Đề xuất lắp camera trong lớp học: Cần tôn trọng môi trường giáo dục sư phạm
Thời gian qua, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra trong lớp học đã được hệ thống camera ghi lại, nhờ đó việc kiểm soát, quản lý an toàn cho các cháu từ các bậc phụ huynh được tốt hơn.
Tuy nhiên, xét góc độ giáo dục, đi học không chỉ lấy kiến thức mà còn giáo dục toàn năng về nhân cách, bởi vậy xét cho cùng việc lắp camera là không nên.
Những con “sâu” bục giảng bị phát giác qua hệ thống camera
Thực tế cho thấy, thời gian qua, đã có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra trong lớp học chỉ được phát giác khi có người quay camera. Đầu tháng 10/2019, sự việc một cô giáo tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) đánh, véo, tát tai học sinh trong 4 ngày cuối tháng 8 bị camera ghi lại khiến nhiều phụ huynh tức giận, bất bình.
Hay mới đây, clip cô giáo ném vở học sinh ở Trường Tiểu học C Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) lại tiếp tục gây sốc sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội. Trước cảnh cô giáo chấm bài xong ném xuống bục giảng rồi gọi tên các em lên nhặt vở, nhiều người bình luận đây là cách trả bài phản cảm.
Vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh việc lắp đặt camera trong lớp học. Ảnh minh họa
Trước những sự việc này, hầu như đa số phụ huynh đều đồng tình với việc trang bị camera trong các lớp học. Anh Phạm Tiến Nhiệm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết. “Thời gian vừa qua, ở các tỉnh thành trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh. Theo tôi, để phụ huynh tin tưởng tuyệt đối, các nhà trường nên lắp đặt camera tại các lớp học. Điều này cũng góp phần phục vụ công tác quản lý của nhà trường, giúp các bên liên quan kịp thời xử lý các tình huống và có giải pháp khắc phục kịp thời”.
Cùng quan điểm với anh Nhiệm, chị Nguyễn Thị Hồng – một phụ huynh có con đang học tại một trường Tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) – cho rằng, giai đoạn học tiểu học là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực học tập. Chính vì vậy, những hành động của giáo viên, dù tốt hay xấu cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến học sinh. Chị Hồng mong muốn nhà trường sẽ lắp camera trong lớp học để gia đình được yên tâm.
“Tôi cho rằng, việc có camera sẽ giúp giáo viên và học sinh tự điều chỉnh, đồng thời đây cũng là cách phát hiện, làm rõ vấn đề, vụ bạo hành để xử lý triệt để, tránh tình trạng này tiếp diễn. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ yên tâm hơn vì có thể kiểm tra, giám sát việc học tập, sinh hoạt của con em mình” – chị Hồng chia sẻ.
Là trường lắp đặt camera từ lâu tại lớp học và dọc khu vực hành lang, theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội), việc làm này đã đem lại nhiều lợi ích như: Quản lý được mọi hoạt động của giáo viên, học sinh; thi cử nghiêm túc; đảm bảo an ninh trường học; đôn đốc các cá nhân làm việc tích cực, tự giác; tránh các biểu hiện tiêu cực…
Ở trường học, việc lắp camera giám sát giúp Ban Giám hiệu nhà trường quan sát được diễn biến trong lớp học; học sinh và giáo viên điều chỉnh hành vi, có ý thức thực hiện các quy định, chuyên môn của lớp; phụ huynh yên tâm hơn vì biết được việc học tập, sinh hoạt của con ở trường. Ngoài ra, việc lắp camera còn giúp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên. Đặc biệt, đây là chứng cứ không thể chối cãi để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận khi có vụ việc xảy ra.
Video đang HOT
Để có môi trường giáo dục thật sự
Một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lắp hệ thống camera ở lớp học (đối với khối mầm non), lắp ở hành lang, sân trường, đối với các khối tiểu học trở lên điều này giúp việc quản lý học sinh, cũng như an ninh trật tự được tốt hơn.
Bởi vậy, khi có chủ trương lắp camera trong lớp học, nhiều thầy cô giáo cho rằng, nếu mục đích là vì sự an toàn nói chung của trẻ thì camera nên được lắp ở sân chơi, sân thể thao, trước cửa ngoài nhà vệ sinh, trước lối ra vào chính ở trường, những góc khuất trong trường học vì đó là những nơi tiềm ẩn sự cố không an toàn. Còn việc lắp camera để giám sát giáo viên trong lớp lại là một ý tưởng trái với bản chất của hoạt động sư phạm trong nhà trường. Nó thể hiện sự thiếu niềm tin vào giáo viên. Hình ảnh camera có khi vẫn không phản ánh hết điều gì đang thật sự diễn ra trong lớp học, nên chúng ta có thể phạm sai lầm trong đánh giá những biểu hiện của giáo viên.
Việc lắp đặt camera để phát hiện hành vi không đúng của giáo viên chỉ là mang tính sự vụ, giải quyết phần ngọn. Còn muốn giải quyết phần gốc của vấn đề, ngoài nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi học sinh thì phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian hơn cho con để nắm bắt được tâm lý các em. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng được môi trường học đường văn hóa, dân chủ để công tác dạy và học thực sự mang lại hiệu quả.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) cho rằng: Không thể khẳng định chất lượng giáo dục ở các lớp có lắp camera sẽ được nâng cao hơn so với các lớp không lắp camera. Giáo viên cần sự cộng tác, giúp đỡ trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về thế giới về giáo dục chứ không phải tạo thêm áp lực cho công việc này. Cần cân nhắc thật kỹ việc lắp camera trong lớp học bởi nếu làm không tốt sẽ vi phạm quyền riêng tư của giáo viên và học sinh.
Ngay cả việc lắp xong sẽ sử dụng những thông tin này như thế nào, theo cách nào, trong nội bộ nhà trường hay công khai để phụ huynh biết cũng là vấn đề cần được tranh luận thấu đáo và có sự thống nhất cao trong tập thể sư phạm nhà trường. Không nên áp đặt để tạo áp lực cho giáo viên, thậm chí khiến họ cảm thấy mình bị trù dập, theo dõi, gài bẫy… thì không thể tập trung giảng dạy tốt được.
Theo Luật sư Nguyễn An (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), với những trường học có điều kiện thì việc lắp camera để phụ huynh, nhà trường và giáo viên cùng tạo ra môi trường giáo dục phù hợp nhất với con trẻ. Thế nhưng, không thể làm theo kiểu mạnh ai nấy gắn mà nên có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều quan trọng là việc gắn camera không gây ảnh hưởng quyền tự do cá nhân khi trẻ đến trường và việc sinh hoạt của các em học sinh.
Nhận định về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo), lắp camera trong lớp học có vai trò như một công cụ hỗ trợ công tác chuyên môn chứ không phải lắp để quan sát giáo viên làm đúng hay sai, có xâm phạm trẻ hay không. Camera cũng không phải là công cụ để cha mẹ biết tình hình học tập của con mình trên lớp. Thông tin này dễ dàng có được nếu phụ huynh dành sự quan tâm và thời gian để trao đổi với con mình sau mỗi bài học, mỗi ngày học. Nhiều trường học đã phát huy hiệu quả của việc lắp camera trong lớp học. Đó là giải pháp công nghệ nhằm thu được âm thanh hình ảnh của giáo viên và các hoạt động của học sinh để phân tích, cải tiến giờ học, cải tiến hoạt động dạy học.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, việc lắp đặt camera để phát hiện hành vi không đúng của giáo viên chỉ là mang tính sự vụ, giải quyết phần ngọn. Còn muốn giải quyết phần gốc của vấn đề, ngoài nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi học sinh thì phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian hơn cho con để nắm bắt được tâm lý các em. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng được môi trường học đường văn hóa, dân chủ để công tác dạy và học thực sự mang lại hiệu quả.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Phải thu hẹp khoảng cách giáo dục miền núi với miền xuôi
Thăm Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn và làm việc với lãnh đạo tỉnh, chiều 19/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: Làm sao để có ngày càng nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với miền xuôi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buồi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn hiện có 599 học sinh, 48 giáo viên, 23 nhân viên. Chất lượng giáo dục của nhà trường luôn duy trì tốp đầu trong tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên 80%...
Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn mới chỉ tiếp nhận được 200 học sinh/năm. Đây cũng là thách thức đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú của Lạng Sơn. Hiện chỉ có 6% học sinh dân tộc thiểu số bậc THCS được học trong trường nội trú, còn ở bậc THPT là 3%.
Tìm cách tăng tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đến trường
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sứ mệnh của các trường dân tộc nội trú vô cùng quan trọng trong đào tạo nhân lực, nhân tài cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho đất nước. Trước đây, do còn khó khăn nên các trường dân tộc nội trú mới tiếp nhận được một tỷ lệ rất nhỏ con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thách thức hiện nay là làm sao tổ chức hệ thống trường lớp với nhiều mô hình để con em đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dần với môi trường giáo dục có chất lượng không kém các tỉnh miền xuôi.
"Với kinh phí hiện nay có cách nào để chúng ta đón được nhiều hơn học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng đầu ra tốt, có thể thi đỗ các trường đại học tốp đầu. Có như vậy mới là đào tạo nhân tài của đồng bào dân tộc thiểu số", Phó Thủ tướng trăn trở.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng năng lực cho các trường dân tộc nội trú như sử dụng cơ sở vật chất của trường cao đẳng sư phạm để tiếp nhận học sinh dân tộc thiểu số; nâng cấp các trường dân tộc nội trú ở huyện thành trường liên cấp THCS -THPT, mở rộng mạng lưới trường bán trú, giảm điểm trường...
Phó Thủ tướng thăm một lớp học của Trường THPT nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam
"Dạy học từ chương trình rồi kèm cặp các cháu, học cùng các cháu như tiếng dân tộc, sinh hoạt văn hóa ... nên đội ngũ nòng cốt của các thầy cô ở trường dân tộc nội trú là những "hạt giống" rất đáng quý. Những kinh nghiệm tốt, những thầy cô giáo tốt ở trường dân tộc nội trú, cùng cách làm sáng tạo sẽ giúp ngày càng nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được đi học. Giáo dục khu vực miền núi phía Bắc đang là vùng trũng nên công tác này lại càng quan trọng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đang xây dựng một số mô bình nhằm tạo điều kiện để các em học sinh dân tộc thiểu số học chung tại các trường ở địa phương, đáng chú ý là phương án lập khu ký túc riêng cho học sinh dân tộc thiểu số nhưng các em sẽ đi học tại các trường học bình thường tại địa phương; hoặc tăng tỷ lệ học sinh bên ngoài vào học trong trường dân tộc nội trú.
Vấn đề chiến lược trong công tác dân tộc
Sau khi khảo sát trường dân tộc nội trú tỉnh, làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ba vấn đề lớn là: Sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm; giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Phó Thủ tướng cho biết, giáo dục phổ thông của Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp thứ 39 trên thế giới trong khi thu nhập GDP bình quân đầu người đứng thứ 130. Đây là công lao rất lớn của nhiều thế hệ thầy, cô giáo. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích này, các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo nếu không có những giải pháp đổi mới mạnh hơn thì khoảng cách giữa giáo dục miền xuôi với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ngày càng lớn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết trong 3 năm qua, tỉnh đã tiến hành sáp nhập nhiều điểm trường, chuyển đổi hơn 90 trường tiểu học, THCS sang mô hình bán trú, chuyển các trường dân tộc nội trú THCS sang trường nội trú liên cấp THCS - THPT. Đối với, trường cao đẳng sư phạm, tỉnh đã sáp nhập trường trung cấp kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật vào sư phạm, mở thêm các ngành ngoài sư phạm.
Phó Thủ tướng thăm bếp ăn của Trường THPT nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về khả năng đưa một số trường phổ thông công lập chất lượng cao được tự chủ, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân có khả năng chi trả mức học phí cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho rằng vướng nhất hiện nay là căn cứ pháp lý, cũng như thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh. "Nếu được Bộ GD&ĐT cho phép cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể của các bộ, ngành liên quan thì Lạng Sơn sẵn sàng xung phong thí điểm có lộ trình, tổng kết, rút kinh nghiệm", ông Thưởng nói.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định quyết tâm tăng số lượng con em đồng bào dân tộc thiểu số học tại các trường bán trú, nội trú, trong đó mô hình có khu ký túc dành cho học sinh dân tộc thiểu số nhưng sẽ học chung tại các trường học bình thường cũng có thể thực hiện được.
Đối với công tác giáo viên, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, ngành giáo dục nắm vững tinh thần "đặt hàng" đào tạo giáo viên mới theo nhu cầu của từng trường, từng bộ môn kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên hiện nay.
"Giáo dục, đào tạo là vấn đề chiến lược trong công tác dân tộc. Trong thời gian tới chúng ta cần xây dựng chương trình riêng về giáo dục miền núi phía bắc", Phó Thủ tướng nói./.
Đình Nam
Theo baochinhphu.vn
Trường học thời 4.0 Trước xu thế thay đổi lớn của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục cũng không ngoại lệ và nhà trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đó có thể nói là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để giáo dục vươn lên. Ảnh tư liệu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các thành tựu...