Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Thi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh tư liệu (minh họa): PV
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tính đến nay, chủ đầu tư, tư vấn đã cơ bản hoàn thành khảo sát mỏ vật liệu xây dụng thông thường, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu.
Cụ thể, đối với vật liệu cho 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng gần 188 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 59,5 triệu m3.
Theo khảo sát, còn 14 mỏ thuộc các tỉnh: Quảng Ngãi (5 mỏ), Bình Định (4 mỏ thuộc dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn), Phú Yên (5 mỏ thuộc dự án Chí Thạnh – Vân Phong) chưa được địa phương thực hiện bổ sung quy hoạch.
Về mỏ cát xây dựng, hồ sơ khảo sát đã xác định 123 mỏ với tổng trữ lượng khoảng gần 68 triệu m3 đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 11 triệu m3. Hiện, còn 14 mỏ thuộc các tỉnh Quảng Ngãi (6 mỏ), Bình Định (3 mỏ thuộc dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn), Phú Yên (5 mỏ thuộc dự án Chí Thạnh – Vân Phong) chưa được khai thác.
Riêng mỏ cát đắp nền đường, 2 dự án thành phần từ thành phố Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với trữ lượng còn lại khoảng hơn 1,1 triệu m3, sản lượng khai thác là 0,4 triệu m3/năm (năm thứ nhất).
Video đang HOT
Ngoài ra, hiện có 3 vị trí mỏ quy hoạch với trữ lượng khoảng hơn 13,9 tỷ m3 (tỉnh Trà Vinh có 2 vị trí với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3; Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn khoảng 13,9 tỷ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40km).
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất Chính phủ xây dựng và triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tiến độ thực dự kiến cuối năm 2024 mới hoàn thành nên không thể đáp ứng nhu vật liệu đắp theo tiến độ thi công (tập trung vào các năm 2023 và 2024)”, Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Liên quan đến các mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng giao cho nhà thầu thi công khai thác phục vụ dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn khai thác.
Tuy nhiên, hướng dẫn còn chưa rõ thủ tục thu hồi đất hay nhà thầu sử dụng đất tại các mỏ mới thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, dẫn đến hầu hết các địa phương đang lúng túng trong quá trình thực hiện.
Trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định, kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án sẽ quản lý được chi phí và giá thành của vật liệu xây dựng. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai, khai thác vật liệu xây dựng thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.
Đối với trường hợp nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, việc chuyển nhượng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước không thể kiểm soát được chi phí dẫn đến nguy cơ tăng giá, ép giá hoặc thỏa thuận không thành công sẽ không có mỏ để khai thác vật liệu thông thường.
Đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới (thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất).
Trường hợp áp dụng theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, các địa phương cần ban hành khung giá đất chuyển nhượng để quản lý chi phí.Về phía các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khẩn trương bổ sung quy hoạch các mỏ đất, mỏ cát chưa có trong quy hoạch để triển khai các thủ tục cần thiết, sẵn sàng cho nhà thầu khai thác khi triển khai dự án.
UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ các đơn vị tư vấn thuộc Bộ Giao thông Vận tải khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển để thực hiện thi công thí điểm.
“Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và các địa phương liên quan cũng cần hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải trong công tác thăm dò, khảo sát các mỏ; tăng công suất khai thác, mở thêm các mỏ mới; nghiên cứu để khai thác các vị trí cồn cát, ưu tiên nguồn cát cho các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải để hoàn thành các dự án theo đúng chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ”, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nghiên cứu Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trong năm 2023.
Theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 39 triệu m3.
Nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng trong vùng chủ yếu tập trung tại các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ. Tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3 với công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3. Trữ lượng dự kiến còn lại khá lớn, song, chất lượng cát kém, lẫn nhiều tạp chất, không bảo đảm tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.
Đối với nguồn cát sông từ các tỉnh thượng lưu sông Tiền và sông Hậu (An Giang và Đồng Tháp), tổng trữ lượng các mỏ cát đang khai thác của 2 tỉnh hiện nay khoảng 23,1 triệu m3 với công suất hàng năm khoảng 7,5 triệu m3.
Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng hơn 88 triệu m3. Song, trữ lượng dự kiến trong quy hoạch được khảo sát từ thời điểm năm 2015 và đã khai thác đến nay nên không còn phù hợp với thực tế…
Sửa đổi chính sách đất đai trong nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi người dân
Sáng 30/9, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức hội thảo "Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013".
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.
Đơn cử, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô). Trong khi đó, biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê... chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất...
"Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết để khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai", ông Phạm Minh Anh cho hay.
Đồng tình với PGS.TS Phạm Minh Anh, PGS.TS Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong nông nghiệp, là một yếu tố thiết yếu để thực hiện thành công xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn diễn ra; tài nguyên đất nông nghiệp đã giao chưa được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Tám, hiện nay, việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng chưa thống nhất giữa các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường...). Có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực. Chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau.
Còn ThS. Trương Quốc Cần (Viện Tư vấn phát triển KTXH Nông thôn và Miền núi) đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, ông Cần cho rằng, còn có những vấn đề cần cải thiện hoàn thiện hơn ở một số nội dung để bảo đảm tính hiệu quả của pháp luật về đất đai. "Quy định về hệ thống thông tin đất đai, tiếp cận thông tin đất đai và công khai thông tin đất đai còn nhiều điểm chưa có sự đồng bộ giữa các phần. Nên bổ sung một khoản để phân loại rõ các nhóm thông tin đất đai và giới hạn tiếp cận thông tin đất đai, trong đó làm rõ danh mục các loại thông tin và mức độ tiếp cận với từng nhóm đối tượng', ông Cần phân tích.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu vào các nội dung: bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thực trạng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay và giải pháp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững; Các kinh nghiệm một số nước trên thế giới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đáp ứng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng được các đại biểu chia sẻ.
Đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất, đầu cơ Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất. Trong tờ trình vừa gửi Quốc hội về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chính phủ đánh giá Luật Đất đai là đạo luật quan...