h30 hàng ngày. Nhà trường phân ra 15 tiết với 5 ca học mỗi ngày.
“Thực tế cũng có sinh viên do đăng ký môn học chậm nên không đăng ký được vào những lớp học mong muốn, khi đó bắt buộc sinh viên phải đăng ký vào các lớp khác. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của sinh viên hệ liên thông, nhà trường có mở lớp vào ngày thứ bảy và chủ nhật” – ông Nam nói.
Ông Quốc Anh cũng khẳng định: “Không có tình trạng lớp học không đủ chỗ ngồi cho sinh viên”.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ