Đề xuất gỡ ‘rào cản’ thủ tục hỗ trợ lao động tự do
Chuyên gia đề xuất bỏ quy định yêu cầu lao động tự do phải về quê xin xác nhận khi làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Ngày 12/8, Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) cùng Oxfam tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến về triển khai chính sách an sinh cho lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện phó phát triển sức khỏe cộng đồng, cho hay Viện đã khảo sát các nhóm lao động di cư và họ cho biết chưa nhận được hỗ trợ trong khi không còn tiền tích lũy. Nhiều người sống nhờ vào nhu yếu phẩm thiện nguyện và thậm chí không có smartphone để cập nhật chính sách.
Một trong những rào cản khiến lao động tự do khó tiếp cận chính sách từ gói 26.000 tỷ đồng, theo bà Giang, là “các thủ tục như yêu cầu về quê, nơi thường trú để xin xác nhận nếu thụ hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại”.
Chuyên gia này băn khoăn đúng là cần chống trục lợi chính sách (một lao động hưởng hỗ trợ cả hai nơi thường trú và tạm trú), song “đây là thời điểm họ khó khăn nhất, cần được hỗ trợ ngay”.
Bà Nguyễn Thu Giang đề xuất Hà Nội thay đổi cách xác nhận, thay vì yêu cầu người lao động tự xin ở quê thì chính quyền sở tại thực hiện. Ảnh: Chụp lại màn hình tọa đàm
Bà Giang đề xuất Hà Nội xem xét bỏ hoặc thay đổi thủ tục. Lao động tự do khi nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng có thể làm cam kết (kèm giấy tờ tùy thân) chỉ nhận một lần, nếu nhận hai lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xã, phường Hà Nội chi tiền hỗ trợ, sau đó gửi xác nhận về quê lao động để chính quyền địa phương nắm thông tin, không chi trả thêm lần nữa.
“Thay vì bắt người lao động đang khó khăn phải xác minh nhân thân, thì chính quyền nên chủ động thực hiện và hoàn toàn có thể làm được”, bà nói.
Ông Nguyễn Hồng Dân, cho biết việc chi trả hỗ trợ cho lao động tự do như chưa kỳ vọng nguyên nhân sâu xa từ giãn cách xã hội. Ảnh: Chụp lại màn hình tọa đàm
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, nói thành phố đã đôn đốc các quận, huyện nhanh chóng triển khai nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, một số nơi báo cáo lại là thành phố đang giãn cách xã hội nên người lao động chưa ra khỏi nhà để làm hồ sơ. Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh về vướng mắc khi triển khai hỗ trợ cho nhóm lao động tự do.
Lấy ví dụ một người ngoại tỉnh tạm trú ở Hà Nội, đã nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng rồi vẫn có thể về quê hưởng tiếp nếu không có xác nhận, ông Dân giải thích Hà Nội đề ra thủ tục “xác nhận của nơi thường trú” nhằm thực hiện chủ trương tiền phải đến đúng người.
Video đang HOT
“Chúng tôi đề nghị cấp cơ sở lập hội đồng xét duyệt, công khai để người dân giám sát xem có đúng người hưởng không”, ông Dân nói.
Trước phản ánh do giãn cách nên lao động khó về quê xin xác nhận, ông Dân nói Sở sẽ nghiên cứu phương thức xét duyệt bằng cách để người dân viết cam kết bằng tay. Lao động thường trú hay tạm trú trên địa bàn do công an phường xác định. Trên cơ sở đó, xã phường tập hợp danh sách, lao động ở nơi nào thì gửi thông báo về nơi ấy với nội dung “đã chi trả khoản này”. Song việc bãi bỏ hoặc thay đổi thủ tục không thuộc thẩm quyền, Sở sẽ ghi nhận, tiếp thu đề xuất và trình lại với UBND TP Hà Nội để tháo gỡ kịp thời.
Nhưng để thực hiện được, ông Dân kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần liên thông dữ liệu để tránh trùng lặp. Nếu lao động thường trú cùng địa bàn Hà Nội thì dễ kiểm tra, nhưng nếu quê quán và tạm trú khác nhau, Bộ phải chỉ đạo các tỉnh cùng làm để dữ liệu thống nhất.
Người lao động chen chân chờ nhận nhu yếu phẩm từ thiện tại đường Mỹ Đình, sáng 7/8. Ảnh: Tùng Đinh
Chia sẻ về cách đẩy nhanh hỗ trợ lao động tự do , bà Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo phường 15, Quận Gò Vấp (TP HCM) nói phường làm hết sức đơn giản. Theo đó, việc yêu cầu người lao động cần có xác nhận không thụ hưởng tại nơi thường trú là bất cập từ thời gói 62.000 tỷ đồng (năm 2020). Năm nay, thành phố bãi bỏ quy định này và cởi mở trong hỗ trợ, không phân biệt thường trú, tạm trú, qua đó giúp phường mạnh dạn hơn trong khâu thủ tục.
“Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã phổ biến cho tổ dân phố, các Tổ Covid cộng đồng linh hoạt trong cách xác minh. Ví như người ta đi bán dạo khắp nơi, ngành nghề đa dạng lắm, nên chỉ cần xác minh rằng họ bán dạo đúng như vậy là được hỗ trợ rồi”, bà Loan chia sẻ.
Lao động tự do đang khó khăn chỉ cần liên hệ với tổ trưởng dân phố, kê khai ngành nghề cụ thể, cung cấp chứng minh thư/căn cước kèm đăng ký tạm trú (nếu có). Nếu người dân không có tạm trú thì tổ trưởng dân phố lập danh sách, chuyển cho cảnh sát khu vực xác nhận đây là những người đang cư trú tại phường, rồi chuyển lên phường xét duyệt. Phường cũng không sợ bị trùng lặp hoặc một người được hưởng nhiều lần, bởi khi nhập dữ liệu, hệ thống báo số chứng minh thư hoặc thông tin của người này đã có, phường bỏ ra là xong.
Tại tọa đàm, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng khuyến nghị ngoài gói hỗ trợ chung, thành phố cần đẩy mạnh nhiều chính sách khác, như công bằng trong tiếp cận vaccine, dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em nghèo…
Hà Nội hỗ trợ lao động tự do 1,5 triệu đồng. Điều kiện người nhận hỗ trợ phải đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và bị mất việc làm do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của thành phố, từ 1/5 đến 31/12.
Lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng) cũng trong diện hưởng hỗ trợ.
Lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị hỗ trợ; bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp; nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.
Nhiều lao động gặp khó khi làm thủ tục nhận 1,5 triệu đồng
Nhìn thấy tờ kê khai các thủ tục tổ trưởng dân phố đưa cho, anh Hòa hoa mắt, muốn bỏ ngay ý định xin hỗ trợ dành cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
9h sáng 11/8, anh Vũ Thái Hòa ra UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, xin mẫu đơn, hỏi về thủ tục hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng). Chính sách của Hà Nội chi cho nhóm này 1,5 triệu đồng mỗi người nếu đủ hồ sơ, đáp ứng tiêu chí xét duyệt của các cấp chính quyền.
Thủ tục kê khai tờ khai mà Vũ Thái Hòa nhận được từ tổ dân phố. Ảnh: Hồng Chiêu
Anh Hòa 25 tuổi, bán quần áo thuê ở đường Trương Định, nghỉ việc từ hôm 24/7 khi Hà Nội bắt đầu cách ly xã hội. Những ngày nằm nhà không được ra ngoài, anh Hòa "nghe trên tivi nói" có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do nên quyết định lên phường đăng ký.
Cán bộ phường hướng dẫn anh, "việc này đã giao về tổ dân phố, người lao động thuộc nhóm thụ hưởng nộp đơn kèm hồ sơ cho tổ trưởng". Tổ dân phố xét duyệt dưới khu dân cư, tổng hợp rồi chuyển lên phường xét tiếp. Danh sách lao động được hưởng sẽ niêm yết công khai. Sau đó, phường tổng hợp gửi lên quận, quận xét xong rồi mới chi tiền về.
Cán bộ giải thích thêm, anh Hòa đang tạm trú và nếu muốn nhận hỗ trợ tại phường Thanh Xuân Trung thì phải xin xác nhận không hưởng ở quê (nơi thường trú) .
Hòa đi tìm bác tổ trưởng dân phố. Hơn nửa tháng Hà Nội giãn cách, anh gặp thành viên tổ dân phố nơi mình sống đúng một lần, hôm phát phiếu đi chợ. Khi đọc tờ lưu ý lập danh sách, kê khai do tổ dân phố đưa cho, anh từ bỏ ý định xin nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Rà trong danh sách các nhóm lao động tự do được hỗ trợ, anh không thấy có nghề bán quần áo. Toàn phường có 27 tổ dân phố và chỉ bắt đầu nhận hồ sơ của lao động tự do từ ngày 25/8 trở đi, sau khi Hà Nội kết thúc giãn cách.
"Tôi thấy thủ tục phức tạp quá, nhất là phải xin xác nhận ở quê", anh Hòa nói.
Người lao động xếp hàng chờ nhận quà hỗ trợ của nhóm từ thiện ở đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm hôm 7/8. Ảnh: Tùng Đinh
Cũng như anh Hòa, bà Thơ, tạm trú ở ngõ 79 Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy) làm nghề dọn dẹp các quán ăn, đã mất việc từ đầu tháng 5.
Trước cửa nhà văn hóa phường Quan Hoa, ngõ 79 Dương Quảng Hàm, trên góc bản tin tổ dân phố có đính kèm các văn bản về chính sách hỗ trợ của phường, thành phố. Tổ dân phố đề nghị người dân xem văn bản, kê khai theo hướng dẫn, nếu cần thì liên hệ với tổ trưởng kèm số điện thoại.
Được tin có hỗ trợ, bà rủ những người cùng xóm trọ kê thông tin vào giấy, ký tên rồi gửi tổ trưởng dân phố, nhưng không đúng mẫu. Khi ra phường hỏi thông tin, bà được cán bộ hướng dẫn phải có đăng ký tạm trú tạm vắng và xin xác nhận ở quê. Phường cũng không thể làm khác, vì đây là quy định của thành phố.
Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến 6h ngày 12/8, thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với kinh phí 7,75 tỷ đồng. Như vậy thời gian tới sẽ còn hàng chục nghìn lao động tự do ở Hà Nội trong diện xem xét hỗ trợ, song nhiều lao động cho hay họ gặp khó khi làm thủ tục trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16.
"Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường hoặc đi thì phải có giấy thông hành. Các hàng quán photo đã đóng cửa, chúng tôi không biết in đơn, photo giấy tờ xác nhận ở đâu. Xin xác nhận ở quê lại càng không thể khi xe cộ đi đến Hà Nội đã ngừng hoạt động", bà Thơ phản ánh.
Trước băn khoăn trên , ông Phạm Minh Hải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Quan Hoa, phân tích việc người dân phải xin xác nhận ở nơi thường trú là để trường hợp lao động nhận ở nơi tạm trú rồi vẫn có thể về quê xin thêm.
Theo ông, việc xác nhận ở quê không khó khăn, người lao động có thể nhờ người nhà rồi gửi qua đường bưu điện. Thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16, song người lao động vẫn có thể lên phường xin nộp hồ sơ để xét duyệt vì không cấm đi lại trên địa bàn phường.
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội xác nhận trong quá trình triển khai hỗ trợ, có những băn khoăn của người lao động rằng "sao phải có xác nhận của nơi thường trú để hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại". Việc này để tránh trục lợi chính sách, vì tinh thần của Nghị quyết 68 là thực hiện công khai. Hà Nội đề nghị phải có giấy xác nhận này, để xác định đúng diện thụ hưởng. Khi thực hiện, ngành lao động đã hướng dẫn cho các cấp cơ sở lập hội đồng xét duyệt, công khai để người dân giám sát.
Gia đình khó khăn ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm nhận hỗ trợ tiền mặt, hôm 7/8. Ảnh: Giang Huy
Là cán bộ trực tiếp nhận đăng ký hỗ trợ từ lao động tự do , ông Thái Trung, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận Tổ 22 (phường Quan Hoa), nhìn nhận "đây là lúc lao động cần hỗ trợ nhất vì họ làm ngày nào ăn ngày ấy, nhiều người đã không còn tiền để đi lại, vay mượn người khác cũng rất khó".
"Nếu để sau này hết giãn cách, ổn định rồi mới trao hỗ trợ sẽ làm mất tính kịp thời của chính sách an sinh", ông Trung nói.
Theo ông, hiện nay các cơ quan chức năng đã có dữ liệu công dân thì nên liên thông để giảm thủ tục cho người dân. Chính quyền có thể dùng công nghệ thông tin để xác nhận rằng họ đã kê khai hay nhận ở quê chưa, hoặc yêu cầu người nhận làm cam kết. Tổ dân phố là cơ sở gần dân nhất, có thể xác định ai là người thực sự khó khăn, xét duyệt nhanh để chi trợ cấp ngay. Hồ sơ sau này hoàn chỉnh dần dựa trên sự cam kết, đảm bảo của tổ dân phố.
Ông Trung kiến nghị cần thí điểm, nếu không phát sinh tiêu cực thì làm tiếp, còn không thì dừng hoặc vừa làm vừa điều chỉnh. "Chính sách cần tạo cơ chế thông thoáng để hỗ trợ người lao động nhanh hơn, nhất là lao động tự do và hộ kinh doanh nhỏ lẻ", ông nói.
Trước đó, khi xây dựng gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết đã rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ (năm 2020). Gói trước đây yêu cầu lao động phải về quê, lấy xác nhận của địa phương thường trú rồi mới làm thủ tục. Bộ cho rằng không cần bước này nữa, người lao động ở đâu thì hưởng ở đấy.
Danh sách cần được liên kết, liên thông dữ liệu để tránh hưởng cùng lúc nhiều nơi và tăng cường khâu hậu kiểm. Việc này để tránh "một đồng gà ba đồng thóc", lao động phải đi lại tàu xe tốn kém hơn tiền hỗ trợ và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bộ đã hướng dẫn các tỉnh thành nhập liệu, báo cáo kết quả chi trả, hỗ trợ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Trong đó có dữ liệu cụ thể về lao động, doanh nghiệp đã được hỗ trợ, nên việc đối chiếu hoàn toàn có thể thực hiện.
Trên tinh thần này, trừ Hà Nội, thì một số địa phương khác như Đà Nẵng, TP HCM đã rút gọn thủ tục để tiền nhanh đến tay dân hơn. Nhiều tỉnh hoặc không yêu cầu về nơi thường trú xin xác nhận, hoặc để tổ dân phố rà soát thay vì yêu cầu người lao động phải làm đơn đề nghị.
Dịch COVID-19 đã khiến 1,4 triệu lao động tự do không có việc làm Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội LĐTBXH), dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã tác động lớn đến nhóm lao động tự do (khu vực phi chính thức) và khiến 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm. TP Hồ Chí Minh phong tỏa các nơi ở của các bệnh...