Đề Văn 2016: Khơi sâu mạch cảm xúc cho thí sinh
Sáng 2/7, nhiều thí sinh kết thúc bài thi Ngữ văn sớm. Một số em cho biết đề Văn 2016 hay, có câu nghị luận xã hội mở. Một số giáo viên cũng đồng tình với nhận xét này.
9h30, tại điểm thi Đại học Bách Khoa Hà Nội, một số thí sinh ra sớm. Em Nguyễn Trung Đạt, trường THPT Phú Xuyên A cho biết: Đề thi năm nay khá sát với thực tế. Bài nghị luận xã hội nói về nghị lực và sự hèn nhát của con người.
Bài văn nói về phân tích cách xây dựng tình huống trong tác phẩm Vợ nhặt. “Em đã làm hết 2 tờ giấy thi trong 2 tiếng, dự đoán được 7 điểm”, Đạt chia sẻ.
Phấn khởi vì làm được bài
Em Nguyễn Trọng Nam (THPT Mai Thúc Loan, Hà Tĩnh) là một trong những thí sinh tại điểm thi của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh nộp bài thi sớm. Nam cho biết làm xong bài khi hết 2/3 thời gian.
Tại điểm thi ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài Ngữ văn. Những em này phấn khởi cho biết làm bài khá tốt.
Trước khi bước vào buổi thi Ngữ văn, nhiều học sinh tại Đà Nẵng dự đoán đề thi sẽ có các câu hỏi liên quan biển đảo. Tuy nhiên, đề thi năm nay không đề cập đến vấn đề này mà thay vào đó là những câu hỏi về ngôn ngữ Tiếng Việt và kiến thức xã hội về “tư tưởng cá nhân”.
Bạn Nguyễn Thị Diệu (hội đồng thi ĐH Bách Khoa) cho biết, đề thi năm nay khá dàn trải, đòi hỏi thí sinh phải am hiểu kiến thức xã hội.
“Đề thi này không quá khó, em dự đoán được ít nhất 7 điểm”, Diệu tự tin cho hay.
Nguyễn Trung Đạt cho biết em làm bài khá tốt và rời phòng thi sớm. Ảnh: Việt Hùng.
Khơi sâu mạch nguồn cảm xúc
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội), đề thi kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản mà các em được cung cấp ở phổ thông.
Video đang HOT
Nội dung kiểm tra kiến thức và kỹ năng không mới, nhưng các câu hỏi đọc hiểu và nghị luận xã hội đã khơi sâu hơn mạch nguồn xúc cảm thẩm mỹ và giá trị nhân văn cho người viết, đề cập những vấn đề vừa muôn đời, vừa mang tính thời sự về cách sống trung thực, bản lĩnh, sự hoà nhập, sẻ chia trong cộng đồng.
Câu hỏi mở khiến thí sinh suy nghĩ về bản thân
Theo thầy Nguyễn Văn Học (giáo viên dạy Văn mới về hưu), đề thi hay, nhất là các câu hỏi liên quan “số phận của những cái liên quan tuyệt đối cá nhân” – các câu 6, 7, 8…
“Theo tôi, đây là câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tự luận. Điều hay nhất là từ câu hỏi này, thí sinh có thể ngẫm suy về chính mình. Nếu thí sinh “không có tư tưởng cá nhân” thì sẽ làm tốt phần thi này và ngược lại. Câu hỏi mang tính giáo dục rất cao. Tổng thể đề thi cũng không khó. Tôi tin, các em sẽ làm được khoảng 70% bài thi này”, thầy Học nhận định.
Tiến sĩ Phạm Hữu Cường- Giáo viên Ngữ văn Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Đề thi có cấu trúc tương tự năm 2015. Đề có kiến thức tương đối cơ bản, không quá khó với học sinh.
Phạm vi kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình ngữ văn 12. Tuy nhiên, học sinh vẫn phải nắm chắc kỹ năng làm văn từ lớp 11 mới có thể giải quyết tốt đề thi này.
Đề thi đảm bảo mục tiêu lấy kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, phân hóa tốt. “Với đề thi này, phổ điểm phổ biến sẽ nằm trong khoảng 6-7 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt 8 – 9 điểm, số học sinh đạt trên 9 điểm sẽ hiếm”, tiến sĩ Cường nhận định.
Cấu trúc đề thi không mới nhưng có sức nặng
Thầy Hồ Hoài Khanh, giáo viên môn Văn, trường THPT Nhân Việt (TP HCM) bày tỏ quan điểm: Cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2016 giống với năm ngoái, nhưng có độ “nặng” hơn, khả năng phân hóa cao hơn.
Đề thi vẫn có 3 câu hỏi hướng đến phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó, thí sinh làm bài tương đối dễ dàng phần đọc hiểu, vì đã được định hướng và ôn tập trước đó.
Ngữ liệu đọc hiểu rất hay và không đánh đố, dự đoán học sinh làm tốt phần này, đặc biệt là các em ở TP HCM, vì ngữ liệu đọc hiểu số 2 cũng chính là ngữ liệu trong đề thi mẫu của TP HCM năm vừa qua.
Đề thi phân hóa rõ nhất ở câu nghị luận văn học, nhận định về tình huống truyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, học sinh phải bình luận để làm rõ.
Với đề thi này, học sinh không có những đơn vị kiến thức về khái niệm “tình huống truyện”, về hệ thống tất cả các nhân vật, mà còn phải vận dụng thật tốt những kỹ năng làm văn mới có thể đạt điểm tốt.
Tính phân loại cao
Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên trường THPT Quốc tế Newton (Hà Nội) nhận xét: Đề thi môn Ngữ văn hay, vừa sức và có tính phân loại cao. Nội dung kiến thức và kỹ năng phù hợp, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản của chương trình vừa cập được những hiểu biết cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
Hiểu biết tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ dân tộc nói chung luôn là điều cần thiết đối với học sinh và đó cũng là nhiệm quan trọng của giáo dục. Bên cạnh đó, vấn đề cuộc sống trong mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, vấn đề thái độ ứng xử hèn nhát hay có dũng khí cũng là điều không thể thiếu trong việc định hướng nhân cách cho con người.
Phần đọc hiểu không đánh đố học sinh, nắm chắc các kiến thức tập làm văn và tiếng Việt như: chủ đề của đoạn văn biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, phát hiện từ ngữ và hình ảnh thơ tiêu biểu…học sinh đã có thể đạt được số điểm.
Những thí sinh kết thúc bài làm khá sớm tại điểm thi ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP HCM). Ảnh: Phước Tuần.
Đôi chút tiếc nuối
Thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) cho rằng câu nghị luận văn học mang tính truyền thống. Học sinh giỏi phải biết giải thích ý kiến tình huống bất thường và khát vọng bình thường, biết cách phân chia luận điểm rõ ràng.
Câu nghị luận xã hội đề cập tư tưởng đạo lý nhưng học sinh có thể lấy các vấn đề hiện tượng đời sống để làm sáng rõ. Đề có 2 vế, học sinh nên nhấn vào vế thứ 2, đề cao sự dũng cảm, trong đó, quan trọng nhất là dũng cảm đối diện với bản thân, tự nhận, sửa sai mới tìm được chính mình.
Theo Trịnh Quỳnh chia sẻ đôi chút tiếc nuối khi đề thi vẫn đòi học thuộc lòng văn bản nên không mới, học sinh dễ tư duy đề thi đi theo lối mòn.
Theo Zing
325 thí sinh bỏ thi môn Ngữ văn vào lớp 10
Trong buổi sáng thi Ngữ văn ngày 8/6, 325 thí sinh bỏ thi, không em nào bị đình chỉ vì vi phạm quy chế. Chiều nay, thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội làm bài môn Toán.
Kết thúc buổi thi đầu tiên, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: 325 thí sinh bỏ thi môn Ngữ văn.
Một thí sinh bị tai nạn trước ngày thi, Hội đồng thi đã tạo điều kiện cho em làm bài trên giường bệnh.
Đó là em Đào Kiều Khánh, học sinh THCS Tô Hoàng, thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú. Không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Thí sinh chờ làm bài môn Ngữ văn sáng 8/6. Ảnh: Lê Hiếu.
Theo đánh giá của nhiều học sinh, đề thi năm nay không quá khó. "Câu nghị luận xã hội đề cập vấn đề khá quen thuộc - giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nội dung các câu còn lại bám sát chương trình học", Hồng Nhung, thí sinh tại điểm thi trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), cho biết.
TS Phạm Hữu Cường - người có kinh nghiệm 20 năm giảng dạy môn Ngữ văn - cho rằng, đề thi năm 2016 tương đối hay, yêu cầu học sinh đáp ứng được kiến thức cơ bản và mở rộng, đảm bảo yêu cầu tuyển sinh vào lớp 10.
Yêu cầu của đề rõ ràng, mạch lạc, kích thích khả năng bày tỏ quan điểm của học sinh. Câu nghị luận nêu trách nhiệm của thế hệ trẻ rất có giá trị. Đây là vấn đề thời sự, thế hệ trẻ quan tâm.
Với câu hỏi này, nhiều học sinh có thể nêu các vấn đề như "cuồng Kpop" hay trào lưu Hậu duệ Mặt trời. Tuy nhiên, dù đặt ra vấn đề nào đi chăng nữa, học sinh cũng phải nêu rõ ý, tiếp thu được truyền thống văn hóa nước ngoài làm giàu cho truyền thống văn hóa dân tộc.
Đề thi có cấu trúc cân đối bao gồm cả câu dễ và khó, sẽ phân loại tốt học sinh. Dự đoán phổ điểm của đề thi là 7-8 điểm.
Kỳ thi vào lớp 10 diễn ta từ ngày 8 - 10/6 tại Hà Nội và 11 - 12/6 tại TP HCM. Học sinh thi hệ không chuyên làm bài thi môn Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ.
Theo số liệu thống kê mới nhất, năm nay, 67.500 học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Trong đó, 53.000 em thi vào hệ công lập và 14.500 em ngoài công lập. Tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 8.150 học sinh, trường trung cấp chuyên nghiệp 5.850 em.
Hà Nội huy động hơn 9.000 giám thị tham gia công tác coi thi vào lớp 10.
Theo Zing
Sáng kiến sơ đồ hóa phần tổng kết bài học môn Ngữ văn Để khắc phục những hạn chế của phương pháp dạy truyền thống, cô Trần Thị Liễu, Ngô Thị Thu Hiền - Giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) đã đầu tư công sức và trí tuệ để xây dựng sáng kiến sơ đồ hóa phần tổng kết bài học môn Ngữ văn Chùm sơ đồ làm mới cách tổng kết bài...