Đề xuất cho học sinh THCS học lên cao đẳng
Thay vì học xong THCS phải qua trung cấp rồi lên cao đẳng, Thứ trưởng Lao động đề nghị cho học sinh nhảy cóc, bỏ qua giai đoạn trung cấp.
Thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi sáng 15/11, đại biểu Lê Quân (Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải có 30% học sinh THCS học nghề và đến 2025 đạt 40%. Tuy nhiên, hiện nay con số thực tế mới khoảng 8%. Việc phân luồng ở đa số địa phương chưa tốt, chưa thực sự gắn với đào tạo.
“Hiện công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề, họ lăn lộn đến tận thôn xóm, bản làng để tư vấn tuyển sinh”, ông Quân nói.
Từ thực tế đó, ông kiến nghị, cần ưu tiên phân luồng học sinh. Hiện nay, các địa phương rất ưu tiên trường chuyên, lớp chọn, nhưng chưa quan tâm đến những em không đỗ vào THPT. Điều này làm lãng phí nguồn lực xã hội.
Thứ trưởng Lao động Lê Quân tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội
Thứ trưởng Lao động nói, xu hướng của thế giới là để người dân gia nhập thị trường lao động sớm. Nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng, sau đó có thể học liên thông vào đại học. Mô hình này đã thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các quốc gia phát triển như Pháp, Anh.
“Nếu phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu. Chúng ta có nguồn lao động chất lượng, tăng cường tuổi lao động sớm đặc biệt là con em nhà nghèo, người dân tộc thiểu số”, ông Quân nói.
Video đang HOT
Đại biểu TP Hà Nội nhận xét, chính sách phân luồng khó khăn do bậc THPT mở nhiều trường tư thục, trường đại học mở cửa đầu vào, không có rào cản kỹ thuật về học phí và tiêu chí. Các đại học công được nhà nước đầu tư lại có chỉ tiêu ấn định nên giữa đại học và cao đẳng cạnh tranh mạnh mẽ, gây nguy cơ lãng phí.
Ông Quân cho rằng hiện nay có hai điểm nghẽn. Đó là hết lớp 9 học sinh được vào học trung cấp nhưng luật quy định các em vừa học trung cấp vừa phải học văn hoá. Điều này dẫn đến chương trình nặng, tổ chức đào tạo không hợp lý vì học nghề một nơi, học văn hóa ở nơi khác, khiến việc dạy nghề khó chất lượng. Hơn nữa, theo quy định phải học hết trung cấp mới liên thông lên cao đẳng, như vậy học viên phải mất thêm một năm để hoàn thành văn hóa mới được học tiếp.
Từ thực thế đó, ông Quân đề nghị luật ghi rõ ưu tiên phân luồng học sinh, hướng các em học nghề, đồng thời bổ sung trách nhiệm phân luồng là của ai và giải pháp thực hiện. “Đề nghị dự luật quy định học sinh THCS không chỉ học lên trung cấp mà có thể lên cao đẳng. Bộ Lao động đã thí điểm cho học sinh học hết 9 năm lên học cao đẳng, thiết kế tổng thể cả văn hoá và nghề nghiệp. Khi đó, khoảng 18-19 tuổi các em gia nhập thị trường lao động”, Thứ trưởng Quân nói.
Đề nghị thí điểm trong giáo dục phải xin ý kiến thường vụ Quốc hội
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho ý kiến về từ “thực nghiệm” trong dự thảo luật. Điều 29 luật hiện hành quy định về xây dựng sách giáo khoa thực nghiệm, còn trong dự thảo luật sửa đổi “thực nghiệm” nằm ở phần quản lý nhà nước về giáo dục.
Cụ thể, điều 113 của dự luật quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công. Như vậy là khi đại trà mới xin ý kiến, còn thí điểm thì không.
“Đề nghị vấn đề thí điểm, thực nghiệm phải được thông qua ở Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông nói và dẫn chứng mô hình trường học mới VNEN tốn tiền tỷ nhưng hết giai đoạn 2015-2016 không tổng kết, “nếu như có bất cập thì học sinh đi về đâu”.
Dự luật còn có quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng băn khoăn, như thế nào là chủ trương lớn, chủ trương nhỏ?
“Tôi đề nghị sửa lại, đơn giản là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về giáo dục đào tạo”, ông Tuấn nói.
Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, giáo dục phổ thông gồm tiểu học, THCS và THPT. Giáo dục nghề nghiệp gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Giáo dục đại học gồm trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Học hết bậc THCS, học sinh được phân luồng theo hai hướng hoặc là THPT, hoặc là Trung cấp. Phải tốt nghiệp hai bậc học này, học sinh mới có thể đi tiếp lên cao đẳng (2-3 năm), hoặc đại học.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Miễn học phí phải công bằng với học sinh ngoài công lập
Miễn giảm học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS trường công lập là một nội dung được bàn sôi nổi tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Ảnh minh họa
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong Hiến pháp đã ghi giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Là đương nhiên thì phải bố trí kinh phí thế nào để thực hiện.
Quan điểm rất rõ ràng, nhưng vấn đề là tiền ở đâu? Trong tình hình ngân sách khó khăn, chi một khoản tiền 4.730 tỉ đồng/năm cho miễn giảm học phí là điều cần phải tính toán. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đủ tiền để miễn học phí cho học sinh THCS, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ việc cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Đương nhiên là phải hỗ trợ cho học sinh của trường ngoài công lập, bởi vì đó là sự công bằng. Các em đều thuộc đối tượng giáo dục bắt buộc, vậy thì công hay tư cũng phải được sự chăm sóc, hỗ trợ như nhau. Một suất học sinh ngoài công lập phải được hưởng hỗ trợ tương đương với mức học sinh công lập được miễn giảm.
So ra, 4.730 tỉ đồng/năm cho miễn giảm học phí không phải là quá lớn, Bộ GDĐT có thể cân đối các khoản khác để dành số tiền này cho các em. Ngay trong việc biên soạn sách giáo khoa, không ít ý kiến cho rằng, đã xài quá nhiều tiền, bất hợp lý. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - cho rằng: "Năm 2001, Bộ GDĐT được phê duyệt ngân sách nhà nước 11 tỉ đồng để xây dựng bộ chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học và cao đẳng. Số tiền này quả thực chúng tôi "tiêu mãi không hết", dù chương trình đại học rất đa dạng, khối lượng lớn gấp nhiều lần chương trình phổ thông. Trong khi đó, ở khu vực giáo dục phổ thông thời điểm năm 2014, số tiền viết SGK trong dự thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK là 5.000 tỉ đồng".
Còn nhiều khoản khác liên quan đến hoạt động biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, chưa kể các đề án khác, nếu minh bạch chi tiêu, sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền để phục vụ cho giáo dục, trong đó có việc miễn giảm học phí cho
học sinh.
TPHCM đang tiến hành các bước thủ tục để thực hiện miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn theo như đề xuất của liên Sở Tài chính - Giáo dục và Đào tạo, dự kiến khoảng 350 tỉ đồng/năm. Nhưng không biết trong số này, đã có khoản hỗ trợ cho học sinh ngoài công lập hay chưa?
LÊ THANH PHONG
Theo laodong.vn
Miễn học phí với mầm non và THCS: Vui đấy nhưng cũng lại lo đấy Chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS của Chính phủ được đông đảo người dân và dư luận ủng hộ, hưởng ứng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lo lắng liệu khi triển khai về địa phương có biến tướng ra nhiều các khoản phụ thu khác. Hình minh họa - Ảnh...