Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Phải thay đổi nhiều chính sách
Nhìn nhận đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam là mục tiêu đúng đắn nhưng quan trọng là phải triển khai từng bước, tránh nóng vội dẫn đến lãng phí mà không đi tới đâu.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh (TA) là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhiều chuyên gia giảng dạy TA tán đồng với đề xuất này, song cho rằng mọi thứ cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng.
Phải có lộ trình và đề án rõ ràng
Ths Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ: “Đương nhiên về mặt chủ trương thì tôi nghĩ đây là một ý kiến đề xuất hoàn toàn đúng đắn, giúp cho Việt Nam tiến đến con đường hội nhập nhanh hơn, giúp tăng khả năng cạnh tranh của nước ta với thế giới. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị kỹ càng để không biến cách nói TA của người Việt thành một kiểu khác đi so với thế giới.
Theo ông Nghị, “việc đầu tư cho việc giảng dạy TA ở nước ta hiện nay chưa đủ để nó trở thành ngôn ngữ thứ 2 mà hiện chỉ ở mức là một ngoại ngữ. Nếu như các trung tâm, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện điều này trong 5 hoặc 10 năm tới, tuy nhiên các địa phương khác đưa TA là ngôn ngữ thứ 2 sẽ là khó khả thi”.
Sinh viên một trường ĐH tại TPHCM trong lớp học tiếng Anh
“Để TA trở thành ngôn ngữ thứ 2 thì tất các các bậc học, các cơ quan quản lý phải dần chuyển việc giảng dạy, đánh giá sang sử dụng một phần bằng TA. Tiếp đến, các cơ quan hành chính cũng phải sử dụng TA trong một số lĩnh vực thông dụng, không khắc khe. Thêm nữa, các hoạt động giao tiếp trong công sở giữa chính quyền và người dân cũng phải sử dụng ngôn ngữ này một phần.
Trong các lĩnh vực, chẳng hạn như giáo dục thì ở mỗi bậc học, các học sinh đều được học và thi cử, đánh giá bằng tiếng Anh. Theo tôi, để đạt được điều này phải có sự chuẩn bị hết sức lâu dài, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức chứ không đơn thuần muốn là thực hiện được ngay.
Tôi chỉ lo lắng nếu chưa chuẩn bị tốt mà áp dụng ngay thì thay vì đưa TA là ngôn ngữ thứ 2 thì hình thành một dạng “Vietspeak” của người Việt mà người nghe ở nước ngoài sẽ thấy khó bởi Việt hóa quá nhiều”, ông Nghị nói.
Ông Nghị cho rằng “cần phải có lộ trình mà đi đầu chính là các cơ sở giáo dục. Trước hết từ các cơ sở giáo dục phải nâng cấp trình độ tiếng Anh cho giáo viên, giảng viên ở tất các các môn. Tất các đơn vị hành chính sự nghiệp khác cũng phải có định hướng tiếp nhận TA như ngôn ngữ hàng ngày được sử dụng trong cơ quan hành chính. Đồng thời, thừa nhận các văn bản bằng ngôn ngữ TA nhưng tiền đề thực hiện điều này chúng ta đang còn thiếu nhiều”.
Video đang HOT
PGS.TS Đỗ Minh Hùng, giảng viên cao cấp trường ĐH Đồng Tháp cũng nhìn nhận: “Chúng ta phải cải thiện tình hình đào tạo và sử dụng TA hiện nay ở Việt Nam để đạt mục tiêu giúp cho chúng ta có nguồn nhân lực có thể sử dụng TA thông thạo như một ngôn ngữ quốc tế bởi vì hiện nay chúng ta đang trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Một trong những điều kiện tốt nhất để cho chúng ta đạt được những thành tựu khác về kinh tế, thương mại, giáo dục thì rào cản hiện vẫn là ngôn ngữ mà TA là ngôn ngữ cần thiết và được sử dụng nhiều ở trong các giao dịch về quốc tế.
Nguồn lực của chúng ta cần đạt được điều kiện tiên quyết này nhưng để đạt được phải có sự chuẩn bị từ bây giờ. Đã có những đề xuất biến TA thành ngôn ngữ thứ 2, tôi hoàn toàn thống nhất với đề xuất này.
Tuy nhiên, cần phải có lộ trình rõ ràng, cụ thể về cách thức triển khai, khu vực nào triển khai đầu tiên, làm như thế nào, kinh phí ra sao…. Đồng thời, phải có giai đoạn vừa thử nghiệm vừa đánh giá giữa kỳ, hay dài hạn.
Không nên quá vội vàng hoặc thiếu cân nhắc, tránh để những chương trình xây dựng không vững vàng, lâu dài, thiếu tầm nhìn sâu, liên kết, học hỏi từ nước ngoài thì chắc chắn sẽ không thể thành công. Nếu thực hiện một cách nữa vời sẽ vừa lãng phí về nguồn tài lực, trí tuệ của nhiều người, nhiều nhà khoa học đang muốn đóng góp vào tiến trình này. Nếu được hãy bắt đầu bằng việc lập một đề án, với từng giai đoạn một với những bước chuẩn bị cụ thể để thực hiện thành công từng giai đoạn, có cách đánh giá, nghiệm thu sự thành công từng giai đoạn ấy, cũng như bổ sung thêm cho đề án lớn này.”
Tạo môi trường ngay từ bây giờ
PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ, Giám đốc điều hành Trường ĐH Văn Hiến thì khẳng định: “Đây là một đề xuất tốt và đúng đắn. Chẳng hạn như Singapore ngày xưa khi họ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 cũng gặp không ít khó khăn. Nếu đặt vấn đề bây giờ chúng ta đủ điều kiện thực hiện đề xuất này chưa, câu trả lời chắc chắn là “chưa” nhưng theo tôi để đặt ra một mục tiêu phấn đấu là một việc rất quan trọng.
Nhiều chuyên gia giảng dạy tiếng Anh cho rằng đề xuất “Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2″ là chủ trương đúng đắn nhưng cần sự chuẩn bị kỹ
Tất nhiên không nên đặt ra một mục tiêu suông mà trước hết phải tạo môi trường, điều kiện để thực hiện nó. Ví dụ như, muốn là ngôn ngữ thứ 2 mà trong trường học toàn bộ giáo viên đều là người Việt thì bao giờ mới đạt được. Chúng ta có thể xem xét kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ở các trường ĐH ở nước này có rất nhiều giáo sư, giảng viên là người nước ngoài, người học hoàn toàn dễ dàng thực tập, giao tiếp hàng ngày với đội ngũ này nên dần dần biến TA thành ngôn ngữ sử dụng thường xuyên”.
Ông Hổ đề xuất, “Muốn hiện thực hóa đề xuất này cần phải thay đổi rất nhiều từ chính sách, tạo nhiều môi trường phù hợp. Hiện tại chúng ta chưa có nhưng đó là một ước mơ tốt, một chính sách rất tốt cần hướng tới. Có thể 5 -10 năm chúng ta chưa làm được nhưng nếu tiếp tục có chính sách thay đổi thì biết đâu 15 năm nữa đề xuất này có thể khả thi.
Để đạt mục tiêu này, chính sách thay đổi phải tiến tới quốc tế hóa trong các trường học. Các trường ngoài giáo viên bản ngữ thì nên tuyển thêm những giáo sư nước ngoài mới ra trường hoặc vừa nghỉ hưu về phục vụ. Tất nhiên kèm theo đó là hàng loạt thay đổi về chính sách lương bổng, đãi ngộ, chính sách visa để thu hút nhân lực từ bên ngoài. Điều này không phải là xem thường giáo viên trong nước nhưng nếu muốn có ngôn ngữ thứ 2 thì phải tạo môi trường làm việc thứ 2 thật tốt”.
TS Phạm Hữu Đức, giảng viên ngôn ngữ học trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TPHCM: tán đồng chủ trương này vì rất hay phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế. “Tuy nhiên trước hết chúng ta phải có một lộ trình thực hiện. Muốn TA trở thành ngôn ngữ thứ 2 tôi nghĩ cần phải có lộ trình cụ thể. Với kinh nghiệm là một giảng viên, tôi nghĩ nên áp dụng mô hình mà các nước Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản…) đang áp dụng. Họ đang áp dụng hình thức EMI (English as a Medium of Instruction) tức là dùng TA để dạy các chuyên ngành khác như hoá, lý, toán và kinh tế… Sau khi mô hình này thành công thì sẽ nhân rộng ra, đó là tiền đề để đưa TA trở thành ngôn ngữ thứ 2″.
“Các trường ĐH khi tuyển giảng viên ở bất kể bộ môn nào cũng nên đòi hỏi trình độ ngoại ngữ đặt biệt là TA. Như trường tôi nhiều giảng viên được gửi sang nước ngoài tu nghiệp, kể cả giảng viên trong nước cũng trao dồi thêm ngoại ngữ. Với môi trường làm việc như thế thì bản thân người dạy cũng phát huy và tích lũy được kỹ năng đào tạo sinh viên nói TA. Song song đó, nhiều sinh viên được tuyển sinh thông qua các bài kiểm tra năng lực bằng tiếng Anh, với nền tảng ngoại ngữ ở phổ thông cộng thêm khả năng giảng viên cùng phối hợp lại thì sẽ nhanh chóng thành công”, TS Đức đề xuất.
Lê Phương (ghi)
Theo Dân trí
Báo động việc dạy tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng
Nhân tố nào ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ, thực trạng về đào tạo - thực hành kỹ năng tiếng Anh của sinh viên... là những nội dung được các giảng viên, các nhà nghiên cứu luận bàn sôi nổi tại hội thảo "Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc", do Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp thực phẩm TPHCM vừa tổ chức.
Giờ học tiếng Anh với giảng viên nước ngoài của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Chỉ có 4,26% đã được rèn kỹ năng Speaking (nói)
Kết quả khảo sát 294 sinh viên của tác giả Ngô Thị Ngọc Hạnh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho thấy nhiều vấn đề đáng báo động. Thứ nhất, việc tuyển sinh đầu vào đối với sinh viên Khoa Ngoại ngữ cả 2 hệ ĐH và cao đẳng (CĐ) có 2 dạng: xét kết quả từ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét học bạ (lấy trung bình điểm 3 năm học THPT). Hầu hết các em đến từ các tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam đều cho biết, việc học môn tiếng Anh chỉ chủ yếu để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp.
Việc xét điểm trung bình 3 năm học phổ thông làm khoa tuyển nhiều sinh viên học yếu tiếng Anh, vì điểm các môn phụ khác cao sẽ có số điểm trung bình cao nhưng trong đó môn tiếng Anh lại thấp; mặt bằng đầu vào không đều nhau do nhiều yếu tố (như học sinh ở tỉnh lẻ, hoặc do cơ hội cuối bắt buộc các em chọn ngành mà không đúng sở trường), từ đó gây ra nhiều khó khăn cho cả việc học và dạy tại Khoa Ngoại ngữ.
Thứ hai, với câu hỏi "Em đã được rèn luyện kỹ năng Speaking trước khi vào trường ĐH chưa", kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 4,26% đã được rèn kỹ năng Speaking, 78,72% rèn rất ít và 17,02% là chưa bao giờ. Việc yếu kém kỹ năng Speaking cũng dẫn tới sự thụ động và tự ti trong giờ học. Vì vậy, việc dạy kỹ năng trên lớp rất khó khăn với giảng viên do sự chênh lệch về trình độ và thái độ học tập, ảnh hưởng đến kết quả học tập và năng lực phát triển kỹ năng của môn học. Tình trạng này là do mục tiêu học tiếng Anh ở cấp 3 chỉ để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dưới hình thức trắc nghiệm.
Dạy và học vẫn theo cách cũ
Bà Lữ Thị Hải Yến, Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Đắc Lắc, cho biết: Trong những năm qua, một số giảng viên đã tích cực triển khai sử dụng giáo án điện tử. Tuy nhiên, số lượt lớp học/1 buổi rất nhiều, trong khi số phòng học với các phương tiện nghe nhìn (tivi, máy chiếu) lại thiếu, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy gặp những khó khăn nhất định và không được duy trì thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc thiết kế bài giảng điện tử còn nghèo nàn, rập khuôn, ít sáng tạo, chưa chú trọng sử dụng các phần mềm dạy học hiệu quả, chưa phát huy hết công suất và hiệu suất của phương tiện dạy học, chưa cập nhật thông tin trong nước và thế giới thay đổi hàng giờ, hàng ngày. Hơn nữa, việc triển khai sử dụng giáo án điện tử mới chỉ tập trung ở một bộ phận giảng viên.
Nhiều chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chủ yếu theo truyền thống, tức là chú trọng kỹ năng đọc, viết và mục đích chủ yếu là phục vụ cho các kỳ thi chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc. Mặc dù đã có Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, nhưng đến nay kết quả mang lại của đề án chưa cao, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nguyên nhân chính là số giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn, một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng giáo viên dạy ngoại ngữ. Việc giảng dạy ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về giao tiếp chuyên môn. Tiếng Việt vẫn còn được sử dụng phổ biến trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên.
Việc áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến như mô hình lớp học đảo ngược vẫn còn hạn chế, chưa triển khai rộng rãi và ít được chú tâm, dẫn đến việc giảng dạy tiếng Anh không kích thích được tính chủ động tích cực của người học. Việc thiết kế nội dung giảng dạy và triển khai chương trình đào tạo của các trường cũng ít tham khảo chuyên gia, nhà tuyển dụng và nhu cầu của người lao động, nên nội dung học chưa hữu dụng cho người học. Môi trường thực hành tiếng Anh ở các trường hiện chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, cùng với hạn chế về thời gian, dẫn đến hiệu quả học không cao.
Một hạn chế nữa cũng được các đại biểu chỉ ra, đó là các trường CĐ-ĐH đã đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho sinh viên khi tốt nghiệp, tuy nhiên các quy chuẩn đầu ra thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS.... Điều này dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện các kỹ năng cho sinh viên. Hệ thống các bài thi theo Khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.
Việc cấp phép cho các trường tổ chức thi chưa dựa trên năng lực và điều kiện để đảm bảo chất lượng bài thi như các tổ chức quốc tế, việc tổ chức còn để xảy ra những tiêu cực trong thi cử dẫn đến mất lòng tin của người học vào hệ thống bài thi năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam.
THANH HÙNG
Theo sggp
Tiếng Anh của sinh viên kém vì chỉ học đối phó các kỳ thi Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập nhưng thực tế việc dạy và học ngoại ngữ này tại các trường ĐH, CĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, mục đích học ngay chính bản thân sinh viên chỉ nhằm đối phó với các kỳ thi nhằm đạt chuẩn tốt nghiệp. Vấn đề này được các chuyên...