Đến phố núi phải ăn món phở khô Gia Lai mới được
Gắp một đũa phở cho vào miệng nhai từ từ, cảm nhận vị béo bùi dai dai của bánh phở, vị mằn mặn của tương đen. Rồi húp một muỗng nước súp nóng hổi thơm phức, nhai miếng thịt bò mềm ngọt vừa chín tới…Ôi, ngon hết biết luôn!
Ông xã đi làm về đưa tôi một cái túi xốp trong đó chứa mấy vắt trông như hủ tiếu khô nhưng sợi mỏng hơn, tôi chưa kịp hỏi thì anh ấy nói “Đây là phở khô Gia Lai”. Trước giờ tôi có nghe nói đến món phở khô này, nhưng chưa được dịp thưởng thức lần nào cả.
Tôi cho chúng vào tủ mấy tuần liền vì không biết chế biến ra sao, cuối tuần tự nhiên có hứng muốn khám phá món phở khô, nghe nói nó là một trong những đặc sản của vùng phố núi Gia Lai. Nên tôi đã điện thoại cầu cứu chủ nhân của mấy vắt phở khô.
Theo hướng dẫn của cô ấy tôi thấy cách làm cũng khá đơn giản, nó gần giống món hủ tiếu khô mà tôi vẫn thường ăn. Nhưng ở đây chỉ khác là nguyên liệu để tạo nên món này là sự kết hợp giữa thịt bò và thịt heo. Cách làm như sau:
-Phần nước dùng: Cho xương heo rửa sạch vào nồi hầm, để lửa nhỏ thỉnh thoảng dùng vá hớt bọt cho nước được trong, khoảng chừng hơn một tiếng khi thấy xương mềm, thêm muối đường bột ngọt vào nêm nếm vừa miệng.
Video đang HOT
-Thịt ba rọi heo xay nhuyễn ướp với chút gia vị. Cho dầu ăn vào chảo làm nóng lên rồi để tỏi và hành tím bằm nhuyễn vào phi cho thơm. Sau đó bỏ phần thịt heo đã ướp lúc nãy vào đảo đều đến khi thịt chín, nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp.
- Bắc nồi nước sôi cho bánh phở vào trụng, lấy chúng ra chờ ráo nước rồi cho vào tô, sau đó bỏ thêm một nhúm giá trụng, thịt heo bằm, hành phi vào.
Lấy một cái tô khác cho vài lát thịt bò thăn xắt mỏng cùng với vài cọng hành lá, rồi chế nước dùng đun sôi vào, rắc lên chút tiêu xay.
Khi ăn cho thêm tương đen, tương ớt, xì dầu, một ít xà lách và rau quế vào tô phở trụng trộn đều lên. Vì bánh phở khô Gia Lai làm từ bột gạo, sợi mảnh và dai nên khi trộn lên sợi phở quyện đều gia vị mà không bị tưa ra rất ngon.
Gắp một đũa phở cho vào miệng nhai từ từ, cảm nhận vị béo bùi dai dai của bánh phở, vị mằn mặn của tương đen. Rồi húp một muỗng nước súp nóng hổi thơm phức, nhai miếng thịt bò mềm ngọt vừa chín tới…Ôi, ngon hết biết luôn!
Tôi là người “ngoại đạo” chưa từng thưởng thức món này bao giờ, chỉ chế biến theo lý thuyết mà đã thấy nó ngon đến vậy. Nếu có dịp ngao du miền sơn cước nhất định tôi phải tìm cho ra món phở khô Gia Lai chính gốc, thưởng thức một lần xem sao.
Theo NLĐ
Món phở không bao giờ phục vụ bằng một tô ở Gia Lai
Phở khô Gia Lai có nhiều hương vị khác nhau nhưng luôn được phục vụ bằng hai tô, một để bánh phở, một đựng nước dùng.
Chắc hẳn người Việt Nam nào cũng dễ dàng nhận biết các món phở dù được chế biến theo nhiều kiểu. Tuy nhiên, khi lần đầu thưởng thức phở khô Gia Lai, nhiều thực khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và hoài nghi rằng liệu đây có phải là phở.
Xuất hiện hơn 50 năm trước ở Pleiku, phở khô từ một món ăn lạ miệng thu hút người dân địa phương nay trở thành đặc sản nổi tiếng phố núi. Ảnh: Phong Vinh.
Hình thức của phở khô Gia Lai khác với các món phở quen thuộc như phở nước, phở xào, phở chiên hay phở cuốn. Thay vì dùng một tô hoặc một đĩa kèm chén nước chấm, chủ quán dọn ra hai tô riêng: một tô đựng bánh phở, tô còn lại là nước dùng. Vì thế, phở khô Gia Lai còn có tên gọi là phở hai tô.
Tô chứa bánh phở có thêm rau và các loại gia vị. Sợi phở là yếu tố khiến món ăn trở nên độc đáo. Bánh phở cũng làm từ bột gạo nhưng không ướt mềm, dẹt bản to như sợi tươi mà khô cứng, sợi nhỏ, mảnh hơn sợi hủ tiếu. Khi chế biến, người nấu trụng nóng sợi sao cho khi ăn có độ dai và khô nhất định. Sợi cuộn dính vào nhau thành búi khi nhấc lên không bung ra.
Người địa phương chẳng mấy ai biết vì sao loại sợi nhìn giống hủ tiếu được gọi là phở. "Thấy ai cũng kêu vậy thì mình gọi theo, lâu dần chẳng thắc mắc nữa", một người địa phương cho hay. Chủ một quán nổi tiếng trên đường Nguyễn Thái Học cho biết: "Người ta làm sợi phở khô nhỏ, dai và để riêng nước dùng để khắc phục tình trạng sợi tươi hay nở trương ra khi chan nước lâu khiến món mất ngon".
Ăn kèm phở khô Gia Lai thường là gà và bò. Trong đó, thịt gà phải dính da, xé phay đặt bên trên bánh phở, thêm thịt heo ba chỉ băm, tóp mỡ, hành phi và kèm tô nước dùng trong vắt được ninh từ xương gà. Phở khô bò gồm thịt bò tái, bò viên nhưng để thịt riêng trong tô nước dùng thơm mùi thảo quả của phở truyền thống.
Sợi phở khô thậm chí còn nhỏ, mảnh hơn sợi hủ tiếu. Ảnh: Phong Vinh.
Cách ăn phở khô Gia Lai không phải ai cũng biết. Vì khối sợi dính chặt thành cuộn, rất khó để trộn đều các nguyên liệu ngay. Bạn phải dùng muỗng tách nhỏ để sợi bánh phở rời ra. Gia vị không thể thiếu của phở khô là tương được làm từ đậu nành và đường vàng, hoặc xì dầu chứ không ăn cùng nước mắm. Ăn một miếng phở bùi mùi gạo, đậm vị thịt, kèm thìa nước dùng nóng hổi, ngọt vị xương, béo vị hành phi tóp mỡ, thơm mát rau giá, bạn sẽ cảm nhận tròn vị phở hai tô Gia Lai.
Món phở khô hiện bán ở nhiều nơi nhưng các du khách cho rằng không nơi nào chế biến ngon bằng Gia Lai. Tại thành phố Pleiku, bạn có thể dễ dàng tìm nơi bán món này từ sáng tới tối. Một số quán ăn lâu năm nổi tiếng phải kể đến là quán Ngọc Sơn, quán Hồng, quán Tàu Lý, quán Bé Tư... Mỗi suất phở có giá dao động 30.000 - 50.000 đồng tùy lượng nhân thịt.
Theo Vnexpress
Độc đáo phở vùng cao Phở từ lâu đã là món ăn quen thuộc, nhưng lên với Bắc Hà (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang) hay Lạng Sơn thưởng thức món phở Tráng Kìm, phở trộn, phở chua chắc chắn bạn sẽ vô cùng thích thú. Không cầu kỳ như món phở dưới xuôi, những bát phở này vừa độc đáo, vừa lạ mang đậm bản sắc của...