Đến năm 2025, hỗ trợ ăn trưa cho 1,26 triệu học sinh dân tộc thiểu số
Sáng 28-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu hỗ trợ ăn trưa cho hơn 1,26 triệu học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập
Dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gồm 9 điều, đặt ra một loạt mục tiêu cụ thể ứng với hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020;
Hỗ trợ, tạo điều kiện ăn trưa cho hơn 1,26 triệu em học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.600km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn.
Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân…
Về kinh phí thực hiện chương trình, Nghị quyết cho biết tổng vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 114.970 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 10.016 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 – 2030.
Nghị quyết giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý, giao HĐND và UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương, cùng với ngân sách trung ương và huy động tối đa các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình.
Học trực tuyến: Học sinh vùng sâu và dân tộc thiểu số gặp khó
Trong đợt nghỉ tránh dịch Covid-19, các trường học ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Việc học trực tuyến của HS vùng sâu gặp nhiều khó khăn do thiếu thiết bị.
Dạy và học trực tuyến: Học sinh vùng sâu, vùng sông nước và dân tộc thiểu số gặp khó
Khoảng 80% học sinh được học trực tuyến
Đã hơn hai tháng nay, em Đặng Khánh Linh - học sinh lớp 6A, Trường THCS xã Cát Văn (huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An) phải nghỉ học để tránh dịch Covid-19. Việc học của em hàng ngày phụ thuộc vào một bộ máy tính để học trực tuyến, thay cho học việc học tập trung trên lớp.
Việc dạy và học như thế này đã phần nào cung cấp kiến thức do giáo viên từng bộ môn truyền đạt đến được cho em cũng kha khá. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn gặp không ít khó khăn, đó là do trong một thời điểm, rất nhiều em vào mạng nên thường xuyên bị quá tải, gián đoạn khi trao đổi bài học giữa giáo viên và học sinh, gây khó khăn tiếp thu bài giảng.
Các em học sinh học trực tuyến còn phải có bố hoặc mẹ kèm một bên. Trong ảnh: Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 6A, Trường THCS xã Cát Văn Văn đang học trực tuyến.
"Học trực tuyến ở nhà sẽ tránh được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc học trên mạng cùng một lúc vẫn bị gián đoạn do đường truyền quá tải, hoặc thỉnh thoảng bị out ra khỏi lớp học, kiến thức tiếp thu cũng vừa phải...", em Đặng Khánh Linh cho biết thêm.
Trường THCS xã Cát Văn hiện có 24 cán bộ, giáo viên trong đó có 8 lớp với trên 300 học sinh. Đã gần hai tháng nay, thực hiện sự chỉ đạo của ngành Giáo dục về việc tạm dừng học ở lớp để tránh đại dịch Covid-19, nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh dạy, học trực tuyến, trên các thiết bị máy tính và điện thoại thông minh, trên truyền hình nhằm đáp ứng kiến thức cho các em trong thời gian nghỉ học.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Chiến - Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Cát Văn cho biết: "Hiện tại có khoảng 80% học sinh được học trực tuyến còn khoảng 15% em học sinh học tập bằng việc giáo viên bộ môn trực tiếp đến nhà phát đề, câu hỏi bài tập, xem ra đây là giải pháp tình thế.
Để làm tốt công tác phòng dịch Covid-19, nhà trường tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh gần như tất cả các môn, trừ môn Thể dục. Tuy nhiên, bên cạnh đó số lượng học sinh học nhiều, nên đường truyền mạng Internet bị gián đoạn, chúng tôi cũng mong muốn ngành Giáo dục Nghệ An nên có biện pháp nâng cấp một số phần mềm theo quy định của Bộ GD&ĐT, để việc dạy được ổn định hơn".
Cung cấp thông tin hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh lớp 12
Không riêng gì bậc học THCS, Tiểu học, hơn một tháng nay giáo viên và học sinh bậc THPT trên địa bàn huyện miền núi Thanh Chương cũng chung cảnh tương tự. Nhiều trường THPT trên địa bàn cũng gặp muôn vàn khó khăn như nhiều em không có điện thoại, không có máy tính để bàn... Đặc biệt, các em học sinh vùng sâu, vùng xa, sông nước và dân tộc thiểu số gặp khó khăn nhất.
Việc học trực tuyến đối với các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước và dân tộc thiểu số ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) còn gặp khá nhiều khó khăn.
Nằm cách thị trấn Dùng khoảng 20km, Trường THPT Thanh Chương 3 là một trong những trường thuộc các xã miền núi khó khăn. Nhưng ngược lại, Trường THPT Thanh Chương 3 lại có bề dày truyền thống dạy và học, số học sinh đậu tốt nghiệp và đại học năm sau luôn cao hơn năm trước.
Hiện toàn trường có 30 lớp với 1.000 em học sinh, trong đó khối 12 có 10 lớp, khối 11 có 10 lớp, khối 10 có 10 lớp.
Thầy Trần Hồng Duẩn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trước tình hình nghỉ học tránh dịch Covid-19, nhà trường phân công nhiệm vụ cho giáo viên chuyển sang dạy trực tuyến, nhằm cung cấp một số kiến thức cơ bản nhất cho học sinh, nhất là đối với các em khối 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến gần.
Ngoài dạy trực tuyến, nhà trường phân công nhiệm vụ cho hai giáo viên thông tin cho các em sớm nhất về công tác hướng nghiệp và điều chỉnh làm hồ sơ thủ tục thi vào các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề. Có thể nói đây là thời điểm quan trọng nhất, vì các em thiếu thông tin về các trường đại học và cao đẳng".
Được biết, thời gian qua Phòng GD&ĐT huyện miền núi Thanh Chương chỉ đạo tất cả các bậc học trên địa bàn huyện tập trung giảng dạy bằng phương pháp học trực tuyến, gửi bài tập qua Zalo, Facebook; học qua kênh truyền hình Trung ương và tỉnh, nhằm đảm bảo công tác dạy và học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhiều em học sinh ở địa bàn vùng tái định cư, con em đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn trong việc học trực tuyến bởi thiếu thiết bị.
Toàn huyện Thanh Chương hiện có 41 trường Mầm non với trên 12.000 cháu; bậc Tiểu học 663 lớp với trên 18.000 em học sinh; THCS có 361 lớp với trên 12.000 em; THPT có 196 lớp với trên 7.000 em học sinh. Đến thời điểm này, công tác dạy và học trực tuyến và một số phương pháp khác đang được ngành Giáo dục triển khai đồng bộ.
Cô giáo Giản Thị Xuân - giáo viên môn Toán, Trường THCS xã Cát Văn, hàng ngày vẫn phải soạn bài đều đặn, ra bài tập để lên lớp thông qua dạy trực tuyến.
Ông Trần Xuân Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương chia sẻ: "Cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn đang còn thiếu, điều kiện gia đình các em đang còn nghèo, nhất là các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước và dân tộc thiểu số khó tiếp cận với các loại hình dạy học trực tuyến này. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương mong muốn được sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp, ban ngành, Đoàn thanh niên, từ các địa phương, khắc phục khó khăn nhằm giúp các em có một kiến thức cơ bản trong việc học tập, không để hổng kiến thức, khó khăn cho những năm tiếp theo".
Nguyễn Duy - Văn Lý
Chuyện về những thầy, cô giáo cưu mang học trò nghèo ở Quảng Ngãi Bằng tình thương yêu hết lòng dành cho học sinh nghèo, nhiều thầy cô ở Quảng Ngãi đã giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường và vươn lên trong học tập. Các thầy cô đưa trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) Trước những hoàn cảnh bất hạnh của học...