Đến thăm lớp dạy đàn miễn phí của thầy giáo khiếm thị dịp 20/11
Suốt 3 năm nay, những âm thanh trầm bổng, giọng hát du dương phát ra từ một lớp dạy đàn miễn phí ở Đà Nẵng đã xóa tan sự mặc cảm, tự ti cho nhiều bạn nhỏ khuyết tật.
Lớp học đặc biệt ấy nằm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, với cả thầy và trò đều là người mù, có hoàn cảnh khó khăn. Người “đứng lớp” là anh Đặng Tấn Ba (42 tuổi, quê huyện Núi Thành, Quảng Nam). Dù chưa từng trải qua trường lớp sư phạm nào, nhưng hơn 3 năm qua, bằng tình yêu và sự thấu hiểu, người đàn ông khiếm thị này đã thực sự trở thành “ thầy giáo” trong mắt tụi nhỏ.
Sinh ra trong vùng quê nghèo và bị khiếm thị từ nhỏ nên sự thiếu thốn, bất hạnh là điều không tránh khỏi. Đến năm 12 tuổi, cậu bé Đặng Tấn Ba được tuyển sinh vào trung tâm. Cũng từ đó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh.
Lớp học đàn miễn phí của thầy giáo khiếm thị.
Dù chưa từng trải qua trường lớp sư phạm nào, nhưng anh Ba đã thực sự trở thành “thầy giáo” trong mắt học trò của mình.
Lớp dạy đàn của thầy Ba hoạt động được hơn 3 năm nay và hiện đang có 10 học sinh, đều bị khiếm thị.
Tại đây, học sinh không nhìn vào bảng hợp âm như các lớp học đàn thông thường, mà các em chỉ có thể nghe từ lời nói của thầy giáo và cảm nhận vị trí các nốt bấm trên guitar từ đôi tay nhỏ bé của mình.
Xa nhà từ khi còn trẻ và bị khiếm khuyết nên hơn ai hết thầy luôn là người thấu hiểu được sự bất hạnh của các em học sinh. Vì vậy, khi được trung tâm giữ lại làm công tác hỗ trợ, anh Ba đã lập tức đồng ý.
“Nơi đây đã giúp tôi hòa nhập với cộng đồng. Cũng là người khiếm thị, hiểu được khó khăn, thiệt thòi mà các em đang gặp phải, nên tôi muốn giúp các em được học nhạc và hòa nhập với cộng đồng nhờ tiếng đàn”, thầy Ba tâm sự.
Sau hơn 3 năm mở lớp, người thầy giáo này đã truyền cảm hứng âm nhạc, gieo những mầm hạnh phúc, tiếp thêm tinh thần lạc quan, giúp nhiều trẻ khiếm thị vượt qua mặc cảm trong cuộc sống,… Các bạn học sinh cũng hết mực quý mến thầy. Từ lớp học này, đã có nhiều em quyết tâm đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Hiện, lớp học đàn đặc biệt này đang có 10 em theo học. Gọi là lớp cho “oai” chứ thật ra chỉ là khuôn viên, không bàn, chẳng ghế, học sinh phải ngồi tạm trên sân khấu và lấy ánh đèn làm niềm cảm hứng.
“Tài sản của lớp chỉ có 5 cây đàn, các em phải thay phiên nhau đánh. Đó đều là đàn cũ, hỏng được người khác cho, tôi sửa lại để cho các em học. Ước mong của tôi là sẽ có thêm đàn để các em có thể học tập được tốt hơn”, thầy Ba bộc bạch.
Đến với lớp học, chúng ta mới thấy được sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống của các học sinh khiếm thị.
Video đang HOT
Không bảng đen, phấn trắng, thầy trò cũng không biết mặt nhau, thế nhưng lớp học đặc biệt này khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.
Thầy phải cầm tay từng học trò, cảm nhận bằng thính giác để giúp các em đánh hợp âm.
Việc dạy đàn cho người bình thường đã khó, dạy cho người mù càng khó hơn. Các em không thể nhìn được hợp âm, mà hoàn toàn phải nghe qua lời dạy của thầy và cảm nhận từng vị trí nốt bấm qua đôi tay của mình. Do không thể quan sát được, nên khi các em bấm nốt nhạc sai thế tay sẽ không biết. Thầy Ba phải dạy các em những cái phản xạ, nguyên tắc riêng. Thời gian đầu, thầy phải cầm tay từng học trò, cảm nhận bằng thính giác để giúp các em đánh hợp âm.
“Có bạn mới tập được 1 – 2 tuần đã bỏ cuộc, nhưng cũng có một số bạn tập không được, tay bị run vẫn muốn học đàn khiến tôi xúc động. Mỗi phím có một thanh âm khác nhau, người khiếm thị không nhìn thấy nhưng cảm nhận âm thanh tốt, nếu luyện tập nhiều, họ sẽ nhuần nhuyễn. Tôi nghĩ đôi khi việc học đánh đàn còn là vật lý trị liệu, âm nhạc nó giống như một liều thuốc giúp các em tự tin hơn và giao lưu với mọi người xung quanh một cách dễ dàng. Nếu các em thật sự đam mê thì hoàn toàn có thể phấn đấu trở thành những người nghệ sĩ”, thầy Ba nói, rồi lại miệt mài chỉ từng nốt nhạc cho các em.
Đôi tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên những phím guitar, em Ngô Thanh Hằng (15 tuổi) hào hứng cho biết, bản thân mê đàn từ nhỏ nhưng không được ai chỉ bày. Lúc đầu, do không nhìn thấy gì nên em chưa thể nhận biết được phím đàn, thầy Ba phải nắm tay chỉ từng bước một. Từ một học sinh nhút nhát, giờ đây Hằng đã có thể đánh được những bài nhạc khó và có giọng hát cuốn hút người nghe.
Bằng sự đam mê, nhiệt tình, các học sinh tại đây đều tiến bộ rất nhanh.
Sau buổi học, thầy Ba cầm điện thoại cảm ứng đưa lên gần tai, đặt mua trà sữa theo từng sở thích của học trò để tặng khuyến khích các em.
Niềm vui lớn nhất của thầy Ba cũng giản đơn là mỗi khi có cuộc thi văn nghệ, nhìn thấy học trò trên sân khấu và hoàn thành bài hát, bản đàn là tim thầy lại rộn ràng.
Chia sẻ về người thầy của mình, Hằng cho biết, ngoài những buổi học, các em được thầy Ba chia sẻ nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Thầy còn thường xuyên tặng phần thưởng, mua đồ ăn vặt để khuyến khích các em sau những buổi học tốt. Chính vì vậy, lớp học đàn của người mù này luôn ngập tràn tiếng cười và ánh sáng.
“Trước đây, em rất tự ti vì bị khiếm thị, nhưng nhờ thầy Ba tiếp thêm động lực mà giờ đây em vững tin hơn trên con đường theo đuổi đam mê âm nhạc. Học đàn không chỉ giúp em cảm thấy yêu đời, hạnh phúc hơn, mà còn rèn luyện được sự kiên nhẫn. Em sẽ cố gắng học tốt để có cái nghề, có thể tự kiếm sống và đỡ đần cho cha mẹ “, nói xong Hằng ngân nga một bản nhạc tặng thầy: “Ai thương con như cô thầy đã thương bao ngày, tình thương cho con cao quý, mắt con bây giờ không thể nhìn được thầy cô…”.
Trao đổi với PV, cô Đỗ Thị Đỗ Quyên – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết: “Thầy Đặng Tấn Ba là nhân viên hỗ trợ của trung tâm. Thầy là người khiếm khuyết nên những việc làm này xuất phát từ tình thương của người thầy đối với các em. Việc làm của thầy Ba rất đáng trân trọng”.
Những thầy giáo dành cả thanh xuân 'gieo chữ' ở miền sơn cước
Với lòng yêu nghề, tình thương với học trò và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều thầy, cô giáo đã 'dành cả thanh xuân' của mình để thực hiện sứ mệnh 'trồng người' nơi miền sơn cước, tỉnh Quảng Trị.
Miệt mài bám bản, "gieo chữ"...
Những ngày giữa tháng 11, từ trung tâm TP Đông Hà vượt hơn 100 km, chúng tôi đến với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng (TH&THCS), thuộc xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Ngôi trường này hiện nay có 6 điểm trường với 60 cán bộ, giáo viên. Trong đó, cán bộ giáo viên ở miền xuôi lên công tác, giảng dạy chiếm một nửa. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng các thầy cô ở đây đều nỗ lực hết mình, vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người".
Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Hữu Trực (quê ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, năm 2006 sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn ở lại Huế làm việc, thì bản thân thầy lại chọn trở về quê và hướng lên các huyện vùng núi của tỉnh nhà để công tác.
"May mắn ngay sau đó, tôi được nhận hợp đồng giảng dạy ở huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Đến năm 2010, tôi được UBND huyện Hướng Hóa tuyển dụng và phân công giảng dạy tại tại Trường Phổ thông cơ sở Pa Tầng nay là Trường TH&THCS Ba Tầng cho đến nay", thầy Trực tâm sự.
Theo thầy Trực, khi mới đến công tác tại điểm trường Măng Sông của Trường TH&THCS Ba Tầng, đường sá nơi đây đi lại vô cùng khó khăn. Từ nhà đến điểm trường này phải đi một quãng đường hàng chục cây số, trèo đèo, lội suối rất vất vả. Không những thế điều kiện sống ở đây cũng thiếu thốn đủ bề khi không có nước sạch để sinh hoạt, không có sóng điện thoại...
Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực hàng ngày vẫn miệt mài "gieo chữ" cho các em học sinh ở vùng cao Quảng Trị.
"Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề, tình yêu thương những trẻ em nơi đây, chúng tôi vượt lên trên tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học. Được nhìn thấy các em được đến trường, trưởng thành và thành công trong cuộc sống là niềm vui và hạnh phúc của người thầy. Đó cũng chính là động lực để bản thân tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn đem kiến thức của mình dạy cho các em", thầy Trực tâm sự.
Cũng rời quê nhà lên "gieo chữ" cho học sinh ở vùng cao xã Ba Tầng suốt hơn 18 năm nay, thầy Nguyễn Mạnh Cường (quê ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong), cho biết, ngày mới ra trường, bản thân luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu theo sự phân công của cấp trên.
"Những ngày đầu mới nhận việc, bản thân tôi gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ vì khác xa so với những tưởng tượng thời sinh viên. Tuy nhiên, với động lực là mang lại con chữ, niềm vui cho các em và bà con dân bản nên bản thân đã cố gắng bám trụ suốt 18 năm qua", thầy Cường cho biết.
Ngoài làm công tác chuyên môn, nhiều thầy cô nơi đây thường xuyên tuyên truyền và vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với cán bộ Bộ đội biên phòng vận động người dân bãi bỏ các phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, không xâm canh xâm cư, không vượt biên trái phép... Thầy cô cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, nhiều thầy cô còn làm tốt công tác "dân vận" đi đến từng nhà để vận động phụ huynh và động viên các em đến trường cũng như đi học thêm để củng cố kiến thức.
Đau đáu nhớ gia đình, phụng dưỡng bố mẹ già
Như nhiều giáo viên từ miền xuôi đến dạy học cho trẻ em ở vùng sơn cước, vào dịp cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, thầy Trực, thầy Cường thường tranh thủ về thăm quê. "Tranh thủ những ngày cuối tuần tranh thủ ngày nghỉ, vượt quãng đường hơn 120km, tôi lại về thăm nhà để được sum vầy cùng bố mẹ, vợ con và người thân ở quê" - thầy Trực nói.
Chia sẻ về mong muốn của mình, thầy Trực cho biết, sau nhiều năm công tác ở vùng núi, đã trải qua nhiều cung bậc vui buồn của nghề giáo, bản thân thầy bây giờ mong muốn được tạo điều kiện chuyển về công tác ở gần nhà, gần bên gia đình.
"Trải qua hơn 12 năm công tác ở vùng núi, bản thân tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến giờ phút này, bản thân tôi mong muốn được về xuôi để tiếp tục công tác giảng dạy của mình, được ở gần bên gia đình, để phụng dưỡng bố mẹ lúc về già, cùng vợ dạy dỗ con cái nên người. Dẫu biết rằng, nơi đây đã từng là thanh xuân của tôi, là nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên được trong suốt cuộc đời làm thầy của mình" - thầy Trực trải lòng.
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường - người có 18 năm gắn bó với học sinh Trường TH&THCS Ba Tầng.
Tương tự thầy Trực, thầy Cường đến nay đã có hơn 18 năm công tác tại miền biên viễn, bản thân thầy luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. "Những lúc nhớ con, nhớ gia đình, tôi thường gọi điện thoại về để thăm vợ con và gia đình. Vì đường sá cách trở, nên vợ chồng chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn", thầy Cường tâm sự.
Sau gần 20 năm giảng dạy ở vùng cao khó khăn, thầy Cường vẫn luôn mong muốn được các cấp tạo điều kiện để được về công tác gần nhà, để có thời gian chăm sóc bố mẹ già, cũng như dạy dỗ con cái. Những mong ước trên có thể giản đơn đối với người khác, nhưng lại là điều rất khó khăn đối với các thầy, cô giáo đang công tác tại miền sơn cước.
Thầy giáo Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Ba Tầng cho biết, với đặc thù là vùng sâu, vùng xa khó khăn, các giáo viên phải xa gia đình, do đó nhà trường luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đến đời sống của các thầy cô giáo. "Nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí các hoạt động vào dịp cuối tuần, ngày lễ phù hợp, thuận lợi nhất để các thầy cô giáo ở xa nhà có thời gian về thăm gia đình", thầy Giao nói.
Điểm trường Măng Sông thuộc Trường TH&THCS Ba Tầng.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với giáo viên đang công tác, giảng dạy tại các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, lãnh đạo Sở luôn thấu hiểu, ghi nhận những cống hiến to lớn của các thầy, cô trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
"Để có được kết quả giáo dục quan trọng như ngày hôm nay, cán bộ, giáo viên ở vùng có điều kiện thuận lợi đã phải nỗ lực, phấn đấu. Với những thầy cô giáo giảng dạy ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, họ lại phải nỗ lực hơn rất nhiều lần. Thậm chí, có nhiều thầy cô giáo hy sinh cả tuổi thanh xuân, gắn bó cả cuộc đời mình đối với sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" - TS. Lê Thị Hương chia sẻ.
Ước vọng trong dịp 20/11 của thầy giáo mầm non duy nhất nơi cực Tây Tổ quốc 'Dịp 20/11, tôi không mong gì cho bản thân, chỉ ước có một con đường đẹp cho học sinh đến trường, và các em có đủ áo ấm khi mùa đông lạnh về'. Thầy giáo Bàn Văn Đức (Dân tộc Dao, sinh năm 1990, điểm trường Chuyên Gia 3, Trường Mầm non Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên) bắt đầu câu chuyện...