Đến bao giờ nghề giáo được ưu tiên nhất, thầy cô sống được bằng lương?
Đối với giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông mới ra trường tập sự có thu nhập khoảng 3,4 triệu, khi hết tập sự khoảng 3,8 triệu.
Ngày 02/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “ Nghề giáo phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương” của tác giả Ngân Chi nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng giáo viên cả nước.
Hàng trăm ngàn lượt đọc, nhiều lượt thích và chia sẻ cho thấy vấn đề thu nhập giáo viên luôn là vấn đề “ nóng” nhận được sự quan tâm của giáo viên, nhân dân cả nước.
Ảnh minh họa – Lã Tiến
Phát biểu của Đại biểu Quốc hội chạm đến trái tim hàng triệu giáo viên
Ngày 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022″.
Về vấn đề liên quan lương, thu nhập nhà giáo, Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định Nguyễn Văn Cảnh đã có những phát biểu và đề xuất khiến giáo viên vô cùng xúc động như sau:
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất, để thầy cô sống được với lương của mình.
Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể, phải lo thêm cho gia đình.
Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, vị Đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách.”
Video đang HOT
Phát biểu của vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã chạm đến trái tim của hàng triệu giáo viên cả nước.
Đây là những vấn đề mà giáo viên đặc biệt quan tâm, giáo viên thu nhập không đủ sống, phải làm mọi nghề tay trái để kiếm sống thì rất khó để giáo dục phát triển tương xứng vị thế của ngành, nghề.
Đã có một thời gian quá dài, lương thu nhập của giáo viên liên tục là vấn đề “nóng”. Lời hứa “nhà giáo sống được bằng lương”, đã 15 năm trôi qua, qua nhiều nhiệm kỳ của Bộ trưởng vẫn bị xem chưa có gì khởi sắc.
Sau nhiều lần ý kiến, đề xuất, kiến nghị thì lương, thu nhập giáo viên vẫn không tương xứng với vị thế của nghề, không đủ trang trải cuộc sống.
So với các đơn vị nghiệp công lập khác thì lương giáo viên không phải thấp nhưng gần như giáo viên chỉ nhận lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (giáo viên trên 5 năm) mà không có khoản nào khác nên tổng thu nhập của giáo viên có thể là thấp so với các đơn vị còn lại.
Lương giáo viên mới ra trường hiện nay bao nhiêu?
Đối với giáo viên mới ra trường từ ngày 20/3/2021 (chùm Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực), giáo viên mầm non có hệ số 2,1, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông có hệ số 2,34.
Như vậy, thực nhận của giáo viên mầm non tập sự sau khi trừ các khoản còn khoảng 3,2 triệu, khi hết tập sự nhận khoảng 3,6 triệu.
Đối với giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông mới ra trường tập sự có thu nhập khoảng 3,4 triệu, khi hết tập sự khoảng 3,8 triệu.
Giáo viên ra trường từ năm 2015, còn nhận lương thấp hơn vì ở bậc mầm non, tiểu học có hệ số lương 1,86, trung học cơ sở có hệ số lương 2,1, trung học phổ thông có hệ số lương 2,34.
Do đó, giáo viên mới ra trường bậc mầm non, tiểu học giai đoạn đó nếu chưa được bổ nhiệm lương mới thì thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.
Về chế độ nâng lương hiện nay thì 2-3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng chỉ khoảng vài trăm ngàn nên thực chất tổng thu nhập của giáo viên rất thấp.
Dự kiến lương giáo viên sẽ ra sao khi sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04
Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Nếu không có gì thay đổi thì việc lấy ý kiến dự thảo đến hết ngày 20/7, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thời gian điều chỉnh và ban hành chính thức Thông tư sửa đổi, bổ sung.
Sau khi chính thức có hiệu lực, các đơn vị tiến hành bổ nhiệm lương mới trong thời gian 6 tháng, nên dự kiến có thể bổ nhiệm vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Thực chất, lần bổ nhiệm theo lương mới này là khắc phục tồn tại, bất cập của chùm Thông tư 01-04/2021 nên cơ bản khi bổ nhiệm lương mới dành cho giáo viên mới ra trường và giáo viên đang công tác không có nhiều chênh lệch so với lương đang lĩnh hiện nay, trừ một số trường hợp hạng II ở tiểu học, trung học cơ sở có hệ số lương 3,33, 3,66 được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0.
Giáo viên mầm non đến trung học phổ thông giáo viên mới ra trường vẫn thực nhận chưa đến 4 triệu mỗi tháng. Theo người viết, mức này là quá thấp so với mặt bằng chung và mức chi phí trong bối cảnh mọi thứ đều tăng giá như hiện nay.
Để giáo dục, giáo viên nâng cao vị thế rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cùng các cấp có thẩm quyền để cải thiện lương, thu nhập cho nhà giáo bên cạnh thực hiện quyết liệt việc giảm biên chế quản lý cấp Phòng, Sở, cấp phó, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sáp nhập trường, kết hợp mở rộng trường ngoài công lập,…để từng bước hiện thực hóa lương, chế độ cho nhà giáo được ưu tiên nhất, nhà giáo sống được bằng lương. Thầy cô toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tôi chưa thấy trường hợp nào 'chạy', 'lót tay' để bảo vệ luận án TS ở Đài Loan
Tiến sĩ Trần Thị Lan cho biết, ở Đài Loan, người học tiến sĩ không nhiều vì thi khó, học khó, đầu ra khó.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) cho biết:
"Tôi từng có thời gian học tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Thành Công (Đài Loan). Riêng đối với ngành Giáo dục học, hàng năm nhà trường chỉ tuyển khoảng 5 - 7 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ.
Nghiên cứu sinh vừa học vừa làm báo cáo và phải đọc rất nhiều tài liệu, các bài đăng trên tạp chí khoa học để thu thập những thông tin của ngành học, phục vụ quá trình làm báo cáo, bài luận. Chương trình đào tạo có khoảng 36 học phần, bao gồm môn lựa chọn và môn bắt buộc. Các học phần được dạy bằng tiếng Anh còn phần báo cáo trên lớp, nghiên cứu sinh phải thể hiện bằng tiếng Trung.
Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sau khi hoàn thành các môn học, nhà trường sẽ đưa ra những điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp như phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Toeic, Toefl đạt ngưỡng quy định. Đặc biệt, các nghiên cứu sinh phải trải qua kỳ thi tư cách với 4 môn thi, trong đó 2 môn chung là phương pháp luận nghiên cứu và tâm lý giáo dục.
Tại Đại học Quốc gia Thành Công, 2 môn này nổi tiếng là khó học và khó thi qua bởi mỗi môn có 5 giảng viên tham gia giảng dạy. Mỗi giảng viên sẽ cung cấp các tài liệu khác nhau để nghiên cứu sinh đọc và nghiên cứu. Không ai hay biết giảng viên nào ra đề thi cuối môn. Đã có rất nhiều người trượt và bỏ cuộc ở kỳ thi tư cách".
Cũng theo Tiến sĩ Trần Thị Lan, tại Đài Loan, để được bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có ít nhất 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học. Đối với ngành khoa học xã hội, yêu cầu này không quá khó, nhưng với khối ngành khoa học kỹ thuật, đa phần các nghiên cứu sinh đều đăng bài trên các tạp chí lớn, nổi tiếng thuộc danh mục ISI, Scopus.
"Đến phần công bố bài báo, cũng có người bị đánh trượt vì không có bài đăng tải trên các tạp chí khoa học. Cho đến ngày bảo vệ luận án, cả khóa chỉ còn lại 2-3 người", Tiến sĩ Trần Thị Lan nói.
Nữ giảng viên cho biết, trong thời gian viết và hoàn thành đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh sẽ tham gia, phát biểu tại các hội thảo khoa học. Ở Đài Loan, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tài trợ kinh phí đi lại, ăn nghỉ cho các nghiên cứu sinh.
Tiến sĩ Trần Thị Lan nhận định, quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ của các trường đại học tại Đài Loan rất chặt chẽ. Từ khâu bảo vệ đề cương, hội đồng sẽ chất vấn ứng viên chi tiết từng nội dung, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu đề tài. Nếu bảo vệ đề cương thành công, ứng viên mới được tiếp tục triển khai đề tài và bảo vệ luận án chính thức. Nếu không thành công, ứng viên phải làm lại cho đến khi được hội đồng phê duyệt.
Đối với buổi bảo vệ luận án chính thức, đề tài nghiên cứu sẽ được chấm bởi hội đồng gồm 5 giáo sư, thường sẽ chỉ có 2 giáo sư trong trường, còn lại là giáo sư ngoài trường.
"Tại buổi bảo vệ, ngay cả giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng tham gia chất vấn, phản biện nếu như trong quá trình thực hiện luận án có những vấn đề nghiên cứu sinh và giáo sư chưa thực sự thống nhất. Thực tế, người hướng dẫn sẽ không bảo vệ nghiên cứu sinh trước hội đồng. Không ít buổi bảo vệ diễn ra từ sáng đến chiều, rất căng thẳng.
Sau khi bảo vệ, hội đồng sẽ đưa ra những nội dung cần phải chỉnh sửa, bổ sung, ứng viên dựa vào đó để chỉnh sửa luận án. Nếu bản chỉnh sửa được hội đồng thông qua thì ứng viên mới được trao bằng", nữ giảng viên này chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Thị Lan cho hay, người học tiến sĩ ở Đài Loan không nhiều vì thi khó, học khó, đầu ra khó. Quá trình đào tạo tiến sĩ thường kéo dài trong vòng 6 năm. Có trường hợp bảo vệ đề cương, bảo vệ luận án không đạt phải làm lại từ đầu, song cũng nhiều nghiên cứu sinh muốn đăng bài trên các tạp chí nổi tiếng sẽ phải chờ rất lâu mới được xuất bản bài.
"Đặc biệt, tại Đài Loan, tôi chưa từng thấy trường hợp nào "chạy" hay "lót tay" để bảo vệ luận án tiến sĩ, quá trình học cũng như quá trình bảo vệ luận văn đều rất nghiêm túc. Gần như tất cả nghiên cứu sinh khi được giáo sư nhận lời hướng dẫn sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi như được làm dự án cùng thầy, được trả lương hàng tháng.
Nghiên cứu sinh không phải lo lắng quá nhiều về mặt tài chính, ngược lại họ còn được giáo sư hướng dẫn hỗ trợ chi phí học tập, chi phí sinh hoạt cuộc sống trong suốt thời gian học", Tiến sĩ Trần Thị Lan cho biết thêm.
Chi tiết điểm chuẩn vào các trường quân đội 3 năm gần đây Từ năm 2019 đến năm 2021 điểm chuẩn vào các trường quân đội có tăng nhẹ. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có thống kê để bạn đọc tiện theo dõi. Ngày 21/3/2022, Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng thông báo chỉ tiêu tuyển sinh các trường quân đội. Trường Sĩ quan Chính trị tiếp tục là đơn vị...