Đề xuất có môn ‘Trịnh Công Sơn học’: Nhiều băn khoăn
‘Chỉ lưu ý rằng tránh việc đặt tên rất lớn nhưng nội dung lại chưa tương xứng’, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Vừa qua, khi gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thăm Trường ĐH Văn Lang (Cơ sở 2, quận Gò Vấp, TP.HCM), ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường chia sẻ, thời gian tới, trường sẽ nghiên cứu để xây dựng nên môn “Trịnh Công Sơn học” để giảng dạy cho sinh viên.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV Báo Đất Việt chiều 29/4, Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Trường khai thác nội dung, đề tài mới, sáng tạo trong giảng dạy, tôi hoàn toàn hoan nghênh”.
Ông Quốc cho rằng điều quan trọng là nội dung giảng dạy như thế nào? Bởi kiến thức dạy cho học sinh là vô cùng và đương nhiên nó phải phù hợp với chức năng, chương trình giảng dạy của nhà trường.
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ với Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: PLO
“Quan trọng là chúng ta chuẩn bị nội dung tốt, tránh hình thức. Chúng ta cũng đã có Hà Nội học, Việt Nam học, Huế học… quan trọng nội dung học là gì? Còn việc mở rộng kiến thức cho học sinh và phù hợp với chương trình giảng dạy thì rất tốt.
Video đang HOT
Bản thân tôi thấy Trịnh Công Sơn là một nhân vật lớn. Ông không chỉ là nhạc sĩ hay nhà thơ, điều quan trọng ông là hiện tượng ở một thời kỳ lịch sử của đất nước Việt Nam”, ông Dương Trung Quốc đánh giá.
Nhà sử học nhấn mạnh: “Vấn đề còn lại là triển khai như thế nào? Nội dung có xứng đáng được gọi là “Trịnh Công Sơn học” hay không? Chỉ lưu ý rằng tránh việc đặt tên rất hay nhưng nội dung lại chưa tương xứng”.
Trong khi đó, trả lời trên Pháp luật TP.HCM, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm lưu ý, theo quy trình, muốn mở môn hay ngành nào đó thì các trường cần điều tra xem xã hội có nhu cầu hay không, nếu có thì nội dung phải thế nào?
“Bởi, mở ra môn học hay ngành học mà có người học, lại đông người học nữa thì thành công. Nếu ngược lại thì việc đó là thất bại, phải dẹp bỏ. Hơn nữa, có nhu cầu mà nội dung không tốt cũng thất bại, có nội dung tốt mà người dạy không tốt cũng thất bại” – GS.TSKH Thêm nhấn mạnh.
PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Việt Nam học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) bày tỏ sự cẩn trọng.
“Nếu muốn thực hiện, trường cần xem lại: trường tính dạy chuyên đề về Trịnh Công Sơn cho sinh viên ngữ văn hay tính thành lập hội học thuật về ông? Nếu chỉ là một chuyên đề thì đơn giản hơn (như đã nói). Nhưng nếu một ngành học thuật, một hội học thuật về Trịnh Công Sơn thì phải xem đã chín muồi chưa, có sự chuẩn bị đầy đủ chưa, có được giới học thuật đón nhận chưa? Tóm lại cần cẩn trọng khi dùng từ “Trịnh Công Sơn học”" – PGS.TS Đoàn Lê Giang lưu ý.
Theo baodatviet
Đề xuất mở ngành "Trịnh Công Sơn học"
Đề xuất mở ngành Trịnh Công Sơn học đã được đề cập tại buổi gặp gỡ gần đây giữa người thân của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và lãnh đạo Trường ĐH Văn Lang.
Buổi gặp gỡ với mục đích Trường ĐH Văn Lang đưa ra đề nghị được đặt tên hội trường 1.600 chỗ tại cơ sở mới của trường là Hội trường Trịnh Công Sơn.
Đề xuất mở ngành "Trịnh Công Sơn học" được đưa ra tại buổi gặp gỡ giữa người thân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với trường ĐH Văn Lang
Phía gia đình người thân cố nhạc sĩ gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và chồng bà là doanh nhân Nguyễn Trung Trực, cùng Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, một người bạn thân thiết của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ mong muốn một ngày nào đó, nhóm du ca Trịnh Công Sơn của bà sẽ có cơ hội biểu diễn để hát cho sinh viên trên sân khấu của hội trường mà gia đình bà đồng ý sử dụng tên anh trai mình để đặt.
GS Tương Lai cho biết, sự tử tế là những gì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho cuộc đời. Việc đặt tên Trịnh Công Sơn cho một hội trường đại học là một hình ảnh đẹp, khơi gợi trong những con người trẻ như sinh viên một sự trong sáng, một sự tử tế để họ bước ra cuộc đời và sống tử tế.
Hội trường này được đặt tên là Hội trường Trịnh Công Sơn
Cũng tại buổi gặp nói trên, chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, ông Nguyễn Trung Trực chia sẻ những dự định cho âm nhạc Trịnh Công Sơn trong 2 năm tới, hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ. Ông chủ động đề nghị Trường ĐH Văn Lang nghiên cứu giảng dạy môn "Trịnh Công Sơn học".
Phía lãnh đạo ĐH Văn Lang cũng đồng ý môn "Trịnh Công Sơn học" sẽ là một điểm nhấn trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, Piano, Thanh nhạc, Đông phương của trường với mong muốn qua đó, sinh viên có thể học được cả về bản sắc văn hóa và tâm tính dân tộc
Hoài Nam
Theo Dân trí
8 bí kíp giúp con cải thiện hiệu quả học tiếng Anh Làm thế nào giúp con mình cải thiện trình độ tiếng Anh để học tốt hơn? Đây là 8 bí kíp của Tiến sĩ Henry Toi, Trưởng khoa nội dung và chương trình giảng dạy tại Little Green House. Hãy tạo môi trường sử dụng tiếng Anh gần gũi Ngôn ngữ được học tự nhiên thông qua việc tiếp thu từ giao tiếp...