Đề xuất miễn, giảm học phí cho HS-SV trường nghề dịch do Covid-19 kéo dài
Tất cả học sinh – sinh viên (HS-SV) trường nghề sẽ được giảm học phí từ 15 – 20%; đồng thời, miễn học phí cho HS-SV thuộc gia đình có người bị nhiễm bệnh do dịch Covid-19.
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm học phí cho tất cả HS-SV trường nghề – Ảnh Mỹ Quyên
Đây là ý kiến đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH trước tình hình dịch Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến các hoạt động của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hầu hết các hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp là hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp tại các địa phương, các trường phổ thông. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên thời gian qua đã không thực hiện được các hoạt động trên, khiến việc tuyển sinh của các trường nghề đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất của một số trường, năng lực giáo viên còn hạn chế dẫn đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến chưa có kế hoạch bài bản, chưa chuẩn bị chu đáo. Chất lượng đào tạo có nguy cơ bị ảnh hưởng vì thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bộ LĐ-TB-XH lo ngại việc tuyển sinh khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra và ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng như Chính phủ đặt ra, nhiều khả năng dẫn tới tình trạng tỷ lệ HS-SV tốt nghiệp có việc làm sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tình hình nghỉ học kéo dài cũng đã làm xuất hiện hiện tượng HS-SV đợi chờ lâu, phải bỏ học đi làm việc để kiếm sống.
Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ miễn, giảm 100% học phí đối với HS-SV là thành viên của hộ gia đình có người bị nhiễm dịch Covid-19; giảm 15-20% học phí trong năm 2020 cho toàn bộ HS-SV.
Video đang HOT
Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019, miễn các khoản thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong 6 tháng đầu năm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được đề xuất nhận gói hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất 0% để chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác.
Hỗ trợ 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn?
Hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm ngoài việc miễn học phí là điều Bộ GD-ĐT đang tính đến để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Song chừng ấy liệu đã đủ hấp dẫn?
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm để xin ý kiến dư luận.
Theo đó, ngoài học phí được miễn toàn bộ, mỗi tháng, sinh viên sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức này được điều chỉnh hàng năm theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế
Những khoản hỗ trợ được "luật hóa" này nhằm mục tiêu thu hút người tài theo học ngành sư phạm hướng đến đào tạo cho xã hội những thế hệ giáo viên chất lượng.
Hỗ trợ thêm phí sinh hoạt 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn? Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Lê Hằng, tốt nghiệp và trở thành giáo viên tại một trường ở Hà Nội từ gần một năm nay chia sẻ: "Trước đây khi mình còn đang đi học mà được hỗ trợ như thế này thì tốt quá. Như vậy sinh viên sư phạm giờ đây gần như không phải lo về vấn đề gì trong quá trình đi học bởi học phí vốn đã được miễn giờ có thêm chi phí sinh hoạt".
Nguyễn Quốc T., hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ chút tiếc nuối khi giai đoạn em vào trường trước khi có nghị định này. Tuy nhiên, T. cho hay em cũng không quá buồn bởi "đổi lại" không chịu việc ràng buộc phải hoàn trả chi phí nếu ra trường chẳng may không xin được việc.
Có con năm nay học lớp 11 và cũng đang cân nhắc chuyện vào các trường sư phạm, chị Ngọc Hoa (Thanh Hóa) cho rằng đây có thể là một "điểm cộng" để gia đình chị quyết định cho con theo học ngành này. Song, chị Hoa cũng chợt lo ngại khi nghĩ đến chuyện ra trường con mình không xin được việc.
"Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng này rất tốt song để thực sự hấp dẫn thì còn phải đi cùng với việc giải quyết việc làm cho người học sau ra trường. Chứ như hiện nay chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành ở đa số các địa phương đều rất eo hẹp trong khi cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan. Quan trọng nhất vẫn là có việc làm ngay sau khi ra trường. Nếu không, thêm điều khoản hoàn trả chi phí lại càng phức tạp", chị Hoa chia sẻ.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Nguyễn Diệp, giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) ủng hộ hướng này bởi chị cho rằng hỗ trợ được sinh viên học tập là điều tốt chứ không chỉ riêng đối với ngành sư phạm.
"Đó chính là điều nên làm của hệ thống đại học công. Ở những nước phát triển họ còn hỗ trợ cả sinh viên nước ngoài nữa. Điều này sẽ tạo ra cơ hội thực hiện quyền tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người".
Theo chị Diệp, có thể chính sách này cũng sẽ thu hút được thêm một lượng học sinh lựa chọn ngành sư phạm.
Song, nếu mục đích của việc hỗ trợ kinh phí là để thu hút sinh viên học ngành sư phạm thì theo chị Diệp là chưa đủ.
"Thực tế việc các học sinh có học lực giỏi không muốn thi sư phạm là vì nghĩ đến cơ hội nghề nghiệp sau này chứ không quá đặt nặng vấn đề chi phí học tập. Chi phí học tập chỉ 4 năm, nhà nghèo vẫn có thể cố, nhưng cơ hội và thu nhập từ công việc ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống tương lai. Thực tế hiện nay nếu tham gia giảng dạy ở các trường công thì cơ hội được tuyển dụng là quá khó, áp lực về thủ tục hành chính lớn trong khi lương thấp. Nếu tham gia giảng dạy ở các trường tư thì lại gặp nhiều hơn các áp lực từ học sinh, phụ huynh và thời gian giảng dạy", chị Diệp nói.
"Vấn đề không chỉ là có một chỗ làm mà là môi trường, tính chất và đãi ngộ của công việc nữa. Học sinh của tôi, phần đa các em khá giỏi thường không thích đi dạy. Lý do các em đưa ra là môi trường công việc không năng động, không kích thích sự sáng tạo..."
Chị Diệp cho rằng muốn kéo người giỏi vào vẫn cần nhất đãi ngộ đầu ra. Bởi những người thực sự có năng lực thì môi trường làm việc mới là yếu tố quyết định. "Đãi ngộ đầu ra không chỉ hiểu đơn giản là tiền lương mà còn là môi trường làm việc,..."
Cô Hồ Thị H., Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nghệ An cũng cho rằng vấn đề cốt lõi thu hút người tài không chỉ nằm ở học phí mà quan trọng hơn là tuyển dụng, bố trí và đãi ngộ việc làm.
"Nếu đào tạo và tuyển dụng còn đi theo 2 đường thẳng song song như mấy năm qua thì chính sách miễn học phí và hỗ trợ phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm chắc sẽ không còn mấy ý nghĩa", cô H. nói.
Hải Nguyên
Theo vietnamnet
Địa phương đề xuất miễn học phí cấp THPT có trái luật? Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1.7.2020. Tuy nhiên đã có một số vấn đề nảy sinh từ thực tế mà luật này chưa đề cập đến. TP.HCM là một trong những địa phương chủ trương có lộ trình thực hiện miễn học phí cho cả học sinh THPT - Ngọc Dương Có nên...