Đem nụ cười đến với trẻ em
Sứt môi, hở hàm ếch là dạng khiếm khuyết cơ thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nói, sự tự tin của trẻ em.
Trẻ em mắc dạng tật về sứt môi, hở hàm ếch được khám sàng lọc xác định tình trạng tật do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cùng các đơn vị thực hiện. Ảnh: V.Long
Thời gian qua, để góp phần đem lại nụ cười tự tin đến với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mắc dạng tật này, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã kết nối các tổ chức, bệnh viện cùng chung tay chữa lành cho các em.
* Nụ cười trở lại
Trong năm 2020, đã có 17 em được khám và hỗ trợ phẫu thuật, điều trị các dạng tật về sứt môi, hở hàm ếch. Trong số này có em Nguyễn Tuấn Khang (9 tuổi, ngụ xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) với tình trạng trước khi được hỗ trợ phẫu thuật bị biến dạng môi mũi, thiếu xương hàm trên.
Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, mẹ Tuấn Khang cho hay: “Ngay khi sinh ra Tuấn Khang đã bị dị tật. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cho hay, ngoại hình bên ngoài của bé khiến gia đình rất lo lắng, buồn rầu. Song vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình chưa có điều kiện đưa con đi điều trị. Khi nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, gia đình rất mừng. Qua 3 lần phẫu thuật, bé được nong hàm, tạo hình mũi. Quá trình hồi phục của Tuấn Khang rất tốt, khả năng nói được cải thiện và nhất là về mặt thẩm mỹ có sự thay đổi tích cực”.
Từ năm 2015 đến nay, đã có 131 trẻ em được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ phẫu thuật tái tạo lại môi, miệng, giọng nói với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Video đang HOT
Còn với em Nguyễn Thị Bích Phương (7 tuổi, ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) khi sinh ra đã bị biến dạng môi, miệng. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống, phát âm và nhất là vẻ đẹp của một bé gái. Sau khi được phẫu thuật đóng lỗ thủng môi hiện sinh hoạt của em có nhiều tiến triển, trong đó việc ăn uống được thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Cũng nhờ những tín hiệu tích cực từ chương trình phẫu thuật dị tật vùng hàm mặt, nhiều trẻ em trước đây mắc các dạng tật sau khi được phẫu thuật đã trưởng thành, tự tin hơn với ngoại hình của mình để hòa nhập cùng cộng đồng trong học tập, lao động.
Trong số này có anh Nguyễn Minh Tân (23 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom). Anh Tân cho hay, trước đây anh bị tật màng hầu, biến dạng mũi môi, nói ngọng. “Nhờ được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ để phẫu thuật mà hiện nay giọng nói của tôi rõ ràng, khuôn mặt hài hòa hơn. Hiện tôi đang làm việc cho một công ty với thu nhập ổn định” – anh Tân nói.
* Nối dài hành trình
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hoàng Văn Long cho hay, nhiều trường hợp do dị tật nặng, phức tạp nên phải phẫu thuật nhiều lần trong thời gian dài. Có trường hợp kéo dài nhiều năm liên tục và phải phẫu thuật đến 6 lần. Đây là trở ngại bởi ngoài chi phí điều trị rất lớn còn đòi hỏi thời gian, công sức, sự kiên trì của gia đình, của chính các em.
Như trường hợp của em Lư Hoàng Nhật Tiến (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) dù mới 6 tuổi song em đã phải thực hiện 3 lần phẫu thuật. Bà Võ Thị Mai, mẹ Nhật Tiến cho hay, mỗi lần phẫu thuật là mỗi lần con bà đau đớn khó chịu, gia đình cũng lo lắng và xót con. Nhưng gia đình mong sao qua mỗi lần phẫu thuật, tình trạng của con mình sẽ tiến triển tốt hơn để hạn chế khiếm khuyết về sau.
Để tiếp tục đồng hành cùng trẻ em bị mắc các dạng tật về sứt môi, hở hàm ếch, ông Hoàng Văn Long cho rằng: Việc quan trọng đã và đang được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện là kết nối các tổ chức, mạnh thường quân, bệnh viện để thực hiện chương trình phẫu thuật cho các em. Bởi có thực tế là đa phần các hoàn cảnh mắc dị tật này đều rơi vào gia đình khó khăn, hộ nghèo. Nên nếu thiếu sự quan tâm, hỗ trợ, kết nối từ phía cơ quan chức năng thì các em rất khó có cơ hội phẫu thuật để tái tạo môi, miệng, giọng nói ngay từ nhỏ.
Cùng với việc huy động các nguồn lực, ông Long cũng cho hay, việc rà soát, cập nhật liên tục để không bỏ sót trường hợp nào cần được phẫu thuật là điều rất cần thiết. Bởi nếu được phẫu thuật càng sớm thì khả năng hồi phục như người bình thường về ngoại hình, nhất là khả năng phát âm của các em rất lớn.
Dị tật bẩm sinh hở môi, hở hàm ếch: Không còn là nỗi sợ
Trong các dị tật bẩm sinh thì hở môi, hở hàm ếch có tỉ lệ cao nhất, nguyên nhân gây ra tình trạng này rất phức tạp, thường liên quan tới yếu tố di truyền và các yếu tố từ môi trường tác động vào trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu mang thai.
Tật hở môi, hở hàm ếch thường đi kèm với nhau. Hở môi là hiện tượng môi trên phát triển không đều, khiếm khuyết một phần môi trên tạo ra khe nứt ở một hay cả hai bên đường giữa của môi trên. Còn hở hàm ếch là sự khiếm khuyết trong phát triển vòm miệng tạo ra khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi.
Tật hở môi và hở hàm ếch ở thai nhi thường có 3 dạng: hở môi nhưng không bị hở hàm ếch; Hở hàm ếch nhưng không hở môi; Cả hở môi và hở hàm ếch.
Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, tật hở môi, hở hàm ếch có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật sau khi sinh.
Cháu N.T.A (22 tháng tuổi, Thái Bình) mặc dù nhìn bên ngoài không có dấu hiệu bị dị tật, nhưng từ khi sinh ra, bác sĩ đã cho gia đình biết cháu bị hở vòm miệng. Chị H. - mẹ cháu bé cho biết: Do bị hở vòm miệng sâu nên quá trình nuôi bé rất khó khăn, khi ăn hay bị sặc dẫn đến viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi.
Hở hàm ếch. Hở môi, hở hàm ếch.
Còn chị N.T.D - mẹ của cháu D.A. (7 tháng tuổi, Bắc Giang) cho biết, bác sĩ phát hiện con bị dị tật sứt môi khi thai nhi được 5 tháng tuổi. Bác sĩ khuyên rằng dị tật này sau khi sinh, cháu đủ tháng sẽ được phẫu thuật và có cuộc sống bình thường.
Giải đáp về băn khoăn khi sàng lọc thai nhi bị dị tật bẩm sinh, TS. Lê Diệp Linh - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình, BV 108 cho biết: Khi siêu âm và phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, hở hàm ếch hoặc bị sẹo môi... thì bác sĩ sẽ thông báo để phụ huynh biết và chuẩn bị tâm lý đi điều trị cho con.
Còn với dị tật này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, cho nên vấn đề sàng lọc trước sinh với dị tật môi vòm để bỏ thai là quan niệm rất sai lầm. Hiện nay, với phẫu thuật và y học hiện đại ngày càng phát triển, thì cơ hội sống cho các bé có dị tật môi vòm hoàn toàn có được cuộc sống bình thường và cơ hội rất lớn.
Cũng theo TS. Linh, trong các nghiên cứu từ trước tới nay thì dị tật bẩm sinh môi vòm được cho rằng do trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ bị ốm (như cúm, nhiễm virus) sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Có một số nguyên nhân do hóa chất, thuốc... nhưng điều đó chưa được chứng minh.
Đối với trẻ mắc dị tật này, ảnh hưởng ngay trong những tháng đầu sau sinh là chức năng bú mớm, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, dễ bị viêm phổi... dẫn đến bệnh nặng hơn. Nếu trẻ không được phẫu thuật thì khi lớn lên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phát triển ngôn ngữ dẫn đến ảnh hưởng tâm lý...
Khám dị tật hở môi, hở hàm ếch cho trẻ.
TS. Linh cho hay: Với y học hiện đại đã đặt vấn đề can thiệp sớm cho bệnh nhân. Với trẻ hở môi thì từ 6 tháng và cân nặng trên 7kg; với trẻ dị tật vòm thì từ 12-18 tháng, với cân nặng trên 10kg; tre không có bệnh bẩm sinh như bệnh tim, động kinh, thần kinh... va không bi ôm, sôt hoặc viêm nhiễm trong thơi điêm đi kham, là đủ tiêu chuẩn phẫu thuật.
Khi được phẫu thuật sẽ trả lại cho trẻ hình dáng nụ cười bình thường cũng như các chức năng ăn uống không bị sặc giúp giảm nguy cơ các bệnh đường hô hấp của trẻ hoặc khi tập nói trẻ không bị khó khăn.
Cách nào hỗ trợ những trẻ không may mắc bại não? Theo các chuyên gia, cho đến nay, bại não là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn mà can thiệp sớm - phục hồi chức năng là giải pháp tối ưu nhất. Hai mẹ con bé Bảo Châu Bé Bảo Châu (9 tuổi, Hoà An, Cẩm Lê, Đà Nẵng) khi sinh ra bị sứt môi, hở hàm ếch, 5 tháng tuổi phát hiện thêm...