Đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Sáng 24-11 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Hóa học Việt Nam tổ chức hội thảo: “Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế được ban hành năm 2013.
Hội thảo nhằm nhìn nhận các kết quả đạt được, những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Ông Nghiêm Đình Vỳ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ được triển khai tích cực, các nhiệm vụ và giải pháp được tiến hành khá đồng bộ, đạt kết quả quan trọng. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ; công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao… Tuy nhiên, kết quả của ngành Giáo dục còn một số vấn đề chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, GS.TSKH Nguyễn Cương (Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam) cho rằng, nội dung chương trình mới năm 2018 của trường trung học phổ thông còn có những hạn chế; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội; chính sách đãi ngộ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập…
Trong 12 tham luận gửi đến hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị và đề ra giải pháp cho 11 vấn đề. Đó là: Cần có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn để quán triệt quan điểm giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; cần huy động các nhà khoa học đóng góp vào việc phát hiện một số hạn chế của nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới và đề xuất cách khắc phục; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm…
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cảm ơn các ý kiến đóng góp giúp các cơ quan hữu quan có các giải pháp để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Video đang HOT
Dạy học tại thực địa: Thực tiễn và giải pháp
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, các cơ sở GD đã xây dựng mô hình Trường học gắn với cuộc sống.
Một trong những giải pháp để thực hiện tốt mô hình này là tổ chức hoạt động dạy học tại thực địa.
"Mắt thấy, tai nghe" những kiến thức đang nghiên cứu
Dạy học tại thực địa (còn có tên gọi khác là dạy học tại hiện trường) là hình thức dạy học tại môi trường có hiện vật và các hoạt động thực tiễn liên quan chặt chẽ với nội dung bài học.
Qua đó, tạo thuận lợi cho việc hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh theo mục tiêu bài học đã xác định. Thông thường dạy học thực địa được cụ thể hóa ở hai dạng thức là thực địa di sản và thực địa sản xuất kinh doanh. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nói về dạy học tại thực địa sản xuất kinh doanh.
Dạy học thực địa có thể tổ chức tại trung tâm nghiên cứu cây trồng, vật nuôi; trang trại chăn nuôi, trồng trọt; doanh nghiệp, nhà máy chế tạo, sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp hay làng nghề; siêu thị, cửa hàng, nhà hàng...
Khi dạy học tại thực địa, học sinh được "mắt thấy, tai nghe" những kiến thức mà các em đang nghiên cứu, được trực tiếp tiếp xúc với các hiện vật, đối tượng lao động, con người và các hoạt động thực tế lao động sản xuất đang diễn ra, thậm chí có thể tham gia trực tiếp vào một số hoạt động thực tiễn khác nhau tại cơ sở sản xuất kinh doanh với tư cách là chủ thể hoạt động.
Nhờ đó, các em có cơ hội hiểu rõ hơn thực tế hoạt động đang diễn ra ở nơi mình sinh sống, học tập và có cơ hội gắn các kiến thức lý thuyết trong sách vở với thực tiễn sinh động.
Không những thế, khi học tập tại thực địa, học sinh có thể tự khám phá được nhiều điều mới lạ mà nội dung trong sách không thể mô tả hết được. Vì thế, các em hứng thú hơn, khả năng tiếp nhận lĩnh hội bài học cũng hiệu quả hơn.
Mặt khác tổ chức dạy học tại thực địa sẽ tạo điều kiện cho các em bộc lộ năng lực, sở trường, hứng thú của mình đối với một lĩnh vực, ngành nghề, công việc nào đó. Thông qua đó, giáo viên định hướng cho học sinh xác định con đường phát triển sau khi tốt nghiệp THPT như chọn ngành học ở ĐH, CĐ; chọn ngành nghề trong học nghề hoặc trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh địa phương...
Tăng cường dạy học thay vì tham quan
Ảnh minh họa.
Mặc dù có giá trị giáo dục sâu sắc, song hình thức dạy học thực địa hầu như ít được chú trọng tại các nhà trường phổ thông. Thực tiễn cho thấy, việc dạy học gắn với sản xuất kinh doanh trong nhà trường nếu có thì chỉ được thực hiện ở hình thức tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh (ngoại khóa). Còn tổ chức dạy học tại hiện trường, hầu như hiếm thấy.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do hình thức dạy học này đòi hỏi phải có điều kiện thời gian, khâu tổ chức, quản lý học sinh tương đối phức tạp, kinh phí tốn kém. Đặc biệt là giáo viên chưa được trang bị cách thức, kỹ năng để tổ chức hoạt động dạy học thực địa. Chính những điều này dẫn đến sự ngần ngại của các trường phổ thông khi xây dựng và thực hiện hình thức dạy học này.
Từ thực tiễn trên, xin đề xuất một số biện pháp để nâng cao hiệu quả dạy học tại thực địa góp phần phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
Trước hết, nhà trường cần rà soát các môn học, bài học có thể tổ chức dạy học thực địa.
Soi chiếu các bài học có tiềm năng để tổ chức dạy học thực địa vào thực tiễn lao động sản xuất của địa phương để xem xét mức độ đáp ứng, tổ chức dạy học.
Thực địa được lựa chọn để đưa học sinh đến học tập phải bảo đảm các yêu cầu như: Có môi trường, hiện vật, đối tượng lao động và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nội dung bài học; Địa điểm tương đối gần trường học để không mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển và bảo đảm an toàn cho học sinh; Thực địa có đủ không gian và điều kiện cơ sở vật chất để triển khai việc học tập của học sinh.
Sau khi khảo sát, nếu thấy thực địa phù hợp với đặc điểm bài học và nhu cầu học tập của học sinh, nhà trường cần thực hiện các khâu chuẩn bị cho buổi học như liên hệ với người phụ trách thực địa về mục đích, yêu cầu, nội dung và thời gian đưa học sinh đến cơ sở học tập, đề nghị họ giúp đỡ, hỗ trợ để buổi học được thuận lợi. Cùng với đó, giáo viên xây dựng kế hoạch và thiết kế bài học để thực hiện dạy học tại thực địa.
Triển khai tổ chức cho học sinh học tập tại thực địa
Dạy học tại thực địa là hình thức dạy học cần thiết nhất trong thực hiện nhiệm vụ "Học đi đôi với hành". Đó cũng là giải pháp hữu hiệu cho mục tiêu dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học mà ngành Giáo dục đang hướng tới.
Trước buổi học tại thực địa, giáo viên cần tập trung học sinh để phổ biến mục đích, yêu cầu, nội dung và cách thức học tập/thực hành. Hướng dẫn học sinh ghi lại những thông tin thu thập được trong buổi học.
Trong quá trình học tập tại thực địa, học sinh học tập/thực hành theo kế hoạch dưới sự hướng dẫn của giáo viên và người đại diện cơ sở sản xuất kinh doanh. Chú ý bám sát mục tiêu, nội dung của bài học trong suốt quá trình bài học tại hiện trường. Khi học sinh có thắc mắc hoặc có nội dung nào chưa hiểu rõ, giáo viên cần phối hợp với người của cơ sở sản xuất giải thích hoặc chỉ dẫn cụ thể.
Khi kết thúc bài học, cần tổ chức nhận xét, đánh giá kết quả học tập tại hiện trường. Có thể yêu cầu một số học sinh báo cáo những thông tin thu thập được qua buổi học. Sau đó, đánh giá tinh thần, thái độ và kết quả học tập của học sinh.
Tổng kết, đánh giá hoạt động dạy học tại thực địa (cần chỉ rõ ưu điểm và nhược điểm). Rút kinh nghiệm để tiến hành bài học tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
Cần có cơ chế đặc thù cho giáo dục và đào tạo Nếu có cơ chế đặc thù cho giáo dục và đào tạo như được quản lý và sử dụng con người, được làm chủ tài chính trong các hoạt động phát triển giáo dục... sẽ tháo gỡ được nút thắt đổi mới giáo dục hiện nay. Đây là đề xuất được nêu ra tại hội thảo Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW...