Đến bao giờ hết bất công với học sinh trung học cơ sở?
Bao giờ sự bất công với những học sinh trung học cơ sở bị trượt trường công lập chỉ vì “hộ khẩu” sẽ được loại bỏ?
Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7/2020.
Điều 6 Luật Giáo dục quy định hệ thống giáo dục Việt Nam được chia thành 04 cấp học: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học.
Giáo dục mầm non được chia thành hai bậc là Mẫu giáo và nhà trẻ; Giáo dục phổ thông được chia thành 3 bậc học là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong khi bậc tiểu học được quy định là bắt buộc, thì cấp học mầm non và bậc trung học cơ sở được chỉ được quy định là phổ cập (Điều 14).
Bậc trung học phổ thông cùng với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học không được xếp vào diện phổ cập.
Quy định này dẫn đến nhiều vấn đề nan giải mà ngành Giáo dục hoặc chính quyền địa phương không thể giải quyết. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đề cập đến chuyện công bằng ở tầm quốc gia trong cuộc thi vào lớp 10 sau khi học xong bậc trung học cơ sở.
Hiểu một cách đơn giản, bậc tiểu học có nhiệm vụ dạy cho học sinh biết đọc, biết viết tương đối thành thạo tiếng Việt, làm được một số phép tính thông thường và trang bị một ít kiến thức về xã hội, ngoại ngữ,… Bậc học này chủ yếu mới chỉ là xóa mù chữ.
Học sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Khoản 2 điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định:
“Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục”.
Đối với giáo dục phổ cập, “Nhà nước ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp” (Khoản 2 điều 17).
Điều này có nghĩa là Nhà nước bao cấp 100% bậc tiểu học và “bảo đảm các điều kiện” cho giáo dục phổ cập (mầm non và trung học cơ sở), luật không nói đến việc Nhà nước “bảo đảm các điều kiện” cho bậc trung học phổ thông.
Như vậy một cách mặc nhiên, các chủ trương, chính sách Nhà nước dành cho bậc trung học phổ thông cũng giống như với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Trong khi tự chủ đại học là một chủ trương lớn đang được ráo riết thực hiện thì hoạt động tự chủ ở bậc trung học phổ thông lại khá im ắng. Hậu quả là ngoài nguồn thu từ ngân sách, các trường trung học phổ thông lại có nguồn thu khá lớn từ học phí.
Tâm lý “Nhà nước” và quỹ lương ổn định đã góp phần thu hút đội ngũ nhà giáo, khiến cho các trường ngoài công lập chỉ có thể tuyển chọn nhà giáo đã nghỉ hưu và một số giáo viên vì lý do nào đó không thể thi tuyển vào ngạch viên chức giáo dục hoặc thi không đạt.
Video đang HOT
Mặt khác, các trường trung học phổ thông công lập thành lập từ nhiều năm trước được Nhà nước cấp đất và kinh phí xây dựng, có địa điểm khang trang hơn các trường ngoài công lập, học phí thu không cao (trừ một số trường chất lượng) khiến cho phụ huynh luôn muốn cho con em vào học.
Theo quy định tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, học sinh mầm non (trừ mầm non 05 tuổi) phải nộp học phí ngang với bậc trung học phổ thông (địa bàn quận, huyện là 217.000 đồng một tháng); Trẻ mầm non 05 tuổi nộp như học sinh trung học cơ sở (địa bàn quận, huyện là 155.000 đồng một tháng).Phải chăng vì thế thi vào lớp 10 trường công lập khổ hơn thi đại học vì ngoài bốn môn thi, ngoài chuyện chạy xô chuyển nguyện vọng từ trường này sang trường khác thì còn bị hạn chế bởi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến năm học 2020-2021 toàn thành phố có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở, 62% trong số này được học tại các trường trung học phổ thông công lập sau khi qua kỳ thi tuyển lớp 10.
Điều này có nghĩa là khoảng 40.000 học sinh không đạt điểm tuyển chọn kỳ thi vào lớp 10 công lập sẽ phải theo học tại các trường ngoài công lập hoặc các loại hình đào tạo khác.
Vì sao phải tổ chức kỳ thi vào lớp 10 các trường công lập?
Do chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở?
Do chủ trương xã hội hóa, cần có nguồn học sinh cho trường ngoài công lập?
Cả hai lý do nêu trên đều không đúng.
Lý do chính là số trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội không thể thu nhận hết học sinh trung học cơ sở nên phải thi để loại bớt.
Luật Giáo dục khẳng định “Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình” (Khoản 2 điều 13).
Vậy thế nào là công bằng khi trên địa bàn thành phố Hà Nội “học sinh sẽ đăng ký dự thi vào 2 trường trung học phổ thông công lập trong khu vực tuyển sinh đúng theo hộ khẩu thường trú của mình hoặc của bố, mẹ”. [1]
Vì vấn đề hộ khẩu mà điểm chuẩn vào lớp 10 công lập tại các trường là rất khác nhau, điểm trượt ở trường này cao hơn điểm đỗ ở trường khác. Điều này có nghĩa là chỉ vì “hộ khẩu” chứ không phải vì học lực kém mà học sinh không được vào trường công lập.
Như đã nêu, bậc trung học phổ thông không phải là phổ cập, càng không phải là bắt buộc, vậy nên việc đánh trượt gần 40% học sinh trung học cơ sở trong kỳ thi vào lớp 10 công lập không cho thấy sự công bằng trong chính sách giáo dục.
Với chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, người viết cho rằng Nhà nước cần xem xét các chủ trương ở tầm vĩ mô.
Thứ nhất: Ưu tiên đặc biệt cho giáo dục mầm non và tiểu học, nếu có thể thì cấp mầm non cũng phải là giáo dục bắt buộc. Việc này nếu thực hiện sẽ gặp khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất nhưng không phải là không có cách tháo gỡ.
Một trong nhưng biện pháp có thể thực hiện là chuyển toàn bộ kinh phí cấp cho khối trung học phổ thông sang giáo dục mầm non vì đây là cấp học vô cùng quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, tầm vóc, trí tuệ người Việt tương lai.
Thứ hai, với bậc trung học cơ sở tạm thời giữ nguyên như hiện nay tức là Nhà nước bảo đảm một phần, người dân đóng góp một phần.
Thứ ba, chấm dứt bao cấp bậc trung học phổ thông bằng cách giao quyền tự chủ hoặc cổ phần hóa, cho tư nhân quyền đấu thầu các cơ sở giáo dục với những điều kiện nhất định.
Thứ tư, sau khi hoàn thành các bước nêu trên, bãi bỏ kỳ thi vào lớp 10, học sinh được quyền lựa chọn bất kỳ trường nào mình thích, các trường xét tuyển theo học bạ trung học cơ sở, trường hợp số học sinh đăng ký vượt quá khả năng tiếp nhận, nhà trường có thể tổ chức các bài kiểm tra đánh giá năng lực.
Thứ năm, nếu vẫn buộc phải tiếp tục tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập thì phải cho phép học sinh đăng ký nhập học vào bất kỳ trường nào không lệ thuộc hộ khẩu. Các trường có trách nhiệm công khai chỉ tiêu và số lượng đăng ký để học sinh lựa chọn. Làm được điều này sẽ không còn tình trạng điểm thi cao bị trượt còn điểm thấp lại đỗ trường công lập.
Việc Hà Nội và một số địa phương khác cho đến nay vẫn sử dụng kỳ thi vào lớp 10 để loại bớt học sinh vào trường công lập không chỉ cho thấy sự yếu kém trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mà cũng còn cả trong chủ trương, chính sách.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến khung chương trình, sách giáo khoa, đào tạo nhà giáo, tự chủ đại học và tổ chức các kỳ thi quốc gia,…
Các kỳ thi “không quốc gia” như kỳ thi vào lớp 10 công lập do địa phương tự làm.
Việc xây dựng trường lớp, tổ chức dạy và học do chính quyền địa phương thực hiện. Vậy bao giờ sự bất công với những học sinh trung học cơ sở bị trượt trường công lập chỉ vì “hộ khẩu” sẽ được loại bỏ?
Tài liệu tham khảo:
[1] //thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2019-03-31/luu-y-khu-vuc-tuyen-sinh-vao-lop-10-tai-ha-noi-nam-2019-2020-69523.aspx
Xuân Dương
Theo giaoduc.net.vn
Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?
Đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.
Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020.
Theo đó, nhà trường sẽ chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì các trường sẽ lựa chọn sách giáo khoa nhưng kể từ tháng 7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì quyền lựa chọn sách lại thuộc về các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố).
Vì vậy, năm học 2020-2021 tới đây là các trường lựa chọn sách theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.
Đại diện phụ huynh sẽ gặp khó khi tham gia chọn sách giáo khoa mới (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Theo Thông tư, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Mỗi trường thành lập 1 hội đồng. Đối với trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
Việc cử đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục vào hội đồng là hoàn toàn hợp lý nhưng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là điều khiến lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục thấy vô lý.
Liên quan đến câu chuyện chọn sách giáo khoa, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với một số hiệu trưởng và được biết các trường đang gặp khó khăn vì đến nay vẫn chưa được tiếp cận đủ 5 bộ sách để đọc.
Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) cho biết, đến cuối tháng 3, nhà trường phải báo cáo bộ sách lựa chọn nhưng hiện nhà trường chưa được tiếp cận đầy đủ các bản mẫu sách giáo khoa để mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong hội đồng trong khi giáo viên khối 1 thì đông nên việc luân chuyển rất lâu.
Còn đọc qua bản điện tử thì không khả thi vì số lượng sách nhiều mà thời gian nhìn trên máy tính quá lâu thì giáo viên khó tập trung.
"Giáo viên đọc sách giáo khoa mà có chi tiết phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn. Thẳng thắn mà nói, thành phần này trong Hội đồng chẳng khác gì "bù nhìn", vị này nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, hiệu trưởng một trường ở vùng sâu, vùng xa tâm sự: "Hiện tại, các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới.
Còn đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì lại không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.
Nhưng để thực hiện đúng theo Thông tư thì trường tôi sẽ đưa đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại vào Hội đồng chọn sách giáo khoa vì không còn sự lựa chọn nào khác".
Rõ ràng, qua trao đổi cho thấy, cơ sở giáo dục đang gặp rắc rối trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021. Trong khi đó, trước khi Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT được ban hành ngày 30/01/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến trong thời gian 2 tháng.
Ngay sau khi có dự thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, cơ sở giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết góp ý cho nội dung này trong dự thảo và đã chỉ rõ những bất cập trong thành viên của Hội đồng chọn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa được ban hành thì những bất cập mà các nhà trường chỉ ra vẫn chưa khắc phục được.
Thanh Sơn
Theo giaoduc.net
Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường trong môi trường tốt nhất Nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT tán thành với việc cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới đây. Các trường học của tỉnh Tuyên Quang tiến hành vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn * Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn: Sẵn sàng đón học sinh trở lại Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc...