Đến một loài cá nổi tiếng thế giới cũng quay cuồng trong vòng xoáy chiến sự Nga – Ukraine
Ngành thuỷ sản thế giới đang quay cuồng trong vòng xoáy của chiến sự Nga – Ukraine. Đâu là cơ hội và thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?
Chiến sự Nga – Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành cá thịt trắng thế giới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nga là nước có thế mạnh về thuỷ sản khai thác và là nguồn cung cấp cá thịt trắng đứng đầu thế giới nên ngành cá thịt trắng thế giới chắc chắn sẽ bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine.
Các loài cá xuất khẩu chủ lực của Nga gồm cá minh thái và cá tuyết. Cá của Nga được tiêu thụ nhiều ở EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, phần lớn cá Nga còn được chuyển sang Trung Quốc để gia công chế biến xuất khẩu đi các thị trường trên.
Ngay khi chiến sự Nga – Ukraine, nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, các nước EU, Anh…đều có những động thái chống lại Nga. Những phản ứng này đang và sẽ tác động mạnh đến cung – cầu, giao thương thuỷ sản thế giới.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, việc giao dịch của các nhà xuất nhập khẩu thuỷ sản với Nga bị gián đoạn sau khi EU công bố tên của các ngân hàng sẽ bị loại khỏi hệ thống nhắn tin của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (viết tắt là SWIFT).
Trong khi đó, Tây Ban Nha đã đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với Nga là: cấm xuất nhập khẩu và cấm tàu thuyền của họ cập cảng Tây Ban Nha và các cảng của các thành viên EU khác.
Theo nhận định của VASEP, chiến sự Nga – Ukraine mang lại thách thức nhiều hơn cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ kí sắc lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản của Nga và xóa bỏ đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN) đối với Nga. Mặc dù việc bãi bỏ quy chế Tối huệ quốc đối với Nga dường như không nghiêm trọng bằng lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, việc này có thể có những tác động dài hạn.
Chính phủ Anh mới đây đã ban hành lệnh cấm giao thương với Nga, đồng thời áp mức thuế nhập khẩu mới lên hàng trăm mặt hàng chủ chốt của Nga, tăng 35% so với mức thuế cũ. Các loại cá thịt trắng của Nga cũng là một trong những sản phẩm chịu thuế tăng.
Một số chuỗi nhà hàng thủy sản lớn của Mỹ đã ngừng mua thủy sản từ Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Video đang HOT
Các siêu thị bán lẻ lớn của Vương quốc Anh cũng đang loại bỏ một số sản phẩm cá của Nga khỏi kệ bán hàng. Một số dòng cá nguyên con đang bị loại bỏ bao gồm cá minh thái đông lạnh, cá hồi hồng đông lạnh và sản phẩm thăn cá tuyết tươi.
Chiến sự Nga – Ukraine mang lại thách thức nhiều hơn cơ hội cho thủy sản Việt Nam
Theo nhận định của VASEP, chiến sự Nga – Ukraine mang lại thách thức nhiều hơn cơ hội cho thủy sản Việt Nam dù Nga chỉ chiếm 2% xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với những mặt hàng chủ lực là tôm chân trắng, cá tra, surimi, cá ngừ, cá chỉ vàng, cá cơm…
Dù vậy, dư địa với thị trường Nga còn nhiều và cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường này sẽ khả thi nếu không xảy ra chiến sự khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga đứng ngồi không yên. Đã có nhiều lô hàng sang Nga buộc phải quay đầu.
Giao thương bị đình trệ hoặc phải tạm dừng vì rủi ro ngân hàng thanh toán. Việc tìm kiếm các ngân hàng thay thế không đơn giản và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Bên cạnh đó, cước phí vận tải vốn đã cao ngất ngưởng vì Covid-19 nay thêm áp lực chiến sự Ukraine lại càng lên cao hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chật vật vì không đặt được containers xuất hàng, và dù có đặt được cũng vẫn luôn lo sợ bị huỷ booking.
Riêng trong tháng 2, trong khi xuất khẩu sang các thị trường đều tăng mạnh 2 đến 3 con số thì doanh số sang Nga bị giảm gần 3% dù xung đột xảy ra vào những ngày cuối tháng. Điều đó cho thấy tác động tức thì đối với xuất khẩu thuỷ sản sang Nga.
Tuy nhiên, trước những lệnh trừng phạt với thuỷ sản Nga, theo VASEP, các doanh nghiệp Việt Nam cũng le lói một chút cơ hội giành thị phần của Nga tại các nước nhập khẩu cá thịt trắng như Mỹ, EU…dù cá tra không hoàn toàn thay thế cho cá minh thái, cá tuyết…
Mỹ - Trung Quốc tăng mua một loài cá, "kho báu" dưới nước ở Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn thu tỷ đô
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại, với mức giá dao động khoảng 29.500-30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021, đem đến sự phấn khởi, vui mừng cho người nuôi.
Giá cá tra tăng mạnh 29.500-30.000 đồng/kg
Là địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng, An Giang hiện có trên 1.487ha thả nuôi cá tra. Sản lượng cá tra thu hoạch từ đầu năm 2022 đến nay tăng đáng kể do giá bán tăng và nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng. Điều này tạo sự phấn khởi rất lớn cho người nuôi cá tra.
Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Tuấn, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) rất phấn khởi vì giá cá tra đang được thu mua ở mức rất cao, từ 28.500-30.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.
Với 500 tấn cá tra nằm trong kích cỡ (size) xuất khẩu sắp thu hoạch, gia đình ông Tuấn xem như "hái lộc" đầu năm.
Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Tâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang như "nhặt được vàng" khi gần 700 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán của gia đình ông được nhiều công ty hỏi mua và đặt hàng vào cuối tháng này với giá trên 30.000 đồng/kg (loại 1kg/con), tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các hộ nuôi và doanh nghiệp cá tra, sở dĩ giá cá tra hiện nay tăng mạnh là do sau dịch Covid-19, nhiều hộ "treo ao," nguồn cung cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thiếu hụt.
Thu hoạch cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Vĩnh Kim
So với cùng kỳ 2021, giá cá tra chỉ có 19.000-20.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu hiện nay đã tăng mạnh, người nuôi lãi lớn.
Không chỉ giá cá tra thương phẩm tăng mà giá bán cá tra giống cũng tăng. Hiện cá giống size 40 con/kg có giá bán gần 50.000 đồng/kg và khoảng 60.000 đồng/kg cá giống (size 30 con/kg), tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2021 cũng đem lại nhiều phấn khởi cho người nuôi.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh ở hầu hết thị trường lớn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 385 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số như Mỹ đạt 94,6 triệu USD, tăng 120%; Trung Quốc - Hồng Kông đạt 86 triệu USD, tăng 240% và khối thị trường CPTPP đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4%; EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm 2021. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia khuyến cáo nông dân không ồ ạt thả nuôi
Trước cơn sốt cá tra, nhiều nông dân vay vốn, ồ ạt thả nuôi, chấp nhận giá con giống, thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến cáo nông dân cẩn trọng, có chiến lược thả nuôi phù hợp với cung - cầu, nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái diễn.
Ông Quốc cho rằng, giá cá tra thương phẩm tăng cao do thiếu hụt nguồn, giá cá sẽ sớm bình ổn trở lại. Để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không phải lo lắng về đầu ra.
Ngược lại, phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc hoạt động kinh doanh, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để có ký kết cụ thể với số hộ nuôi cá.
Đồng thời, các địa phương cần có sự kiểm soát chặt diện tích ao nuôi, sản lượng nuôi...tránh tình trạng cung vượt cầu; nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái lập.
"Hiệp hội đã khuyến cáo, nếu ai muốn nuôi thì nên liên kết với doanh nghiệp, còn nếu nuôi tự phát thì sau này sẽ rất khó khăn. Bây giờ tuy rằng thị trường xuất khẩu tốt nhưng cần phải xúc tiến việc chế biến sâu, để giá trị hàng, để tăng giá trị xuất khẩu", ông Quốc nói.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh ở hầu hết thị trường lớn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 385 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ 2021.
Ngoài ra, theo ông Quốc, cần xây dựng các hệ thống phân phối, nghiên cứu theo ẩm thực của từng vùng miền để đẩy mạnh đưa cá tra vào tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cá tra năm 2022 hồi tháng 2, đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định, cước phí tàu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm, thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển trên thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn...
Theo Bộ NNPTNT, năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đúc Tiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là nâng cao chất lượng giống, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, tiếp tục triển khai đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ráo riết thu mua một loài thủy sản, Việt Nam thu ngay 558 triệu USD Xuất khẩu tôm Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh...Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 117,5 triệu USD, tăng 61% và Trung Quốc đạt 21,3 triệu USD, tăng 41% cùng kỳ năm 2021. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua tôm...