Deepfake thành trò giải trí ‘gây sốt’ tại Việt Nam
Các ứng dụng như Avatatify, Reface… sử dụng kỹ thuật deepfake để tạo video giả hành động của con người, đang được dùng nhiều ở Việt Nam.
Những video như Elon Musk nói chuyện bằng tiếng Việt, hay hình ảnh một người nào đó cất giọng hát như ca sỹ nước ngoài, nam nói giọng nữ… xuất hiện nhiều trên mạng xã hội gần đây. Đây là video giả dạng bằng cách ghép mặt, được tạo bởi các ứng dụng như Avatarify, Reface… trên smartphone.
Nhiều video được đánh giá là “chân thực không thua kém video gốc”. “Phải xem đến lần thứ hai và thấy logo của ứng dụng, tôi mới nhận ra đây là video giả”, Tuấn Anh (Hà Nội) bình luận về một video với hình ảnh Elon Musk nói “chúc mừng sinh nhật” bằng tiếng Việt.
Video deepfake giả Elon Musk trong cuộc họp trên Zoom, dẫn đến ý tưởng tạo ra Avatarify.
Tuần qua, các nội dung “giả” này xuất hiện nhiều. Song song đó, các ứng dụng như Avatarify, Reface cũng lọt top những “app” được tải nhiều nhất trên iOS và Android tại Việt Nam. Hai ứng dụng này nhận được hàng nghìn đánh giá 5* từ người dùng Việt, với những lời khen về khả năng ghép mặt chính xác, biến ảnh tĩnh thành video, hay tạo ra những nội dung hài hước, độc đáo mà trước đây các ứng dụng khác không làm được.
Nhìn chung, Avatarity và Reface có cơ chế hoạt động và cách sử dụng tương tự nhau. Với Avatarify, người dùng chọn một bức ảnh có khuôn mặt của mình, bạn bè hoặc người nổi tiếng nào đó, đưa vào app. Sau đó, chọn một video chứa biểu cảm mong muốn, thường là video về các ca sĩ đang hát, Avatarify sẽ “hòa trộn” biểu cảm này với khuôn mặt trong bức ảnh gốc, lồng ghép thêm âm thanh, tạo nên video giống đang biểu diễn. Nhờ khả năng “hòa trộn” theo thời gian thực, người dùng còn có thể lồng tiếng nói và biểu cảm của chính mình, vào khuôn mặt của người khác.
Ngược lại, Reface có khả năng ghép mặt mình vào video của người khác. Ứng dụng này thường được người Việt sử dụng để đưa mặt mình vào các video ca nhạc, phim hành động…
Chỉ mất chưa đến một phút là có thể tạo được một video deepfake từ ứng dụng trên điện thoại.
Điểm chung của các ứng dụng này, theo các chuyên gia, là sử dụng kỹ thuật deepfake để “trộn” khuôn mặt của người này với biểu cảm và giọng nói của người khác.
Sự nguy hiểm của công nghệ phía sau
Về mặt bảo mật, các ứng dụng trên đều khẳng định người dùng không cần cung cấp thông tin cá nhân. Ứng dụng cũng không tải ảnh của người dùng lên máy chủ để lưu trữ hoặc truy cập. Nền tảng kỹ thuật của Reface còn được ứng dụng trong ngành giải trí, hứa hẹn tạo nên cuộc cách mạng về làm phim.
Tuy nhiên, kỹ thuật phía sau ứng dụng này là deepfake – từng được cảnh báo có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng, như mạo danh, ghép mặt người vào video nhạy cảm.
Ở phiên bản miễn phí của Reface, người dùng chỉ có thể ghép hình trong các video, ảnh động, có sẵn trong thư viện ứng dụng. Với bản trả phí (giá 579 nghìn đồng/năm), người dùng có thể thêm bất kỳ video nào vào thư viện để ghép mặt. Dù là ứng dụng được sử dụng với mục đích giải trí, các chuyên gia bảo mật lo ngại công nghệ này có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu.
Ứng dụng Avatarify cho phép “trộn” biểu cảm của người này vào khuôn mặt của người khác.
Hồi đầu năm 2020, nhà sáng lập Ali Aliev của Avatarify đã sử dụng công nghệ mã nguồn mở, sau đó “tinh chỉnh trong vài giờ” để tạo nên ứng dụng này. Ali cho biết anh đã thử công cụ này với hai người bạn của mình – vốn là các nhà nghiên cứu về AI và chính họ cũng “bối rối” khi thấy mình đang họp cùng “Elon Musk”. Từ kết quả này, nhóm của Ali đã tiến tới phát triển các ứng dụng deepfake, có khả năng tích hợp vào cuộc họp trong Zoom và Skype.
Mã nguồn của Avatarify được công khai trên Github. Các chuyên gia bảo mật cho biết họ không lo ngại về việc các ứng dụng này lấy dữ liệu hình ảnh của người dùng nữa, mà lo là deepfake đang được sử dụng quá dễ dàng.
Trước đây, việc tạo các video deepfake yêu cầu phần cứng máy tính mạnh mẽ, hoặc chi phí hàng chục USD cho mỗi video, nhưng nay có thể thực hiện miễn phí trên điện thoại, chỉ với vài thao tác đơn giản. Nhiều chính trị gia, ngôi sao nổi tiếng từng trở thành nạn nhân của deepfake khi bị ghép mặt vào các video nhạy cảm.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng, sàn giao dịch điện tử ứng dụng phương thức xác thực danh tính bằng eKYC (electronic Know Your Customer), sự phát triển của deepfake có thể trở thành mối đe dọa.
Một trong những bước quan trọng của eKYC là đối chiếu hình ảnh “sống” của người dùng với ảnh từ giấy tờ tùy thân. Các chuyên gia bảo mật cho biết, họ nhận thấy nhu cầu tạo hình ảnh deepfake đang ngày càng cao. Trên môi trường darkweb, giới tin tặc liên tục khoe những lần hình ảnh deepfake của chúng vượt qua được giải pháp eKYC.
Theo trang Gemini, các phần mềm phát hiện deepfake đang tụt hậu so với sự phát triển của công nghệ này. Độ chính xác của các công cụ này hiện chỉ ở mức 65,18%, tức là có đến 1/3 số hình là giả mà không thể phát hiện được. Trong khi đó, các giải pháp deepfake như Avatarify lại sử dụng AI và có mã nguồn mở, nên kết quả chúng tạo ra sẽ ngày càng “thật”, kéo theo việc phát hiện ra deepfake khó khăn hơn.
Reface - ứng dụng hoán đổi khuôn mặt 'gây bão' toàn cầu
Reface hoạt động tương tự Deepfake, dùng AI để đổi khuôn mặt người dùng với những nhân vật nổi tiếng.
Video chuyển đổi khuôn mặt đang tràn ngập các mạng xã hội. Khác ứng dụng FaceApp một thời "gây bão", Reface chuyển đổi khuôn mặt trong video, tương tự Deepfake.
Theo The Independent, ngay khi ứng dụng này ra mắt, nó đã đứng thứ ba trên Google Play Store và thứ 28 trên App Store. Ứng dụng do công ty Neocortex, có trụ sở ở Califonia phát triển. Theo hồ sơ trên Dnb, công ty có 35 nhân viên, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, doanh thu khoảng 2,49 triệu USD mỗi năm.
Reface miễn phí và hoạt động đơn giản hơn FaceApp. Người dùng selfie một tấm hình và chọn video muốn chuyển đổi khuôn mặt. Chỉ vài giây sau, ứng dụng sẽ trả về video mới với khả năng ghép mặt chính xác đến kinh ngạc. Người dùng có thể lưu về máy dưới dạng ảnh gif hoặc video. Kho video gốc của ứng dụng cũng vô cùng phong phú và được phân loại theo từng nhóm chủ đề, như Siêu anh hùng Marvel, DC, Netflix, Game of Thrones, Silicon Valley...
Để tránh những rắc rối liên quan đến quyền riêng tư và dữ liệu người dùng như FaceApp, ứng dụng của Mỹ chỉ dùng một tấm ảnh selfie để hoán đổi khuôn mặt. Trong chính sách bảo mật, Reface nói họ "có thể thu thập ảnh của người dùng khi sử dụng ứng dụng". Ngoài ra, họ cũng thu thập "dữ liệu đặc điểm khuôn mặt riêng biệt" để cung cấp dịch vụ cốt lõi của ứng dụng. Reface cam kết "không sử dụng ảnh và các đặc điểm khuôn mặt của người dùng trong bất kỳ trường hợp nào trừ hoán đổi khuôn mặt trong ứng dụng".
Ảnh được lưu lại trong 24 giờ kể từ khi chỉnh sửa, sau đó sẽ tự động xoá. Dữ liệu về đặc điểm khuôn mặt được "lưu trên máy chủ Reface khoảng 30 ngày kể từ lần chỉnh sửa cuối cùng". Đáng lưu ý, ứng dụng này nói họ thu thập các dữ liệu về đặc điểm khuôn mặt, chứ không phải dữ liệu trắc sinh học. Ngoài ra, trong khi các ứng dụng khác yêu cầu mô hình ba chiều của khuôn mặt, Reface chỉ dùng ảnh selfie.
Giao diện Reface khá trực quan, các video được chia thành chủ đề riêng biệt.
Reface kiếm tiền từ quảng cáo. Người dùng được sử dụng miễn phí vài lần hoán đổi, sau đó phải xem quảng cáo nếu muốn dùng tiếp. Reface nói với The Independent rằng doanh thu quảng cáo chưa đến 10% tổng doanh thu. Họ cung cấp các gói dịch vụ cho phép người dùng đổi mặt không giới hạn theo tuần (59.000 đồng), theo tháng (89.000 đồng) và theo năm (579.000 đồng).
Trên kho ứng dụng của Apple, Reface đang được đánh giá "4,9 sao" và nhận được nhiều phản hồi tốt của người dùng. "Tuyệt vời, trước đây tôi phải trả phí khá cao để ghép mặt vào các video vui nhộn. Giờ thì miễn phí. Sẽ tốt hơn nếu các bạn mở miễn phí cho tất cả video", HungDinh nhận xét. Một số người đề xuất ứng dụng kéo dài thời gian video, cho gắn thêm nhạc.
Mặc dù có chính sách rõ ràng trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng, Reface vẫn bị một số người dùng hoài nghi. Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những nguy cơ của nó, nhưng một số chuyên gia công nghệ vẫn khuyên thận trọng với những ứng dụng chuyển đổi khuôn mặt như Reface.
Cuộc đấu trí giữa người và AI đầu tiên tại Việt Nam Vòng chung kết của "Đấu trường AI" - cuộc thi mô phỏng game đào vàng - diễn ra dưới hình thức thi đấu Esport sẽ diễn ra vào ngày 26/9. Đấu trường AI- Reinforcement Learning sắp bước vào vòng chung kết với 8 đội xuất sắc. Trong vòng chung kết với tên gọi "Đảo giấu vàng", các đội được chia làm 16 bảng,...