ĐH Bách khoa Hà Nội tăng 100 bậc trên bảng xếp hạng thế giới
Trong bảng xếp hạng theo ngành học của QS, ĐH Bách khoa Hà Nội có 4 nhóm ngành vào danh sách 400 và 500 thế giới, tăng 50-100 bậc so với năm ngoái.
Quacquarelli Symonds (QS) vừa công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo ngành. ĐH Bách khoa Hà Nội xuất hiện trong 4 nhóm ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Toán học.
Trong đó, trường xếp ở vị trí 351-400 thế giới nhóm ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, tăng 50 bậc so với năm ngoái (401-450). ĐH Bách khoa Hà Nội cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam
Ở nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội đứng trong nhóm 351-400, tăng 100 bậc so với năm 2019 (451-500).
3 trường Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng QS theo nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin. Ảnh chụp màn hình.
Năm nay, thứ hạng nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin của trường tăng 50 bậc, từ 501-550 năm ngoái lên 451-500 năm nay.
Ngoài ra, hai trường khác của Việt Nam cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng thế giới theo nhóm ngành này, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội (501-550) và ĐH Quốc gia TP.HCM (551-600).
Năm 2020, lần đầu tiên nhóm ngành Toán học của ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào top 500 thế giới theo đánh giá của QS. Trường đứng thứ hai Việt Nam, sau ĐH Quốc gia Hà Nội (401-550).
Video đang HOT
Bảng xếp hạng đại học thế giới của QS đánh giá 48 nhóm ngành theo 5 lĩnh vực, gồm Nghệ thuật & Nhân văn, Kỹ thuật & Công nghệ, Khoa học Đời sống & Y học, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Quản lý.
Bảng xếp hạng từng nhóm ngành được tổng hợp từ 4 nguồn. Hai trong số đó là khảo sát toàn cầu các học giả, nhà tuyển dụng do QS thực hiện, dùng để đánh giá danh tiếng quốc tế của từng cơ sở giáo dục.
Hai chỉ số còn lại đánh giá mức ảnh hưởng của công tác nghiên cứu, dựa trên số lượt trích dẫn/nghiên cứu và chỉ số H (thước đo về năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế, và sự ghi nhận của đồng nghiệp trong ngành của một nhà khoa học). Chúng được lấy từ dữ liệu Scopus – cơ sở dữ liệu trích dẫn nghiên cứu toàn diện nhất thế giới.
Theo Zing
Vuột mất cơ hội tuyển dụng vì yếu kỹ năng mềm
Các nhà tuyển dụng thường "chê" sinh viên tốt nghiệp đại học yếu về kỹ năng mềm. Điều này cho thấy, trong đổi mới đào tạo, bổ sung kỹ năng mềm cho sinh viên cần được lồng ghép vào chương trình, giáo trình, môn học.
Sinh viên có thể tự học kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ảnh: Thu Hằng.
Có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: "Trong khi tình trạng yếu ngoại ngữ của sinh viên muốn cải thiện phụ thuộc chủ yếu vào người học, còn có hai vấn đề quan trọng nữa các trường đại học đang cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp; hỗ trợ công tác hướng nghiệp cho sinh viên.
Qua đó, để sinh viên thấy rõ hơn các yêu cầu của doanh nghiệp về trình độ ngoại ngữ và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Một khi được doanh nghiệp định hướng về trình độ ngoại ngữ, khi ra trường các em sẽ có cơ hội nghề nghiệp và điều kiện làm việc tốt hơn. Khi đó sinh viên sẽ có động lực nâng cao trình độ ngoại ngữ hơn".
Trong buổi tọa đàm về đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp gần đây (do Mạng lưới cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức), PGS Tạ Hải Tùng (Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chia sẻ về thực trạng yếu kỹ năng mềm và tiếng Anh của sinh viên hiện nay.
Theo PGS Tạ Hải Tùng, vừa đầu năm học này, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông kết hợp với cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm việc ở Thung lũng Silicon (Mỹ), tạo cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi có thể sang Mỹ thực tập trong những tập đoàn danh tiếng như Apple, Facebook, Amazon...
Nhưng dù đã chọn được 40 sinh viên xuất sắc để phía doanh nghiệp phỏng vấn, tiếc là chỉ có 3 sinh viên đạt được sự hài lòng của nhà tuyển dụng, khi xét đầy đủ các yếu tố: Ngoại ngữ, kỹ năng mềm, thuật toán.
Thực tế đáng suy nghĩ là qua tuyển dụng có những sinh viên giỏi thuật toán lại kém tiếng Anh, đạt được yêu cầu về tiếng Anh thì kỹ năng mềm yếu.
Thiếu kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế đến mức có sinh viên không biết cách viết email, viết CV (đơn xin việc). Trong khi đó, sinh viên Mỹ được các cơ sở đào tạo cung cấp nhiều khóa học về kỹ năng mềm. Thậm chí, họ còn được trang bị cả cách mặc trang phục, dùng dao dĩa trong bữa ăn khi gặp đối tác...
Bổ sung khóa học kỹ năng mềm cho sinh viên
Để có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, sinh viên cần được học từ kỹ năng lãnh đạo đến cách viết email, đơn xin việc... Ảnh: Hội đồng Anh.
Điều đáng lo lắng theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn chính là động lực học của sinh viên còn ít, nếu chỉ nghĩ học nâng cao năng lực quá tốn kém thì rất khó giỏi được. Nhà tuyển dụng, nhất là các nhà tuyển dụng lớn "chê" sinh viên tốt nghiệp yếu về kỹ năng mềm. Mặc dù trong đổi mới đào tạo, kỹ năng mềm cho sinh viên đã được lồng ghép nhiều vào chương trình, giáo trình, môn học.
"Theo tôi, nhiều trường đại học hiện nay, trong đó có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chủ trương thực hiện việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Có nhiều cách để đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, trong đó cần chú trọng: Không chỉ dừng ở việc học để biết, muốn trở thành kỹ năng bắt buộc sinh viên phải được rèn luyện.
Một phương pháp cần thiết là trường đưa những kỹ năng mềm tích hợp vào các môn học bắt buộc, giúp sinh viên biết cách nghiên cứu, trình bày vấn đề, giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm... Những môn học có thể dạy tích hợp kỹ năng mềm cho sinh viên như vậy gồm những môn học cần sự trải nghiệm, sáng tạo, cần sự tương tác, trình bày.
Bên cạnh đó, có những kỹ năng mềm quan trọng nhưng không thể tích hợp vào môn học thì cần phải có những lớp học kỹ năng mềm, sinh viên học riêng ngoài giờ học chính khóa"- PGS.TS Hoàng Minh Sơn phân tích.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường đại học khác đang mở những lớp dạy kỹ năng mềm cho sinh viên. Bên cạnh đó ngay trên mạng Internet cũng có rất nhiều lớp học online, những tài liệu dạy về kỹ năng mềm, sinh viên có thể học qua đó.
"Chỉ cần sinh viên quan tâm là có thể học được kỹ năng mềm"- PGS.TS Hoàng Minh Sơn gợi ý -"Qua những lớp học, những tài liệu mở trên mạng sinh viên hoàn toàn có thể tự học".
Cần có phương thức tuyển dụng và đào tạo giáo viên mới, nhằm dạy cho sinh viên những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Ảnh: Hội đồng Anh.
Còn kỹ năng nghề nghiệp như: Lập kế hoạch làm việc, phương pháp làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, sinh viên năm cuối có thể được hỗ trợ khi nhà trường có sự hợp tác với doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp lớn thường có những chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho nhân sự họ cần tuyển dụng với những nội dung và phương pháp đào tạo tương đối chuyên nghiệp. Nhà trường hợp tác với nhà tuyển dụng trong đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên năm cuối là việc rất tốt cho sinh viên" - PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhận định: "Những chương trình thực tập ở doanh nghiệp là cơ hội rất tốt để sinh viên tiếp cận phương pháp làm việc và điều kiện làm việc thực tế, cũng như học và trải nghiệm những kỹ năng mềm, phong cách làm việc công nghiệp, hiện đại".
Thanh Tuấn
Theo giaoducthoidai
Đông đảo sinh viên trở lại trường học Đa số học sinh (HS), sinh viên (SV) đều hào hứng khi trở lại trường học ngày 2/3. Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đều thực hiện nghiêm khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, giảng viên và HS, SV. Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đi học trở...