Đề xuất miễn học phí cho trẻ học mầm non và học sinh THCS: Lo ngại tính khả thi
Đề xuất miễn học phí với trẻ mầm non và học sinh THCS tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, được coi là tín hiệu tốt nhằm tăng hiệu quả chính sách phổ cập, tạo thuận lợi hơn cho gia đình người học.
Tuy nhiên, thông tin này cũng thu hút ý kiến trái chiều từ dư luận, trong đó nhiều người lo lắng về tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Các cơ sở tư thục sẽ gặp khó khăn khi chính sách miễn học phí cho trẻ 5 tuổi học mầm non được phê duyệt. Ảnh: Linh Ngọc
Giảm gánh nặng học hành
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này, đề xuất miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS theo học tại các trường công lập là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chính sách học phí đối với học sinh hiện nay còn một số hạn chế. Khoản 1, Điều 11 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (ban hành năm 2009) nêu rõ: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách miễn học phí hiện nay mới được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Còn học sinh THCS và trẻ mầm non 5 tuổi vẫn phải đóng học phí. Điều này gây không ít khó khăn trong việc tăng tỷ lệ huy động trẻ/học sinh đến trường, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và cũng chưa phù hợp với chủ trương đề ra.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đề xuất miễn học phí với trẻ 5 tuổi dựa trên căn cứ thực tế khi cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với tỷ lệ 98,75% trẻ ra lớp. Ngoài ra, Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đặt ra mục tiêu miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi vào trước năm 2020; Nghị quyết 46-NQ/CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017 đã thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn từ năm 2018.
Cần lộ trình triển khai phù hợp
Miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi tới hết cấp THCS là chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm lo và đầu tư của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, nhưng liệu ngân sách có bảo đảm được các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chủ trương hay không là vấn đề khiến nhiều người suy nghĩ. Lo lắng là hợp lý bởi nếu ngân sách không đủ để triển khai, trong điều kiện yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và nhu cầu của người dân ngày càng tăng thì các nhà trường sẽ phải chịu thêm áp lực, thậm chí có thể nảy sinh nguy cơ tự ý thu các khoản ngoài học phí.
Video đang HOT
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hầu hết lãnh đạo các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội đều đồng tình với chủ trương miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, song cũng có mối lo không biết xoay xở ra sao nếu ngân sách không đủ để đầu tư cho các hoạt động của nhà trường. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán chi tiết về mức chi phí cho từng cấp học để có lộ trình triển khai phù hợp, tránh tình trạng chủ trương tốt nhưng quá trình thực hiện gây khó khăn cho cơ sở, khiến người dân thiếu tin tưởng.
Theo bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Phổ thông THCS – THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm), lâu nay học sinh trường dân lập không được hưởng các khoản hỗ trợ từ ngân sách, trong khi không ít gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Việc thiếu công bằng trong áp dụng chính sách của Nhà nước đối với học sinh là điều nên xem xét nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong việc thực hiện phổ cập giáo dục.
Bà Lê Mai Anh, phụ huynh Trường Mầm non Văn Miếu (quận Đống Đa) cho rằng, việc miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi nên được tính toán theo lộ trình. Thực tế cho thấy, khả năng đáp ứng của ngân sách đối với bậc học mầm non còn hạn chế, tình trạng thiếu trường, lớp công lập vẫn phổ biến, sĩ số có nơi lên đến 70 trẻ/lớp. Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước cần huy động nguồn lực để xây dựng thêm trường, lớp mầm non, đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là tại các khu vực đông dân cư, khu chung cư, khu công nghiệp…
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, việc thực hiện chính sách miễn học phí cần thực hiện theo lộ trình để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả bền vững. Trước mắt, khi ngân sách còn hạn chế, Việt Nam có thể áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh THCS tại các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Khi có đủ điều kiện triển khai, các nhà trường được cấp đủ kinh phí để đảm nhận tốt các hoạt động giáo dục có chất lượng cho học sinh, chính sách này sẽ được áp dụng đại trà trên phạm vi cả nước.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS là phù hợp với chủ trương đã đề ra và là xu thế của nhiều quốc gia, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bất kỳ ai cũng được đến trường. Tuy nhiên, nếu chỉ miễn học phí cho trẻ học trường công lập thì có công bằng với những em học ở trường ngoài công lập hay không?
Có thể thấy rõ điều này ở cấp mầm non, khi mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều gia đình, trong đó phần lớn là các cặp vợ chồng nghèo, người lao động ở các khu công nghiệp, phải gửi trẻ tại cơ sở tư thục, điều kiện chăm sóc, giáo dục thiếu thốn. Vì vậy, việc xem xét miễn, giảm học phí với trẻ mầm non theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là cần thiết.
Theo Hanoimoi.com.vn
Nên thôi miễn học phí ngành sư phạm
Chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm sau 20 năm thực hiện không còn phù hợp điều kiện thực tế và không công bằng.
ảnh minh họa
Tại hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm 13-12, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn đề xuất nên bỏ ngay chính sách miễn học phí đối với sinh viên (SV) ngành sư phạm. Ngoài ra chỉ xét cấp học bổng cho những SV có hoàn cảnh khó khăn để bù lại phần học phí đã đóng.
Thay thế bằng học bổng
Hiệu trưởng một trường đại học khác tại TP.HCM cũng cho rằng chính sách miễn học phí đã tạo sự cào bằng, không khuyến khích được người giỏi vào ngành sư phạm. Bởi chính sách học bổng mới tạo nên sự cạnh tranh và sự tự hào của bản thân người nhận để theo đuổi ngành sư phạm.
Theo đó, lãnh đạo trường này đề xuất thay vì miễn học phí, chuyển sang học bổng cao đối với SV vào ngành sư phạm. Trong đó chia các mức 20% có mức học bổng cực cao toàn phần, 20% tiếp theo là học bổng bán phần, số còn lại phải đóng học phí. "Các loại học bổng này dựa vào năng lực học tập và đặc thù từng ngành, vì có ngành rất ít SV theo học, cần phải có học bổng để khuyến khích" - vị này .
Vị này nêu nghịch lý dù được miễn học phí nhưng nhiều SV sư phạm ra trường không đi dạy, trong đó điển hình nhất là ngành tiếng Anh và tin học thường ra làm ngoài vì lương cao hơn. "Hai ngành này ra trường, vào thử việc lương dao động 6-8 triệu đồng/tháng, còn làm giáo viên họ chỉ nhận 3 triệu đồng nên họ ngại đi dạy" - vị này nói.
Các trường đại học đề xuất nên bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm. Ảnh: P.ĐIỀN
Vẫn đóng học phí, trừ tiền sau
Các trường đại học tại các tỉnh có đào tạo ngành sư phạm cũng nhìn nhận chính sách miễn học phí cho SV ngành sư phạm cần có định hướng lại.
PGS-TS Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình, cơ sở đào tạo đa ngành trong đó có ngành sư phạm, cho rằng nên kết hợp với ngân hàng cho SV ngành sư phạm vay và có hỗ trợ lãi suất tốt nhất. Sau đó em nào theo ngành sư phạm thì xóa nợ, các em không theo ngành này vẫn trả nợ bình thường, như thế mới công bằng, mới kích thích các em vào ngành sư phạm.
Phương án 2, SV ngành sư phạm vẫn đóng học phí bình thường, sau đó em nào theo ngành sư phạm sẽ được trả lại số tiền đã đóng. Với phương án này đi kèm là chính sách lương khởi điểm cao hơn so với mặt bằng chung để người giỏi có quyết tâm theo ngành sư phạm yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Theo ông Hùng, xương sống của trường trước đây là đào tạo sư phạm, theo đó hằng năm tỉnh Quảng Bình cấp bù một khoản nhất định, số còn lại trường cấp bù thêm để đảm bảo chương trình đào tạo bốn năm. Thế nhưng số bù này vẫn còn thấp so với nhu cầu đào tạo hiện tại do tăng thời gian thực hành, thực tế chi phí khá cao so ngân sách trường có. Điều này dẫn đến việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm chất lượng không như mong đợi.
Đây là điều bất công
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang đề xuất Bộ GD&ĐT và Quốc hội thu học phí tất cả SV kể cả học ngành sư phạm. Sau đó SV nào ra trường làm việc trong ngành sư phạm sẽ được chuyển học phí về trường hoặc sở GD&ĐT mà các em đó làm việc. Ngoài số tiền này, sở sẽ hỗ trợ thêm 3-4 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương sẽ giúp các em theo nghề sư phạm ổn định cuộc sống những năm đầu vào nghề và cống hiến tốt hơn.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có một ngành sư phạm truyền thống (sư phạm tiếng Anh) và 12 ngành sư phạm về kỹ thuật. 10 năm qua SV theo học 13 ngành (sư phạm) này được miễn học phí hoàn toàn. Đây là điều bất công bởi mỗi năm trường nhận 5-8 tỉ đồng cấp bù sư phạm nhưng cũng trong 10 năm qua trường phải bù lỗ cho số SV này khoảng 30 tỉ đồng. Cấp bù sư phạm ít thì các trường sư phạm gặp khó khăn, không thu hút được nguồn lực để đào tạo cho ra ngô, ra khoai.
Mặt khác, lấy tiền của SV đóng học phí để "nuôi" SV sư phạm cũng là điều quá bất hợp lý. Ngoài ra thu nhập bình quân của người dân được nhích lên với các gia đình nông thôn, học phí không phải vấn đề họ lo nữa mà vấn đề là làm sao có việc làm.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Ngân sách cấp bù tăng đều
Từ năm 2011-2017 ngân sách cấp bù sư phạm qua các năm này tăng đều. Cụ thể hiện nay là 483 tỉ đồng/50.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Thực tế cho thấy hiện có khoảng 50%-60% SV tốt nghiệp không có việc làm, con số lãng phí cho ngân sách cũng khá lớn. Ngược lại, bỏ ngay chính sách cấp bù cho SV sư phạm thì các trường sư phạm hết sức khó khăn và khả năng chỉ tuyển được 40%-50% chỉ tiêu.
Cần có lộ trình bỏ cấp bù cho SV sư phạm. Đồng thời quy hoạch lại mạng lưới các trường, khống chế chỉ tiêu và dần dần cân bằng giữa cung-cầu và mạnh dạn bỏ cấp bù cho SV sư phạm.
PGS-TS NGUYỄN THÁM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế
Theo PLO
Bộ GDvàĐT hướng dẫn tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông Thực hiện chủ trương tinh giản các kỳ thi, cuộc thi, hội thi dành cho học sinh phổ thông, trên cơ sở rà soát, đánh giá nội dung, hình thức và tác động của các cuộc thi được tổ chức trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ...