Đề xuất đổi mới đề thi tốt nghiệp Ngữ văn
Đề thi môn Văn sẽ kiểm tra toàn diện hơn, vận dụng cách đánh giá theo năng lực nhằm xác định đúng năng lực viết và đọc hiểu văn bản của học sinh.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đang lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà nghiên cứu về đề xuất đổi mới hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Là thường trực Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình – Sách giáo khoa sau năm 2015, ông Thống đề xuất đổi mới đề thi môn Ngữ văn theo hướng kiểm tra toàn diện, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực học sinh. Từ đó tiệm cận dần đến các yêu cầu khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; tổ chức một kỳ thi quốc gia, làm một bài thi tổng hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học.
Theo phương án đề xuất, tổng điểm sẽ được tính theo thang 20 gồm: Năng lực đọc hiểu (6/20) và Năng lực viết (14/20).
Thí sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp ở Hà Nội. Ảnh minh họa: H.H
Phần đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic… cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó (2 điểm); Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên… (2 điểm); Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).
Như vậy, thay vì kiểm tra việc học thuộc lòng và nhớ các kiến thức lý thuyết như: Tu từ là gì? Thế nào là câu đúng? Thế nào là tóm tắt văn bản?… đề thi sẽ tập trung vào năng lực đọc hiểu của học sinh thông qua việc vận dụng những hiểu biết về tiếng Việt để giải quyết câu hỏi.
“Về lâu dài có thể tăng số lượng điểm về đọc hiểu và kiểm tra bằng dạng trắc nghiệm như PISA hoặc Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở bang California (Mỹ)”, ông Thống nói.
Video đang HOT
Phần kiểm tra Năng lực viết bao gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận. Theo ông Thống, với tình huống giả định đề nêu, người viết không thể kể lung tung mà phải nêu được những địa danh lịch sử quan trọng và có ý nghĩa cả xưa và nay…
Viết Nghị luận văn học (7/20 điểm), yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh đại học. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong sách giáo khoa.
Tương tự như phần kiểm tra năng lực đọc hiểu, về lâu dài phần năng lực viết có thể tích hợp cả nghị luận xã hội và văn học thành một bài viết tổng hợp như bài thi viết của bang California (Mỹ).
Với đề thi như trên, điểm xét tốt nghiệp sẽ được tính cho những học sinh đạt từ 10/20 trở lên. Các trường đại học, nhất là các trường theo hướng xã hội, nhân văn căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm của câu 3 để xét tuyển sinh.
Ông Thống cho biết, với đề văn trên, học sinh không cần phải chép lại đề, bài làm mà trả lời thẳng vào từng câu hỏi. Cả câu 2 và 3 đều theo hướng mở nên học sinh hoàn toàn tự xác định những nội dung cụ thể theo cách hiểu của mình. Với cách ra đề như trên, học sinh mang tài liệu vào cũng không có ích gì; người coi thi không cần phải khám hay bắt tài liệu các em.
“Ra đề văn như thế đâu chỉ kiểm tra riêng văn, mà các kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục đạo đức và công dân đều được huy động và vận dụng vào bài viết. Kiểm tra như thế là đổi mới đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực”, ông Thống khẳng định.
Theo TNO
Xem cấu trúc đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được đưa ra cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện phương án thi.
Theo PGS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), chủ trương đổi mới này dựa trên định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của HS theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Chủ trương đổi mới này cũng được đề xuất trên cơ sở thực tiễn dạy học môn Ngữ văn trong các nhà trường, kế thừa những ưu điểm của hình thức thức ra câu hỏi định dạng theo đánh giá PISA đã được triển khai thành công ở nhiều trường THPT nước ta (thực tế cho thấy học sinh thích ứng nhanh với dạng câu hỏi này và đã đạt kết quả khá cao); dạng câu hỏi mở cũng đã được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây - Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Được biết, định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng cũng đã được chỉ rõ trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 - 2014.
Với các câu hỏi được ra theo dạng "đề đóng" như lâu nay, tính tích hợp (giữa các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, Văn học và liên môn) chưa cao. Các câu hỏi chủ yếu đánh giá học sinh (HS) ở hai mức nhận biết và thông hiểu, mức vận dụng hầu như chưa có.
Có 2/3 câu kiểm tra kiến thức về văn học, về những văn bản (VB) đã học trong chương trình và sách giáo khoa (SGK). Để làm bài, HS thường phải ghi nhớ máy móc nội dung của các bài học, học bài văn mẫu...
Như vậy, đề thi chưa giúp đánh giá được năng lực Ngữ văn của học sinh cuối cấp THPT.
Đề thi sẽ nâng cao dần yêu cầu qua từng năm và tập trung vào kiểm tra đánh giá 2 kĩ năng quan trọng mà HS cuối cấp THPT phải đạt đến độ thuần thục qua môn ngữ văn, đó là kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết. Cụ thể là:
Kĩ năng đọc hiểu: Thực tế, năng lực đọc hiểu rất quan trọng đối với mỗi người. HS đã được rèn luyện và kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu từ bậc Tiểu học.
Ở Tiểu học, trong các bài kiểm tra giữa kì, học kì, GV đã đưa vào đề thi những văn bản không có trong SGK. Ở THCS, THPT, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học của môn Ngữ văn để đạt mục tiêu tốt nghiệp THPT, HS đã có khả năng đọc hiểu tốt.
Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu trong kì thi tốt nghiệp THPT là việc hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc.
Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT 2014 tiếp tục được khẳng định trong công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Trong đó nói rõ đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời, không máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Điểm mới chỉ là ở chỗ chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc những nội dung đã đọc hiểu về những văn bản có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu một hoặc một số văn bản không có trong SGK nhưng có cùng đặc điểm về thể loại, đề tài/chủ đề...
Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của HS; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.
Kĩ năng viết: HS cũng đã được rèn luyện kĩ năng viết từ bậc Tiểu học. Đề thi của các năm trước rất coi trọng kĩ năng này (cả 3 câu trong đề thi đều yêu cầu HS trình bày bằng hình thức viết).
Đề thi mới vẫn coi trọng kĩ năng này. Hơn nữa, đề thi mới sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng "mở" và tích hợp kiến thức liên môn chứ không đưa ra những câu hỏi "đóng" (và cả đáp án "đóng"), yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức và làm bài theo những khuôn mẫu có sẵn như trước.
Cách làm mới cho phép HS bộc lộ những suy nghĩ riêng, sáng tạo của bản thân; vận dụng những gì đã học để giải quyết một vấn đề cụ thể của đời sống hoặc văn học một cách sáng tạo và độc lập nhằm đánh giá đúng năng lực viết của các em.
Đề thi và kiểm tra môn Ngữ văn trong vài năm gần đây đã bắt đầu đổi mới theo hướng này.
Theo TTVN
Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở cấp THPT Kiểm tra, đánh giá (KTĐG) chất lượng học tập là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học (DH) ở nhà trường phổ thông, giúp đánh giá năng lực (NL) người học và điều chỉnh phương pháp dạy học (PPDH). Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban...