‘Đèn xanh’ cho New South Wales đón sinh viên quốc tế trở lại trường học
Bộ trưởng Giáo dục Australia Alan Tudge ngày 28/7 cho biết bộ này hoàn toàn ủng hộ kế hoạch của bang New South Wales đưa sinh viên quốc tế trở lại các trường đại học trên địa bàn bang sau khi địa phương này kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.
Sinh viên tại trường đại học Sydney, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Tudge nêu rõ thời điểm thực hiện kế hoạch giờ đây sẽ tùy thuộc vào quyết định của chính quyền bang.
Trước đó, đầu tháng 6 vừa qua, chính quyền bang New South Wales đã công bố kế hoạch thí điểm đón nhận sinh viên quốc tế quay trở lại học tập tại địa phương. Nếu được chính phủ liên bang chấp thuận, trong đợt thí điểm đầu tiên, hai tuần một lần, 250 sinh viên quốc tế sẽ được nhập cảnh bang New South Wale trên các chuyến bay đặc biệt do chính quyền bang bố trí.
Sau khi hạ cánh, toàn bộ sinh viên sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày ở những khu vực cách ly tập trung dành riêng cho sinh viên quốc tế, dưới sự giám sát của lực lượng cảnh sát và y tế địa phương. Kế hoạch này dự kiến sẽ được mở rộng vào cuối năm, với số sinh viên nhập cảnh hai tuần một lần sẽ tăng lên 500. Các sinh viên sẽ trả tiền vé máy bay tới Australia trong khi các trường đại học sẽ thanh toán chi phí cách ly.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian xác nhận chính quyền bang phải tạm hoãn kế hoạch trên cho đến khi kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát và có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa khu vực Sydney.
Sau hơn một tháng áp dụng lệnh phong tỏa thành phố Sydney và một số khu vực lân cận nhưng số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn gia tăng, ngày 28/7, chính quyền bang New South Wales đã gia hạn lệnh phong tỏa cho đến hết ngày 28/8. Một số chuyên gia y tế dự báo trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, chính quyền bang có thể sẽ còn phải duy trì các lệnh hạn chế phòng chống dịch cho đến tháng 10.
Trước bang New South Wales, chính phủ liên bang mới chỉ phê duyệt kế hoạch đón nhận sinh viên quốc tế của bang Nam Australia trong khi vẫn đang xem xét kế hoạch tương tự của bang Victoria.
Trong một diễn biến liên quan, công ty giáo dục quốc tế IDP Connect mới đây đã tiến hành khảo sát nhu cầu của 1.400 sinh viên quốc tế đã đăng ký hoặc đang theo học tại Australia. Kết quả khảo sát cho thấy 45% số sinh viên này đã được tiêm chủng đầy đủ, 91% sẵn sàng trải qua thời gian cách ly khi đến Australia và 50% sẵn sàng trả một phần chi phí cách ly.
Giám đốc IDP khu vực Australia và New Zealand, James Cauchy, cho biết những con số trên phản ánh mong muốn của sinh viên quốc tế muốn được theo học trực tiếp tại các trường đại học ở Australia. Ông Cauchy nhấn mạnh, Chính phủ Australia cần đánh giá lại các chính sách của mình và tìm ra các cách thức an toàn để đón nhận sinh viên quốc tế quay trở lại học tập.
Người Việt ở Australia mùa cách ly: Giấy vệ sinh hết, lương thực đầy
Mặc dù lệnh phong tỏa khiến cuộc sống bị xáo trộn, một số người Việt cho rằng đây là biện pháp thiết yếu để giúp Australia vượt qua làn sóng Covid-19.
Làn sóng dịch Covid-19 đang quét qua các bang đông dân nhất tại Australia. Tính đến ngày 14/7, nước này ghi nhận thêm 97 ca mắc, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tính từ đợt bùng phát dịch vào giữa tháng 6 lên con số 864, và 2 người đã tử vong.
Phong tỏa, biện pháp tưởng như đã rơi vào quên lãng, một lần nữa lại được áp đặt ở nhiều thành phố lớn xứ sở chuột túi.
Hôm 9/7, Thủ hiến Gladys Berejiklian áp đặt lệnh phong tỏa tại bang New South Wales. Bang Victoria, nơi có thành phố Melbourne đông dân nhất cả nước, cũng đóng cửa lần thứ 5 kể từ ngày 16/7.
Ước tính gần 20 triệu người dân tại các bang lớn nhất Australia, tương đương 3/4 dân số nước này, đang sống tại khu vực phong tỏa hoặc phải thực hiện biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, BBC đưa tin.
Chia sẻ với Zing , một số người Việt sống tại Australia cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi lệnh phong tỏa được tái áp nhiều lần.
Video đang HOT
"Bạn tôi ở Cabramatta, New South Wales nói rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, nhiều cửa hàng trong vùng này sẽ phải đóng cửa, bỏ của chạy lấy người", ông Túy Nguyễn, hiện sống ở bang New South Wales cho biết. "Lý do là tiền thuê mướn cửa hàng ở đây rất mắc, mà không có thu nhập thì chỉ trong vòng vài tháng, chủ cửa hàng có thể thua lỗ từ vài chục nghìn, đến hàng trăm nghìn AUD".
Dẫu vậy, một số người Việt vẫn cho rằng phong tỏa là biện pháp thiết yếu để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ngã tư vắng người vào giờ đi làm buổi sáng ở Sydney, Australia. Ảnh: Reuters.
Giấy vệ sinh hết, lương thực còn nhiều
Bang New South Wales hiện là "tâm chấn" của làn sóng dịch Covid-19 lần này. Ông Túy Nguyễn chia sẻ ngay khi có thông tin về lệnh phong tỏa, người dân đã bị xáo động.
"Tất cả siêu thị tràn ngập người mua thực phẩm để dùng trong thời gian bị giới hạn đi lại. Vợ chồng tôi lái xe ra siêu thị gần nhà, mua hàng thì dễ, nhưng đến khi xếp hàng chờ tính tiền thì rất nản vì phải chờ cả nửa tiếng mới đến lượt mình", ông cho biết.
Theo quy định, người dân bang New South Wales sẽ không được ra khỏi nhà, ngoại trừ 4 trường hợp cần thiết: mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, chăm sóc y tế (bao gồm tiêm vaccine Covid-19), tập thể dục với nhóm không quá 2 người (không được đi cách nhà quá 10 km), đi làm hoặc đi học (trong trường hợp không thể làm việc hay học trực tuyến).
Tại thành phố Sydney và khu vực lân cận, đám cưới không được phép tổ chức. Trong khi đó, đám tang giới hạn tối đa 10 người tham dự kể từ ngày 11/7.
Thủ hiến Gladys Berejiklian cho biết chỉ khi số ca mắc mới trong cộng đồng về 0, bang New South Wales mới dỡ bỏ các biện pháp này.
Thế nhưng, sau 3 tuần, người dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh đóng cửa trong khi giới chức y tế vật lộn để kiểm soát dịch bùng phát nhanh chóng do biến chủng Delta.
Tương tự, hôm 16/7, toàn bộ bang Victoria, trong đó có thành phố Melbourne, bắt đầu phong tỏa 5 ngày sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới liên quan đến nhóm người đến từ bang New South Wales.
Đỗ Đức Anh đang sống tại Melbourne, thuộc bang Victoria kể lại trong đợt đóng cửa thứ 4 hồi cuối tháng 5, người dân đã đổ xô đi mua đồ tích trữ.
Giấy vệ sinh hết tại siêu thị Woolworths, Australia. Ảnh: NVCC.
"Tôi và bạn đi siêu thị vào buổi tối để mua giấy vệ sinh. Tôi không hiểu tại sao giấy vệ sinh lại hết trong khi lương thực còn rất nhiều. Buổi sáng hôm sau, chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để xếp hàng. Đợt đó, giá giấy vệ sinh lên rất cao", anh nói.
Tuy nhiên, dường như người Việt đã bắt đầu thích ứng và học cách chuẩn bị sẵn sàng trước tương lai không chắc chắn bởi đại dịch Covid-19.
Trong đợt phong tỏa lần thứ 5 tại Melbourne, Nguyễn Kiều Trang (22 tuổi) học tại Deakin University, cho biết đã quen với tình trạng này.
"Phong tỏa giờ không phải là câu chuyện hiếm gặp nữa. Để tránh tình trạng này, tôi thường sẽ mua đồ ăn cho hẳn một tuần, siêu thị gần nhà rất tiện. Các đồ như nước rửa tay, khẩu trang thì luôn có sẵn trong nhà từ trước", Trang nói.
Chị cho biết thêm để hạn chế người dân tích trữ, một số nơi buôn bán đã có quy định về số lượng mua cho các mặt hàng cụ thể.
Khó khăn vì phong tỏa
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đi cùng với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã khiến cuộc sống của người Việt bị đảo lộn.
Lê Nguyễn Phương Vy (28 tuổi), sống ở Australia 5 năm, cho biết công việc của chị bị ảnh hưởng bởi những đợt phong tỏa bất ngờ.
"Trong đợt phong tỏa bang Victoria lần thứ 4, tôi được phân đi thực tập ở vùng quê cách thành phố Melbourne khá xa. Tuy nhiên, vì có việc gấp tôi phải quay trở lại và bị kẹt ở thành phố do lệnh hạn chế di chuyển. Kỳ thực tập vì vậy cũng phải trì hoãn suốt 3 tuần", Vy cho biết
Đức Anh cũng chia sẻ tình trạng đóng cửa gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Anh cho biết trong thời gian phong tỏa, người dân tại Melbourne không được phép đi quá 5 km bán kính xung quanh nhà. Cảnh sát sẽ thường xuyên tuần tra bên ngoài để đảm bảo người dân tuân thủ quy định này.
"Tôi làm cho hãng quần áo. Do tính chất công việc, mỗi ngày, tôi phải đến nhà kho để làm việc trực tiếp. Thủ tục để đi tới chỗ làm là phải cầm theo giấy phép xin đi quá 5 km. Nếu công an trên đường kiểm tra, mình có giấy là được đi. Hôm nào quên, tôi phải quay về nhà hoặc là không được đi làm", anh nói.
Bên cạnh trở ngại trong việc đi lại, lệnh phong tỏa cũng khiến nhiều người Việt gặp phải vấn đề kinh tế.
Đức Anh chia sẻ khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải trong giai đoạn bang Victoria đóng cửa là chi tiêu sao cho hợp lý.
"Trong quá trình giãn cách, tôi phải thắt chặt chi tiêu hơn vì công ty giới hạn số người làm. Trước kia, tôi có thể làm 3 hoặc 4 buổi. Còn trong lúc giãn cách, tôi chỉ được làm 2 buổi thôi", Đức Anh cho biết.
Nguyễn Kiều Trang (22 tuổi), đang sống tại Melbourne, bang Victoria. Ảnh: NVCC.
Đại dịch còn tác động nặng nề hơn tới công việc của Phương Vy và Kiều Trang. Vy cho biết chị đã tốt nghiệp ngành kế toán nhưng không thể tìm được công việc ổn định do nhiều nơi đóng cửa nên đành chuyển sang nghề khác.
"Tôi có quen một anh làm trong bộ tài chính Australia chuyên lo xử lý các vấn đề vỡ nợ của doanh nghiệp. Trong đợt phong tỏa, anh ý chia sẻ đã phải làm cả thứ 7, Chủ nhật mới kịp xử lý hết giấy tờ", Vy nói.
Kiều Trang cũng cho hay nhiều du học sinh Việt gặp phải vấn đề tài chính ở nơi xứ người.
"Đối với du học sinh, đặc biệt những bạn đang làm thêm, đều bị ảnh hưởng một phần vì chỗ làm đóng cửa và không tuyển nhân công", Trang chia sẻ.
Lệnh phong tỏa tái áp nhiều lần khiến một số doanh nghiệp, nhà hàng tại xứ sở chuột túi phải đóng cửa vì không chịu đựng được áp lực kinh tế. Theo Guardian , các chuyên gia cảnh báo sẽ có ít nhất 5.000 doanh nghiệp Australia phá sản trong 3 tháng mùa hè.
Ấm áp giữa đại dịch
Trong giai đoạn khó khăn vì lệnh hạn chế, Đức Anh cho biết cộng đồng người Việt tại Australia đã đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều. Anh chia sẻ hội sinh viên Việt Nam thường tổ chức các buổi phát đồ hỗ trợ du học sinh.
"Tôi từng đăng ký nhận những đồ cần thiết như gạo và rau củ. Tôi không xin hỗ trợ về tiền bạc vì tôi đi làm rồi nên nhường lại số tiền đó cho những người thất nghiệp", anh nói. "Các hãng thịt của Việt Nam cũng thường tổ chức buổi phát gà miễn phí cho những người Việt gặp khó khăn ở Melbourne".
Bên cạnh đó, chính phủ và các trường học tại Australia tung nhiều gói cứu trợ để giúp đỡ du học sinh và người nước ngoài.
"Chính phủ và trường đều quan tâm học sinh quốc tế. Chính phủ từng phát động chương trình hỗ trợ trao tặng sinh viên từ 1120 USD đến 1500 USD. Tôi cũng được nhận khoản tiền này. Hồi đó khó khăn quá. Việc làm ít", Đức Anh chia sẻ thêm.
Khu mua sắm sầm uất ở Sydney giờ đây vắng lặng. Ảnh: AP.
Kiều Trang đồng ý: "Chính phủ có chính sách y tế Medicare để giảm bớt chi phí khám bệnh cho người dân. Thông thường, nếu không có bảo hiểm, bệnh nhân có thể phải chi trả từ 20.000 USD trở lên tùy vào từng loại bệnh".
Mặc dù lệnh phong tỏa khiến cuộc sống thêm khó khăn, nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ và cộng đồng người Việt tại Australia, đa số người được phỏng vấn vẫn bày tỏ tin tưởng vào chính sách chống dịch.
"Với một số người dân Australia, những biện pháp này kìm hãm cuộc sống cá nhân của họ. Còn tôi cho rằng điều này giúp đảm bảo sức khỏe, dịch không lây lan rộng, và đưa cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất", Đức Anh cho biết.
Đại học Australia hứng sức ép Trung Quốc Các trường đại học Australia tìm chiến lược ứng phó, khi các du học sinh, học giả được cho là chịu nhiều sức ép từ Trung Quốc. 39 trường thành viên thuộc Hiệp hội Đại học Australia đang xem xét kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới trong bảo vệ tự do học thuật, khi nhận ra áp lực ngày càng...