Đề xuất không cho thí sinh đổi nguyện vọng xét tuyển
Trước khi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 được Bộ GD&ĐT ban hành, lãnh đạo một số trường đề xuất giảm số nguyện vọng và hạn chế rút hồ sơ để tránh lặp lại bất cập xét tuyển.
Ngày cuối cùng của đợt một xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 được nhiều người đánh giá là “kỳ dị”, khi thí sinh phải căng thẳng trực tại các điểm nộp – rút hồ sơ đến phút chót.
Nhiều em đủ điểm đỗ bỗng thành trượt vì điểm chuẩn tạm thời thay đổi theo số lượng hồ sơ nộp vào trường. Đây cũng được coi là một trong những bất cập lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức năm 2015.
Để tránh những bất cập này, nhiều lãnh đạo đại học đưa ra phương án thí sinh chỉ nộp hồ sơ một lần và không thay đổi.
Không nên đổi nguyện vọng xét tuyển
GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi cho rằng, kỳ tuyển sinh 2016 không nên cho thí sinh quyền thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Mỗi em chỉ được phép đăng ký vào 2 trường, số nguyện vọng ở mỗi trường sẽ do trường đó quyết định.
Phiếu đăng ký nguyện vọng của thí sinh nên ghi đầy đủ thông tin của cả 2 nguyện vọng để trường biết nguyện vọng 2 vào trường, ngành nào, có khả năng trúng tuyển không.
Thí sinh chờ đợi làm thủ tục nộp, rút hồ sơ tại Đại học Kinh tế Quốc dân trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đợt một năm 2015. Ảnh: Lê Hiếu.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, để tránh việc các em “kêu than” vì khâu xét tuyển, nên quy định mỗi người chỉ có 2 nguyện vọng vào 2 trường khác nhau. Trong thời gian xét tuyển, không cho rút hồ sơ để tránh lộn xộn như năm ngoái.
Trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2016 cơ bản ổn định như năm ngoái. Những bất cập về tuyển sinh, đặc biệt trong khâu xét tuyển, sẽ được khắc phục triệt để.
Cũng liên quan khâu xét tuyển, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nêu quan điểm, thời gian nên rút ngắn còn 10 ngày là hợp lý (năm ngoái 20 ngày – PV). Điểm ưu tiên ở các khu vực cũng nên giảm xuống bằng một nửa so với năm ngoái để tạo công bằng hơn cho thí sinh, tránh gây tranh cãi.
Về việc tổ chức thi và chấm thi, ông Dũng cho rằng, năm 2015, Bộ GD&ĐT làm rất tốt, năm nay nên tăng cường điểm thi và cụm thi.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có thể hướng đến nộp hồ sơ qua mạng, không bắt buộc các em chuẩn bị hồ sơ, bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp…, tận dụng thông tin đã có ở cơ sở dữ liệu quốc gia để giảm nhẹ thủ tục, giấy tờ cho thí sinh. Thí sinh cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin khai báo của mình.
“Năm nay, phần mềm xét tuyển trực tuyến chung của Bộ GD&ĐT dự kiến giao cho đơn vị khác xây dựng nên hy vọng sẽ có nhiều trường tin dùng”, ông Dũng nhận định.
Cảnh giác với điểm chuẩn ảo
Trao đổi với Zing.vn, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tán thành phương án 2 nguyện vọng vào hai trường mà lãnh đạo một số đại học đưa ra. Tuy nhiên, ông đề xuất có thứ tự ưu tiên cho từng nguyện vọng, tránh tình trạng thí sinh “bắt cá hai tay”, khiến các trường khó xác định điểm chuẩn.
Cụ thể, ông Sơn lo ngại, nếu thí sinh được phép nộp vào 2 trường cùng lúc, số hồ sơ ở mỗi trường có thể tăng lên gấp đôi, đồng thời điểm chuẩn dự kiến cũng buộc phải tăng. Điều này dẫn đến nhiều thí sinh mất cơ hội vào trường vì… ảo.
“Rõ ràng với lượng thí sinh không thay đổi, nếu các em được rải hồ sơ ở nhiều trường thì điểm chuẩn sẽ bị thổi phồng như ‘bong bóng bất động sản’”, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định.
Trong kỳ tuyển sinh 2015, hiện tượng điểm chuẩn ảo không xảy ra ở đợt xét tuyển thứ nhất vì mỗi thí sinh chỉ được đăng ký một trường, nhưng đến các đợt sau, thí sinh được nộp 3 phiếu xét tuyển cùng lúc vào các trường, tất yếu dẫn đến điểm chuẩn ảo.
Nên điều chỉnh cơ cấu đề thi
PGS Đỗ Văn Dũng nhận định, đề năm ngoái hơi dễ, phổ điểm 7 và 8 quá nhiều. Nhiều thí sinh đạt điểm 22 khiến nhà trường rất khó xét trúng tuyển. Năm nay, đề thi nên tăng thêm các câu khó.
Đồng ý quan điểm này, thầy Dương Văn Cẩn, giáo viên Vật Lý trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, cơ cấu đề thi năm 2016 nên thay đổi theo hướng 40% câu dễ và 60% câu khó.
Thầy Cẩn nêu vấn đề: “Ở môn thi Vật lý THPT quốc gia 2015, cả nước chỉ có 1 học sinh được điểm 10, quá nhiều học sinh được trên 6 điểm. Phổ điểm để cạnh tranh vào đại học chỉ còn từ điểm 7 đến điểm 9. Phổ hẹp như vậy sẽ làm tăng tính may rủi, khó phân loại thí sinh”.
Theo Zing
Sẽ sửa đổi quy trình xét tuyển năm 2016
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sắp được ban hành sẽ có những sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Đó là thông tin vừa được Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Dự kiến quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ được ban hành trước Tết âm lịch. Trước khi chính thức ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ công bố dự thảo quy chế để lấy ý kiến đóng góp của công luận, thí sinh...
- Thưa thứ trưởng, có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tuyển sinh năm 2015 diễn ra vào tháng 7 quá nắng nóng, gây mệt mỏi cho thí sinh. Vậy năm nay thời điểm tổ chức thi có được Bộ GD&ĐT điều chỉnh?
- Thời gian diễn ra kỳ thi sẽ vẫn là tháng 7. Qua thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, chúng tôi cho rằng thời điểm tổ chức thi như năm 2015 là phù hợp. Vào tháng 7, khi sinh viên đã nghỉ hè, lấy địa điểm tổ chức thi là các trường ĐH thì mới có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cần bộ coi thi để tổ chức kỳ thi.
Về phía thí sinh sẽ có thêm một tháng ôn tập, cũng có sự yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý, chuẩn bị cho kỳ thi được kỹ càng hơn. Về yếu tố thời tiết thì cũng khó dự báo trước là tháng 7 có nóng hơn tháng 6 hay không.
Năm 2015 có đặc điểm là tháng 7 diễn ra đợt nóng kỷ lục trong lịch sử. Năm nay diễn biến thời tiết có thể khác. Sau khi cân nhắc, bộ thấy vẫn nên giữ nguyên thời điểm tổ chức thi vào tháng 7.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga . Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Việc tổ chức các cụm thi của năm 2016 dự kiến có thay đổi gì không? Những bất hợp lý trong việc quy định phân chia cụm thi với một số địa phương có được bộ giải quyết?
- Về cụm thi sẽ không có thay đổi gì nhiều so với năm 2015. Kỳ thi năm trước, việc tổ chức các cụm thi được đánh giá tốt, an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Vì vậy, năm nay bộ tiếp tục giữ ổn định việc tổ chức các cụm thi theo hai loại: Cụm thi dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, sẽ có một điều chỉnh nhỏ về cụm thi để xử lý tình huống thực tế. Đó là có những thí sinh ở các khu vực giáp ranh nếu đến dự thi tại cụm thi trên địa bàn khác sẽ gần và thuận tiện hơn cụm thi theo đúng quy định. Năm nay, bộ sẽ cho phép những thí sinh ở một số khu vực giáp ranh được tùy chọn cụm thi mà thí sinh thấy thuận tiện nhất.
- Sau kỳ thi tuyển sinh năm 2015, có ý kiến cho rằng mặt bằng điểm thi khá cao, do đề thi phải đáp ứng cả hai mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển ĐH, CĐ. Việc duy trì mục tiêu kép này trong một đề thi liệu có hợp lý, năm nay bộ có điều chỉnh về đề thi của kỳ thi THPT quốc gia không, thưa ông?
"Việc công bố kết quả thi năm 2016 cũng sẽ được điều chỉnh. Bộ sẽ rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng nghẽn mạng, bằng cách công bố kết quả thi đồng thời ở nhiều địa điểm hơn, thay vì chỉ có tám điểm như năm trước nên bị quá tải".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
- Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 được các trường ĐH, CĐ đánh giá là đã phân loại được thí sinh, các trường xét tuyển được đầu vào tốt hơn, đồng đều hơn. Đề thi năm 2015 được ra theo định hướng tỉ lệ 60/40.
Trong đó, 60% là nội dung cơ bản và 40% là nội dung nâng cao. Với tỉ lệ này, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu kép là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Phổ điểm thi của năm 2015 cho thấy đề thi có khả năng phân loại tốt, phổ điểm đều từ thấp đến cao, tỉ lệ giữa các mức điểm hợp lý, thuận lợi cho các nhóm trường khác nhau xét tuyển được đối tượng thí sinh có năng lực, trình độ phù hợp.
Vì vậy, đề thi tuyển sinh năm 2016 được bộ xác định là sẽ xây dựng trên nguyên tắc giữ nguyên kết cấu đề thi, mức độ yêu cầu, độ phân hóa... như đề thi của năm 2015. Đề thi sẽ không có thay đổi, nên thí sinh có thể yên tâm ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi ĐH Sài Gòn. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Năm 2015, việc xét tuyển với quy định được rút, nộp hồ sơ nhiều lần đã gây căng thẳng, quá tải ở một số trường, gây bức xúc cho dư luận. Năm nay, Bộ GD&ĐT có sửa đổi các quy định liên quan đến quy trình xét tuyển, nộp hồ sơ xét tuyển...?
- Qua nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các trường, các chuyên gia và lắng nghe dư luận, dự kiến quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 sẽ chủ yếu điều chỉnh các quy định liên quan đến quy trình xét tuyển.
Những quy định về xét tuyển sẽ là điểm sửa đổi mấu chốt nhất nhằm khắc phục những bất cập đã xảy ra trong quá trình xét tuyển của năm 2015. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác xét tuyển năm 2015 trong quá trình thực hiện còn một số bất cập, nhưng chủ yếu cũng chỉ xảy ra ở những trường có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, bộ vẫn thấy rằng cần có sự điều chỉnh để quy trình xét tuyển hợp lý hơn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường, đảm bảo công bằng trong xét tuyển...
Trên thực tế, rút nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều lần là một chính sách có ưu điểm tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh, vì quyền lợi của thí sinh, nhưng lại thành bất lợi cho một bộ phận thí sinh. Vì thế, trong quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung điều chỉnh những quy định về xét tuyển, chủ yếu là những quy định mang tính kỹ thuật, để khắc phục những bất cập, có được quy trình xét tuyển thuận lợi hơn cho thí sinh và các trường.
Ví dụ như sẽ quy định thời gian nộp rút hồ sơ ngắn hơn, phương thức nộp đơn xét tuyển đơn giản, thuận tiện hơn để tránh việc phải tập trung đông người tại các trường mà vẫn đảm bảo quyền lợi xét tuyển công bằng của thí sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển...
Đặc biệt sẽ có một điểm mới là thí sinh được nộp nhiều hồ sơ vào cùng một ngành ở các trường khác nhau. Bộ dự kiến quy định như vậy để thí sinh luôn có thể lựa chọn và có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành mình yêu thích nhất. Quy trình xét tuyển nằm trong quy chế tuyển sinh của năm 2016 sẽ được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của thí sinh và công luận, trước khi bộ hoàn thiện và chính thức công bố.
Theo Zing
Nhiều trường đại học công bố phương án xét tuyển mới Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố một số dự kiến điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, ngày 11/1, nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh. TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo đại học (ĐH) và sau ĐH - ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết, năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM mở rộng đối...