“Dẹp chữ đẹp sang một bên!”
“Dẹp chữ đẹp sang một bên!” – đó là lời khẳng định chắc nịch của một người bạn thân thiết có con trai viết chữ đẹp có tiếng khi tôi vừa mở lời dò hỏi có nên luyện viết chữ đẹp cho bọn trẻ.
Ảnh minh họa
Tôi sững người, ngỡ ngàng trước thái độ phủ nhận, phản bác, thậm chí là có phần tức giận của bạn về một phong trào đang tồn tại trong trường tiểu học mà con trai bạn đã gặt hái không ít thành công.
Chuyện là mấy hôm nay, tôi đang loay hoay tìm địa chỉ luyện viết chữ đẹp cho bé con nhà mình. Thấy con có chút năng khiếu và sở thích với việc rèn giũa từng con chữ, tôi muốn tìm một giáo viên uy tín, kinh nghiệm để bồi dưỡng thêm cho cháu.
Tôi vốn không quan tâm nhiều lắm đến các cuộc thi vở sạch chữ đẹp và quá đặt nặng thành tích con cái phải đạt giải này giải kia. Nhưng “nét chữ là nết người”, trong suy nghĩ của tôi muôn đời vẫn vậy. Rèn cho con một nét chữ tròn trịa, uốn lượn và đẹp mắt luôn là ước mong của nhiều phụ huynh.
Từng nghe con trai bạn viết chữ đẹp có tiếng, từng tham gia thi cấp thị trấn và đạt giải Nhất, tôi mon men sang dò hỏi vợ chồng bạn. Bạn gạt phắt đi một cách gắt gỏng “Dẹp chữ đẹp sang một bên!”, còn vợ bạn thì từ tốn giải thích thái độ khó chịu của chồng.
Con trai nhà bạn có năng khiếu từ nhỏ, lại say mê và siêng năng luyện từng con chữ nên nét chữ càng lên lớp trên càng cuốn hút người xem. Ngắm từng trang viết vở của con, không ai có thể cầm lòng thốt lên “Đẹp quá!” trước những con chữ như “rồng bay phượng múa”.
Những bài thi viết nét thẳng, nét nghiêng của con trên giấy hoa rực rỡ và đều tăm tắp đến nỗi không thể phân biệt được đâu là chữ thật đâu là chữ in. Trầm trồ, thán phục, ngưỡng mộ là dòng cảm xúc chung của tất cả mọi người dành cho cậu bé tiểu học có bàn tay tài hoa viết chữ đẹp mê hồn.
Video đang HOT
Những tấm giấy khen là phần thưởng xứng đáng mỗi khi con tham gia các cuộc thi Vở sạch chữ đẹp. Vậy mà giờ đây, bố mẹ con không hề hài lòng về điều đó. Họ bắt đầu hối hận vì đã cho con luyện chữ suốt thời tiểu học. Và mọi chuyện đều có lý do riêng của nó.
Thì ra, đằng sau thành tích của con trai bạn là một hành trình rượt đuổi theo từng con chữ của cả gia đình. Bé con đã dành mấy năm tiểu học để miệt mài bên trang giấy, cặm cụi đưa từng ngòi bút, uốn cong từng con chữ. Con đã luyện chữ, luyện từ chữ đều đến chữ đẹp, chữ đẹp đến chữ bay bướm. Luyện ở nhà, luyện ở lớp kỹ năng, rồi ngay giờ học chính khóa ở trường tiểu học cũng bớt xén ít nhiều để luyện chữ.
Bạn kể vợ chồng bạn đã đầu tư cho con hàng chục cây bút máy loại đắt tiền nhất mỗi năm học, hàng trăm tờ giấy hoa dành riêng cho luyện chữ và không biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc để đưa đón con đến lớp luyện chữ.
Đầu tư cho con thì không bố mẹ nào tiếc của, tiếc công. Chỉ có điều, ngoài hành trang chữ đẹp và những tờ giấy khen thành tích, con bạn không hề đem theo được bất cứ điều gì để chuyển cấp lên lớp 6 con có nền tảng học tốt hơn.
Chữ đẹp quả thật không giúp ích gì được cho con ở năm đầu tiên của cấp trung học cơ sở. Bài học nhiều hơn, kiến thức cần ghi vào vở nhiều hơn, thầy cô giảng bài nhanh hơn và buộc con phải làm quen với tốc độ ghi bài nhanh hơn hẳn hồi tiểu học.
Vậy nhưng con vốn quen với cách viết chữ đẹp của tiểu học, phải viết đều nét và liền nét nên cứ thế mà cắm cúi “vẽ chữ” trên giấy. Chữ nào vì viết nhanh mà hụt nét đều phải tô lại con chữ, dù bố mẹ đã khuyên thế nào vẫn chưa thể khắc phục được điều này.
Khi bạn bè làm bài tập xong rời bàn đi chơi, con vẫn còn loay hoay với quyển vở để ghi bài, chép bài. Hôm nào con cũng đem mấy trang vở viết chưa xong bài về nhà để tiếp tục hoàn thành. Trong khi kiến thức ở lớp 6 dàn trải trên diện rộng với hơn chục môn học thì mỗi tối con mất một khoảng thời gian quý giá cho việc viết cho xong bài ở lớp.
Từ khuyên răn, nhắc nhở, bố mẹ con dần chuyển sang cau có, quát mắng, dọa nạt con phải tăng tốc độ viết nhưng mọi chuyện đến cuối năm học vẫn chưa giải quyết được gì. Những con chữ đẹp như in của con giờ khiến bố mẹ tức tối, ấm ức vô cùng.
“Không cần rèn chữ đẹp, chỉ cần viết chữ đọc được là ổn!” – bố mẹ con đã chiêm nghiệm và khẳng định điều này từ chính hành trình rèn chữ của con trai mình. Vậy nên, hễ có ai đề cập đến chuyện luyện chữ đẹp cho học sinh tiểu học, họ sẵn sàng gạt phăng đi.
Và một người bạn khác của tôi là giáo viên dạy môn Sinh học ở trường cấp hai cũng từng phản bác ý kiến rèn chữ cho con trước ngưỡng cửa lớp 1. Bạn bảo công nghệ sẽ hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống con người, máy tính dần viết thay ngòi bút và đồng quan điểm: Không cần chữ viết đẹp!
Chữ đẹp hay xấu sẽ không còn đại diện cho “nết người” ư? Và chúng ta không cần ép bọn trẻ hôm nay phải gò mình vào khuôn luyện chữ đẹp, chữ thẳng, chữ nghiêng, chữ hoa, chữ thường? Nên vậy chăng?
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Để không học sinh nào bị "bỏ rơi" trong lớp học
Nếu một lớp có nhiều đối tượng học sinh, có em học rất giỏi nhưng cũng có em rất yếu và sợ môn Toán, việc giáo viên cần làm là không để học sinh nào cảm thấy bị "bỏ rơi" trong lớp học.
Cô Tâm thường động viên khích lệ học sinh bằng những lời khen và những món quà nhỏ.
Đó là chia sẻ của cô Dương Thị Thanh Tâm - Giáo viên Toán, Trường THPT Xuân Giang (Hà Nội). Cô Tâm cho hay, tâm lý của học sinh yếu rất sợ và ngại, không dám có ý kiến, cũng không dám hỏi cô giáo khi không hiểu bài. Thực tế, cô đã gặp nhiều trường hợp như vậy trong các lớp cô được đảm nhận.
"Việc đầu tiên để cho học sinh không sợ môn Toán đó là, tôi công bằng với tất cả các em, từ việc kiểm tra, hỏi kiến thức cũ đến kiến thức mới. Nhưng với những học sinh yếu tôi có một chút để tâm hơn. Tôi không yêu cầu cao đối với những học sinh này. Tôi thường lựa chọn kiến thức cơ bản và ở mức độ dễ, phù hợp với các em, khuyến khích động viên các em mỗi khi các em có tiến bộ" - cô Tâm chia sẻ.
Ngoài ra, cô Tâm thường khích lệ những mặt mạnh của các em như: Hăng hái xây dựng bài, viết chữ đẹp, ngoan, đi học đúng giờ, chăm chỉ ... Cô luôn cố gắng tìm ra điểm tốt của các em để tuyên dương động viên bất cứ khi nào có cơ hội.
"Với tâm lý sợ yếu và dốt hơn các bạn nên các em học sinh này thường hay tự ti. Vì vậy, khi các em có sự tiến bộ là tôi động viên kịp thời bằng lời khen, bằng phần quà nhỏ, nhằm khích lệ các em tiếp tục cố gắng trong học tập.
Cô Dương Thị Thanh Tâm luôn được học trò yêu quý
Bên cạnh đó, tôi cũng cử một số học sinh học khá, giỏi kèm cặp thêm cho các bạn học yếu. Cuối học kì "đôi bạn cùng tiến" sẽ được tuyên dương, khen thưởng trước lớp. Tôi muốn mỗi một giờ học Toán, các em cảm thấy thú vị, thoải mái, không em nào cảm thấy bị bỏ rơi" - cô Tâm bộc bạch.
Theo cô Tâm, với sự phát triển của công nghệ, học sinh có rất nhiều kênh để lĩnh hội kiến thức. Nhưng vai trò của giáo viên không thể thay thế, bởi giáo viên ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn là người định hướng cho học sinh tìm hiểu kiến thức và chiếm lĩnh kiến thức trên internet.
Giáo viên cũng là người cổ vũ, động viên giúp đỡ khi các em gặp khó khăn và trở ngại trong cuộc sống. Nhờ có giáo viên, các em mới có thể học tập theo nhóm, phát triển tâm tư, tình cảm, và phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Những lời động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời sẽ giúp các em có thêm nhiều động lực để học tập tốt hơn.
"Là một giáo viên, chúng tôi biết cần phải làm gì để vai trò của mình không bị thay thế bởi những "giáo viên ảo, lớp học ảo". Theo đó, chúng tôi ý thức được rằng, cần phải luôn trau dồi kiến thức để không lạc hậu với thời đại; đồng thời trang bị cho mình những kĩ năng và năng lực sư phạm để giảng dạy, dẫn dắt học sinh trên con đường chinh phục kho tàng tri thức" - cô Tâm trao đổi.
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai
Học sinh giỏi Hà Tĩnh - nốt nhạc vui chào mùa xuân mới Kết quả của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia như cánh én mùa xuân mang niềm vui trọn vẹn đến với những người gieo chữ trên vùng đất học. Sự nỗ lực, xuất sắc của thầy và trò đã giúp Hà Tĩnh giữ vững vị trí tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn. 4 gương mặt giành...