Đề xuất để thí sinh đăng ký ngành xét tuyển
Xác định thí sinh trúng tuyển thế nào theo phần mềm tuyển sinh quốc gia là nội dung trọng tâm các trường đặt ra trong ngày tập huấn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17.6 tại TP.HCM.
Thí sinh nhận giấy báo dự thi tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nếu phần mềm không có thuật toán chính xác sẽ không đơn giản
Video đang HOT
Tại buổi tập huấn, đại diện một trường CĐ tại TP.HCM băn khoăn, ở đợt xét tuyển bổ sung mỗi thí sinh (TS) được nộp đồng thời 3 phiếu vào 3 trường khác nhau. “Với nguyên tắc TS trúng tuyển sẽ bị xóa tên trên dữ liệu phần mềm, trường hợp TS trúng tuyển vào cả 3 trường thì trường nào nhập hồ sơ sớm, TS trúng tuyển vào trường đó đúng không?”, vị này đặt vấn đề.
Kéo dài thời gian đăng ký cho thí sinh dự tuyển trường công an, quân đội
Ngày 17.6, Bộ GD-ĐT cũng có chỉ đạo gửi các hội đồng thi. Theo đó, Bộ cho biết đến nay việc bố trí, sắp xếp phòng thi tại các cụm (hội đồng thi) đã hoàn tất. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn một số TS tự do dự tuyển các trường công an, quân đội đã qua sơ tuyển chưa đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển. Để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho các TS này, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị các cụm thi trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký, nhập dữ liệu đăng ký dự thi và bố trí để TS được dự thi tại cụm. Thời hạn kéo dài dự kiến đến ngày 23.6.
Trao đổi bên ngoài buổi tập huấn, đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng việc xét tuyển 4 lựa chọn trong nguyện vọng 1 sẽ khó khăn khi có nhiều điểm mới. Năm trước, ở một số trường, khi xét xong nguyện vọng 1A mới tới nguyện vọng 1B, TS 1B phải có điểm trúng tuyển cao hơn 1A. Năm nay, 4 lựa chọn trong nguyện vọng 1 xét bình đẳng, có nghĩa xét đồng thời cả 4 lựa chọn trước khi có điểm trúng tuyển. Sự thay đổi này nếu phần mềm không có thuật toán chính xác sẽ không đơn giản.
Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng do sử dụng phần mềm chung nên có thể xảy ra một trường hợp nếu sau khi nhận được phiếu đăng ký xét tuyển, trường có TS nộp vào không nhập dữ liệu ngay mà trường khác có được bản photo phiếu đăng ký này nhập vào, thì trường có TS đăng ký chính thức không thể nhập dữ liệu được nữa.
Cũng theo tiến sĩ Thông, phiếu đăng ký xét tuyển yêu cầu TS ghi môn xét tuyển. Nếu TS tự ghi có thể xảy ra một số trường hợp ghi không đúng tổ hợp xét tuyển của trường hoặc sử dụng tổ hợp thấp điểm hơn với ngành có nhiều tổ hợp. Vì vậy, tiến sĩ Thông đề xuất chỉ nên để TS đăng ký ngành xét tuyển, còn các trường tự chọn tổ hợp xét tuyển điểm cao nhất dựa trên kết quả thi của TS.
Các trường có thể công bố trúng tuyển tạm thời
Một trong những vấn đề các trường rất quan tâm là có được sử dụng phần mềm tuyển sinh riêng của trường mình, thay vì phải sử dụng phần mềm tuyển sinh chung của Bộ? PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nêu ý kiến: “Chúng tôi đã xây dựng phần mềm để TS đăng ký trực tuyến, chúng tôi cần có câu trả lời chính thức của Bộ để có phương án thực hiện”.
Đại diện một số trường cho biết tại buổi tập huấn này đại diện Bộ GD-ĐT giải thích việc đăng ký trực tuyến thực hiện trong nội bộ từng trường. Tuy nhiên, nếu các trường cho TS đăng ký thoải mái sẽ gây ảo vì chỉ TS đăng ký bằng phiếu xét tuyển có mã vạch mới được tham gia xét tuyển.
Còn về sử dụng phần mềm tuyển sinh, theo đại diện các trường, đại diện Bộ cho rằng Bộ cung cấp, nếu thuận lợi thì các trường có thể sử dụng hoặc chủ động lựa chọn phần mềm thuận tiện nhất cho việc xét tuyển của trường mình. Để thuận tiện cho TS theo dõi, các trường có thể công bố danh sách trúng tuyển tạm thời theo từng đợt công bố 3 ngày/lần theo quy định.
Theo TNO