Đến Trường Sa như trở về nhà: Nâng niu sự sống nơi đảo xa
Việc cứu chữa, trị bệnh cho ngư dân của các y bác sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ, hỗ trợ thông thường, mà đó cũng là một nhiệm vụ.
Cứu chữa bệnh cho ngư dân là nhiệm vụ
Nghe kể về các ca mổ ruột thừa, cấp cứu hội chứng giảm áp, tổn thương não… trên đảo, tôi thầm khâm phục các anh. Điều kiện khám chữa bệnh ngoài đảo còn thiếu thốn về kỹ thuật, ê kíp cấp cứu chỉ có 2 người (1 bác sĩ, 1 y sĩ), trong khi ở đất liền, thông thường một ca mổ cần ít nhất 4 người, vì vậy trách nhiệm mà các y, bác sĩ ngoài đảo phải gánh trên vai là cực kỳ nặng nề.
Chia sẻ về điều này, đại úy, bác sĩ Trương Đức Cường – Trạm trưởng Bệnh xá Trường Sa cho biết, tháng 5.2016 anh ra đây nhận nhiệm vụ. Vừa bước chân lên đảo, chưa kịp nghỉ ngơi, Cường đã phải tiếp nhận hai ca đau ruột thừa, mổ ngay. Hai ca đau ruột thừa đó là ngư dân đánh bắt cá gần đảo Trường Sa. Là bác sĩ chuyên khoa về mổ ổ bụng, nên khi tiếp nhận mổ hai ca ruột thừa, Cường thấy không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Trương Đức Cường cho biết, hai ca sau đó là hai ca khó trong cuộc đời làm bác sĩ của mình. Bồi hồi nhớ lại, bác sĩ Cường kể: Tháng 11.2016, bệnh nhân tên Lợi của tàu Quảng Ngãi, trong quá trình đánh bắt cá gặp tai nạn và ngã xuống biển, đầu đập vào thành cầu rồi chìm xuống nước khoảng 20 phút. Khi bệnh nhân được vớt lên đưa vào bệnh xá thì tim đã ngừng đập, nước biển tràn vào phổi. Nhận biết tình hình bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Trương Đức Cường đã nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt máy thở ở khí quản. Đồng thời anh điện thoại về Bệnh viện 175 thuộc Bộ Quốc phòng xin phép được hội chẩn trực tuyến. Ngay lập tức, bệnh viện trong đất liền thành lập tổ hội chẩn với những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành.
Vườn rau tại đảo Đá Lớn C xanh tốt, với chủng loại rau phong phú. ảnh: Thanh Hà
Cuộc hội chẩn trực tuyến diễn ra rất căng thẳng, bác sĩ Trương Đức Cường tiến hành chụp phổi bệnh nhân, nhìn phim tổ hội chẩn trong đất liền đều thấy cả hai bên phổi tràn nước, vùng bụng thì tím đen. Đặc biệt, xác định ban đầu là bệnh nhân bị tổn thương khá nặng vùng não. Tất cả tổ hội chẩn cũng như bác sĩ Trương Đức Cường đều nhận thấy đây là một ca khó, nguy cơ tử vong đến 80%. Tuy nhiên việc cứu chữa, giúp đỡ ngư dân cũng là một nhiệm vụ, nên đầu cầu trực tuyến trong đất liền cũng như bác sĩ Trương Đức Cường đều tập trung cao độ, đưa ra phác đồ điều trị để cứu sống bệnh nhân.
Sau hai ngày tích cực điều trị, tình trạng bệnh nhân Lợi đã thuyên giảm, bệnh viện điều bác sĩ đón bệnh nhân bằng máy bay trực thăng về đất liền. Khi về đất liền, chụp cắt lớp xác định bệnh nhân bị sốt xuất huyết thân não. Tuy nhiên với sự điều trị tích cực của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện 175, bệnh nhân đã hồi phục và ra viện sau 10 ngày.
Bác sĩ Cường cho hay: “Lúc đó tôi rất lo lắng. Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, đến 80% nguy cơ tử vong, trong khi trực cấp cứu chỉ có tôi và một y sĩ. Bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào ngay trên tay mình. Trách nhiệm cực kỳ nặng nề. Chưa kể máy móc, thiết bị y tế ngoài này không đầy đủ, hiện đại như trong đất liền. Có thể nói, đây là ca bệnh đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm không thể quên được”.
Một ca khác, là ngư dân gặp tai nạn khi đang lặn sâu dưới đáy biển. Bác sĩ Trương Đức Cường chia sẻ: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, hôn mê, nửa người bên phải bị liệt hoàn toàn. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh xá đã báo cáo Bệnh viện 175 ở đất liền, xin ý kiến hội chẩn trực tuyến. Thật may mắn, sau một ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo. Tình trạng liệt nửa người bên phải 10 ngày sau đã thuyên giảm. Lúc này, bệnh nhân được bệnh xá đưa xuống thuyền đánh bắt của ngư dân để trở vào đất liền tiếp tục điều trị.
Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Phạm Tuấn Vũ – Trạm trưởng Trạm xá đảo Trường Sa Đông cho hay: Năm 2016 trạm thăm khám và chữa bệnh cho 694 trường hợp cả quân và ngư dân. Trong đó ngư dân có 5 ca, 4 ca cấp cứu mổ ruột thừa và 1 ca hóc xương cá, mưng mủ tới 4 ngày…
“Ngư dân thường hay chủ quan, vì vậy những trường hợp được đưa vào trạm y tế của đảo để cấp cứu đa phần là rất nặng. Ngư dân khi đi đánh bắt cá chưa trang bị cho mình những kiến thức cơ bản sơ cứu tại chỗ. Họ thường chữa bệnh theo phương pháp dân gian, truyền thống. Khi họ đi mua thuốc họ cũng mua theo thói quen, thông thường là thuốc cảm cúm, thuốc đau đầu, đau bụng, chai dầu gió… vì vậy họ thường dùng sai thuốc mỗi khi gặp bệnh” – bác sĩ Phạm Vũ Tuấn tâm sự.
Chăm rau như… nâng trứng, hứng hoa
Video đang HOT
Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chúng em nghĩ ra cách, mỗi lần tắm đều hứng giữ lại nước để tưới rau. Thậm chí có thời điểm thiếu nước thì nhịn tắm để dành nước tưới rau”.
Trung úy Phạm Văn Quân
Ngoài chuyện cứu người, ở Trường Sa tôi còn ghi nhận được nhiều câu chuyện rất thú vị, ví dụ như chuyện trồng rau.
Trước khi lên đường thăm các quần đảo Trường Sa, tôi được các đồng nghiệp cảnh báo nên chuẩn bị nhiều hoa quả mang theo, thậm chí là mang cả C sủi để… chống nhiệt, vì 10 ngày trên tàu chắc chắn sẽ rất hiếm rau xanh. Trên các đảo, rau xanh lại càng khan hiếm.
Trung úy Phạm Văn Quân, nhân viên báo vụ, đảo đá lớn B tranh thủ tưới rau để tránh hơi nước mặn của biển làm hỏng lá. Ảnh: Thanh Hà
Tuy nhiên, khi chúng tôi tới đảo Đá Lớn B, nhìn vườn rau xanh mướt với diện tích khoảng hơn 15m2, được che chắn 3 bề là những tấm phên gỗ đã ngả màu, bên trong dàn mồng tơi lá to như lá bàng, những chậu rau cải, rau muống mỡ màng một màu xanh thì tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi hỏi trung úy Phạm Văn Quân, sao các anh có thể trồng rau xanh tốt đến vậy? Nở nụ cười trên môi, trung úy Quân nói vẻ tự hào: “Chị không biết đấy thôi, để có được những chậu rau xanh như thế này, chúng em phải vất vả, nhọc nhằn lắm. Bọn em chăm sóc rau không khác gì chăm trẻ nhỏ”.
Khu bếp của các cán bộ chiến sĩ Hải quân đảo Đá Lớn C. ảnh: Thanh Hà
Quân bảo, ngoài đảo, thời tiết khắc nghiệt hơn trong đất liền, mùa khô thì nắng nóng, và gió biển thổi hơi nước mặn táp vào lá rau, đồng thời đây cũng là mùa thiếu nước ngọt để tưới cho rau. Mùa mưa bão, mưa quá nhiều cũng khó để che chắn cho rau khỏi giập. “Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chúng em nghĩ ra cách mỗi lần tắm đều hứng giữ lại nước để tưới rau. Thậm chí có thời điểm thiếu nước thì nhịn tắm chứ không nhịn tưới rau” – Quân cho hay.
Là người chịu trách nhiệm, chăm sóc vườn rau trên đảo, sáng nào Quân cũng tranh thủ tưới qua một lượt cả vườn rau để làm sạch những hơi nước mặn của biển bám trên lá. Những ngày quá nắng thì dùng các tấm phên tre nhỏ che trên bề mặt rau. “Một ngày em ra vườn rau đến mấy lần. Thậm chí đến tối, 9 giờ vẫn ra vườn rau để kiểm tra. Ở ngoài đảo Đá Lớn này, có loại chim chuyên bới đất làm hỏng rau, mà ban ngày không thể bắt được, nhưng tối đến thì có thể xua hoặc bắt” – Quân kể. Để cómột lứa thu hoạch rau, các cán bộ, chiến sĩ phải chờ 45 ngày. Nhưng rau cũng chỉ đủ nấu canh, còn rau luộc thì chưa, Quân cho biết.
Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW, trưởng đoàn công tác cùng các thành viên đoàn công tác số 5 thăm vườn rau tại Đảo Đá Lớn C. Ảnh: Thanh Hà
May mắn hơn các đảo chìm, tại các đảo nổi như Sinh Tồn, Trường Sa Đông… rau xanh tươi tốt và nhiều chủng loại hơn. Những loại rau như: Rau muống, mồng tơi, dền, rau lang, bầu, bí, mướp đắng, cải… không chỉ để nấu canh, luộc mà còn cả muối dưa.
Trung tá Trần Minh Đức -Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, ngoài nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên là huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu thì đảo Trường Sa Đông còn có nét mới là thường xuyên quan tâm tới đời sống tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt trong điều kiện xa đất liền, môi trường khắc nghiệt nên công tác tăng gia sản xuất được anh em phát huy nội lực tối đa. Các con giống như lợn, gà, vịt đều được các chiến sĩ phát triển tăng gia để tự cung, tự cấp. Đảo có một con lợn đực làm giống và lợn nái, đã đẻ được lứa đầu với 8 con. /.
Theo Danviet
Đến Trường Sa như trở về nhà - bài 1: Chuyện của những lính trẻ
Tôi thấy mình là một phụ nữ may mắn vì được đi công tác Trường Sa lần này, bởi từ lâu tôi khát khao được một lần đến với mảnh đất thiêng liêng nhất của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, thực sự tôi thấy như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình.
"Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu"
Chúng tôi có mặt tại cảng Cát Lái thuộc Lữ đoàn 125 từ rạng sáng. Nhìn ra bến cảng, con tàu mang số hiệu KN 491 đã đứng lừng lững chờ đón đoàn công tác của chúng tôi.
Chiến sẽ trẻ đang làm nhiệm vụ trực gác tại đảo Đá Lớn B. Ảnh: Thanh H
Ngày đầu khá bình yên. Đến ngày thứ 2, tàu chở đoàn công tác gặp phải gió cấp 5, có lúc lên cấp 6, sóng biển cấp 3. Mặc dù thủy thủ đoàn đã cố gắng cho tàu đi chếch sóng 60 độ để giảm lắc nhưng con tàu vẫn chao đảo và nghiêng ngả. Đồ đạc trong phòng... trôi tự do.
Cô bạn đồng nghiệp cùng phòng với tôi không chịu nổi đã phải uống thuốc chống say. Bên ngoài hành lang, tổ phục vụ gõ từng phòng để phát túi nylon. Bữa tối của ngày thứ 2, phòng ăn đã vơi đi hơn nửa vì say sóng.
5 giờ sáng ngày thứ 3 lênh đênh trên biển, chúng tôi được đánh thức và thông báo đã đến hòn đảo đầu tiên trong chuyến hải trình - đảo Đá Lớn B.
Bước những bước chân đầu tiên trên đảo, tôi bồi hồi và xúc động. Nhìn ngôi nhà văn hóa đa năng khang trang 3 tầng, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió, giữa biển trời, lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Những người lính đứng nghiêm, xếp thành hàng tay giơ cao chào đoàn công tác số 5. Trông khuôn mặt ai cũng nghiêm nghị, nhưng ngay đằng sau đó, lại là ánh mắt lấp lánh niềm vui khi có người từ trong đất liền ra thăm.
Theo lịch trình của chuyến đi, một ngày chúng tôi sẽ phải dậy từ 5 giờ sáng, và trưa là 13 giờ sẽ xuống canô để lên thăm các đảo. Vì vậy, cứ đến hai mốc giờ đó, loa tại các phòng lại vang lên với nhạc hiệu kèm giọng nói chắc nịch: "Hết giờ nghỉ. Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu". Câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong tuần khiến nó trở thành câu nói "huyền thoại" trong suốt 10 ngày hải trình của chúng tôi...
Những tình cảm quá đỗi chân tình
Bước những bước chân đầu tiên trên đảo, tôi bồi hồi và xúc động. Những người lính đứng nghiêm, xếp thành hàng tay giơ cao chào đoàn công tác. Trông khuôn mặt ai cũng nghiêm nghị, nhưng ngay đằng sau đó, lại là ánh mắt lấp lánh niềm vui khi có người từ trong đất liền ra thăm.
Trung úy Phạm Văn Quân, nhân viên báo vụ ở đảo Đá Lớn B chia sẻ, hồi mới ra đảo cũng cảm thấy buồn, bâng khuâng nhớ nhà, nhớ vợ, đặc biệt là nhớ con. Tuy nhiên sau một thời gian sống trên đảo, các anh em chiến sĩ giúp đỡ, quan tâm nên không còn nhớ nhà và đã quen với cuộc sống ngoài đảo. Quân cho hay, anh có người em ruột hiện công tác trên đảo Đá lớn A, tên là Phạm Hồng Kỳ - nhân viên cơ yếu. "Khi Hồng Kỳ ra đảo cũng là lúc vợ sắp đến ngày sinh, và cho đến giờ sau gần một năm, bố vẫn chưa thể về thăm con" - Phạm Văn Quân tâm sự.
Quân bảo, một vài chiến sĩ ra đảo công tác khi con còn quá nhỏ, hoặc vợ chưa đẻ, khi trở về đất liền đều phải mất một thời gian để làm quen với con. Nghe tâm sự của Quân tôi chợt nhói lòng, nhưng cũng thật khâm phục các anh. Vì nhiệm vụ, các anh sẵn sàng hy sinh gạt bỏ tình riêng, đặt Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, canh gác nơi đầu sóng, ngọn gió.
Không chỉ những cán bộ vợ sinh con chưa một lần về thăm và biết mặt con, những chiến sĩ trẻ măng tuổi 18, đôi mươi chưa một lần cầm tay bạn gái cũng có mặt tại các quần đảo Trường Sa. Tại đảo Đá Lát, tôi gặp em Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1997, quê Nam Định. Nhìn cậu đứng nghiêm tay bồng súng lòng tôi chợt chộn rộn, cậu còn quá trẻ, chỉ hơn con trai tôi vài ba tuổi...
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Hữu Nghĩa đã đỗ đại học trước khi nhập ngũ, làm lính hải quân. Ảnh: T.H
Sau giờ Nghĩa trực gác, tôi tranh thủ trò chuyện cùng em. Cậu kể, trước khi đi lính, cậu đã kịp thi đỗ Trường Đại học Công nghệ Thông tin và được bảo lưu kết quả. Hỏi Nghĩa vì sao lại quyết định đi lính mà không phải đi học đại học? Cậu bảo, bố mẹ muốn cậu thực hiện nghĩa vụ trước rồi mới tính chuyện đi học. Bản thân cậu cũng muốn mình được rèn luyện trong môi trường Hải quân. Hỏi cậu, ra đảo được gần một năm, em thấy mình đã học được những gì? Nghĩa cười nhẹ nhàng nói: "Em cảm thấy mình chín chắn hơn trong suy nghĩ. Biết nghĩ đến những điều lớn hơn là những vụn vặt loay hoay của tuổi học trò...".
Cũng giống như Nghĩa, chiến sĩ Dương Tiến Công (sinh năm 1995, quê xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), ra đảo Phan Vinh B từ tháng 1.2017. Trước đó em nhập ngũ tháng 2.2016 tại Lữ đoàn 146 đóng ở Khánh Hòa. Công chia sẻ, khi biết tin mình sẽ được ra đảo cậu rất háo hức và hồi hộp, một cảm giác thiêng liêng khó diễn tả thành lời.
Công nhẹ giọng bảo, ở đảo, mọi người thương yêu và đoàn kết lắm. Tình cảm mọi người dành cho nhau như anh em một nhà. Hỏi về chuyện yêu, Công cười bẽn lẽn cho hay chưa có. Nhưng cậu bảo, cậu còn đang trẻ, nên cũng không nghĩ nhiều đến chuyện đó...
(Còn nữa)
Theo Danviet
Vụ tàu bị đâm chìm giữa biển: Giây phút trở về của 13 thuyền viên Sau vụ tai nạn, tàu cá BĐ 93241 TS bị chìm giữa biển, các thuyền viên sống sót và 1 thuyền viên tử vong đã được đưa vào bờ. Thuyền viên trên tàu BĐ 93241 TS được đưa vào bờ trong đêm 2.5. Ảnh: Dũ Tuấn Lúc 21h30 tối 2.5, lực lượng chức năng đã đưa 13 thuyền viên và 1 thi thể...