Đẹp mê hồn mùa lá đỏ dưới chân núi Phú Sĩ, Nhật Bản
Tháng 11 hàng năm là thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm cảnh rừng lá đỏ dưới chân núi Phú Sĩ ( Nhật Bản) hùng vĩ.
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, tọa lạc trên đảo Honshu với độ cao 3.776 m trên mực nước biển. Đây cũng là đỉnh núi cao thứ 2 trên một hòn đảo ở Châu Á và thứ 7 trên thế giới.
Núi Phú Sĩ là điểm tham quan, du lịch của đông đảo du khách khi đến Nhật Bản, đặc biệt vào mùa thu. Bước vào đầu tháng 9, mùa leo núi kết thúc, tiết trời cũng bắt đầu trở lạnh hơn. Thu đến khiến lá cây bắt đầu chuyển vàng rồi đỏ rực vào đầu tháng 11. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến đây check-in, chụp lại những bức ảnh mùa thu tuyệt đẹp.
Anh Đào Thái, một du khách người Việt có dịp đến ngắm cảnh chân núi Phú Sĩ cùng một nhóm bạn chia sẻ: “Khung cảnh hết sức tuyệt vời. Rất nhiều du khách đã lặn lội đến đây chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi Phú Sĩ dưới những tán lá cây đỏ tươi và không gian tĩnh lặng vào mùa thu”.
Mùa thu ở khu vực chân núi Phú Sĩ (Nhật Bản).
Lái xe men theo con đường đẹp bao quanh Phú Sĩ Ngũ Hồ (5 hồ nước bao quanh núi Phú Sĩ), ngắm lá mùa thu là một trong những trải nghiệm tuyệt vời ở đây. Trong đó, nhiều người tìm đến đường hầm Momiji nổi tiếng trên bờ phía bắc của hồ Kawaguchi để tìm cho mình những tấm ảnh để đời.
Giữa những tán lá Mojimi đỏ tươi, núi Phú Sĩ sừng sững hiện lên phía xa xa, với chóp núi đã lấp ló màu tuyết trắng. Ở giữa là mặt hồ phẳng lặng, bình yên, đem đến khung cảnh đẹp đến nao lòng.
Cây lá đỏ sừng sững đã chuyển gần hết sang màu lá đỏ.
Hồ Kawaguchi thuộc địa phận thị trấn Fuji-kawaguchi, là hồ có bờ dài nhất, độ cao tuyệt đối thấp nhất, lớn thứ hai, và sâu thứ ba trong Phú Sĩ Ngũ Hồ. Chính giữa hồ có một đảo nhỏ, gọi là Unoshima. Nơi đây là điểm dừng chân, nghỉ ngơi lý tưởng của du khách đến đây leo núi, sau khi chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ.
Khung cảnh mang đến cảm giác bình yên như một bức tranh thủy mặc.
Nhiều người còn có sở thích vừa câu cá, vừa ngắm cảnh từ hồ Kawaguchi, khác hẳn cuộc sống nhộn nhịp, đông đúc ở Tokyo.
Rất đông người đến đây check-in, cho ra đời những tấm ảnh đẹp.
Để đến được đây, du khách có thể đi xe bus hoặc tàu cao tốc Tokaido Shinkansen. Thời gian hai phương tiện này đi từ lúc khởi hành ở ga Tokyo là khoảng 2 tiếng – 2 tiếng rưỡi.
10 cách tuyệt vời để trải nghiệm văn hóa truyền thống tại Tokyo, Nhật Bản
Có rất nhiều cách thú vị để hiểu sâu hơn về văn hoá truyền thống Nhật Bản.
Video đang HOT
Tokyo nổi tiếng với những công trình kiến trúc đương đại và cuộc sống về đêm sôi động. Tuy nhiên, thủ đô của Nhật Bản cũng là một nơi tuyệt vời để trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống như trà đạo hay mặc kimono. Dưới đây là một số nét văn hóa đặc sắc nhất trong các hoạt động ở Tokyo sẽ mang đến cho bạn cái nhìn độc đáo về lối sống của người Nhật.
Học cách cắm hoa Ikebana
Ikebana là nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 7. Ike có nghĩa là sắp xếp và Bana bắt nguồn từ hana có nghĩa là hoa trong tiếng Nhật. Kiểu cắm hoa này đề cao cấu trúc và sự gần gũi với thiên nhiên. Ban đầu Ikebana được tạo ra để trưng bày trong đền thờ thần, tuy nhiên sau đó nó đã trở nên phổ biến trong các ngôi nhà của người Nhật.
Có một số phong cách Ikebana khác nhau bao gồm:
Moribana - có nghĩa đen là "chất đống hoa". Moribana sử dụng một đĩa nông và một giá đỡ kenzan để cắm hoa vào đó theo chiều thẳng đứng hoặc nghiêng.
Nageire - kiểu cắm hoa xếp tầng. Hoa theo phong cách này thường để cuống dài, cắm trong các bình cao và hẹp
Shoka - phong cách thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng lại rất khó để tạo hình. Shoka nhấn mạnh năng lượng sống của thực vật và ca ngợi vẻ đẹp của tự nhiên.
Rikka - đây được xem là nền tảng của Ikebana, cắm hoa theo phong cách này cần phải tuân thủ những quy định cực kỳ nghiêm ngặt, nhất là về hình thức sắp xếp tổng thể. Các phong cách khác của Ikebana cũng đều dựa trên phong cách Rikka để phát triển nên.
Những loài hoa phổ biến nhất được sử dụng trong cắm hoa Ikebana thường là hoa trà, hoa thủy tiên và mẫu đơn cây. Chúng thường được trang trí thêm bằng lá cỏ tre hay cành thông. Bạn có thể tìm hiểu thêm về nghệ thuật Ikebana tại các trung tâm Văn hóa tại Tokyo, một số nơi thường sắp xếp lớp học cắm hoa trong khoảng 90 phút cho các khách du lịch có hứng thú với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Đồ ăn Nhật Bản rất đa dạng với nhiều phong cách nấu ăn khác nhau. Trong đó những món phổ biến nhất bao gồm: Gyoza - những chiếc bánh bao được nhồi với rau và thịt xay, thịt bò Kobe và bò Wagyu, Okonomiyaki - một món trứng tráng mặn Nhật Bản, mì Ramen, Sashimi - món cá hoặc thịt tươi sống được thái lát mỏng, Sushi, Tempura - rau củ hoặc hải sản tẩm bột chiên giòn, ...
Nếu là người dũng cảm bạn hãy thử món ăn nguy hiểm nhất thế giới - cá fugu hay còn được gọi là cá nóc hổ. Loại cá này có chứa chất độc chết người và chỉ được phục vụ bởi những đầu bếp được đào tạo chuyên sâu và đã được cấp phép chế biến cá nóc. Để kết thúc bữa ăn, hãy thử một món tráng miệng truyền thống như súp shiruko làm từ đậu azuki hay anmitsu là một món ăn kết hợp giữa thạch và trái cây.
Ăn tối trên du thuyền Yakatabune
Một trong những cách tốt nhất để trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nhật Bản là tham gia vào chuyến du thuyền Yakatabune vào buổi tối. Yakatabune là loại thuyền du lịch truyền thống của Nhật Bản đã phổ biến từ giữa thế kỷ 18. Giới quý tộc thường sử dụng loại thuyền này để ngắm hoa anh đào vào mùa xuân và tránh cái nóng vào mùa hè.
Ngày nay Yakatabune đã trở nên phổ biến để phục vụ khách du lịch. Trên mỗi chuyến tàu, du khách thường sẽ được phục vụ một bữa tiệc theo phong cách Nhật Bản và được thưởng thức những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Xem kịch Kabuki
Kabuki là một loại nghệ thuật biểu diễn xuất hiện từ thời Edo vào thế kỷ 17. Đó là sự pha trộn giữa nghệ thuật múa, diễn xuất và âm nhạc với phục trang và lối trang điểm cầu kỳ.
Đặc biệt đây là loại hình nghệ thuật không dành cho các diễn viên nữ vì vào năm 1629, chính quyền Shogun Tokugawa đã cấm phụ nữ xuất hiện trong các vở kịch này. Bởi vậy các diễn viên nam sẽ buộc phải đảm nhiệm những vai diễn nữ, họ được gọi là Onnagata hoặc Oyama. Ngày nay Kabuki vẫn khá được ưa chuộng trong xã hội hiện đại, nó là loại hình kịch truyền thống được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản.
Tham gia lớp học thư pháp Shodo
Nếu đã tới Tokyo tại sao bạn không thử tìm hiểu nghệ thuật thư pháp của Nhật Bản? Shodo hay còn được gọi là Shuji là một cách viết chữ nghệ thuật. Nó là loại hình nghệ thuật từ Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Tuy nhiên Shodo không chỉ là một phong cách viết, nó còn là một dạng luyện tập cho tinh thần. Trọng tâm của loại hình thư pháp này là sự tập trung để đạt được trạng thái giống như thiền, gọi là mushin, hay tâm trí trống rỗng.
Để luyện tập Shodo, bạn sẽ sử dụng các tờ giấy thư pháp được gọi là hanshi, mực sumi và bút lông thư pháp fude. Để tránh cho bàn bị dính vết mực khi viết, người luyện Shodo sẽ dùng một tấm lót bàn gọi là shitajiki và một cái chặn giấy bunchin.
Học Trà đạo
Trà đạo hay còn được gọi là cách pha trà hoặc chado là một nghi lễ pha trà phức tạp. Trà đạo có từ thế kỷ thứ 6 và là một yếu tố quan trọng của nghi lễ Phật giáo. Vào thời trung cổ, các samurai thường tìm đến Trà đạo để tạm quên đi sát khí trên chiến trường.
Tham gia một buổi Trà đạo có rất nhiều nghi thức cần tuân theo. Trước khi bước vào phòng trà có sàn trải chiếu tatami, bạn cần phải cởi giày. Không nhất thiết phải mặc kimono, chỉ cần mặc quần áo thoải mái vì bạn sẽ phải quỳ trên chiếu tatami trong một số nghi thức của buổi lễ. Người khách nên uống hết trà đã được rót ra và phải xoay cốc để tránh uống từ phía trước của cốc. Phần thú vị nhất của Trà đạo chính là tĩnh tâm chiêm ngưỡng từng yếu tố tạo nên Trà đạo bao gồm đồ ngọt wagashi, hoa, tách trà, ...
Mặc thử Kimono
Nghĩa gốc của từ Kimono có nghĩa là "một thứ để mặc". Trang phục truyền thống của Nhật Bản này có từ thời Heian (794 - 1192 SCN). Ban đầu, phụ nữ quý tộc Heian mặc tới 12 lớp Kimono. Qua nhiều thế kỷ, Kimono được đơn giản hoá và ngày nay trở thành một chiếc áo choàng lụa hình chữ T với phần tay áo dài, thường được người Nhật mặc trong những dịp đặc biệt.
Bên dưới bộ Kimono, bạn phải mặc một lớp áo lót Nagajuban để giữ cho bộ Kimono quý giá được sạch sẽ. Mặc kèm với Kimono là một chiếc thắt lưng obi để giữ cố định cho bộ quần áo. Khi mặc Kimono người ta thường đi tất xẻ ngón tabi và dép geta hoặc zori. Phụ nữ cũng thường mang theo một chiếc túi lụa nhỏ và có thể cài tóc bằng kẹp tóc hoa.
Đến thăm các đền thờ
Tokyo có một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ vậy nên có rất nhiều đền thờ và di tích lịch sử. Thông thường có hai loại đền thờ chính là đền thờ jinjya có liên quan đến Thần Đạo, còn đền thờ tera thì liên quan đến Phật giáo. Các ngôi đền Nhật Bản nổi tiếng với đặc trưng kiến trúc cổng torii ở lối vào. Bên trong là nơi thờ tượng thần, Phật. Phật giáo và Thần đạo cùng tồn tại một cách hài hoà ở Nhật Bản, một số người Nhật Bản coi mình là tín đồ của cả hai tín ngưỡng.
Một trong số những đền thờ Thần đạo nổi tiếng nhất ở Tokyo phải kể đến Meiji Jingu, Nezu và Yasukuni. Trong khi đó những ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng là Gotokuji, Sensoji, Tennoji và Zojoji.
Lễ hội búp bê
Mỗi năm vào ngày 3 tháng 3, các gia đình ở Nhật Bản sẽ tổ chức lễ hina matsuri. Đây là ngày để ăn mừng và cầu chúc sức khoẻ, hạnh phúc cho các bé gái. Những con búp bê được làm thủ công và mặc những bộ đồ Kimono cầu kỳ đại diện cho Hoàng đế, Hoàng hậu và những người trong hoàng tộc được trưng bày trên một chiếc bục phủ vải đỏ.
Trong lịch sử, tục lệ này bắt nguồn từ thế kỷ 17 bởi công chúa Okiko. Tương truyền công chúa đã được tặng cho một con búp bê để xua đuổi tà ma. Sau này khi công chúa Okiko trở thành hoàng hậu, cô ấy đã khiến cho lễ hina matsuri trở nên phổ biến và được lưu truyền cho tới ngày nay.
Đi vòng quanh Tokyo bằng phương tiện giao thông công cộng
Thẻ giao thông IC là một cách tiện lợi để đi du lịch tại Nhật Bản. Tại Tokyo, bạn có thể sử dụng thẻ IC trên tàu điện ngầm, tàu hoả, xe điện, tàu điện và hầu hết xe buýt.
Bạn cũng có thể sử dụng nó để mua hàng ở bất kỳ cửa hàng hoặc nhà hàng nào có biểu tượng thẻ IC. Thông thường trong thẻ đã được nạp sẵn 2.500 yên tín dụng và nếu cần nạp thêm tiền, bạn chỉ cần mang thẻ đến máy bán vé và nạp thêm từ 1000 yên trở lên.
Cảnh đẹp bốn mùa quanh năm thuần khiết tuyệt mỹ của núi Phú Sĩ Núi Phú Sĩ như biểu tượng và là niềm tự hào của Nhật Bản, và đặc biệt nơi đây biến đổi đặc sắc theo từng mùa Xuân Hạ Thu Đông tuyệt đẹp. Núi Phú Sĩ là biểu tượng của Nhật Bản, đây là niềm tự hào bởi vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ nơi đây, không những vậy núi Phú Sĩ còn biến...