Đến trường bằng những ân tình
Khi còn là học sinh trung học, Đỗ Thanh Duy ( xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đã đạp xe quanh thành phố để bán từng tấm vé số, theo xe tải bốc vác kiếm tiền ăn học.
Duy phụ quán khi lên TP.HCM học – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Vượt gian khó, cậu học trò nay đã là tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn.
“Với Duy, tôi khen nhất là sự tự học và nghị lực vượt khó vươn lên của em.
Thầy NGUYỄN HOÀNG MINH (giáo viên chủ nhiệm của Duy tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh)
Nước mắt nhớ mẹ
Căn nhà trống huơ trống hoác mà ba cha con cậu đang ở do một người bà con cám cảnh cho ở tạm, nằm khuất sâu giữa rừng cao su, ẩm thấp, dột nát khắp nơi. Cha của Duy, ông Đỗ Thanh Sang (40 tuổi), làm đủ nghề tay chân quanh năm suốt tháng nhưng cũng chỉ đủ ăn.
Có nhiều tuần liền mấy cha con không có một bữa cơm chung, bởi khi ông Sang đi bốc vác về giữa đêm thì hai đứa con cũng đã say giấc. Sáng ông lại đi sớm, hai anh em Duy thức dậy rồi chuẩn bị tới trường.
“Cha vẫn thường thở dài tâm sự rằng cả đời cũng chỉ mong có một căn nhà nhỏ của chính mình” – Duy nói.
Duy đi bán vé số, phụ cha tiền cơm gạo. Khi có chút sức khỏe, cậu theo các xe tải, nhà kho trong vùng làm bốc vác. Tuần làm 3 buổi, mỗi buổi 6 tiếng, Duy được trả khoảng 150.000 đồng, đắp đổi tiền ăn học cho hai anh em.
Video đang HOT
Một sáng cách chừng 2 năm trước, mẹ của Duy bảo là đi làm nhưng từ đó bặt vô âm tín. Lâu lâu nhớ mẹ, Duy vẫn thường lấy điện thoại gọi. Hàng ngàn cuộc được gọi đi nhưng đáp lại chỉ là tiếng “bíp bíp” vô vọng từ nhà mạng. Suốt cả buổi gặp mặt, trăm chuyện đói khổ cũng không làm Duy khóc.
Thế nhưng khi nhắc về mẹ, cậu rơm rớm nước mắt: “Có lẽ mẹ đã đổi số. Vì quá nghèo nên mẹ mới chọn cách đó”.
Duy nói rằng hai anh em cậu được đến trường là nhờ những ân tình của làng xóm xung quanh. Đó là khi thương cảnh ông Sang chật vật “gà trống nuôi con”, gia đình bà Tám – một người bà con xa – ngày ngày nấu ăn giúp ba cha con.
Đó còn là ân tình của nhiều gia đình chẳng thân thiết trong vùng lâu lâu cũng ghé thăm, dúi cho Duy ít tiền. Nhờ đó, cuối cùng Duy cũng thi đỗ đại học, em trai cậu nay cũng đã học tới lớp 9. “Mọi người bảo cha cực nhiều rồi, nên hai anh em phải gắng học sau còn lo lại” – Duy tâm sự.
Sẽ không bỏ cuộc
Ngày giấy báo nhập học gửi về, Duy vẫn còn theo xe đi bốc vác. Cầm giấy báo trên tay, cậu nghẹn ngào lo lắng khi không biết lấy đâu ra tiền để lên thành phố nhập học.
Tối hôm đó ông Sang về sớm, nhưng cả bữa cơm Duy không hề nhắc tới tờ giấy báo. Cậu nói rằng không muốn cha lo lắng, và cũng muốn đi làm nghề sớm để phụ nuôi em. Nhưng sâu trong thâm tâm, Duy vẫn khao khát được đi học hơn bao giờ hết.
Và cậu cũng không hề biết rằng cha mình vẫn mong ngóng từng ngày đứa con trai trở thành chàng sinh viên thành phố. “Mình thấy cha khóc. Cha bảo khóc vì mừng, và dặn cứ yên tâm lên nhập học, học phí cha sẽ lo liệu” – Duy kể.
Lời căn dặn “gắng học con nhé” cùng số tiền gần 6 triệu đồng có được do ông Sang vay mượn, làng xóm gom góp và bản thân dành dụm cộng lại là tất cả những gì Duy có để mang theo khi lên thành phố nhập học. Chi phí đi lại, đóng hơn 5 triệu đồng tiền học phí là hết tiền, Duy chỉ ăn mì gói qua bữa.
Trường học ở quận 5, nhưng Duy và hai người bạn trọ ở quận Bình Thạnh, giáp ranh Thủ Đức cho rẻ. Mỗi ngày sau giờ học, Duy mượn chiếc xe máy cũ của bạn chung phòng sang quận 1 làm thêm tại một quán lẩu.
Mỗi tuần 4 ngày, mỗi ngày 4 tiếng, lương học việc của Duy là 17.000 đồng/giờ. Dù khó khăn nhưng Duy nói vẫn tin vào tương lai, tin vào sau này, khi được học nhiều kiến thức mới thì cuộc sống sẽ không còn quá khó khăn.
“Hi vọng những năm sau mình có thể tìm việc làm thêm liên quan ngành học, chắc thu nhập sẽ cao hơn. Dù thế nào mình cũng không bỏ cuộc” – đôi mắt Duy sáng lên.
Trường học sập tường, bung cửa vì lũ lụt
Công tác lâu năm ở vùng thường xuyên bị ngập lụt, thầy Nguyễn Hữu Sơn (Lệ Thủy, Quảng Bình) không ngờ thiên tai năm nay lại tàn phá trường đến thế.
Ngày 24/10, dù nước lũ chưa rút hết, giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã đến trường để dọn dẹp. Một số phụ huynh, thanh niên tình nguyện cũng giúp sức để đẩy bùi non, cọ rửa phòng học, bàn ghế, sân trường sau thiên tai.
Trường học ngâm trong nước lũ hơn 4 ngày khiến cơ sở vật chất hỏng nặng. Ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Sơn.
Chia sẻ với Zing, thầy Nguyễn Hữu Sơn, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cho biết đợt lũ vừa qua, sân trường ngập đến hơn 4 m. Tại nhà hiệu bộ và phòng học, nước chỉ cách tầng 2 khoảng 90 cm.
"Khi tiếp cận được trường, tôi cảm giác hết sức nặng nề. Lần đầu tiên, nhà trường bị tàn phá ghê gớm đến thế. Mọi thứ nằm ngoài sức tưởng tượng", thầy Sơn cho hay.
Thầy nói thêm năm nào, Lệ Thủy cũng gặp lũ lụt. Song họ không ngờ năm nay, nước lũ dâng cao đến thế. Hơn nữa, trường nằm ở khu vực chịu sóng to, gió lớn nên thiệt hại càng nặng.
Sóng đánh sập tường, bung cửa trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Sơn.
Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết lũ lên nhanh, giáo viên chỉ kịp dọn tài liệu, máy tính lên tầng 2. Do đó, sau khi bị ngâm nước 4 ngày, TV phục vụ giảng dạy ở tầng 1 bị hỏng hết. Bàn ghế cũng hư hại nhiều, đặc biệt, các bàn ghế từ gỗ ép bị nhũn ra, không còn sử dụng được.
Sóng đánh mạnh khiến 40 m tường rào sập, khung cửa ở dãy nhà hiệu bộ, phòng học tầng một bị đập vỡ, cánh cửa bung ra. Thậm chí, tủ sắt mà trường buộc dây vào cửa sổ để chống trôi cùng bị đánh tan.
Theo thầy Sơn, sau lũ, tổng thiệt hại tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh ước tính lên đến một tỷ đồng, chưa tính hầu hết sách vở, đồ dùng học tập của học sinh cũng mất hết do phần lớn nhà các em ngập trong lũ.
Dù thiếu thốn vì thiên tai, thầy trò trường Nguyễn Chí Thanh vẫn cố gắng dọn dẹp để sớm khôi phục hoạt động dạy học. Thầy Sơn cho biết phải tranh thủ nước rút đến đâu, trường dọn đến đấy mới có nước để dội bùn non dày khoảng 20 cm.
Giáo viên và học sinh mất khoảng 3 ngày mới cơ bản vệ sinh xong trường học sau lũ. Chiều 26/10, trường thuê máy đến dọn để kịp đón học sinh đi học trở lại. Đến sáng 27/10, trước giờ vào học, các em vẫn phải dọn dẹp.
Các phòng học bị ngập 4 ngày nhưng phải đến ngày thứ 6, nước mới rút khỏi sân trường. Giáo viên tranh thủ khi nước lũ chưa rút hết để chùi rửa bàn ghế. Ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Sơn.
Sau lũ, trường phát sách vở từ các đoàn thiện nguyện tặng cho học sinh để phục vụ việc học trước mắt. Các em vẫn cần số lượng lớn sách vở.
Ngoài ra, học sinh chủ yếu là con em gia đình nghèo khó, mất gần hết tài sản vì thiên tai. Do đó, thầy hy vọng các em nhận được hỗ trợ để khôi phục nhịp sống như trước lũ.
Bên cạnh đó, thầy Sơn hy vọng trường được hỗ trợ để mua lại TV phục vụ việc giảng dạy, mua bổ sung bàn ghế, xây lại tường rào, nhà gửi xe, công trình vệ sinh, sửa chữa cửa bị sóng đánh bung.
May mắn, dù còn nhiều khó khăn, thầy trò trường Nguyễn Chí Thanh nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ngoài sách vở, trường còn nhận 20 suất quà, mỗi suất trị giá một triệu đồng, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Để giúp học trò tìm kiếm sự giúp đỡ, thầy Sơn còn đăng bài lên mạng xã hội. Nhiều người, có cả học trò cũ và giáo viên từ trường khác, tỏ ý hỗ trợ trường.
"Đọc những bình luận đó, tôi thấy rất yên tâm vì nhiều người sẵn sàng giúp đỡ để trường tổ chức dạy học bình thường. Học trò cũ tốt nghiệp, trưởng thành cũng quan tâm nhiều đến trường", thầy chia sẻ.
Giáo viên Thừa Thiên Huế dọn dẹp bùn đất đón học sinh trở lại trường Đối với những trường nằm trong vùng khô ráo như các huyện Nam Đông, A Lưới, TP Huế... tổ chức cho học sinh đi học trở lại từ ngày 15/10. Ngày 15/10, trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở trường...