Đề xuất hai phương án soạn sách giáo khoa mới
Hai phương án triển khai việc biên soạn SGK mới được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa.
Nghiêng về phương án 1
Ban soạn thảo nghiêng về phương án 1 vì có ưu điểm, Bộ GD-ĐT chủ động có SGK trong quá trình chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình mới.
Đồng thời vẫn huy động được nhiều nhất trí tuệ của các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn SGK; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thức tạo ra SGK; tạo cơ hội có nhiều SGK phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng SGK. Tạo điều kiện nâng cao chất lượng SGK do tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh… tránh được hiện tượng độc quyền SGK.
Tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người sử dụng, chủ yếu là giáo viên và học sinh. Làm thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về lựa chọn, sử dụng phong phú các tài liệu dạy học, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu của chương trình.
Hạn chế của phương pháp này là có thể gây tâm lý e ngại cho các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn SGK khác với SGK do Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn; do đó có thể sẽ không có nhiều các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia biên soạn SGK.
Đối với phương án 2, ban soạn thảo cho rằng cùng có các ưu điểm như phương án 1. Tuy nhiên, có khó khăn là Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK ở tất cả các khâu biên soạn, thẩm định, thử nghiệm, phát hành, lựa chọn và sử dụng SGK…; trình độ của lực lượng tham gia biên soạn SGK còn hạn chế so với yêu cầu đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực của học sinh….
Video đang HOT
Với những phân tích trên, ban soạn thảo nghiêng về phương án 1.
Tiến hành đồng thời 2 phương án triển khai đại trà?
Theo dự thảo tờ trình, việc thực nghiệm chương trình và SGK cũng có 2 phương án được đưa ra.
Phương án 1: Việc thực nghiệm chỉ tiến hành đối với các nội dung, phương thức dạy học mới so với chương trình hiện hành và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chương trình, biên soạn SGK, do chính tác giả chương trình, SGK thực hiện. Thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại diện cho các vùng miền để rút kinh nghiệm và và hoàn chỉnh chương trình, SGK trước khi triển khai đại trà.
Phương án 2: Thực nghiệm toàn bộ chương trình, SGK các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học theo phương thức cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu từ các lớp đầu của cả 3 cấp học; mẫu thực nghiệm gồm các trường phổ thông đại diện cho các vùng kinh tế – xã hội của cả nước; quá trình thực nghiệm cần có một bộ SGK thực nghiệm, sau thực nghiệm mới chỉnh sửa, ban hành chính thức chương trình và SGK mới.
Sau khi phân tích các ưu diểm, hạn chế, ban soạn thảo đề nghị thực hiện phương án 1.
Đối với phương thức triển khai đại trà chương trình, SGK mới, thậm chí còn được dự kiến tới 3 phương án.
Phương án 1: Triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp cuối THCS, cuốn chiếu theo lớp ở cấp THPT.
Phương án 2: Triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp 5; cuốn chiếu theo lớp ở cấp THCS và cấp THPT.
Phương án 3: Triển khai áp dụng chương trình mới cuốn chiếu theo lớp ở cả ba cấp học.
Trước những ưu, khuyết của 3 phương án, đề nghị ở đây là cho triển khai theo phương án 2 ở hầu khắp các địa phương. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thuận lợi (ở các môn học cụ thể, các địa phương cụ thể) thì triển khai theo phương án 1.
Theo Ngân Anh/Báo Vietnamnet
Cần phải làm rõ nhiều vấn đề trước khi tổ chức 1 kỳ thi quốc gia
"Để có đề án đầy đủ về kỳ thi quốc gia, theo tôi cần phải làm rõ một số vấn đề như: Mục tiêu của kỳ thi quốc gia, việc ra đề thi, tổ chức thi, xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia trong việc xét tuyển ĐH-CĐ như thế nào?...".
Hiện Bộ GD-ĐT đang gấp rút để hoàn thành đề án một kỳ thi quốc gia sử dụng 2 mục đích tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Định hướng của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ la làm sao cho kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả, thiết thực và công bằng, tạo thước đo chung đê có thể vưa xét tốt nghiệp THPT vưa làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Đây là chủ trương rất mới nên hiện vẫn chưa biết đi theo hướng nào tốt nhất. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trong quý 3-2014 sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của công luận.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS. Lê Trọng Thắng - Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng: "Để có đề án đầy đủ về kỳ thi quốc gia thì cần phải làm rõ một số vấn đề như: Mục tiêu của kỳ thi quốc gia cớ thể đạt được; Những vấn đề kỹ thuật lên quan đến việc ra đề thi, tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia trong việc xét tuyển vào đại học; Việc tổ chức kỳ thi quốc gia có mâu thuẫn gì với phương án bỏ thi đại học "ba chung" không ?...".
Năm 2015 sẽ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia duy nhất.
Là người làm tuyển sinh nhiều năm, với kinh nghiệm của mình, vậy theo ông việc tổ chức kỳ thi quốc gia có mâu thuẫn như thế nào với phương án bỏ thi đại học "ba chung", hướng giải quyết thế nào ?
Theo tôi có hai hướng sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia trong việc xét tuyển vào đại học.
Nếu kết quả kỳ thi quốc gia được sử dụng để xét tốt nghiệp và bắt buộc tất cả các trường đại học phải sử dụng để xét tuyển thì đây thực sự là một sự đổi mới hoàn toàn. Tuy nhiên, theo cách này sẽ xử lý quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học như thế nào?
Nếu như vẫn bảo đảm quyền tự chủ của các trường, nghĩa là các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển, có thể làm kết quả sơ tuyển hoặc không sử dụng kết quả thi, thì trên thực tể, về hình thức nó lại trùng với phương án bỏ kỳ thi "ba chung" mà Bộ GD-ĐT dự kiến vào năm 2017.
Tôi thấy rằng, để đổi mới theo hướng kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương xây dựng Đề án Kỳ thi quốc gia một cách khá cụ thể mới có cơ sở góp ý và đánh giá một cách đầy đủ và khách quan, và cũng là điều trả lời nên hay chưa nên tổ chức kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015.
Vừa qua, kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT đã giảm từ 6 môn xuống 4 môn là giảm được căng thẳng, giảm sức ép, giảm tốn kém, tăng chất lượng.Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi sẽ ngày càng tiến tới không phải là các môn thi độc lập mà là các bài thi. Đề thi không phải riêng Văn học, mà bao gồm cả Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân, hợp tác, hội nhập quốc tế... Học sinh học gì thi nấy, dùng kết quả của nhiều môn học để đi thi, để thể hiện năng lực của mình. Vậy theo ông, một kỳ thi quốc gia nên tổ chức thi theo môn thi hay bài thi?
Việc tổ chức môn thi hay bài thi chủ yếu liên quan đến đổi mới cách ra đề, từ đó tạo động lực cho việc đổi mới việc dạy và học của học sinh chứ không phải là điều bắt buộc cho kỳ thi quốc gia.
Về hướng chung, nếu ra đề thi theo bài thi sẽ tạo được đột phá mới. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này cần có thời gian và bắt đầu phải có sự thay đổi dần từ việc dạy và học trong các trường phổ thông. Điều này cũng cho thấy, chúng ta phải làm điều ngược lại là đổi mới từ trong qua trình dạy và học trước rồi mới đổi mới ra đề trong kỳ thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên lấy kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT?
Điều này tùy thuộc vào cách tổ chức và ra đề thi. Nếu cách tổ chức và ra đề thi không khác nhiều với cách làm hiện nay thì rất nên có phương thức xét tốt nghiệp THPT dựa vào cả học bạ và kết quả thi.
Hiện nay, công tác chấm thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT giao toàn quyền cho các Sở GD-ĐT, không chấm theo cụm hay chấm chéo như trước đây. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Chấm thi theo hình thức nào thì yêu cầu quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm được tính khách quan của kỳ thi. Tổ chức theo tỉnh là hình thức hiện nay vẫn đang làm và cũng cần phải có những đánh giá khách quan về tính xác thực của kết quả thi. Tổ chức theo cụm thi có thể sẽ có yếu tố tích cực hơn trong việc kiểm soát tiêu cực của kỳ thi.
Ngày 15/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học năm 2015. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ thực hiện một kỳ thi chung ngay từ năm 2015. Kết quả kỳ thi được dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Nếu tổ chức 1 kỳ thi quốc gia vào năm 2015, theo ông có hợp lý không?
Thời gian tổ chức kỳ thi hợp lý nhất là sau khi chúng ta chuẩn bị được Đề án một cách đầy đủ và tốt nhất, đồng thời bảo đảm thời gian cần thiết để thí sinh nắm được các thông tin tuyển sinh.
Việc thay đổi một chủ trương lớn, nhất là việc thi cử là chủ trương liên quan đến từng gia đình, từng con người nên nó rất hệ trọng. Tôi nghĩ, năm 2015 tổ chức kỳ thi quốc gia là quá cập rập.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân tri
Phó thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu đề cương cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT do Hiệp hội các trường ngoài công lập đề xuất và khẩn trương xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định vừa thông báo ý kiến...