Dẻo thơm xôi vò sầu riêng
Cảm nhận ban đầu khi nhìn món xôi vò sầu riêng là hạt nếp phải rời ra và được áo đều bởi màu vàng của đậu xanh. Khi dùng tay vò thành viên, các hạt nếp phải dính lại với nhau mới đạt yêu cầu…
Sầu riêng là loại trái đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long, được xưng tụng là “Hoàng đế của các loài trái”. Hè đến là mùa trái chín. Trái sầu riêng tương tự như trái mít tố nữ, có nhiều gai cứng nhọn, trọng lượng khoảng 1,5 – 3,5 kg trở lên, bên trong trái có nhiều ngăn múi. Múi có cơm mềm màu vàng nghệ, vị béo, ngọt, mùi thơm nồng đặc trưng. Ai mới ăn lần đầu cảm thấy mùi rất khó chịu, nhưng sau quen dần và “ghiền” luôn lúc nào không biết.
Nhắc đến loại quả này là tôi nhớ đến ông nội vào mùa sầu riêng chín. Sáng sớm, khi trời tờ mờ sương là ông ra bờ vườn lượm trái chín rụng trong đêm mang về cho bà chế biến món xôi vò. Cuộc tình của ông bà cũng do “ông tơ, bà nguyệt” xôi vò sầu riêng này xe duyên cho.
Thủa ấy, hàng năm – đình Long Tuyền ( thành phố Cần Thơ) có làm lễ Kỳ yên (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa) và dân trong các xã phải đem những sản vật tốt nhất, ngon nhất ra đình làng dự thi đấu xảo. Năm đó, món xôi vò của bà nội đoạt giải nhất về nữ công gia chánh. Thế là, gia đình ông cố cho người mai mối cưới bà về kể từ ngày đó!… Câu chuyện tình rất thú vị do ông kể đến nay vẫn không xóa nhòa trong ký ức tuổi thơ tôi.
Ông bà nội tôi đã xa khuất. Và, má tôi nay được xem là “truyền nhân”của món xôi vò sầu riêng” truyền thống này.
Video đang HOT
Má dặn muốn làm món này phải dụng công một chút không dễ dãi được. Phải chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, gồm: nếp (1kg), đậu xanh đãi vỏ (1/2 kg), dừa nạo (300 gram), đường cát trắng nhuyễn (200 gram), sầu riêng (khoảng 2 múi lớn), một ít muối.
Trước hết, dừa nạo vắt lấy nước cốt cho vào nồi ngập xâm xấp với đậu xanh cùng một ít muối cho vừa khẩu vị, nấu mềm. Đem đậu xanh đã nấu chín ra đánh nhừ, vò thành viên cỡ trái cam để sẵn ra tô.
Sầu riêng tách cơm, đánh nhừ trộn thêm ít muối cho hương vị đậm đà để sẵn ra chén. Nếp phải là loại nếp rặt (không lẫn gạo và tạp chất), cũ, hạt dài, trọng lượng nếp nhiều, ít tùy theo người ăn. Nếp mua về vo sạch, ngâm nước độ khoảng 6 – 8 tiếng cho nếp mềm. Vớt nếp ra rổ, để ráo rồi cho nếp vào chõ (xửng) xôi vừa chín tới, đem nếp ra trải đều lên mâm.
Dùng dao cắt từng lát mỏng đậu xanh (đã vò viên) lên trên nếp và trộn cho đậu xanh áo đều lên từng hạt nếp. Tiếp đến, cho nếp vào chõ (lần 2) xôi cho chín hẳn. Cho nếp đã chín ra mâm trộn đều cùng với đường cát trắng nhuyễn và sầu riêng, là xong!
Theo má, về hình thức, cảm nhận ban đầu khi nhìn món xôi vò sầu riêng là hạt nếp phải rời ra và được áo đều bởi màu vàng của đậu xanh. Khi dùng tay vò thành viên, các hạt nếp phải dính lại với nhau mới đạt yêu cầu. Khi cho xôi vào miệng nhai, hạt nếp phải mềm, dẻo, thơm, và “phao” trong miệng mới ngon!…
Thật là hạnh phúc, đầm ấm khi cả nhà sum họp đầy đủ nhân ngày giỗ ông tôi hàng năm. Nhìn các thức ăn dọn ê hề trên bàn thờ, trong đó có món xôi vò sầu riêng, tôi chợt nhớ về ông quay quắt. Và, nhất là “chuyện tình trong mơ” do ông kể lại lúc sinh thời.
Hữu Tưởng
Theo vnexpress
Thân thương bánh Pía Miền Nam
Ai từ ngoài Bắc vào Nam công tác hay du lịch, khi về trong balo thể nào cũng có món bánh đặc sản này về làm quà cho người thân.
Bánh pía Sóc Trăng - một món ăn từ lâu đã trở thành một hương vị rất đặc trưng của Tây Nam Bộ nói riêng và miền Nam nói chung.
Với hương thơm đặc trưng của sầu riêng, lại được làm rất đẹp mắt và thơm ngon nên được rất nhiều người yêu thích. Bánh Pía được bày bán rất nhiều trên các tuyến đường ở Sóc Trăng hay Tiền Giang. Ở TPHCM cũng có nhiều điểm bán bánh Pía rất ngon và đặc biệt.
Bánh Pía là món ăn của người Trung Quốc, từ thế kỷ thứ 17 đã theo chân những người Hán di cư đến với Việt Nam. Từ Pía nghĩa là Bánh. Sang Việt Nam được gọi là bánh Pía.Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại...
Bánh Pía của người Hán trước đây không có vị thơm nồng đặc trưng của sầu riêng, bên trong nhân chỉ có đậu xanh và mỡ heo. Khi đến với Miền Nam Việt Nam, người dân ở đây rất thích hương của loại trái cây này nên họ tách hột và lấy thịt của sầu riêng trộn với mỡ heo thái chỉ làm cho món ăn đậm đà và khó quên hơn. Bên ngoài bánh có màu vàng cam, khi bẻ đôi bên trong có màu đỏ rực của lòng đỏ trứng gà, lại dậy lên hương vị thơm nồng quyền rũ của sầu riêng sẽ kích thích vị giác ngay khi cầm chiếc bánh trên tay. Khi ăn sẽ mang đến một cảm giác rất đặc biệt từ sự hòa quyện của các nguyên liệu: sự mềm, dẻo của lớp vỏ bánh vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối...
Muốn thưởng thức bánh Pía ngon và đúng chất nhất phải kể đến bánh Pía Sóc Trăng. Món bánh Pía ở đây đã tạo nên thương hiệu riêng cho miền quê này, vì bánh ở đây không quá ngọt, không quá béo, ăn không bị ngán dù được làm từ những nguyên liệu giống như nhiều nơi khác, nên thực khách khi ăn bánh Pía Sóc Trăng thì khó mà quên được. Bánh Pía ở Sóc Trăng hoàn toàn được tạo nên từ sự cần cù lao động của người thợ làm bánh, từ việc cán bột làm vỏ bánh sao cho nhuyễn mịn đến việc chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất làm nhân, xắt mỡ thật nhuyễn và tỉ mỉ nắn thành những chiếc bánh đều tăm tắp.
Để thường thức bánh Pía ngon và thấm phải có ly trà nóng bên cạnh. Cắn một miếng bánh, hớp một ngụm trà, độ ngọt của bánh hòa cùng vị đắng của trà tan ra nơi đầu lưỡi. Thú ẩm thực tao nhã này đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Sóc Trăng, và cũng được rất nhiều người Sài Gòn yêu thích.
Đến với Miền Nam, khách du lịch trong nước và khách thập phương không quên hỏi mua những chiếc bánh Pía thơm ngon mang về cho người thân. Nhiều người tìm xuống tận Sóc Trăng để mua, có người vì không có điều kiện nên nhờ người thân dặn giùm ở các tiệm chuyên phân phối bánh Pía để đặt hàng trước để thực hiện lời hứa "Vào Miền Nam phải có bánh Pía mang về".
Sài Thành đang trở lạnh với những cơn mưa đầu mùa hạ,nếu được thưởng thức bánh Pía với một ly trà nóng, rôm rả trò chuyện cùng bạn bè vào những buổi chiều tan việc thì còn gì tuyệt vời hơn nữa nhỉ!
Theo BĐVN
No mắt ở Ngày hội cây trái ngon 212 sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long tham gia hội thi cây trái ngon tại Bến Tre hôm 7/6. Sầu riêng trĩu quả, khoai lang khổng lồ, trái dứa hình thù kỳ dị... dự đấu xảo (thi) hàng lạ. Trái dứa hình sư. Quả dứa hình dáng như rồng. Sầu riêng trĩu cành. Chùm khoai mì nặng 72...