Đề xuất gửi Tân Bộ trưởng Giáo dục: GS.TS Đặng Kim Vui nêu 3 vấn đề cải thiện đại học
GS.TS Đặng Kim Vui, nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã đưa ra 3 vấn đề để cải thiện chất lượng giáo dục ĐH gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Giữ chân người tài
Theo GS. Đặng Kim Vui, hiện nay đang có xu hướng chảy máu chất xám trong các cơ sở giáo dục ĐH. Người giỏi không thiết tha với công việc giảng dạy trong trường, tìm ra ngoài với những mức lương cao hơn. “Lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giáo dục ĐH. Không những thế, ảnh hưởng đến cả chất lượng giáo dục phổ thông. Vì giáo viên là do các trường ĐH đào tạo”, GS. Vui cảnh báo.
GS.TS Đặng Kim Vui
Nguyên nhân là chế độ tiền lương hiện nay chưa công bằng, chưa hợp lý và thấp. Kể cả giáo sư, tiến sĩ đã ở bậc cao lương cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy, phát triển. Ví dụ một giảng viên đã có bằng tiến sĩ, lương khởi điểm khoảng 5-6 triệu đồng. Sau 5 năm lên được 8-10 triệu. Mức lương này chưa đủ ăn, nói gì đến lo cho gia đình. Kể cả có làm việc cho các trường ngoài công lập, được phép trả lương không theo ngạch bậc thì lương tiến sĩ mới ra trường cũng chỉ được đến 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu làm cho công ty nước ngoài, lương khởi điểm có thể là 2.000 – 3.000 đô la/tháng.
GS. Đặng Kim Vui khẳng định mức lương hiện nay trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đã qua lạc hậu so với các hoạt động kinh tế khác hấp dẫn hơn. “Ngày xưa, thời chúng tôi ra trường được làm giảng viên ĐH là một vinh dự lớn nhưng bây giờ những người giỏi không muốn ở trường mà muốn ra ngoài làm việc vì có thu nhập cao hơn và đãi ngộ tốt hơn. Do đó giáo dục ĐH không còn là môi trường hấp dẫn đối với người tài vừa cống hiến, vừa có thu nhập. Đó là cản trở đối với hệ thống giáo dục ĐH và phổ thông”, GS Vui nói.
Video đang HOT
Giáo sư không phải là thợ dạy
Vấn đề thứ hai mà GS. Đặng Kim Vui chỉ ra đó là giảng dạy ĐH đang ở mức lỗi thời so với các nước phát triển. Ở các nước giảng viên ĐH làm song song 2 nhiệm vụ: giảng dạy và nghiên cứu, học hàm càng cao thì nghiên cứu càng nhiều giảng dạy càng ít.
Ở Việt Nam ngược lại, giảng viên học hàm cao thì định mức giảng dạy càng cao. Thời gian hầu như dành cho giảng dạy, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều là thợ dạy. Trong giảng dạy, đối với ĐH, yêu cầu đầu tiên là kiến thức mới.
Để có kiến thức mới thì các giảng viên phải làm nghiên cứu, thời gian nghiên cứu phải nhiều. Ví dụ một giáo sư người Việt ở ÚC một năm chỉ giảng dạy 45 tiết, đào tạo nghiên cứu sinh, 1 năm phải đăng tải 3-4 bài báo có chỉ số quốc tế, lương khoảng 250.000 đô la Úc/năm.
Bù lại công việc phải làm rất lớn, trong khi giáo sư Việt Nam chưa làm được. Để được công nhận giáo sư, trong suốt một quãng thời gian dài, Việt Nam cũng chỉ yêu cầu có 3 bài báo quốc tế.
GS. Đặng Kim Vui cho rằng, thực tế, các giảng viên chủ yếu giảng dạy theo sách vở, không làm được nghiên cứu, hoặc làm rất ít. Tỷ lệ giảng viên làm nghiên cứu chỉ 10 – 20%, còn lại dạy theo giáo trình. Tuy số lượng bài báo quốc tế của Việt Nam có tăng lên nhưng so với các nước trong khu vực vẫn thua xa như Thái Lan.
Thực trạng này cũng có nguyên nhân từ trang thiết bị máy móc của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam không hiện đại, ít phòng thí nghiệm tiên tiến. Giảng viên muốn có được những nghiên cứu với những bài báo đóng góp chỉ số cao thì phải dựa vào những phòng thí nghiệm tiên tiến. Như vậy cơ sở vật chất cũng rất yếu kém.
Như vậy, để các giáo sư không còn là thợ dạy, theo GS. Đặng Kim Vui phải giải quyết được hai bài toán: giải phóng giảng viên khỏi những định mức hành chính, cần cơ chế để có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để giảng viên có chỗ nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu của mình.
Quyền tự chủ đúng nghĩa
Luật đã giao cho các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ. Nhưng đó quy định còn thực tế khác rất nhiều. Các trường ĐH vẫn một cổ mấy tròng, phụ thuộc vào bộ chủ quản, bộ chuyên ngành vẫn rất lớn. GS. Đặng Kim Vui nhận định tự chủ hiện nay chưa đồng bộ dẫn đến các trường khi triển khai mắc rất nhiều.
Làm thế nào để trường ĐH hoạt động theo luật, không phụ thuộc vào các bộ chủ quản? Các trường tự chủ có trách nhiệm giải trình, các bộ chủ quản chỉ có vai trò giám sát. Ví dụ quy định ngạch bậc của giáo sư ở các nước không trả giống nhau, tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi trường và độ cống hiến của mỗi giáo sư.
Vì vậy, các trường cạnh tranh để có giáo sư giỏi về công tác. Hiệu trưởng làm quản lý nhưng cũng là ông chủ, có quyền trả lương cho người lao động tạo ra sản phẩm cho nhà trường. Người nào tạo ra được nhiều sản phẩm thì được trả lương cao. Hiện nay giáo sư các trường công lập ở Việt Nam vẫn theo ngạch bậc giống nhau.
Cản trở này vài chục năm nay rồi mà vẫn không thay đổi nhiều. Vấn đề cởi trói cho các trường ĐH liên quan đến nhiều Bộ ngành, như nhân sự liên quan đến Bộ Nội vụ, lương liên quan đến Bộ Tài chính, cơ sở vật chất liên quan đến Bộ Kế hoạch đầu tư, đó còn chưa kể các vấn đề khác liên quan đến bộ chủ quản. Vì thế, Bộ GD&ĐT cần phải có kiến nghị, gỡ khó cho các trường.
Gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 3 điều cần thực hiện ngay
Để giáo dục nước nhà phát triển đúng hướng, tôi xin được gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 3 điều cần phải thực hiện ngay vì lâu nay đã nói rất nhiều.
Đời sống giáo viên hiện nay rất khó khăn vất vả với đồng lương ít ỏi buộc thầy cô phải bươn chải làm thêm, trong đó có dạy thêm, bán hàng online... (ảnh minh họa) - ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhiệm kỳ của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bắt đầu rất được các tầng lớp trong xã hội, nhất là giáo giới đặc biệt quan tâm bởi "giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới" (N.Mandela).
Để giáo dục nước nhà phát triển đúng hướng, tôi xin được gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 3 điều cần thực hiện ngay vì lâu nay đã nói rất nhiều. Đó là phải: "Dạy thật, học thật, thi thật", nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng bao năm qua chúng ta chưa thực hiện một cách trọn vẹn.
Có "dạy thật" thì mới có chất lượng thật. Vậy phải làm sao để thầy cô toàn tâm toàn ý về việc dạy của mình mà không phải bận tâm về cơm áo gạo tiền... chi phối? Nói cách khác đời sống giáo viên hiện nay rất khó khăn vất vả với đồng lương ít ỏi buộc thầy cô phải bươn chải làm thêm, trong đó có dạy thêm, bán hàng online... Bộ trưởng có biết ngoài việc "soạn, giảng, chấm, trả" giáo viên phải tham gia vô số phong trào cuộc thi: thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... rất áp lực, tốn thời gian, chưa kể vấn nạn hồ sơ sổ sách. Đây thật sự là một gánh nặng cần được trút bỏ để thầy cô có thời gian đầu tư cho từng tiết dạy, chuyên môn của mình mới mong có chất lượng.
Có "học thật" thì mới mong xây dựng được đất nước phát triển phồn vinh thịnh vượng như vua Quang Trung từng nói: "Việc xây dựng đất nước lấy việc dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình lấy việc tuyển nhân tài làm gốc". Câu nói trên thể hiện quan điểm đề cao vị trí của giáo dục trong quá trình xây dựng đất nước của vua Quang Trung, giáo dục là quốc sách hàng đầu để tạo nên quốc gia hùng mạnh.
Ấy vậy thật buồn cho chúng ta khi học sinh học lớp 6 ở Đồng Tháp mà chưa đọc thông viết thạo với câu nói đáng thương hay đáng trách của em học sinh: "Con cũng không biết vì sao con được lên lớp". Rồi nạn học giả bằng thật, ĐH Đông Đô cấp 203 văn bằng 2 tiếng Anh giả. Học sinh tham gia đánh nhau, nạn bạo lực học đường vẫn còn đó.
Có "thi thật" mới mong chọn được nhân tài xây dựng đất nước, ấy vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm với tỷ lệ tốt nghiệp trên 90% có đúng chất lượng thực chất không hay còn vì căn bệnh thành tích dẫn đến không ít gian lận trong thi cử. Học sinh bây giờ ở lại lớp khó hơn lên lớp. Thiết nghĩ căn bệnh chỉ tiêu, thi đua, thành tích là nguyên nhân của mọi nguyên nhân sinh ra tiêu cực trong giáo dục, thi cử đã góp phần kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Bộ trưởng cần có giải pháp thực hiện chữa trị dứt căn bệnh này.
Rất mong tân Bộ trưởng GD-ĐT hãy xem đây là những việc cần phải giải quyết triệt để góp phần đưa giáo dục phát triển.
Sẽ có phương án tổng thể ứng phó mọi tình huống của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 Tại cuộc họp chuẩn bị công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc xây dựng phương án tổng thể để ứng phó với tình hình dịch bệnh và thiên tai. Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT...