Đề xuất bỏ viết sách khỏi tiêu chí xét công nhận giáo sư
Nhiều chuyên gia cho rằng, lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật không nhất thiết cần sách để thể hiện trình độ của ứng viên giáo sư.
Nhiều chuyên gia cho rằng nên thay đổi tiêu chí cứng viết sách khi xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ảnh minh hoạ.
Sau đợt công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, nhiều chuyên gia ngành Vật lý cảm thấy tiếc cho một ứng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo PGS Trần Văn Tớp (Hiệu phó nhà trường), ứng viên chức danh giáo sư này có nhiều bài báo đăng trên tạp chí danh tiếng trong danh mục ISI, Scopus. Ông miệt mài với các nghiên cứu ứng dụng chiếu sáng và đạt không ít thành tựu. Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở, ngành đã đề nghị xét đặc cách, tuy nhiên do thiếu điểm viết sách nên ông bị trượt.
GS Vũ Tuấn (nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc dùng tiêu chí cứng là viết sách để đo lường trình độ ứng viên ở một số ngành như khoa học tự nhiên, kỹ thuật không ít lần đã “để lọt” người xứng đáng.
“Trong lĩnh vực khoa học xã hội, sách giáo trình hay chuyên khảo có thể biểu thị sự hiểu rộng biết sâu của tác giả, nhưng những ngành như Toán, Lý, Hóa… thì sự biểu thị rõ ràng nhất nằm ở công trình khoa học. Chỉ những người có trình độ khoa học cao mới có được kết quả nghiên cứu ở trình độ cao, được tạp chí uy tín trong nước và quốc tế công nhận và đăng tải”, ông Tuấn nói.
Video đang HOT
Ông Tuấn đề xuất bỏ tiêu chí cứng là viết sách khi xét công nhận chức danh giáo sư ở ngành kỹ thuật, tự nhiên. Các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Australia cũng không đòi hỏi ứng viên giáo sư phải viết sách hay giáo trình.
TS Lê Viết Khuyết (nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng không phải cuốn sách nào cũng có ứng dụng thực tế hay đóng góp cho khoa học, giáo dục, nhất là trong bối cảnh thị trường sách bị thả nổi, nhiều nhà xuất bản không quan tâm chất lượng tác phẩm. Cũng không có hội đồng chuyên ngành nào thẩm định giáo trình, sách chuyên khảo này trước khi được xuất bản.
Việc dễ dãi trong xuất bản sách phục vụ đào tào và cứng nhắc trong quy định nhiều sách được nhiều điểm, theo ông Khuyết, đã dẫn đến việc đánh giá chất lượng ứng viên giáo sư chưa thực chất. “Một bài báo quốc tế ý nghĩa hơn nhiều lần 10 cuốn sách không có ứng dụng thực tiễn”, TS Khuyết nói.
PGS Nguyễn Hồng Cổn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản khi không có sự thẩm định của hội đồng khoa học. PGS Cổn và TS Khuyết kiến nghị “siết chặt” và nâng cao quy định xuất bản sách phục vụ đào tạo. Các tác phẩm này phải vượt qua vòng sát hạch của hội đồng chuyên gia trong trường đại học, nơi tác giả làm việc, hội đồng ngành… trước khi được in và phát hành tới cộng đồng.
“Mỗi ngành, lĩnh vực có một đặc thù nên tiêu chí đánh giá giáo sư, phó giáo sư cũng có điểm riêng, phù hợp cho từng ngành”, PGS Cổn nói. Ông đề xuất xem xét bỏ tiêu chí viết sách với ứng viên khối ngành khoa học tự nhiên, nhưng giữ tiêu chí này với khoa học xã hội.
Trong tiêu chí riêng cho ngành Ngôn ngữ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhất thiết ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải có bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus. Ứng viên phó giáo sư chỉ cần ít nhất một cuốn sách giáo trình, còn giáo sư nhất thiết phải có thêm sách chuyên khảo để chứng minh người đó đã thực hiện tốt cả chức năng đào tạo và nghiên cứu.
Quyết định 174 năm 2008 của Thủ tướng nêu rõ, ứng viên phải biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Sách này đã được xuất bản, nộp lưu chiểu trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.
Ứng viên phó giáo sư không đòi hỏi phải viết sách.
Theo VNE
Nhìn ra thế giới: Trở thành giáo sư khó không?
Vẫn biết đỉnh cao nhất của những người làm khoa học là các công trình, sáng chế, cống hiến có lợi ích cho nhân loại, dân tộc, cộng đồng. Song họ cũng mong mỏi được xã hội thừa nhận qua các học hàm và học vị.
Chức danh giáo sư ở các nước
Nhìn chung, trên thế giới có ba cấp học hàm, theo thứ tự từ trên xuống: giáo sư (Full Professor), phó giáo sư (Associate Professor), giáo sư trợ tá (Assistant Professor). Tiêu chuẩn về học hàm của mỗi nước khác nhau. Tại các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, các chức danh này được nhà nước cấp duyệt thông qua các cấp hội đồng khoa học, đây là các chức danh được cấp suốt đời.
Điều kiện cần để trở thành phó giáo sư ở Việt Nam là: sau khi có bằng tiến sĩ 3 năm, đạt thâm niên giảng dạy đại học 6 năm, thực hiện ít nhất hai đề tài nghiên cứu cấp cơ sở hoặc một đề tài cấp bộ, có các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng thế giới, hướng dẫn thành công ít nhất là hai thạc sĩ hoặc một tiến sĩ. Điều kiện cần trở thành giáo sư là gấp đôi phó giáo sư. Sau đó qua các vòng xét duyệt của các hội đồng.
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, các chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ là vị trí tuyển dụng ở các trường đại học. Có nghĩa là nếu anh chỉ là thạc sĩ ở Việt Nam, anh trúng tuyển vào vị trí giáo sư ở một trường tại Nhật Bản thì anh sẽ được gọi là giáo sư. Nhưng chức danh này chỉ có giá trị khi anh đang giảng dạy ở trường đó.
Ở Úc, chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng chỉ có giá trị khi anh đang giảng dạy ở trường, nhưng tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn nhiều. Mỗi trường chỉ được phân bố số lượng giáo sư và phó giáo sư nhất định, số lượng này nói nên đẳng cấp của trường đó trong hệ thống giáo dục. Cho dù trường có nhiều người giỏi đến đâu, chỉ khi các giáo sư và phó giáo sư nghỉ hoặc chuyển đi nơi khác, trường mới xét duyệt người mới thế vào chỗ trống.
Tại Mỹ, Canada, châu Âu, các chức danh giáo sư gắn rất chặt với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở trường đại học. Khi anh tạm rời công tác ở trường để làm công việc khác cho chính phủ, do dù cũng ở ngành đó, ví dụ giáo sư trường luật đi làm cho bộ tư pháp, thì trong thời gian đó, anh không được mang danh giáo sư. Làm xong công việc chính phủ, trở lại trường, anh vẫn chưa thể có lại ngay danh hiệu giáo sư, mà phải mất một thời gian tái chứng minh năng lực nghiên cứu, giảng dạy để trường thẩm định lại.
Mỹ có khái niệm "tenure professor", trong đó "tenure" nghĩa là biên chế, một người được bổ nhiệm theo quy chế "tenure" sẽ được mang chức danh giáo sư suốt đời, trường không có quyền đuổi việc họ nếu họ không phạm sai lầm gì đáng kể (ví dụ như các tội hình sự) để cho họ cảm thấy an toàn, tự do theo đuổi học thuật, tri thức, phản biện xã hội...
Ở các nước châu Âu cũng có quy chế tương tự như "tenure" nhưng sau đó họ bãi bỏ, với lý giải rằng các giáo sư mới đầu rất chăm chỉ, phấn đấu để đạt được "tenure", sau khi đạt được thì họ bắt đầu lười biếng, không cho ra được những công trình nghiên cứu gì đáng kể nữa. Các trường châu Âu giờ áp dụng quy chế "non-tenure", giống như là ký các hợp đồng có thời hạn với các giáo sư, có các ràng buộc cụ thể.
Trở thành một giáo sư khó thế nào?
Trở thành một giáo sư ở Mỹ, châu Âu rất khó khăn. Trang Smart Science Career nêu ra 10 "tham số" mà hội đồng tuyển chọn giáo sư thường dựa vào để đánh giá các ứng viên khi chọn giáo sư mới.
Khả năng tự gây quỹ: Đầu tiên là phải có tiền để nghiên cứu, anh không thể bỏ vài ngàn đô la mỗi năm cho nghiên cứu hầu mong cơ hội tỏa sáng. Có tiền thì anh mới có các thiết bị, công nghệ, dữ liệu, người trợ giúp tốt để nghiên cứu. Ngân sách từ các viện trường có hạn, không thể cấp cho anh nghiên cứu, anh phải tìm tài trợ từ các tổ chức, công ty bên ngoài.Chọn ngạch chuyên môn thích hợp: Trước khi trở thành giáo sư, các nhà khoa học đều làm việc 5-10 năm hoặc hơn trong một lĩnh vực nào đó, có các bằng sáng chế và các công trình nhất định. Chọn ngạch rộng quá không tốt vì kiến thức dàn trải nhiều, khó có những sản phẩm cốt lõi. Chọn ngạch hẹp quá ảnh hưởng đến việc gây quỹ nghiên cứu.Các bài báo khoa học: Nếu không có trình độ lý luận thì làm sao có thể tồn tại trong môi trường học thuật, hầu như không có cơ hội trở thành giáo sư cho những nhà khoa học không có xuất bản nào về khoa học.Kinh nghiệm giảng dạy: Một trong những việc chính của giáo sư là giảng dạy. Thâm niên giảng dạy, đánh giá từ sinh viên và kể cả bài giảng mẫu trước hội đồng tuyển chọn sẽ là cơ sở để hội đồng chấm điểm.Trải nghiệm với nhiều nền văn hóa: Đi nhiều ra nước ngoài dự các hội thảo khoa học và giảng dậy giúp các nhà khoa học mở rộng tầm nhìn về khoa học và văn hóa ở các nước khác, từ đó thấu hiểu hơn về những khó khăn, thách thức, khác biệt mà các sinh viên nước ngoài phải đối mặt khi đến trường mình học tập.Quan hệ tốt trong lĩnh vực mình nghiên cứu: Quan hệ ở đây là với các công ty, tập đoàn cùng lĩnh vực, thứ nhất là tốt cho anh trong việc gây quỹ, tìm dữ liệu, thứ hai là tốt cho trường trong việc hợp tác nghiên cứu, sản xuất, chế tạo.Danh tiếng và mạng lưới quốc tế: Tăng khả năng hợp tác nghiên cứu, đồng tác giả, đồng sáng chế với các đối tác nước ngoài, đa dạng hóa nguồn lực.Các kỹ năng về công nghệ: Nhằm để thích nghi với những thay đổi liên tục trong công nghệ. Tiêu chí này không hề thừa, những ngành nghe có vẻ "xưa" nhất như khảo cổ học lại luôn dùng những công nghệ mới nhất.Tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, sự độc lập trong khoa học: Nghe các tiêu chí này có vẻ trừu tượng, khó đong đếm. Nhưng nghiên cứu là để phục vụ tương lai, nếu anh không có tầm nhìn thì nghiên cứu của anh phục vụ ai. Nếu anh không có các kỹ năng lãnh đạo như xây dựng đội ngũ, chọn đúng người thì các dự án của anh luôn xảy ra xung đột và chẳng đạt được kết quả nào.Từng có kinh nghiệm quản lý viện trường: Đây là một điểm không cần thiết lắm, nhưng là một điểm cộng cho ứng viên khi hội đồng xét duyệt. Nếu có kinh nghiệm này, anh sẽ biết các khó khăn và giải pháp khi kết hợp mọi người với nhau.Smart Science Career chỉ ra rằng vì ngân sách của các trường có hạn nên số lượng vị trí giáo sư không nhiều, chỉ có 3 - 5% tiến sĩ (PhD) trở thành giáo sư. Họ khuyên nếu muốn trở thành giáo sư, bạn phải yêu khoa học thật nhiều để kiên nhẫn chờ đợi. Lương trung bình hàng năm của một giáo sư ở Mỹ là 92.420 đô la Mỹ, với khoảng dao động từ 77.180 đến 160.017 đô la.
Theo Thesaigontimes.vn
Tranh cãi xung quanh chuyện xem xét bổ nhiệm giáo sư Trong hai ngày qua, một trong những thông tin thu hút nhiều sự chú ý và gây ra nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội là kết quả việc rà soát công tác bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Việc rà soát này xuất phát từ yêu cầu của Thủ tướng, trước thực trạng...