ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trao 500 học bổng tổng trị giá 45 tỷ đồng cho tân sinh viên
Với chính sách học bổng mới, trong năm học 2019-2020, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ chọn trao 500 suất học bổng cho các sinh viên khóa K64 (khóa được trường tuyển sinh và nhập học trong năm nay -PV). Tổng giá trị các suất học bổng lên tới 45 tỷ đồng.
Các học sinh THPT tham khảo ngành học của ĐH Bách khoa Hà Nội trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2019 (Nguồn ảnh: hust.edu.vn)
Thông tin từ ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, khác với các cách xét học bổng truyền thống thường được phân bổ về các Khoa, Viện theo kết quả học tập, bắt đầu từ năm học 2017-2018, nhà trường áp dụng chính sách học bổng mới nhằm “ khuyến khích tài năng và trao cơ hội học tập tới mọi sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nghị lực vươn lên trong học tập”. Hơn thế, với chính sách học bổng mới này, sinh viên, tân sinh viên sẽ phát huy được tính chủ động và tự tin nộp hồ sơ với năng lực và kết quả học tập, rèn luyện của cá nhân.
Theo chính sách học bổng mới, ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng các quỹ học bổng khuyến khích tài năng, học bổng hỗ trợ học tập, học bổng nghiên cứu và học bổng tài trợ của doanh nghiệp. Nguồn kinh phí của các quỹ học bổng và hỗ trợ tài chính này được hình thành từ kinh phí của trường và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cựu sinh viên và doanh nghiệp.
Trong đó, ở loại hình học bổng hỗ trợ học tập, học bổng nghiên cứu, ĐH Bách khoa Hà Nội trao tặng 2 mức: học bổng toàn phần (trị giá 100% học phí); học bổng bán phần (trị giá 50% học phí). Riêng học bổng khuyến khích tài năng có giá trị tương đương 30.000.000 triệu đồng/sinh viên, 150% mức học phí.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết thêm, phần lớn kinh phí của Quỹ học bổng của trường được dùng để xây dựng Quỹ học bổng hỗ trợ học tập (Scholarships) dành cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt (kinh tế gia đình khó khăn, sự cố đột xuất) với kết quả học tập và rèn luyện tốt để sinh viên có thể yên tâm học tập.
Đặc biệt hơn, với chính sách học bổng mới này, tính đến hết ngày 31/3/2019, ĐH Bách khoa Hà Nội Hà Nội đã nhận được 144 hồ sơ của các bạn học sinh sẽ tham dự kì thi THPT Quốc gia năm 2019 có nguyện vọng trở thành tân sinh viên K64 của trường. Hội đồng xét, cấp học bổng của Trường đã xét và cấp 106 suất học bổng trong đó có 30 suất toàn phần và 76 suất bán phần.
PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng cho biết, chính sách học bổng mới của ĐH Bách khoa Hà Nội được xây dựng nhằm thu hút sinh viên tài năng, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên và có kết quả tốt trong học tập.
Video đang HOT
“Trường sẽ cấp học bổng tài năng cho tất cả thí sinh đạt giải Nhất, Nhì trong các kỳ thi học sinh quốc gia các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học khi đăng ký tuyển thẳng vào trường và tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký học bổng hỗ trợ học tập (đợt 2) cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH BÁch khoa Hà Nội đến hết tháng 7/2019 để khi trúng tuyển các em hoàn toàn yên tâm học tập”. PGS Trần Văn Tớp cho biết thêm.
Được biết, trong năm học năm học 2018-2019, năm đầu tiên áp dụng chính sách học bổng mới, vào tháng 4/2019, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố danh sách các sinh viên được xét, cấp học bổng. Theo đó, 127 sinh viên đã nhận học bổng Khuyến khích tài năng với giá trị 30 triệu đồng/sinh viên, đây là những sinh viên có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, nằm trong Top 1% sinh viên có điểm cao nhất phân theo ngành đào tạo.
Bên cạnh học bổng khuyến khích tài năng, 274 sinh viên hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có nhiều cố gắng nỗ lực trong học tập và rèn luyện đã được cấp học bổng hỗ trợ học tập, với 154 sinh viên nhận học bổng mức toàn phần và 120 sinh viên mức bán phần.
Vân Anh
Theo infonet
Học bổng sau đại học: giải nỗi lo 'vừa học vừa làm'
Với 100 suất học bổng mỗi năm, chương trình học bổng của Vingroup dành cho học viên sau đại học được đánh giá sẽ góp phần thu hút người giỏi và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học trong nước.
Tọa đàm chia sẻ các chương trình học bổng của Vingroup cho học viên sau đại học - Ảnh: MỸ KHANH
Trong bối cảnh Việt Nam đang rất "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực khoa học công nghệ, một số chính sách học bổng với tư duy khác biệt đang mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu cho nhiều nhà khoa học trẻ, trở thành động lực phát triển cho các ngành trọng điểm.
Trong buổi tọa đàm về Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa qua, phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển của khu vực, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường ĐH, viện nghiên cứu ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, việc đào tạo sau ĐH những năm gần đây ngày càng giảm sút về chất lượng, đặc biệt là ở các trường ĐH và viện nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai.
Vừa học vừa làm khó nghiên cứu
Theo giáo sư Vũ Hà Văn (ĐH Tổng hợp Yale, Hoa Kỳ) - hiện là giám đốc khoa học Viện nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn Vingroup, nhu cầu học sau ĐH vẫn lớn nhưng những người giỏi đều tìm cách đi đào tạo ở nước ngoài.
Ở Mỹ, đi học sau ĐH được coi như một công việc "toàn thời gian", người học chỉ chuyên tâm nghiên cứu và được nhận trợ cấp từ chính phủ hoặc doanh nghiệp. Còn trong nước có rất nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ chỉ vì tấm bằng, phần lớn là học bán thời gian vào buổi tối, cuối tuần... nên chất lượng không đảm bảo. Sự khác biệt ấy dẫn tới khác biệt về chất lượng đào tạo.
Ông Hoàng Minh Sơn cũng cùng quan điểm khi chia sẻ người chọn đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài vì có học bổng, học toàn thời gian, có thể tham gia nghiên cứu.
"Nhiều trường ĐH nước ngoài cấp học bổng, hút người học là những trường không mấy tên tuổi, còn có thứ hạng thấp hơn chúng tôi. Nhưng người học không muốn chọn học trong nước vì phải tự gánh vác toàn bộ chi phí cao hơn nhiều so với chi phí học ĐH, phải vừa học vừa làm là chủ yếu nên thời gian được tham gia trải nghiệm nghiên cứu rất ít" - ông Sơn nhận xét.
Tại buổi tọa đàm, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF, trực thuộc Viện Big Data) đã thông tin sơ bộ về "Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước" do quỹ tài trợ. Mỗi năm sẽ có 100 suất học bổng, trị giá lên đến 120 triệu đồng/suất/năm cho bậc học thạc sĩ và 150 triệu đồng/suất/năm với bậc học tiến sĩ.
"Chúng tôi mong muốn góp phần thay đổi môi trường nghiên cứu khoa học trong nước thông qua sự hỗ trợ toàn diện về tài chính, giúp các nhân tài Việt có thể chuyên tâm học tập và nghiên cứu toàn thời gian.
Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến sự thay đổi tích cực và đột phá trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược cũng như những ngành trọng điểm có khả năng mang tới vận hội mới cho đất nước" - giáo sư Vũ Hà Văn nói.
Ông Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH đầu tiên ký kết với VINIF triển khai chương trình học bổng này - đánh giá đây sẽ là một cơ chế hỗ trợ hiệu quả góp phần thu hút người giỏi và nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH trong nước.
Du học với ràng buộc duy nhất: trở về
Với học bổng trong nước, hoàn toàn không có bất kỳ điều khoản ràng buộc sau khi tốt nghiệp. Còn trong trường hợp du học, Vingroup chỉ đưa ra "điều kiện" duy nhất: sau khi học xong trở về Việt Nam làm việc, cống hiến, đóng góp cho đất nước. Người được nhận học bổng không nhất thiết phải làm ở Vingroup, mà có thể chọn làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu công lập tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2019-2030, Vingroup sẽ xét cấp 1.100 suất học bổng sau ĐH toàn phần, bao gồm 100% chi phí phát sinh suốt thời gian đào tạo như học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay và bảo hiểm... cho các nhà khoa học trẻ có tiềm năng ở các ĐH hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Mỹ, Nga, Pháp, Úc, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore...
Tùy vào chính sách học phí từng trường theo từng ngành học và chi phí sinh hoạt tại từng quốc gia, một suất học bổng thạc sĩ có thể lên tới 3,6 tỉ đồng, học bổng tiến sĩ có thể lên tới 9,2 tỉ đồng.
Ngay sau khi công bố, các chương trình học bổng đã được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá, mở đầu một xu hướng mới. Đó là sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, trong khi từ trước đến nay những chương trình học bổng như thế này đều do Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế thực hiện.
Đánh giá chung về các chương trình học bổng cho học viên sau ĐH, ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là câu chuyện riêng của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Các chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Vingroup sẽ tạo tiền đề để những doanh nghiệp lớn khác cùng đi theo và ngày càng lan tỏa ra cộng đồng.
Trong khi đó, khi nói về chương trình học bổng du học, bà Lê Mai Lan - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm giám đốc điều hành ĐH VinUni - nhấn mạnh: "Khi gửi học viên đi học tập nghiên cứu tại những môi trường học thuật với nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, chúng tôi mong muốn khi về nước họ sẽ mang theo những định hướng phát triển khoa học mang tính đột phá, hoặc tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ mang tầm quốc tế, những công trình ứng dụng có ý nghĩa lớn".
Theo tuoitre
Tuyển sinh 2019: Đại học dành nhiều tỷ đồng "tặng" thí sinh điểm cao, thí sinh nghèo Không chỉ trở thành sinh viên mới được nhận học bổng mà ngay khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường đại học cũng được làm hồ sơ đăng ký xét nhận học bổng trong năm 2019. Để thu hút thí sinh giỏi vào trường, năm 2019, nhiều trường đại học lớn đã có những chính sách tặng học...