Đề xuất phạt tới 100 triệu đồng với vi phạm về đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm
Theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mức phạt dành cho hành vi vi phạm quy định về đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm từ 80 đến 100 triệu đồng.
Nghị định quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử
Là một trong những nghi đinh quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng. Thời hạn Bộ Công an phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định này là trong quý I/2021.
Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một trong những nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử
Hiện Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự thảo Nghị định này đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Gồm 6 chương với tổng số 30 điều, dự thảo Nghị định này quy định về dữ liệu cá nhân, xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo Nghị định, dữ liệu cá nhân là là dữ liệu về cá nhân hoặc liên quan đến việc xác định hoặc có thể xác định một cá nhân cụ thể. Dữ liệu cá nhân được phân thành 2 loại là dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Trong đó, dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; nhóm máu, giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử; trình độ học vấn; dân tộc; quốc tịch; số điện thoại; số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội…
Video đang HOT
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm có dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; về tình trạng sức khỏe; về di truyền; về tình trạng giới tính; về đời sống, xu hướng tình ái ; về tài chính; về các mối quan hệ xã hội…
Bảo vệ dữ liệu cá nhân là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm quy định của pháp luật về dữ liệu cá nhân.
Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Nghị định, phải đảm bảo 8 nguyên tắc: hợp pháp, mục đích, tối giản, sử dụng hạn chế, chất lượng dữ liệu, an ninh, cá nhân, bảo mật.
Bên cạnh việc quy định cụ thể về xử lý dữ liệu, Ủy ban bảo vệ dữ liệu, dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng quy định chi tiết về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo đó, bên xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật, vật lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn, khả dụng của dữ liệu cá nhân; khử nhận dạng và mã hóa; lưu trữ, sao chép, trích xuất và bảo vệ lịch sử xử lý dữ liệu cá nhân của Bên xử lý dữ liệu cá nhân.
Khi xử lý dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân phải thực hiện biện pháp: ngăn chặn việc tiếp cận trái phép vào các thiết bị được sử dụng để xử lý dữ liệu cá nhân; ngăn chặn việc đọc, sao chép, thay đổi, xóa dữ liệu cá nhân trái phép; thống kê về thời gian, chủ thể và dữ liệu cá nhân nào được ghi lại, thay đổi hoặc xóa hoặc khi tiếp cận…
Đề xuất mức phạt hành chính với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân
Đáng chú ý, đối với việc xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Nghị định quy định, các cơ quan, tổ chức vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng với toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài mức phạt được quy định, trường hợp bên xử lý dữ liệu cá nhân vi phạm nhiều lần, với hậu quả lớn có thể bị phạt tối đa 5% tổng doanh thu của bên xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Cụ thể, tại Điều 22 của dự thảo Nghị định, Bộ Công an đề xuất các mức xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân.
Trong đó, mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng được đề xuất áp dụng cho một trong các hành vi: vi phạm quy định về quyền của chủ thể dữ liệu liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân; vi phạm quy định về tiết lộ dữ liệu cá nhân; vi phạm quy định về hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân; vi phạm quy định về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đối với dữ liệu cá nhân; vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân tự động; vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em…
Mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với một trong các hành vi: không áp dụng biện pháp kỹ thuật và xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; vi phạm quy định về đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm; vi phạm quy định về chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới. Bộ Công an cũng đề xuất áp dụng mức phạt này cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm lần 2 với những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 22.
Dự thảo Nghị định còn quy định, phạt tiền tối đa 5% tổng doanh thu của bên xử lý vi phạm dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đối với các hành vi: vi phạm lần 3 đối với những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 22; vi phạm lần 2 đối với những hành vi được quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 22.
Nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân từ trò xem bói trên Facebook
Game xem bói, như 'Năm 2021 của bạn sẽ thế nào', 'Bạn sẽ sinh bao nhiêu con'... tự động lấy nhiều thông tin của người dùng Facebook.
Các game này được xếp vào hình thức "Trò chơi tức thì" trên Facebook với nội dung và cách chơi đơn giản. Người dùng chỉ cần 1 - 2 lần bấm chuột là có thể chơi và chia sẻ kết quả với bạn bè.
Các nội dung xem bói năm 2021 thuộc một ứng dụng tên Memory do nhà phát triển tên Yee từ Trung Quốc cung cấp. Thống kê của Facebook cho thấy khoảng 17 triệu người dùng mạng xã hội đã sử dụng Memory, trong đó, nhiều tài khoản đến từ Việt Nam.
Một trò chơi tức thì được nhiều người dùng Facebook Việt Nam chơi và chia sẻ.
Theo các chuyên gia bảo mật, người dùng cần cảnh giác với các trò chơi dạng này.
Trò chơi có giao diện đơn giản. Khi bấm nút "Chơi", đồng nghĩa với việc người dùng chấp nhận các điều khoản mà Yee đưa ra. Các điều khoản này được hiển thị chữ nhỏ và thấp dưới màn hình nên nhiều người không để ý. Khi bấm vào danh sách điều khoản, giao diện hiển thị là tiếng Trung Quốc.
Các thông tin mà Memory thu thập gồm: Tên và ảnh đại diện, giới tính, danh sách bạn bè, ngôn ngữ, múi giờ, mã định danh (User ID).
Mặc dù đây là các thông tin công khai, theo các chuyên gia bảo mật, người dùng cần cảnh giác với những trào lưu trên mạng xã hội, hạn chế tham gia khi chưa biết rõ nguồn gốc, mục đích thật sự của những trò chơi này.
Nhiều thông tin bị yêu cầu chia sẻ khi người dùng bấm nút chơi game.
Hồi cuối năm 2020, hơn một triệu thông tin tài khoản Facebook của người Việt bị tung lên một diễn đàn hacker. Thông tin chứa các trường dữ liệu, như tên tài khoản, vị trí, số điện thoại, email, mã định danh, số lượng bạn bè.
Theo các chuyên gia bảo mật từ nhóm WhiteHat, việc lộ thông tin thế này có thể khiến người dùng gặp rắc rối với tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Nguy hiểm hơn, kẻ lừa đảo hay tội phạm mạng có thể sử dụng nội dung lấy được từ tài khoản của bạn để tống tiền, lừa đảo. Trong báo cáo an ninh mạng năm 2020, công ty Bkav liệt các trào lưu trên Facebook vào nhóm "tiềm ẩn nhiều hiểm họa".
Để xem lại các ứng dụng được cấp quyền truy cập tài khoản Facebook của mình, người dùng vào: Cài đặt & quyền riêng tư > Cài đặt > tìm đến mục Trò chơi tức thì , và gỡ nếu muốn.
Lượt tải ứng dụng tin nhắn mã hóa Signal tăng 42 lần Một lượng lớn người dùng WhatsApp đã chuyển sang nền tảng Signal sau khi bị ép chia sẻ dữ liệu cá nhân với Facebook. Dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower cho thấy dịch vụ nhắn tin mã hóa Signal đã tăng vọt về số lượng người dùng sau thông báo thay đổi chính sách của WhatsApp. "Từ ngày...