Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, GS Nguyễn Minh Thuyết: ‘Việc này trước sau cũng phải thực hiện’
Cho rằng việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân rất khó khăn, nhưng các chuyên gia giáo dục đồng tình trước đề xuất sớm công nhận đây là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Trong Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Trả lời VTC News về đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cho rằng, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh. Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam, theo ông “trước sau cũng phải thực hiện”.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông. (Ảnh: Zing)
Sử dụng tiếng Anh góp phần nâng cao giá trị bản thân
Theo giáo sư Thuyết, công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy việc lớp trẻ học tiếng Anh. Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng nhận định tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo công dân toàn cầu.
“ Xã hội các quốc gia nói tiếng Anh của phương Tây khá phát triển và rất nhiều nguồn tài liệu về khoa học, công nghệ được công bố bằng tiếng Anh. Những người sử dụng tiếng Anh hiệu quả sẽ có cơ hội nâng cao giá trị của bản thân, làm giàu tri thức của mình bằng việc cập nhật tri thức của nhân loại”, tiến sĩ Vinh đánh giá.
Video đang HOT
Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương bổ sung thêm vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đó là không chỉ tiếng Anh, trẻ có thể học nhiều thứ tiếng khác nữa như Ý, Pháp, Tây Ban Nha… Càng biết nhiều, học được nhiều thứ tiếng thì các em sẽ càng có nhiều thuận lợi hơn trong giao dịch với thế giới.
“Cần phải sử dụng tiếng Anh như một công cụ và làm sao để nó trở thành công cụ thật sắc bén cho mình”, tiến sĩ nói.
Làm sao để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2?
Tuy nhiên để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, theo giáo sư Thuyết cần phải nhận thức rõ được những khó khăn trong hoàn cảnh nước ta. Ở Việt Nam, tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, dù lớp trẻ rất nhiều bạn nói được nhưng chưa phải là số đông. Điều này khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn.
Giáo sư Thuyết cho rằng, đề xuất trên phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông qua. “Cần phải xem nó có phù hợp với Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng”, GS Thuyết nói.
Bên cạnh đó, nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam thì cần phải có sự thay đổi trong chương trình giáo dục, số tiết học tiếng Anh phải nhiều hơn hiện nay.
Giáo sư Thuyết cũng đặc biệt nhấn mạnh đến động cơ học của trẻ, bởi việc học ngoại ngữ phải được các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản.
“Khi có động cơ người ta sẽ tranh thủ học bằng mọi cách. Nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, còn mỗi cá nhân phải chủ động học thêm, như tự đọc sách, đọc báo, nghe đài bằng tiếng Anh”, GS nói.
Ông ví dụ tại Hy Lạp, học sinh, sinh viên thường đến các trung tâm du lịch để xin làm bồi bàn, bồi phòng hay hướng dẫn viên du lịch để học tiếng Anh. Bởi nếu không có tiếng Anh thì sau khi ra trường một thanh niên sẽ không kiếm được việc làm có thu nhập cao.
Tại chương trình “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức chiều 29/11, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, mục tiêu phát triển mà ngành giáo dục thành phố đặt ra đối với học sinh là có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT.
“Đến năm 2030, ít nhất 20% trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh – Việt trong các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, ngoại khoá và trải nghiệm sáng tạo. Khuyến khích các ngoại ngữ thông dụng khác trong hệ thống giáo dục của thành phố”, ông Nam nói.
Theo vtc
Có nên cho trẻ học ngoại ngữ sớm?
Các chuyên gia về ngôn ngữ trên thế giới cho rằng, việc học sớm ngôn ngữ thứ hai không những không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tập trung trong khi học...
Những ngày qua, mạng xã hội đang chia sẻ một phóng sự về hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Chỉ sau hai ngày đăng tải, phóng sự đã nhận được gần 35.000 lượt chia sẻ với hơn 6.000 bình luận khác nhau khi phản ánh tình trạng trẻ dưới ba tuổi gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, thậm chí sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Trong đó, rất nhiều bình luận của người lớn cho rằng không nên cho trẻ nhỏ học tiếng Anh khi tiếng Việt còn chưa thành thạo, nếu không sẽ khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ.
Không đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giáo dục - mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - chị Phan Hồ Điệp, cho rằng, cần khẳng định rằng, thời điểm trước 10 tuổi là thời điểm tuyệt vời học ngôn ngữ thứ hai.
"Con bạn có thể học muộn hơn nhưng chắc chắn sự nhạy cảm về ngôn ngữ, khả năng phát âm sẽ không tốt nếu như được tiếp cận trước 10 tuổi. Tại sao như vậy? Chúng ta hình dung một cách đơn giản là trẻ em sẽ học ngôn ngữ bằng một chiếc hộp, ta gọi là "Hộp ngôn ngữ". Chiếc "Hộp ngôn ngữ" này có 3 tính năng tuyệt vời nhưng lại chỉ "mở" khi trước 10 tuổi.
Đó là, tính năng lập sơ đồ đa ngôn ngữ: tự động phân loại các âm của ngôn ngữ khác nhau thành các nhóm mẫu hình âm khác nhau và vì thế nó có thể phân tách và sử dụng các tiếng khác nhau một cách hiệu quả.
Tự động sử dụng ngữ pháp: Hộp ngôn ngữ nhận biết các quy tắc ngữ pháp và áp dụng chúng một cách tự động bằng cách sử dụng cấu trúc ngữ pháp tương tự để thể hiện những nội dung cần diễn đạt.
Tính năng phát âm chuẩn: "Hộp ngôn ngữ" ghi nhớ cách cơ mặt chuyển động khi tạo ra âm mới và bắt chước. Cơ mặt của trẻ em linh hoạt và mềm dẻo nên trẻ có thể học cách phát âm chuẩn xác các ngôn ngữ.
Bằng kinh nghiệm thành công của một bà mẹ từng cho con theo học ngôn ngữ thứ 2 từ khá sớm, chị Phan Hồ Điệp còn chỉ ra thêm, "Hộp ngôn ngữ" sẽ có những ngăn riêng để tích lũy các ngôn ngữ mà không sợ bị nhầm lẫn, nếu có cũng rất ít.
Vì thế, trẻ có thể học tiếng Anh từ nhỏ, ngoài việc đưa con đi học tiếng Anh từ những cơ sở uy tín, cha mẹ có thể "học cùng con" từ những con đường tự nhiên để có thể tiếp cận bao gồm: âm thanh, hình ảnh, hứng thú, sự lặp lại hay thông qua những hoạt động, sự liên kết... Theo đó, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với các bài hát tiếng Anh, dùng truyện tranh, hình ảnh tương tác và tạo cho trẻ sự hứng thú khi học...
Đồng tình với quan điểm này, một giáo viên Trung tâm Anh ngữ Discovery cũng chia sẻ thêm: cho trẻ học sớm ngoại ngữ có rất nhiều tác dụng. Trước hết, trong quá trình các em tiếp xúc với một ngôn ngữ thứ hai, chúng sẽ không nhận thức được rằng mình đang phải học ngôn ngữ đó. Cũng giống như tiếng mẹ đẻ, khi còn nhỏ, các bé thường hay bắt chước người lớn cách phát âm cho đến giọng điệu. Và điều đó đối với trẻ là chuyện rất bình thường, nó không hình thành suy nghĩ trong đầu trẻ là mình đang học cái gì đó. Chỉ là các bé thích và muốn làm theo. Như vậy đó là một lợi thế rất lớn, và nó được tiếp diễn hàng ngày tạo thành thói quen rất tốt.
"Chỉ có người lớn chúng ta khi cầm những quyển sách tiếng Anh với rất nhiều từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc bên trong, và cảm thấy học tiếng Anh là điều bắt buộc thì mới thấy khó, còn trẻ em thì không như vậy. Bên cạnh đó, vì còn bé nên các em có nhiều thời gian hơn để học ngôn ngữ: tham gia hoạt động, xem phim, chương trình ca nhạc tiếng Anh giành cho trẻ em. Những kiến thức từ tất cả những hoạt động như thế đến với các bé hoàn toàn tự nhiên. Và đến khi các bé phải học những kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc ở trên lớp sẽ không còn cảm thấy bị áp lực vì trước đó bé đã làm quen rồi", vị giáo viên này nhấn mạnh.
Một lưu ý khác, các chuyên gia về ngôn ngữ trên thế giới cho rằng, việc học sớm ngôn ngữ thứ hai không những không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tập trung trong khi học so với những bé chỉ biết tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, ngoại ngữ hỗ trợ tiếng mẹ đẻ hình thành và phát triển tốt nếu được giới thiệu sớm và bằng phương pháp phù hợp. Việc học ngoại ngữ giúp trẻ hình thành lối tư duy logic từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Do vậy, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng mà quay lưng với việc cho con học ngôn ngữ thứ 2 từ bé.
Theo nongnghiep.vn
Nhiều sự lựa chọn trường quốc tế cho học sinh Học sinh có thể học trường quốc tế hoàn toàn do người nước ngoài đầu tư hoặc do đơn vị trong nước thành lập hay trường quốc tế song ngữ. Lựa chọn trường quốc tế, chương trình đào tạo cho con được nhiều phụ huynh quan tâm. Chương trình quốc tế hoàn toàn và chương trình đào tạo song ngữ tại Việt Nam...